Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Thơ023- Vốc Nước Sông Quê

Vốc Nước Sông Quê

Năm trước về thăm quê cũ
Qua ngang con rạch ngày xưa
Nước đang "đầy mà" tỏa mát
Lênh bênh một cái bặp dừa

Chào "người bạn" thời thơ ấu
Nhờ ngươi vững bụng tập bơi
Mấy lần để chuồn cắn rún
Bày cho rồi xúm nhau cười

Ngây ngô một thời trẻ dại
Sông quê nước đỏ đục ngầu
Chia ranh bày trò trận mạc
Hai phe ... kịch chiến cùng nhau

Bên ta hồi nào cũng mạnh
Chỉ thua vào phút cuối cùng
Trống trường đổ tràng thúc giục
Qua loa cọ rửa đất bùn

Vô lớp tóc tai mốc thít
Áo còn lốm đốm mồ hôi
Thầy thương học hành chăm chỉ
Nhớ công ơn nắn khoảng đời

Vô thành tuổi mới mười ba
Đem theo cánh đồng muối mặn
Mền thô màu nhuộm vỏ và
Nẻo quê ngày xa thăm thẳm

Từ hôm nhìn lại bông bần
Rải phấn theo dòng nước chảy
Tự dưng một mình đứng lại
Sông ơi Người đẹp vô ngần

Bao năm hết ròng lại lớn
Còn hoài thuở tuổi mười ba
Khách xưa vói tay vốc nước
Nhạt nhòa theo lượn phù sa

NhàQuê Oct 18, 2013

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Văn- Hỷ Khúc NGAO DU 16



Hỷ Khúc NGAO DU

(18 ngày Hè)


Hỷ Khúc 16: Trước Khi Giã Từ Bắc Cali


Ghi chú sự chỉ dẫn của Thanh, chúng tôi lên đường trở lại hướng San Jose sau khi đã tiếp thêm xăng và mua mấy món ăn vặt trên xe từ cửa hàng tạp hóa của trạm xăng: Được chiếu cố nhiều nhất là khô bò cho đỡ buồn ngủ, còn hai cô cháu nội ngoại có thứ riêng tự chọn nghe nhai lốc cốc ở hàng ghế sau... Chúng tôi đi một đoạn I-80 xong tách qua I-680 về hướng Fremont ... Nói nghe đơn giản thế chứ thực tế ngồi những 3 giờ xe ngán khan!

Ra khỏi Freeway quẹo phải trái vài lần GPS báo điểm đến, trước đó tôi đã gọi cho Ngô Kim Dung hay ... Mục đích là chúng tôi ghé thăm cô hai Anh, thân mẫu của Dung, Thanh và Lệ.





Cô Ngô Thị Anh là một nhà giáo đã dạy nhiều đứa em tôi, năm nay đã 86 tuổi nhưng còn minh mẫn, nghe tiếng tôi qua điện thoại bà nhận ra ngay ... Bà vốn là nữ sinh trường trung học Gia Long thời trường còn gọi là "Trường Áo Tím" ... như thế cũng đồng nghĩa để hiểu về sự sung túc của một gia đình miền quê mà gởi con đi học Sài Gòn.

Các em con của bà được sự dạy dỗ chu đáo nên em nào cũng giữ được sự lễ phép thật đáng quí: ... Dung đứng hầu chuyện suốt cuộc gặp gỡ nầy!



Bà hiện sống với đứa con gái út Ngô Thị Lệ cũng là cô học trò tôi ở Trung Học Ba Tri, nhưng vào lúc tôi ghé đây thì em cùng chồng con về thăm quê hương và đang ở Việt Nam; vì thế Ngô Kim Dung từ Florida sang phụ chăm sóc bà cùng với thân nhân khác.

Dĩ nhiên cuộc hội ngộ sau hằng 30 năm biết bao là vui và cảm động ...

Như phần đông vườn sau nhà có đủ "hoa lá cành" từ sả ớt rau thơm, cây táo tàu oằn trái và đặc biệt có tiếng gà gáy ban trưa: Những hình tượng đặc thù của quê hương đang đứng bên cạnh; làm tôi nhớ lại bản nhạc Món Quà Sinh Nhật:




Sau đó Dung mời chúng tôi ăn trưa ở nhà hàng "Vũng Tàu" ... Lại đem tên một vùng biển quê hương sang đây ... Giống như lần ở San Diego 7, 8 năm trước: món canh chua với cá kho tộ đã làm nhà hàng tiếp thêm cơm cho chúng tôi muốn không kịp!



Khi từ giã Dung, tôi quên lững một việc trong lúc con gái tôi nhớ mà không nhắc; Đó là mua một món quà vào mùa Trung Thu gởi nhờ Dung đem về giùm biếu cô hai ... Tới mãi khi viết lại đoạn nầy tôi vẫn còn hối tiếc về thiếu sót của mình!

Hình như trên đường đến Cupertino, chúng tôi có ghé qua Lee's Sandwiches trong vùng trước khi đến nhà Đặng Trung Nghĩa ... Hai hôm trước khi gặp nhau ở nhà cô Kim Ngân, Nghĩa và tôi bàn nhau thay đổi chút ít về thời biểu: Dời ngày đi thăm thân mẫu của Nghĩa và thay vì đêm 19-08-2013 chúng tôi "dừng quân" ở Seaside thì chúng tôi ghé nhà Nghĩa ở Cupertino, phía Tây của San Jose khoảng 15 tới 20 phút xe.

Cô Kim Ngân có kể là giá nhà vùng Cupertino rất cao và Nghĩa có chỉ tôi xem ngôi nhà gần đó đã treo bảng Sold với giá 1.6 triệu ... Nếu cùng loại như thế nơi tôi sinh sống có lẽ khoảng 180 ngàn ... còn với nhà brand new ở Wylie, Texas chắc vào khoảng 210 ngàn ... Thế mới biết đời sống ở Đất CaLi không dễ dàng cho những ai mới dọn về đây! Và đặc biệt Cupertino nơi đặt "Đại Bản Doanh" của công ty Apple.

Nghĩa để chúng tôi nghỉ ngơi, tắm mát xong rồi cùng đi dạo một vòng San Jose trước khi ghé qua Mall "Century" của người Việt ... Nhưng nhằm ngày thứ hai đầu tuần nên khách mua sắm không có là bao!



Tiếp đó Nghĩa hướng dẫn chúng tôi đến thăm thân mẫu của bạn, bà Công Tạo. Công Tạo là tên thương hiệu.

Ông bà Công Tạo trước năm 1975 buôn bán đồ gỗ rất phát đạt, có hiệu buôn ở 191 đại lộ Minh Mạng Sài Gòn 5 nay là đường Ngô Gia Tự , Quận 10 và trại mộc đường Triệu Đà. Ngôi nhà 4 tầng, tầng trệt trưng bày sản phẩm gỗ, 3 tầng trên làm nhà ở, khoảng 5 triệu tiền bỏ ra xây cất trong lúc giá vàng lúc đó khoảng chưa tới 2 ngàn một lượng; Cuối cùng bỏ ra đi đoàn tụ với các con ở Mỹ với không còn gì! ... Bác trai là bạn thân của nhạc gia tôi từ thời hai vị còn trai trẻ . Riêng bác gái vào những năm 1960 đã tự lái xe nhà đi giao dịch buôn bán đó đây, trong lúc thuở ấy tôi mới đi xe đạp là chánh chưa biết rành việc chạy xe gắn máy Goebel hay sau nầy chạy xe Nhật như Honda, Suzuku, ...



Bác nhiều lần căn dặn qua điện thoại: Khi nào con qua Cali nhớ ghé Bác, đừng ở khách sạn, ... Tôi tiếc là khi tìm ra gia đình Bác thì Bác Trai đã qua đời ... Chúng tôi phải đến thay mặt gia đình thăm Bác Gái và thắp nhang viếng Bác Trai, ... Làm được việc nầy chúng tôi thấy an lòng!



Khi đến thăm Bác, tôi gặp lại Hiếu (Toại), con trai út của hai bác, khi xưa mỗi lần từ quê lên cả 3 em liền nhau Thành, Danh, Toại đều mừng xoắn xít: anh Hùng lên! anh Hùng lên! và một hồi thế nào "anh Hùng" cũng dẫn đi chiêu đãi ở tiệm nước người Tàu góc đường Minh Mạng-Sư Vạn Hạnh: uống nước rồi một bụng bánh bao, xíu mại, ... Nay Hiếu và Nghĩa lui tới chăm sóc Bác và nhắc nhở uống thuốc ... Các em khác đều ở xa phía Nam Cali (San Diego) hoặc tiểu bang Miền Đông (North Carolina) lâu lâu mới về tụ họp, ...



Chúng tôi chờ điện thoại bà xã của Nghĩa: Hương báo đi làm về đến thẳng nhà hàng buffet thức ăn Việt và từ đây chúng tôi cùng đến như hẹn trước .



Hình như nhà hàng có tên địa danh của Miền Tây VN, tôi ỷ lại vào trí nhớ của mình, giờ quên mất!

Đúng là đủ thứ thức ăn Việt từ Phở, canh chua, cá kho, khổ qua dồn nhân thịt cho tới bánh xèo, bánh ú, ... Lần dầu tôi biết có loại buffet món Việt như vậy, thường thì món Tàu ... Năm trước ở Sài Gòn chúng tôi thấy Buffet có ốc len xào rau răm và cả hột vịt lộn nữa! Sự kinh doanh càng ngày càng khai thác triệt để, nở rộ lá hoa!



Buổi tối trở về nhà Nghĩa, chúng tôi còn lai rai rượu vang đỏ tới nửa đêm và Nghĩa còn gởi tặng tôi đem về ... Rượu đặc biệt Nghĩa đã mua thêm có đóng dấu kỳ họp Khóa 19 Sĩ Quan Hải Quân của Nghĩa!

Nghĩa và Hương có 2 con trai: Một đã đi làm, sống riêng gần, có đến chào chúng tôi lúc chúng tôi đang uống rượu, chuyện trò giây lát xong cháu đi ngay ra phi trường rước khách đối tác của công ty. Cháu đến thăm cô tư mà "cô tư, Tư Lịnh" ngủ đâu mất tiêu khi về tới nhà một lúc ....
Một trai khác còn đang theo chương trình Hậu Đại Học ở dưới Santa Barbara mà vợ chồng Nghĩa vừa xuống thăm cuối tuần và quay về kịp họp mặt nhà cô Kim Ngân .

Sáng hôm sau khi chúng tôi thức dậy chuẩn bị lên đường thì bà xã của Nghĩa đã đi làm ... Lại gặp cảnh nhà mênh mông cũng chỉ có 2 vợ chồng! Không hiếm cảnh vợ chồng làm khác ca rất "trệt chìa"

NhàQuê Oct 22, 2013

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Văn- Hỷ Khúc NGAO DU 15

Hỷ Khúc NGAO DU
(18 ngày Hè)


Hỷ Khúc 15: Gần Bạn Bè

Sáng sớm Quốc Hồng rủ tôi đi chợ, hai nước láng diềng Mỹ và Canada có đời sống không khác là bao ... . Cứ thành phố thì có một vài shopping center lớn, còn những town ở xa hơn hay ngay cả vùng "nông thôn" cũng có khu buôn bán quây quần nhiều cửa hàng, siêu thị cung cấp đủ các mặt hàng cần thiết khỏi phải đi xa ...Chúng tôi đi mua bánh mì mới ra lò về ăn sáng ... Thức ăn buổi tối còn có đến 75% .... Thúy Huệ còn vô hộp kiến bớt cho "khổ chủ" mang lùm đùm đủ thứ tới ....

Ăn sáng xong chúng tôi kéo nhau đến nhà Kiều Nga không xa lắm chỉ chừng 10 phút xe, theo được kể lại thì vợ chồng Kiều Nga đã nhờ Hồng và Huệ kiếm giùm ngôi nhà nầy để bạn bè xa xứ còn qua lại gần nhau ... Lâu lâu hai cặp hẹn nhau đi ăn ngoài ...

Từ khi qua đất Bắc Cali, trước và sau nữa, tôi gặp những trường hợp tương tự nhau là nhà nào cũng rộng rãi thênh thang mà chỉ có cu ky hai vợ chồng, còn con cái trưởng thành có gia đình hoặc có công ăn việc làm đâu đó đều ở riêng hoặc ở rất xa ... Hình như trình trạng chung ấy không riêng đây ... Tóm lại là khác xa với ước muốn của bậc cha mẹ Á Đông luôn mong mỏi con cái sống qui tụ gần nhau ...

Tôi biết nếu không ghé thăm ngôi nhà nầy "rằng thì là" một thất lễ không tha thứ được ... Chúng tôi đến vùng Elk Grove do gợi ý của Kiều Nga chứ ban đầu tôi dự tính chỉ ghé qua thủ đô Sacramento trong giây lát ... Thực tế cuộc hội ngộ ba người bạn xưa nầy, cả Tư Lịnh và các con tôi đều nhận thấy niềm vui rõ rệt của những người bạn thời 1956 mấy chục năm xa cách ... nhất là Kiều Nga đã xa xứ trước chúng tôi ... mà cô bạn kể rằng có lần gặp "Người Việt" khi còn ở nước quê chồng, họ cũng xa xứ mà họ lơ là không muốn bắt chuyện làm quen ...

Cô bạn chủ nhà dẫn chúng tôi đi "khoe" vườn cây trái sân sau ... Và nếu như không phải ghé 2 nơi nữa, chúng tôi chuyện trò chưa biết khi nào dứt ... Hermy còn tặng tôi hộp kẹo "thuốc" phòng xa đi đường.





Từ hôm ở nhà cô Kim Ngân đến nay, hai cháu nội ngoại tôi gặp niềm vui riêng của chúng vốn thích thú vật (Pets): Dưới Milpitas có thỏ, nhà Thúy Huệ -Quốc Hồng có 2 con chó và nhà Kiều Nga có nuôi mấy con mèo


Chuồng thỏ


2 chú chó nhà TQH


Mèo nhà Kiều Nga



Đoàn "cải lương" chúng tôi được 2 vợ chồng chủ nhà hiếu khách yêu cầu chụp một pô hình riêng, máy ai nấy giữ!



Ân cần đưa chúng tôi tận xe và vẫy chào chúng tôi lưu luyến ...

Chúng tôi ghi nhớ hình ảnh và những hàn huyên cùng các bạn trong cuộc hội ngộ ngắn ngủi mà vô cùng thân mật nầy!


NhàQuê Oct 15, 2013

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Văn- Hỷ Khúc NGAO DU 14

Hỷ Khúc NGAO DU(18 ngày Hè)


Hỷ Khúc 14: Thêm Niềm Hãnh Diện


Ngày Chúa Nhật và từ thành phố lớn đi ra nên I-80 lưu thông thoái mái, không bị nạn ùn tắc phải nhích từng vòng lăn một ... Thủ đô Sacramento của Cali hiện ra trong tầm mắt ... theo dự tính chúng tôi sẽ ghé đó vào sáng ngày mai trước khi trở lại San Jose ... Giờ thì phon phon trên đường đến nhà Trương Quốc Hồng và Nguyễn Thúy Huệ mà địa chỉ đã được ghi vào sổ ngày hôm qua và set up trên GPS sáng nay ... Còn trước đây chỉ liên lạc nhau qua điện thoại.

Khi tách ra khỏi I-80 để vào Cali 99 South nhắc tôi nhớ hai hôm trước tôi đã đi con đường nầy từ Bakersfield hướng lên Bắc giờ từ Sacramento trở chiều Nam ... GPS báo vào Exit khi đến Elk Grove ... qua một đoạn có vẻ khu phố cũ ..xe qua các vòng xoay dần dần đến vùng "giàu có" nhà cửa mới xây mỗi nhà đều có vườn cây và sân hoa kiểng ... Thì ra bạn tôi khá nhỉ!

Xe dừng lại trước địa chỉ destination ... trước khi gọi cửa, nhìn tôi đoán ngôi nhà có đến 4.000 sf vậy mà khi biết ra chỉ có 2 vợ chồng còn con cháu tản mát ở riêng xa gần đâu đó



Gia chủ đón chúng tôi vào và tiếp tục đun nấu món cari thết tôi cùng lúc huyên thuyên hỏi thăm nhau chuyện nầy chuyện nọ ... Hồng gọi thông báo vợ chồng Kiều Nga là tôi đã đến và tôi cũng gọi cho Thanh, Ngô Thị Thanh cô học trò tôi ở Trung Học Ba Tri ngày trước hay . Hôm qua em không tới được dưới Milpitas vì em còn phải đi phát thơ mà em làm việc nầy trong ngành bưu điện Mỹ ... Nhưng em cứ dặn dò rằng em sẽ đến nhà bạn tôi hoặc ở nhà hàng nào đó nếu chúng tôi họp nhau theo cách như đã dự trù, nhưng cuối cùng để thuận tiện Kiều Nga đã đặt thức ăn "To Go" .

Khi đã có chút rảnh rang, Thúy Huệ đưa chúng tôi ra khu vườn phía sau coi cây trái đủ thứ mỗi loại ít vài ... Trong lúc đó Quốc Hồng biến đâu mất, thì ra chủ nhà lên lầu dọn dẹp 2 phòng cho chúng tôi ... Lâu nay hai vợ chồng chỉ ở tầng dưới vì Thúy Huệ lên xuống lầu cảm thấy khó khăn ... Các phòng trên lầu trước đây dành cho hai con gái và đứa con trai ...

Chuyện vãn nhau một hồi thì chuông gọi cửa và vợ chồng Kiều Nga đến với lỉnh kỉnh thức ăn và chúng tôi mừng rỡ gặp lại nhau không sao tả xiết!







Và từ đó chúng tôi 4 cựu học sinh Trung Học Kiến Hòa thế hệ 1956 nói chuyện miên man không thứ tự lớp lang nhưng ráp nối lại thành bức tranh màu sắc một thời xưa trẻ ... Cũng kể nhau nghe những đoạn đời thực từ khi bước xuống gia nhập cuộc phong trần


Chs/THKH1956:Trần Bình Trọng, Trần Kiều Nga, Nguyễn Thúy Huệ, Trương Quốc Hồng


Quốc Hồng+Thúy Huệ--Mỹ Lệ+Bình Trọng--Kiều Nga+Hermy

Và em Ngô Thị Thanh đã đến sau đó, đem theo chè xôi do chính em nấu ... Tư Lịnh và con gái tôi biết em từ ở VN ... Em sang Mỹ đoàn tụ nhưng vì tuổi còn trẻ nên hai chị em Ngô Thị Thanh và Ngô Thị Lệ phải ghé Philippines học Anh Ngữ trong lúc mẹ các em đi thẳng. Em rời Phi vài tháng thì tôi đến nên hai thầy trò biết tin nhau nhưng chưa gặp mặt ...và 2 em thỉnh thoảng có gởi tiền trở qua giúp cha con tôi trong thời gian 6 tháng ở Bataan, Philippines nầy!





Những năm gần đây, các em có đọc qua BTH và trang Blog Trung Học Ba Tri và có liên lạc cho mãi đến hôm nay mới gặp mặt ... Thời gian có đến 27 năm!

Sau lần tái ngộ ít hôm, khi tôi đã xuống phía Nam và đang ở Orange County, CA, tôi nhận được email của em:
(Không biết thầy đã đi tới đâu rồi. Chắc là thầy cũng mệt lắm, nhưng bù lại thầy gặp lại được nhiều người quen biết cũ mà từ lâu lắm thầy chưa gặp được.

Em xin cám ơn thầy đã cho em có dịp nầy.

Cầu chúc thầy và gia đình bình yên, vui và khỏe suốt phần đường còn lại.

Em, Thanh)





Lúc bữa ăn tối đang chuyện trò sôi nổi, khi nhắc đến món ăn cách nấu nầy nọ vụt Thanh sực nhớ ra do gắp rút tới thăm chúng tôi, em đã quên tắt bếp với món bánh chuối còn chưa kịp chín trên đó ... Ai cũng lo cho em khi em vội vã quay về với khoảng đường lái xe 30 phút ... bữa ăn trầm lại cho đến khi em điện thoại cho tôi báo tin em đã về tới nhà sau khi lái nhanh hơn bình thường và đã tắt lửa xong và may mắn là vừa sắp cạn nhờ em đổ nhiều nước!
Mừng cho em, dù hai thầy trò chưa hỏi thăm nhau được nhiều, em chỉ mới kể cho tôi nghe về học hành của đứa con trai duy nhất của em.

Nếu như hôm qua em Ngô Kim Dung đã làm cho khách dự họp mặt ở nhà cô Kim Ngân dưới Milpitas thấy được niềm hãnh diện của người làm thầy có cô học trò còn giữ lòng quí mến, thì hôm nay cô em của Ngô Kim Dung: Ngô Thị Thanh lần nữa cho tôi niềm hạnh phúc ấm lòng và biết bao hãnh diện trước mặt bạn bè tôi về cô học trò có đến 45 năm về trước vẫn còn giữ lòng kính mến nghĩa thầy trò nầy! Tôi biết chính tôi là người khó tính trong việc giảng dạy! Tôi ngỡ ...

CÁM ƠN CÁC EM, CÁC HỌC SINH CỦA TÔI NGÀY NÀO NGHIỆP DĨ!

Ông xã Kiều Nga có người tiếp chuyện là bác tài xế con tôi nguyên là cựu GI, hai người cũng bắt chuyện và chuyển đề tài liên tục

Còn lại chúng tôi cũng thành khẩn khai báo nhất là chuyện tình ngày xưa, thuở học trò nào những vượt tường khác biệt tín ngưỡng, nào qua cổng môn đăng hộ đối , ... Mới thấy thời chúng tôi và lớp con cháu bây giờ chữ tình yêu khác nhau nhiều góc độ!


NhàQuê Oct 06, 2013




Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Văn- Hỷ Khúc NGAO DU 13

Hỷ Khúc NGAO DU(18 ngày Hè)


Hỷ Khúc 13: Mới Đó Đã BÌNH NGUYÊN


Bây giờ bắt đầu ghé vài ba chỗ để tự làm chậm bước tiến quân, đầu tiên ghé bến của các chiếc Yacht thường thấy là những điểm trắng trên màu xanh của biển khi trời yên quang đãng ... Đồng thời uống cà phê Ý vốn nổi tiếng ... phải đợi đến 15 phút mới có chỗ ngồi ngắm du khách như mình và dòng xe cộ!



Khi lên đường trở lại, tôi những tưởng qua cầu để bắt vô I-80, nhưng không, máy hướng dẫn đường có sự khôn ngoan riêng của nó tiếp tục chỉ đường đi lên hướng Bắc bằng đường Cali 101 đến tận Novato mới theo đường Cali 37 bọc cạnh Bắc của San Pablo Bay ... phong cảnh ở đây làm chúng tôi liên tưởng đi giữa đồng bằng, những vùng bùn lầy không khác nào về miền Tây của VN ... nhiều điểm dừng hóng gió có cả mùi rơm ... rồi tiếp tục bắt vào I-80 ...

Xa lộ Liên Bang I-80 xuất phát từ San Francisco ở bờ biển phía Tây của nước Mỹ đi mãi đi mãi về hướng Đông có nhiều đoạn nhập chung với I-90 vốn phát khởi từ Seattle, Washington State đến Boston của Massachuttes ... I-80 đến New York ... Đây là những đường thiên lý Đông - Tây

Trên I-80 như vừa thoát khỏi vùng biển với núi non, đầm vịnh dốc cao, giờ đã ra "ngoại ô" với ruộng đồng bát ngát ... Trước đây tôi hình dung vùng nầy cũng là những núi đồi ... Không đi làm sao biết được!

Mà động lực chánh là tôi đã hứa với 3 người bạn cùng niên khóa ở vùng Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California ... Các bạn ấy khi hay tin tôi sang đây đã liên lạc liền, sắp xếp gặp nhau sau thời gian dài xa cách tưởng chừng khó có dịp hội ngộ ... Chính hôm qua vợ chồng Trương Quốc Hồng-Nguyễn Thúy Huệ do háo hức muốn gặp ngay nên đã lái xe đi về trên 6 tiếng đồng hồ trong hoàn cảnh tuổi đều đã ngoài 70 ... Nghĩ đến mà thương quí tình cảm bạn bè dành cho!

Những trao đổi email một cách thân tình làm sao tôi không cảm động cho được:


"Trong,
I just read your "Go West" and I saw that on Aug. 18,2013 you and your Tong Tu Linh will go to SF and will sleep over night in Sacramento, my husband and I would like to invite you both to our small home and go out for dinner with Truong Quoc Hong and Thuy Hue (I did not tell them yet because it is 10.25 PM here, I will tell them tomorrow.) Please let me know if you can make it. If you can, you can stay over night with us or with Hong and Hue. You can call us at (916)647-6994 and leave message if we are not home.

Hermy and Nga"

"Kiều Nga thân mến,

Trước hết cảm ơn nhã ý của Kiều Nga và ông xã; nhưng chưa dám hứa gì chắc chắn vì Tư Lịnh và tôi đi chơi với vài đứa con cháu mà tụi nhỏ ưa là cà đó đây nên nếu hứa sẽ e rằng thất lễ vì giờ giấc thời biểu . Nhưng dù sao tôi cũng cố gắng thu xếp có cuộc họp mặt ngắn ở địa điểm nào đó như uống cà phê chẳng han.

Già hết rồi cũng mong có lần gặp lại (Lần gặp Kiều Nga gần nhất là bữa từ Ba Tri lên nhà Bác Tư dự tiệc cưới Danh-Liên buổi trưa lúc đó Kiều Nga có đem 2 đứa con về, tôi có dắt chúng ra đi dạo ngoài vườn xoài và gặp lại tiệc hôm sau ở nhà hàng Văn Cảnh Sài Gòn có Trương Quốc Hồng).

Vậy sẽ điện thoại cho Kiều Nga hoặc Trương Quốc Hồng khi ở San Jose để chắc chắn lại!

Thân,

Trong B. Tran
203-449-9896"

"Trong,
We invite you and family out for dinner with us any hour before the restaurant close. From San Jose to San Francisco will take about one hour without traffic and from San Francisco to Sacramento through Bay Bridge without traffic about 2 hours. I will call Hong after I e-mail you.
Hope you can make time with us.

Nga"


Tôi phải đi, không lý do nào để làm khác được

Tuần sau khi hội ngộ, khi qua Texas rồi bạn tôi vẫn theo dõi cuộc hành trình chúng tôi ... Thế mới biết như những người đi trước hay nói càng có tuổi con người thường sống về kỷ niệm:



"Trong and Le,

Hermy and I thank you, Le, two kids and grand kids spare your tight schedule to visit us at our home. I am very happy to see my dear old friend after more than 40 years and see you have a nice and happy family. We wish you and Le have a nice trip home.

Regards to all classmates in TX.

Regards to all the kids and their families.

Hermy and Nga"


Tôi đi qua vùng Bình Nguyên nhỏ bằng phẳng nơi đây, nhưng lòng tôi gợn sóng lâng lâng như thời từ quê lên tỉnh nhập trường gặp lại bạn bè sau những tháng Hè dài ... Mùa Hè hôm nay không phải 3 tháng mà những 40 năm và còn dài bất tận!


NhàQuê Oct 02, 2013



Văn- Hỷ Khúc NGAO DU 12

Hỷ Khúc NGAO DU
(18 ngày Hè)


Hỷ Khúc 12: Cựu Kim Sơn

Sáng ngày 18-08-2013 chúng tôi thức sớm với lại chúng tôi còn quen giấc miền Đông, mà chủ nhà cũng dậy sau đó không lâu và chuẩn bị ăn sáng ...

Lâu nay nghe cô Kim Ngân nói là nhiều bạn bè ở phía Nam Cali rất thích món bánh mặn ở vùng cô làm, nên mỗi lần cô đi xuống phía Nam đều mua mang xuống cho, có khi gởi xe đò Hoàng chạy tuyến San Jose-- Santa Ana rồi dưới đó đón lấy. Cô có nói tiệm bán thứ bánh đó, nhưng thường tôi không chú ý nên mau quên ...

Hồi nhỏ xa quê, lên tỉnh học, nơi trọ đầu tiên là nhà người Triều Châu. Bà chủ nhà chỉ có đứa con nuôi trai khoảng 20 tuổi, gọi bà bằng Ý, thành tôi cũng gọi vậy cho tiện ... Thời gian ở đó tôi biết lỏm bỏm ít tiếng Tiều ... Đặc biệt khi trong nhà có đám cúng kiến gì đó thì Ý làm nhiều món ngon miệng ...
Tôi cũng thích món bánh mặn hấp trong "Xửn" có nhưn tôm khô trên mặt ...và vì xứ dừa nên độ béo hấp dẫn vô cùng ...nhất là sức đang lớn nên món nầy thỏa mãn thêm được về mặt lượng nữa.

Hôm qua tôi có ăn thử món bánh mặn San Jose quả ngon như tiếng đồn, sáng nay tôi "chiếu cố" lại lần nữa ...
Món nầy dù người Tàu làm nhưng phải ăn với nước mắm pha mới tăng độ ngon thêm ... Nhiều món ăn cần phải có sự pha chế đặc biệt gia vị trong nước mắm riêng cho từng loại như: Bì bún, bánh xèo, bánh bèo Huế, gỏi...Bánh mặn ở đây trông giống bánh bèo vì không đúc bằng Xửn ... Hình dáng không cần thiết!

Ăn uống, cà phê cà pháo xong, chúng tôi từ giã gia đình: Cụ bà cũng hiếu khách và ưa nhắc nhở nầy nọ sợ chúng tôi quên, nói lời cám ơn cô dượng và chia tay lên đường ...Trên sân trước garage chủ nhà và khách vẫy chào nhau! Tôi nhìn lại ngôi nhà mang số 943, năm sanh của tôi lần nữa.

Chúng tôi hướng về thành phố San Francisco, ở đây người ta thường gọi tắt là San Fran, cũng như Sacramento được gọi là Sacto chứ không dài dòng ... thành phố nầy có lẽ đặt tên cho vị Thánh Saint Francis theo tiếng Tây Ban Nha ... Còn như thế hệ chúng tôi trước đây vẫn thường gọi là Cựu Kim Sơn kiểu mấy anh Ba Tàu gọi Washington là Hoa Thịnh Đốn, New York là Nữu Ước và khu phố Manhattan là Mã Nhật Tân... Dù gọi là gì đi nữa San Francisco vẫn là thành phố đông dân thứ 13 của Mỹ Quốc, nhưng Chinatown ở đây lớn hàng thứ 2 sau Chinatown của Newyork.

Không biết tôi là người thứ bao nhiêu tỷ đặt chân đến đây, với tôi có cái háo hức của anh người nhà quê lần dầu tiên đến ... Mỗi nơi trên đất Mỹ đều có cái riêng của nó và San Francisco thường được du khách chú ý tới 2 điểm là Phố Tàu và cây cầu Golden Gate


Xe đậu bánh trước phải quay ngang

Phố Tàu (Chinatown) và nói chung downtown San Francisco đường phố hẹp và dốc nên lúc đậu xe trên đường hai bánh trước phải bẻ quay vào lề tránh trường hợp xe bất thình lình tuột dốc, không thì bị ticket phạt rất nặng ... Tương tự ở thành phố New York luôn luôn không được quẹo phải khi đèn đỏ và có nhiều khu phố sang trọng cấm cả bóp còi!


Đường dốc

Đậu xe trong phố Tàu rồi chúng tôi thay phiên đi mua đồ và người ở lại phải giữ xe vì nhiều sự phá tán thường xảy ra ... những bạn bè đi trước cảnh giác chúng tôi như vây... và muốn "giải tỏa áp lực" thì phải vào nhà hàng gọi thức ăn mới dùng được restroom của họ ...Tôi theo cách ấy với tô mì đồ biển và mua thịt quay cùng gà quay đem đi Sacto ... Còn Tư Lịnh và con gái tôi với tràng giang đại hải bánh, chè, ....

Có ai hỏi thích sinh sống những thành phố lớn đông đúc như vầy không, câu trả lời khỏi cần suy nghĩ là KHÔNG, ngột ngạt quá, đắt đỏ quá và rất nhiều thứ QUÁ nữa.

Muốn đến đây từ Milpitas, chúng tôi đi ngõ cầu Oakland,đó là sự sắp đặt của "bác tài xế" vì hôm qua bác đã đi Golden Gate bằng đường 101 ngang qua phi trường Quốc Tế San Francisco rồi


San Francisco nhìn từ trên cầu băng qua San Francisco-Oakland Bay ...

Cây cầu nầy gọi tắt là "Bay Bridge" xây xong năm 1936 và năm 1989 bị sập một đoạn tầng trên do động đất, và chỉ 5 phút sau miền Đông nước Mỹ đã hay tai nạn nầy nhờ hệ thống truyền hình trực tiếp mau chóng. ...
Và ngay hôm sau Sep 02, 2013 khi tôi về lại thảo lư, thì cầu sau mấy năm đã sửa và làm xong đoạn mới và thông xe.

Cầu Golden Gate khởi công năm 1933 và xong năm 1937 sáu tháng sau cầu Bay Bridge, là chiếc cầu treo dài nhất vào lúc đó, được bình là kỳ quan thời đại .... như cửa ngõ từ Thái Bình Dương vào vịnh San Francisco, thường hay bị sương mù che phủ ... và hôm tôi đến dù trong thành phố 80 độ F mà chỉ nhìn thấy được chóp đỉnh trụ cầu . Chúng tôi quan sát ở 3 điểm khác nhau: Một ở phía Nam bên phải trên đồi cao, một dưới móng cầu nhìn lên, một ở phía Bắc trên mỏm núi cao ... vị trí nào vào lúc ban trưa cũng không làm "nàng" cảm động mở khăn che ra!

Có nhiều lần những năm trước gió hơn 100 miles/giờ phải đóng cầu, ngưng giao thông cả 2 chiều

Đặc biệt trên cầu không có vách ngăn cố định giữa 2 chiều xe cộ mà số lane mỗi bên nhiều hay ít hơn tùy theo giờ cao điểm

Hình chụp liền bên dưới lấy trên Net, trong điều kiện lý tưởng nhất



Điểm quan sát phía Nam nơi có Coit Tower... sau lưng là hướng cầu không nhìn thấy gì. Nơi đây có thể nhìn được Alcatra Island vốn trước đây là nhà tù trọng án mà tù nhân có cả "Danh Trấn Giang Hồ" Mafia thế giới biết tên!


Điểm quan sát phía Bắc, nhìn thấy đỉnh 2 trụ cầu


Xe đang qua cầu mà chưa nhìn rõ được trụ dây cáp phía trước




Khi trở xuống tài xế dùng đường một chiều dốc cao quanh co rất gắt thay vì đường 2 chiều lên xuống rộng hơn, cheo leo một bên là vực biển và mây mù, một bên là núi đá, Tư Lịnh la oai oái đứng tim!



Cuối cùng cũng tìm được chỗ tạm thở ra và ăn trưa ... Mì! Mì! Mì ăn liền! nóng hổi nhờ lò gas loại nhỏ tháo ráp dễ dàng mang theo và nước suối loại bình 1galon.

Đúng lúc ấy từ Sacramento gọi xuống : "Mầy đang ở đâu vậy ?" ... "Tao vừa rời khu vực cầu Golden Gate, đang dừng ăn trưa!" ... "Ở đó nóng không ?" ... "Gió biển mát rượi!" ... "Mầy khoan lên tao đã! Chiều hãy lên, trên nầy đang 105 độ nóng lắm!... Tối đặt đồ ăn đem về nhà khỏi lo nhà hàng đóng cửa!" ... "OK! đáp hiểu, tao tà tà ghé dọc đường chơi!"

Trước khi trở lại "trần gian", xe phải chui qua đường hầm có một chiều, có an ninh đứng gác điều hành lưu thông, làm nhớ lại khi xưa mỗi lần xe qua cầu Bình Chánh, cầu Chẹt Sậy, cầu Ba Lai, cầu Tân An, cầu Bến Lức, cầu Bình Điền phải chờ người gác giữ cầu quay bảng trắng.

Trước khi rời đầu cầu phía Bắc còn ngoái lại nhìn, nếu tan mây sẽ ghé vớt vát vài Pô! Nhưng "vũ như cẫn"!


NhàQuê Oct 01, 2013

   

Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket