Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Văn- Tản Mạn NGÀY SINH NHỰT

Tản Mạn: VIẾT CHO NGÀY SINH NHỰT



Má sanh tôi vào thời còn Pháp Thuộc ở một vùng quê, có lẽ tôi được chào đời trong "chòi bảo sanh" dưới bàn tay nâng của bà mụ giồng mà sau nầy Má biểu tôi kêu là Bà Ngoại. Và có lẽ nhờ mát tay của bà, tôi mới được sống sót vì lúc bật khóc khi lọt lòng mẹ thì tôi chưa được 9 tháng 10 ngày như mọi hài nhi khác: sanh non hơn một tháng !

Biết đâu nhờ sanh non như vậy "tôi mới là tôi", còn nếu bình thường có lẽ đâu phải là tôi !? ..... Nhưng tôi vẫn lớn lên bình thường trong liên miên giặc giã ... không biết bao nhiêu lần Ba Má tôi, chị tôi đùm túm chạy trốn các trận lính đi ruồng. Có khi "chạy gió", có khi chạy thật, chạy mọp dưới làn đạn bắn lung tung nghe chừng chỗ nào cũng có tiếng nổ ...

Có lẽ tôi không có được ghi vào sổ bộ khai sanh của chánh quyền lúc đó, nhưng căn cứ vào năm sanh Âm Lịch và qui ra Dương Lịch thì đúng vào những năm cuối cùng của vị Hoàng Đế cuối cùng của Việt Nam: Hoàng Đế BẢO ĐẠI ... Vậy những năm tháng đầu tiên của tôi sống dưới thời còn Quân Chủ và sau nầy học sử biết rằng tỉnh Bến Tre quê tôi nằm trong Nam Kỳ Thuộc Địa của Pháp.

Nhà tôi cách tỉnh lộ 26 đâu chừng 300 m, nói thế để thấy rằng tôi có điều kiện tiếp cận với nền "văn minh" nhất, vì đó là con lộ có trải đá huyết mạch dẫn ra thành thị rồi tiếp tục đi xa hơn ... ngoài ra các con lộ khác đi lại đều là đường đất hay lối mòn, nhờ đó lâu lâu tôi thấy được chiếc xe mu rùa, xe rùa nắp vì nó có hình dáng giống con rùa tức loại xe ngày nay gọi là xe hơi hay xe nhà, xe du lích, xế hộp, ....

Một thời gian dài, cả nhà mà tôi nghĩ cả xóm đều ăn cơm vào lúc sáng tinh sương để chuẩn bị chạy giặc hay lo việc đồng áng ...có dù bom đạn triền miên cây lúa vẫn âm thầm đòng đòng kết hạt ... bữa cơm có khi chỉ có nửa miếng đường tán hay dĩa cá tôm kho quẹt mà trẻ con chúng tôi vẫn lớn lên trong điều kiện vật chất như thế ... Nếu nói về đường mà sau nầy được biết nó là loại "năng lượng" cần thiết cho cơ thể, thì lúc đó chỉ có đường tán, đường thẻ, đường cát mỡ gà (không phải làm bằng mỡ gà mà có màu mỡ gà), còn đường cát trắng chưa có tên ghi trong bộ nhớ.

Tôi còn nhớ Ba Má tôi còn xài thứ tiền kim loại có lỗ tròn hay lỗ vuông chính giữa gọi là tiền xu trong thời gian dài, tiền giấy 1 đồng có hình bà đầm có in chữ Tây đã thuộc loại mệnh giá lớn được cất rất kỹ .... nói chi đến tờ giấy "Xăn - Cent" thứ mệnh giá 100 lần lớn hơn ...thứ 100 nầy tôi chưa có "quyền" thấy nó ! Nghe nói có loại Cinq Cents Piastres (500 đồng) nữa, .... kể như vô phương biết !
Rồi tới loại tiền giấy có chữ Việt và hai loại chữ lăn hoằn lít quịt Miên Lào xài cho cả 3 nước Đông Dương và riêng miệt quê tôi còn thứ tiền "xé hai" đối với tờ giấy bạc có mệnh giá từ 10 đồng trở xuống 1 đồng ...và tôi được sống trong Thời Đại Tiền Xé Hai ấy ... Cuộc đời dễ mấy ai! ! ! Vì rằng sau đó qua thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã cho phát hành tiền mới một trong các dấu chỉ chủ quyền quốc gia và việc xé hai đồng bạc giấy coi như phá hoại và phạm tội hình.

Đến đây, tôi đã trải qua ba thể chế: Quân Chủ & Thuộc Địa, .... "Quốc Gia Việt Nam Trong Liên Hiệp Pháp" với Nhà Vua giờ thoái vị và danh xưng mới là Đức Quốc Trưởng BẢO ĐẠI mà trên tờ giấy bạc có hình Ngài ... Đến Ngài bị truất phế và sang trang mới là Việt Nam Cộng Hòa đứng đầu hành pháp là Tổng Thống ... và lãnh thổ nhị phân ...Miền Bắc theo thể chế khác... Tôi thuộc dân Miền Nam !

Với 13 năm từ đứa trẻ sơ sinh lớn dần với bao gian nan từ lớp vỡ lòng ê a trong nhà đãi ăn của ngôi đình làng, đến trường chùa, ra trường xã, qua trường tổng, vô trường quận và bây giờ lên trường tỉnh .... Đến việc học hành của tôi cũng là cơ duyên đặc biệt do tôi đậu kỳ thi tuyển vào trường trung học công lập mà nhiều bạn cùng năm với tôi nơi trường quận mong muốn mà không được, nên Ba Má tôi thấy bỏ thì uổng, do đó cố gắng cho tôi theo đuổi chứ thực trạng gia đình không đủ sức để cho tôi đi "du học" như vậy, .... với lại ở tuổi ấy chưa làm việc nặng nhọc đồng áng được.

Bước ngoặt đó có lẽ là khúc quanh quan trọng nhất của tôi, đứa trẻ sanh thiếu tháng! Những điều tôi thấy biết ở thành thị, có thứ phải 40 hay 50 năm sau nơi tôi được sanh ra mới có.

Và với ngã rẽ nầy đã kết chặt tôi vào nhịp sống của các thể chế tiếp theo: Đệ Nhị Cộng Hòa của Miền Nam, .... rồi làm sinh vật thấp hơn cả thứ dân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khi đất nược tên gọi Việt Nam đã thống nhất, .... Cuối cùng và có lẽ tôi chấp nhận vĩnh viễn làm công dân nhập tịch của một quốc gia có đủ dân chủ tự do, quốc gia mà khi chưa học xong trung học tôi không biết nó ở đâu: Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (The United States Of America)....

Nơi đất nước tôi đang sống tiếp những ngày còn lại nầy, mới hôm qua đây có người tới nhà xin tôi bỏ phiếu cho các ứng cử viên thuộc đảng của họ, một lá phiếu có thể không là gì, nhưng sự việc nói lên một ý nghĩa làm cho người không sống được nơi chính quê hương mình phải suy ngẫm !

Quê hương mới ấy không có bốn ngàn năm văn hiến, không có là đỉnh cao trí tuệ loài người, không có chủ nghĩa ưu việt bách chiến bách thắng .... mà chỉ có chưa tới ba trăm năm độc lập thoát ra từ thuộc địa, ... có trẻ con vừa biết nói, thấy hình trái tim đã đặt tay vào môi "I Love You" ! .... Người gặp trên đường chào nhau thân ái chứ không rình rập tà ý !

Ngày mai đây, tôi 72 tuổi tròn, theo giấy tờ chứ kỳ thực Má tôi chỉ nhớ mang máng ngày sanh của tôi nên tôi không có ngày gọi là Sinh Nhựt đúng !
Với 72 năm đó tôi đã sống đủ các thể chế từng có hoặc còn tồn tại trên hành tinh trong vòng vài thế kỷ gần đây, tức những thế kỷ nền văn minh nhân loại phát triển vượt bực giúp đời sống con người chất lượng hơn

Tôi ví những biến chuyển vật lý của dòng đời bản thân tôi đồng hành cùng sự phát triển cải tiến của "Máy Điện Thoại" .


***000***


Tôi biết xài máy điện thoại tự chế (home made) từ lâu lắm ... Hãy tin tôi đi! Với hai cái lon kim loại, nối nhau bằng sợi dây kéo ra xa thiệt căng hoặc bằng dây kẽm, dây chì nhỏ, loại để ràng rịt ...hai người cách nhau 10 m có thể nói nhỏ vào lon,người đầu kia nghe rõ từng tiếng một ... Trò chơi "đánh dây thép" chỉ những người có công góp vật liệu làm nên mới được cho nghe thử ...
Vào thời buổi ấy kể cả tôi, chưa có một "nhân vật quan trong tí hon" nào được nhìn thấy cái máy Tồ Lô Phôn nó ra làm sao ! ... Thật vậy chỉ có quan quyền, công sở cấp cao hoặc nhà giàu có ở thành thị mới có cơ hội xử dụng điện thoại thiệt mà thôi.

Lúc tôi lên học trường tỉnh, tôi không biết văn phòng trường có được lắp đặt điện thoại chưa, mà hình như tổng đài chánh là Ty Bưu Điện về các cuộc gọi trong lãnh vực hành chánh và dân sự ... Người cần đến Ty Bưu Điện xin gọi và lệ phí ắt rất cao !

Như vậy cho đến học xong trung học, tôi chưa bao giờ cầm được cái "máy điện thoại" để mà alô .... Mãi cho đến khi vào quân đội và đi học chuyên môn mới có dịp xử dụng loại dã chiến liên lạc trong nội bộ, học cách trải dây, mắc dây và cả các câu văn dùng liên lạc phải ngắn gọn mà đầy đủ không rườm rà ... học thuộc lòng mã số các bộ phận liên quan đến điện thoại .... Nhưng đó chưa phải là cái thứ điện thoại "ngoài đời"! Nhưng ít ra cũng quen dần và dạn dĩ hơn là có người vừa nghe chuông reo đã giật mình dáo dác.

Sau nầy khi ra đơn vị rồi mới có dịp dùng tới điện thoại quay số mà hai tổng đài Thống Nhất (TTM) cùng Nhân Tâm (BKTĐ) và tổng đài Tiger (Mỹ) kết nối cuộc gọi và cũng nối kết được điện thoại bên dân sự ...Nhưng cái vụ điện thoại nầy cũng bực với nó lắm, vì SẾP ưa khuya khuya gọi hỏi thăm, dặn dò nhưng đó là cách ngầm điểm danh bất thường xem mình có "dù" đi chơi, bỏ đơn vị trách nhiệm không ... Chứ liên lạc bằng máy vô tuyến thì không xác định được vì có PRC 25 hoặc VRC đặt luôn trên xe để đi lả lướt ....

Chừng có đến 17 năm kể từ khi "Giã Từ Vũ Khí năm 1970" quên bẳng máy điện thoại và quên luôn những số cần phải nhớ trước đó .... Cho đến sáng sớm ngày 05 tháng 09 năm 1987, một ngày lịch sử của gã lưu vong .... Gã hỏi đường lò dò tới nhà bưu điện Mỹ gần nhất để gọi cho vài người quen cho hay tin đã tới Mỹ ... thì hỡi ôi ... đâu phải như xứ ta, bưu điện của họ không có "kinh doanh" loại nầy ... điện thoại nơi nước "Cờ Sao và Vạch" nhà nào cũng có và các ngã giao lộ hay các đường phố chánh đều có trụ điện thoại công cộng, trụ nọ cách trụ kia không xa lắm ....

(Trích trong "Những Con Đường Xưa Em Đi":

Đầu tiên là Nhà Dây Thép: Ty Bưu Điện chỉ có cấp Ty chứ không có cấp nhỏ hơn; Vì vậy vị đứng đầu là Trưởng Ty dù đôi khi chỉ có một mình ông, loại cơ quan nhỏ đến không thể nhỏ hơn được nữa. Trong trường hợp như vậy địa phương thường là các Quận xa xôi, phải "chi viện" thêm người không biết có "và của" cho ông không.
Như ở Mỹ hiện nay mỗi ngày phát ra một tỷ thư từ, không hiểu Bưu Ðiện ta có làm xuể không? Và bao giờ thì đạt "chỉ tiêu" đó.
Bưu điện còn phụ trách luôn điện tín, loại thông tin bên nây tạch tạch tè tè bên kia dịch ra chữ rất ư trần tục, không râu hia, mũ mão gì hết, nên nhiều khi đàng nhận được đã nghiên cứu kỹ bản văn, đã có "đáp án" rồi, thu xếp công ăn việc làm chạy riết về nơi xuất phát thì hởi ơi! Trớt quớt trật cách xa " ngàn dậm dưới đáy biển" và với góc độ 180, loại phải tiết kiệm chữ viết: VO DE VE GAP... đáp án: vỡ đê về gấp, phải về riết bằng mọi phương tiện để cứu lụt, tới nơi thì ra vợ đẻ, thôi cũng được!
Bưu điện còn phụ trách dịch vụ điện thoại, vụ nầy làm NhàQuê "quê một cục" số là khi mới tới cái xứ Hoa Kỳ mà cái gì cũng máy móc, đêm đầu tiên lạ nhà, lạ giờ giấc không ngủ được, sáng sớm ra bưu điện xếp hàng, có mấy người đến trước hơn, chắc mấy bà Mỹ nầy cũng ngủ không được đây.
Tới phiên NhàQuê hùng dũng tiến lên không cần chào hỏi, xổ liền: Ai nít tê lê phôn (I need telephone), tránh nói dài dòng dễ bị ngọng.
Sau một hồi oát oát oát (what) cuối cùng con nhỏ cũng hiểu ra, nhờ có bàn tay năm ngón nắm lại như đang nắm vật cứng cỡ hơn tấc, để ngang lỗ tai, con nhỏ chỉ và nói: Ô vờ đe (over there).
Theo hướng bàn tay có năm ngón mà sơn tới mấy màu đó, NhàQuê "phát hiện" được mà về sau nầy biết là điện thoại công cộng.
Lại không được lôi thôi gì, phải bước ra khỏi hàng có cảm giác mình bị bỏ rơi giữa đường rất là kỳ thị, vì con nhỏ đã gọi người kế tiếp: Nét (next).
Ðứng ngơ ngơ chưa biết phải làm sao, may quá có quới nhơn, đã nói NhàQuê đi về hướng Ðông nên cuộc đời thường gặp quới nhơn mà.
Bà Mỹ già sau khi nhìn NhàQuê với vẻ ái ngại cuối cùng tiến tới hỏi: Ken ai hớp du? (Can I help you) .
Nghe tiếng nầy cũng quen quen, vận dụng hết tám thành công lực và huy động hết cơ quan đoàn thể trong bộ nhớ, cuối cùng hai bên cũng hiểu được nhau. (Tại bà không chịu nói HÉP như tui đã học mà lại nói HỚP làm tui chới với, tưởng bà nói ngọng !)
Cám ơn Thượng Ðế, Ngài đã cho con hai bàn tay với mười ngón thiên thần, tội nghiệp bà Mỹ chắc là lần đầu tiên bà nói tiếng nước mình mà phải quơ tay lia chia. Bà kết luận chắc mẻm là: phải có "Cô-an" (coin) mới "đu" (do) được.
Nghe nói tiền NhàQuê nhá cho Bà thấy tờ $US 20 duy nhứt mà thằng bạn gởi cho dằn túi phòng khi hoạn nạn.
Bả nói : Nô quê, so ri (No way, sorry) và bỏ đi hình như với vẻ giận dữ. Coi như tình hình vô phương cứu vãn, hết thuốc chữa.
Thôi thì "nô cô-an" ( No coin) thì đi về coi như thất bại “quàn tàn”, hay ít nhất cũng 1-0 phần thua nghiêng về phía ta. Bàn thua nầy vì NhàQuê những tưởng giống như ở xứ mình Bưu Ðiện lo luôn vụ điện thoại, thôi xóa bài làm lại. ..... Hết Trích)

Đi xin việc gì, bất kể giao dịch gì kể cả xin ghi danh đi học họ cũng hỏi số điện thoại nhà ... Vì cần thiết nên cuối cùng phải xin gắn điện thoai. Ban đầu tưởng đâu họ tới rồi kéo dây từ ngoài đường vào ... Họ không làm cách đó mà họ vào nhà tháo bỏ ổ cũ, tra ổ mới vào và mở hộp lấy đủ bộ điện thoại mới tinh lắp đặt vào ... công việc chưa quá 2 phút và test với tổng đài thế là "You are done" cũng không nhận tiền công và tiền máy ..." You 'll receive your bill later"

Mới biết thêm là khi xây cất, họ đã thiết trí mọi thứ từ ổ điện, ổ điện thoại, bếp, đường gas, nước sạch, nước thoát, cable, .... đầy đủ cả ...Khi dọn vào, người cư ngụ chỉ cần thông báo cho các công ty liên hệ là họ và mọi việc sẽ sẳn sàng !

Đó là lần đầu tiên một số điện thoại thuộc về tôi ... Chiếc điện thoại ban đầu ấy còn thuộc thế hệ quay số (dial) và xem rất giản dị chứ không như trong phim ảnh những chiếc điện thoại sang trọng, kiểu cách đẹp mắt, có khi mạ vàng như một thứ ton thêm vẻ nhà quyền quý, đài các, cao sang ...

Không lâu sau thế hệ "bấm số" (touch-tone) ra đời và lại thay máy mới .... Rồi lại loại không dây có thể đi lòng vòng năm, mười mét xa khỏi base ... Trước khi tiến qua thời đại hoàn toàn không dây .... thời đại cell phone giai đoạn còn đơn giản ....

Cho đến ngày nay, gần như ai cũng cần và ai cũng có điện thoại "di động" riêng, các thế hệ máy về sau càng nhiều chức năng chứ không đơn thuần như thời còn quay hay bấm số .... Lớp "phế thải" như cỡ tôi trở lên có lẽ ít người dùng hết các chức năng đó ... Vuốt vuốt được vài thứ đã là Tài Ba Lỗi Lạc rồi !

Cầm chiếc máy loại rờ rờ vuốt vuốt của con tặng nhân ngày Father Day để "Cha Xài Cho Biết Với Người Ta", làm tôi nhớ về thuở "Đánh dây thép" bằng lon sữa bò ngày xưa ...thấm thoát mà dòng sông đã chảy qua 72 khoảng ngắn dài


NhàQuê Aug 14, 2015












Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket