Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

BTH0004- TRƯƠNG VĨNH KÝ

 






Tiểu Sử Nhà Bác Học


Petrus TRƯƠNG VĨNH KÝ

(1837 - 1898)








Tóm Tắt:

06.12.1837: ra đời tại làng Vĩnh Thanh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long
1842: bắt đầu học chữ Nho
1854: học chữ Quốc Ngữ và La Tinh với Cố Long
1852-1858: học thêm nhiều ngoại ngữ khác
1863: được quan Khâm Sai Phan Thanh Giản mời tháp tùng qua Pháp và Ý thương thuyết. Yết kiến Đức Giáo Hoàng tại Roma. Tiếp xúc với các nhà văn Pháp nổi tiếng Victor Hugo, Littré, ...
1864: Giáo sư rồi Giám Đốc trường Thông Ngôn
1864-1869:
Viết sách: Chuyện đời xưa, Abrégé de Grammaire annamite, Cours Pratique de langue annamitte.
Quản lý tờ Gia Định báo
1870: Thông ngôn cho sứ thần Y Pha Nho
1872: làm Đốc Học dạy người Pháp học tiếng Đông Dương
1874:
Cộng tác với Đại sứ Y Pha Nho tại Trung Hoa
Hội viên hội Á Châu (Société asiatique) do sự giới thiệu của Littré và Renan
1875: Chánh Đốc Học đường Tham Biện Hậu Bổ
1886:
giao tiếp với Paul Bert, Toàn quyền Đông Dương.
dạy Đồng Khánh học chữ Pháp
1887: Giáo sư thổ ngữ Đông Phương tại Hậu Bổ
1888: đi công cán tại Vọng Các
1898: mất vì bệnh




TIỂU SỬ VÀ SỬ NGHIỆP CỦA TRƯƠNG VĨNH KÝ





1 Tiểu sử Trương Vĩnh Ký

Trương Vĩnh Ký tên thật là Trương Chánh Ký, sau đổi thành Vĩnh Ký. Tự Sĩ Tải, theo đạo Công giáo nên có tên thánh: Jean - Baptiste Pétrus, nên còn gọi tắt là Pétrus Ký.

Ông sinh ngày 06 tháng 12 năm 1837 tại chợ Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Là con trai thứ ba của ông Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu. Gia đình theo đạo Thiên Chúa nên từ nhỏ ngoài chữ Hán thụ huấn với một ông đồ trong làng, ông còn được vị linh mục trong vùng dạy chữ quốc ngữ. Mới 5 tuổi (1842) ông đã tỏ ra có thiên khiếu về việc học cùng một lúc hai thứ chữ khác nhau. Năm thân phụ qua đời ông được 8 tuổi, gia đình sa sút, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Châu phải làm lụng cực khổ để lo cho ông tiếp tục việc học. Năm 1845, may nhờ một linh mục tục gọi là cụ Tám vốn từng thụ ơn thân phụ ông thấy gia đình nghèo túng xin về nuôi dạy giùm (Hơn mười năm về trước, khi triều đình Huế cấm đạo gắt gao, cụ Tám từng được thân phụ Trương Vĩnh Ký- ông Trương Chánh Thi che chở cho thoát nạn. Hiển nhiên, giữa vị thầy Dòng bản xứ và gia đình họ Trương có mối liên hệ mật thiết, sâu xa). Vì thế ông được học chữ quốc ngữ với thầy giảng Tám. Qua năm 9 tuổi, vì tình thế đòi hỏi ở cụ Tám nhiều khả năng chính trị hơn là truyền giáo thuần túy, Trương Vĩnh Ký đã không được theo chân học hành. Trương Vĩnh Ký liền được giao qua tay một linh mục người Pháp, tục gọi là cố Long nuôi dạy. Trương Vĩnh Ký bắt đầu học chữ La-tinh lúc này.

Cố Long tìm thấy ở Trương Vĩnh Ký một đồng đạo tương lai, bèn gửi cậu bé vào học một trường đạo ở Cái Nhum (1846). Là một đệ tử thuần thành với nhiều sáng ý báo hiệu một tài năng mai sau, Trương Vĩnh Ký rất được cố Long yêu thương chăm sóc, thế là Trương Vĩnh Ký được gửi qua Pinhalu. Pinhalu là tòa giám mục của Đức cha Michel tại Cao Miên, cũng là điều khiển các công tác của giáo đoàn Thiên Chúa giáo. Nơi đây, dưới sự chỉ dạy của cố Hòa (Belleveaux), nhiều chủng sinh từ nhiều quốc tịch khác nhau thuộc bán đảo Đông Dương đến tòng học. Trương Vĩnh Ký thụ giáo tại đây cho đến hết năm 11 tuổi; ngoài việc ông thông hiểu những kiến thức về giáo lý, ông còn biết thêm các dụng ngữ Khmer, Miến Điện, Xiêm, Lào và Trung Hoa nhờ chung đụng thường ngày với chúng bạn.

Những người điều khiển ở Pinhalu xét thấy đúng lúc cần đẩy Trương Vĩnh Ký lên một trình độ cao hơn nữa cho những ý đồ về sau, nên trong ba học bổng cấp du học trường Dulama ở Pinang (Malaysia), họ đã quyết định dành một cho Trương Vĩnh Ký. Thế là, do sự dẫn dắt của cố Long, Trương Vĩnh Ký được gửi sang Pinang, là nơi đặt Chủng viện chung của Hội Truyền giáo nước ngoài tại Viễn Đông. Trương Vĩnh Ký đã theo học từ năm 1852 cho đến 1856 thì được phong linh mục (Sacerdote), và sau 6 năm học (1852- 1858), ông trúng giải nghị luận triết học “Con của Người phải chăng là Chúa?” kèm theo món tiền thưởng một trăm đồng bạc. Môn La-tinh đối với ông trở thành ngôn ngữ chính bên cạnh các ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật và Ấn Độ.

Năm 1858, được tin thân mẫu qua đời ông xin trở về nước chịu tang, sau đó sang Cái Nhum phụ các linh mục trong việc dạy học. Lúc này phong trào “Bình Tây sát Tả” đang hồi cao độ ông phải tạm lánh lên Sài Gòn nhờ sự che chở của giám mục Lefèbre. Ngày 01 tháng 9 năm Mậu Ngọ (1858 ) (Tự Đức thứ 11) trung tướng hải quân Regault De Genouilly đem 14 chiến thuyền Pháp và Y Pha Nho với hơn 3000 quân của hai nước đến bắn phá vào các đồn lũy ở Đà Nẵng rồi chiếm thành An Hải và Tôn Hải với chủ đích lấy xong Đà Nẵng sẽ tiến chiếm Huế. Sau lần bắn phá Đà Nẵng ngày 01 - 9 - 1858 không thành công, Genouilly kéo hạm đội vào Nam Kỳ hãm thành Gia Định (17-2-1859). Thành này bị chiếm, Genouilly bèn cử hải quân trung tá Jauréguibery và 800 quân ở lại để lo thiết lập một thế đứng tạm thời, còn hắn trở ra đánh Đà Nẵng lần thứ hai. Buổi đầu chân ướt chân ráo mới đến Sài Gòn, Jauréguibery không có ai giúp việc thông ngôn ngoài linh mục Yvon Marie Croc, trong khi công việc bề bộn. Ông đem việc này than phiền với giám mục giáo khu Sài Gòn và đức cha Lefebvre đã chỉ định Trương Vĩnh Ký làm phụ tá cho Croc (1860).

Như vậy Trương Vĩnh Ký vừa làm thông ngôn dưới tàu cho bộ tham mưu, vừa tháp tùng Jauréguibery trong những cuộc thanh tra và tuần thám trên các sông rạch. Lúc bấy giờ Trương Vĩnh Ký hiện diện tại những nơi đó như “một vị thần” trước con mắt của mọi người. Dưới con mắt của đồng bào ông, “Trương Vĩnh Ký là một thứ quan lớn ngoại quốc” [8, 43].

Từ địa vị thông ngôn, Trương Vĩnh Ký đã dần dần được người Pháp tin tưởng, giao cho những sứ mệnh tế nhị để rồi đi đến làm trung gian cho các cuộc thương thảo Pháp với Nam triều.

Năm 1861 Pétrus Ký thành hôn với bà Vương Thị Thọ, con gái ông Vương Tấn Ngươn, hương chủ làng Nhơn Giang (Chợ Quán) do linh mục Đoan họ đạo Nhơn Giang mối mai. Gia đình họ Vương là gia đình công giáo, sớm theo chế độ tân trào.

Năm 1862, với tư cách thông ngôn hạng nhất, Trương Vĩnh Ký đáp tàu Fobin theo Simon ra Huế áp lực nghị hòa. Phụ tá linh mục Legrand de la Liraye thanh tra bản xứ sự vụ.

Năm 1863 ông được sung chức sứ bộ trùng dịch, làm thông ngôn cho sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình việc chuộc lại ba tỉnh miền đông Nam Kỳ. Tháng 6 ông cùng sứ bộ xuống tàu Européen và tới Pháp vào tháng 8. Trong thời gian ở Pháp ông có dịp tiếp xúc và quen biết với văn hào Victor Hugo, Renan, sử gia Duruy, Littré, nhà thực nghiệm học và là hội viên Hàn Lâm Viện Paul Bert, nữ hoàng Isabelle ở Tây Ban Nha và Đức giáo hoàng Pio Nono IX ở Rome. Cũng dịp này ông được nhận làm hội viên của Viện nhân chủng Pháp. Ông đi thăm các thành phố Pháp như Rouen, Le Havre, Lorient, Tours, Lyon, Bordeaux và đi thăm các thành phố lớn ở Châu Âu như Madrid, Rome, Alicante, Barcelone, Gênes, Florence. Chuyến xuất ngoại này là một thành công lớn của Trương Vĩnh Ký, đã mở một bước ngoặc mới cho việc hành xử, sự nghiệp và cuộc đời còn lại của mình. Ông có được tầm nhìn mới về cuộc đời và hướng phục vụ đất nước của mình trong lúc phong trào thực dân thế giới đang lên. Trong hành trình kéo dài 8 tháng, cả đi lẫn về, Trương Vĩnh Ký có dịp sống gần gũi với hai vị quan đại thần Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ; đó không chỉ là hai vị quan đại thần, mà còn là những nhân vật đáng kính về tài đức. Trương Vĩnh Ký cũng có cơ hội hiểu rõ hơn về nội tình đất nước và đồng bào của mình. Chính trong hồi ký chuyến đi, Trương Vĩnh Ký đã viết: “Tôi trở về với tâm hồn sung sướng vô cùng”. Có thể nói chuyến đi này đã “góp phần định hướng những suy tư và hoạt động của ông tìm về văn hóa dân tộc một cách tích cực hơn” [37, 1164].

Trở về nước năm 1864, Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm trách vụ với Soái phủ Nam Kỳ và hợp tác với cố Liraye trong công cuộc nghiên cứu cơ cấu truyền thống bản xứ và được bổ làm giáo sư trường Thông ngôn rồi thăng lên làm Giám đốc trường này từ 1866 - 1868. Sau đó ông xin nghỉ ở nhà chuyên tâm vào việc khảo cứu. Nhưng không được bao lâu, năm 1869, súy phủ Sài Gòn lại giao cho ông quản nhiệm tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định báo. Tờ báo vốn là phần ấn bản tiếng Việt của tờ Courrier de Saigon, dưới sự điều hành của ông đã trở thành một tờ báo mới, độc lập, nội dung hoàn toàn thay đổi với các cộng tác viên tên tuổi như Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký.

Ngày 01 tháng 4 năm 1870, Pétrus Ký làm thông ngôn cho sứ thần Patocot (Ý).

Năm 1871, Trường Sư phạm (École normale) được thành lập, Pétrus Ký được cử làm hiệu trưởng.

Năm 1872, ông được phong làm tri huyện hạng nhất nhưng từ chối không chịu làm quan cai trị, Năm 1873, Pétrus Ký được giao nhiệm vụ điều hành trường Tham biện hậu bổ (Collège des administrateurs stagiaires), dạy Việt và Hán văn và cũng bắt đầu viết sách.

Năm 1874, ông là Ủy viên Hội đồng Học chính cao cấp do Pháp thiết lập giúp đại sứ Ý ở Trung Hoa.
Năm 1876, thống đốc Nam Kỳ Dupré biệt phái ông ra Bắc nghiên cứu tình hình chính trị để thăm dò việc mở rộng thế lực của người Pháp. Trong thời gian 3 tháng ở ngoài Bắc ông nhìn thấy cảnh quan tham lại nhũng, nạn cường hào ác bá, trộm cướp lục lâm, tình hình lương giáo xung đột trầm trọng đòi hỏi một cuộc cải cách rộng lớn về hành chánh và tư pháp trong khi Nam triều bất lực. Trong phúc trình lên Dupré ông đưa ra nhận xét: “Triều đình Huế không thể nào làm nổi những cải cách ấy và chỉ có người Pháp mới có thể đưa tay ra đỡ dậy một xứ sở quá suy yếu như vậy” (phúc trình gửi Dupré ngày 28/04/1876). Nhân dịp này ông thu thập tài liệu cho tập du ký Chuyến di Bắc Kỳ năm Ất Hợi. Trở về Sài Gòn ông được Dupré cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn (hội viên người Việt đầu tiên và duy nhất) và Hội đồng học chánh thuộc địa.

Năm 1883, được Hàn lâm viện Pháp phong hàm Viện Sĩ (Offlcier d'academie).

Năm 1886, thủ tướng Freycinet triệu hồi thống tướng De Courcy về Pháp và giao binh quyền cho trung tướng Warnel, Paul Bert được cử làm khâm sứ Trung và Bắc Kỳ. Vốn quen biết và biết rõ khả năng của Trương Vĩnh Ký trong thời gian sứ bộ Phan Thanh Giản qua Pháp thương thuyết, Paul Bert ngay khi đến Sài Gòn vào tháng 02, 1886 đã cho người đi tìm Trương Vĩnh Ký. Paul Bert lúc đầu nhờ ông mấy việc nhỏ như thiết lập danh sách những người có thể ra Bắc làm thông ngôn, dịch ra chữ Nho bài bố cáo đọc ở kinh đô Huế. Sau đó Paul Bert điều đình với soái phủ Sài Gòn để Trương Vĩnh Ký làm việc trực thuộc dưới quyền. Paul Bert đem ông ra Huế để giúp cải thiện mối giao thiệp giữa hai chính phủ Pháp - Nam. Paul Bert đặt ông ở Viện Cơ mật và trao cho nhiệm vụ quan sát hoạt động của viện, đồng thời vận động cảm tình của vua Đồng Khánh cùng các quan trong triều. Ông được phong chức Hàn lâm Viện thị giảng học sĩ nhờ dạy vua Đồng Khánh học chữ Pháp. Ông ở vào vị thế trung gian rất tế nhị và khó khăn. Phía Nam triều thì ngoan cố, nghi kỵ thiện ý của ông, còn phía Pháp thì đố kỵ vì thấy ông được Paul Bert trọng dụng nên nói xấu, vu cho ông không thật lòng với Pháp. Trong tình huống này ông rất cẩn trọng và luôn luôn trình bày cho cả hai chính phủ hiểu rõ quyền lợi lâu dài để tương nhượng lẫn nhau hầu đôi bên đều có lợi. Không có tư kiến khi lo việc quốc gia nên một mặt ông hết sức thuyết phục quan lại Nam triều chấp nhận sự hợp tác và những lợi ích dưới sự bảo hộ của Pháp. Mặt khác, ông bênh vực Nam triều không để cho Pháp dễ dàng dẫm chân lên quyền lợi hoặc thể diện quốc gia. Trong vụ Paul Bert đòi triều đình Huế dành cho Pháp nhiều quyền hơn ở Bắc Kỳ, ông đề nghị đổi lại Pháp phải chia một phần thuế thâu ở Bắc Kỳ cho ngân quỹ Nam triều (Thư gửi Paul Bert ngày 04/11/1886). Một điều đáng chú ý nữa là thái độ của ông trong vấn đề tôn giáo. Tuy là tín đồ Thiên Chúa giáo và chính bản thân ông đã từng là nạn nhân cũng như chứng nhân của những vụ khủng bố đạo, song ông không có ý thiên vị. Vài nơi theo đạo Thiên Chúa ở miền Trung đã tự cho mình ưu thế nên có những hành vi lộng quyền, ông thẳng thắn phúc trình và lên án. Ông cho rằng phải giải quyết sự việc theo quan điểm quốc gia và phải từ bỏ mọi vị nể tín ngưỡng. Ông không có thành kiến của một tín đồ, trái lại, ông có cái nhìn thực tiễn của nhà chính trị, óc duy lý của một học giả. Nhưng cuộc hợp tác chính trị giữa Trương Vĩnh Ký và Paul Bert mới được 6 tháng, kết quả chưa được bao nhiêu thì Paul Bert bị bạo bệnh từ trần ở Hà Nội ngày 11/11/1886.

Sau khi Paul Bert chết Trương Vĩnh Ký bị nhóm thực dân không cùng cánh bỏ rơi, bạc đãi; và bản thân ông sau đó cũng bị triều đình Huế nghi kỵ và trù dập nên ông lấy cớ đau phổi xin từ chức về lại Sài Gòn dạy học tại trường Hậu bổ, trường Thông ngôn và viết sách trong cảnh túng thiếu, và trong tâm trạng có phần ưu phiền.Ông đặt tên cho ngôi nhà của mình là Trương ẩn sĩ (nhà của ẩn sĩ họ Trương) và vùi mình vào việc khảo cứu, biên soạn, nhưng sâu trong đáy lòng có chút vấn vương về “cuốn sổ bình sanh công với tội”.

Năm 1887, Trương Vĩnh Ký đi công tác ở Bangkok để giải quyết vấn đề giữa Thái Lan và Đông Dương. Khi về ông phúc trình cho Thống đốc Nam Kỳ vấn đề quyền lợi của Việt Nam ở tả ngạn sông Cửu Long. Sau đó ông xin nghỉ hưu.

Năm 1888, ông đứng ra xuất bản tờ học báo Thông loại khóa trình (Misce1lannées), được 18 số (1888-1889) thì hết tiền phải ngưng. Trước kia, lúc còn được ưu ái, những sách của Trương Vĩnh Ký đều được nhà cầm quyền Pháp bỏ tiền ra in, để phân phối cho học sinh. Nhưng từ khi bị hất hủi, lui về ẩn dật ở Chợ Quán, ông phải bỏ tiền riêng ra in ấn và tự phát hành. Ông làm giáo sư Việt ngữ tại trường hậu bổ.

Sống trong hoàn cảnh buồn bã, túng quẩn, bệnh hoạn luôn, Pétrus Ký qua đời vào ngày 01 tháng 9 năm 1898 trong cảnh nợ nần túng thiếu và tuyệt vọng.

Mộ phần và nhà ở khi xưa của ông (nay là nơi thờ phụng ông), hiện nằm nơi góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng thuộc Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

Một vài nhận xét:

Có thể nói rằng Trương Vĩnh Ký là người ham hiểu biết, đi đâu, đọc gì, thấy gì cũng hay ghi chép để làm tư liệu.Trong cuộc đời hoạt động văn hóa, hoạt động mà có lẽ trong thâm tâm ông, ông cho là có lợi lâu dài cho cả hai bên Pháp và Việt: người Pháp thì sẽ tôn trọng Việt Nam hơn, như là một nước có ngàn năm văn hiến, từng có quá khứ hào hùng vẻ vang, chống xâm lăng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, còn người Việt Nam thì cũng sẽ hiểu nước Pháp và người Pháp hơn, với truyền thống của nền văn hóa lâu đời Hi Lạp và La Mã, những tư tưởng Bình đẳng, Tự do, của cuộc cách mạng tư sản Pháp. Ông đã làm được khá nhiều việc trong công tác giới thiệu nền văn hóa và văn minh Tây Âu và Pháp cho người Việt, đồng thời cũng giới thiệu những cái hay, cái đẹp của nền văn hóa Việt Nam cho người Pháp biết, để người Pháp hiểu biết và tôn trọng người Việt Nam, đất nước Việt Nam hơn. Qua việc sử dụng rộng rãi chữ Quốc ngữ, họ Trương làm được một công đôi việc là giúp cho đông đảo người Việt hiểu biết hơn về đất nước mình, nền văn hóa truyền thống của mình, khích lệ niềm tự hào dân tộc của đồng bào.
Trương Vĩnh Ký còn là người đọc và nói giỏi 15 sinh ngữ, tử ngữ của phương Tây, và biết vững vàng 11 ngôn ngữ phương Đông, là hội viên Hội nhân chủng và khoa học miền Tây nước Pháp, Hội chuyên học nói tiếng phương Đông, Hội chuyên học địa lý ở Pari v.v…Đương thời, ông được giới học thuật châu Âu liệt vào 18 nhà bác học trên thế giới.

Có một vấn đề khi đánh giá một nhân vật là “người thời sau có quyền nghĩ thế này thế kia, nhưng trước hết phải tìm hiểu người đương thời nghĩ gì về tác giả, tác phẩm mình nghiên cứu” [113, 46]. Riêng trường hợp Trương Vĩnh Ký, việc đánh giá ông của người đương thời đã trở thành truyền thống dân gian, không phải chỉ trong giới trí thức văn hóa. “Nếu chúng ta so sánh với các nhân vật lịch sử của nước ta, nếu đặt ông bên cạnh Trần Ích Tắc, Trần Di Ái thì cũng tội nghiệp cho ông quá” [15, 11]. Chúng ta cũng không nên so sánh Trương Vĩnh Ký với những nhà cách mạng “nòi” như Thủ Khoa Huân, Trương Định, hay người thấm nhuần tư tưởng đạo Nho như cụ Đồ Chiểu… So sánh như vậy là sẽ bất công và khập khiễng. Chúng ta nên so sánh Trương Vĩnh Ký với những người Công giáo khác, hay là những người cùng làm việc cho chính quyền thuộc địa như ông như Tôn Thọ Tường, Nguyễn Hữu Độ, nhất là với những người cũng làm thông ngôn như ông nhưng lại ỷ thế người Pháp mà chiếm đất, làm giàu, kiểu Lê Phát Đạt học trò của ông ở trường Thông ngôn rồi ra làm thông ngôn ở Tân An. Tên này chỉ làm thông ngôn có ba năm mà làm giàu to, đất đai cò bay thẳng cánh, và giàu bạc tỉ (nếu đối chiếu số tiền hiện nay). Cuộc đời ông có lẽ “ông gần hơn với Hồ Nguyên Trừng. Cũng tài năng ấy và tâm sự ấy. Cũng để lại cho đời sau một tấm gương và một tấm lòng ai oán” [15, 11]. Đồng thời ngay bản thân ông, khi nhìn lại cuộc đời mình, đối chiếu với tình cảnh nước nhà lúc đó, và có lẽ đối diện với công luận khảng khái, chân chính của giới sĩ phu, trí thức và nhân dân Nam Bộ thời bấy giờ, hẳn rằng ông cũng như người đồng thời và đồng đại của ông là Nguyễn Trường Tộ đã hơn một lần thốt lên tâm sự của mình qua hai câu thơ xưa: “Thất túc nhất thành thiên cổ hận, Hồi đầu dĩ thị bách niên thân” (Một phút sa chân muôn thuở hận, Quay đầu nhìn lại đã trăm năm). Chính nỗi thất vọng và niềm tâm sự ấy đã gửi lại trong bài thơ Tuyệt mệnh của ông làm cho bao tấm lòng đương thời và hậu thế “giận thì giận mà thương thì thương” đối với ông. So với Phan Thanh Giản “minh tinh chín chữ lòng son tạc”, thì Trương Vĩnh Ký còn thảm thiết hơn ghi trên mộ chí của mình: “Miseremeni mei saltem vos amicis mei”
(Xin hãy thương tôi ít ra là các bạn của tôi).

Phải chăng ở con người Trương Vĩnh Ký bị ám ảnh bởi một thứ mặc cảm phạm tội. Chính những dòng thơ tuyệt mệnh của ông phô bày niềm u uẩn đó.

“Quanh quanh, quẩn quẩn lối đường quai,
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời!
Học thức gửi tên con mọt sách,
Công danh rốt cuộc cái quan tài.
Dạo hòn lũ kiến men chân bước,
Bò xối con sùng chắc lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội.
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung giai đoạn đầu cũng phê phán Trương Vĩnh Ký nhưng “Sau 20 năm, nhìn lại những gì viết để phê phán Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký, chúng tôi thấy không thay đổi những lối nhìn phê phán đối với Phạm Quỳnh. Nhưng về Trương Vĩnh Ký, chúng tôi nhìn nhận phải duyệt lại lối nhìn phê phán trước đây và công trình biên soạn này là một nỗ lực duyệt lại” [113, 46]. “Tất cả những ai đã viết về Trương Vĩnh Ký từ người đương thời đến về sau, người Việt hay người Pháp đều nhấn mạnh con người đạo đức của Trương Vĩnh Ký, và trong nhiều đức tính của ông, đức tính đáng nói, đáng quý hơn cả là sự khiêm tốn như Nguyễn Văn Tố đã đúc kết trong bài biên khảo dài mà rất sâu sắc và nghiêm chỉnh: Science, Conscience et Modesti” [113, 19].

Đặng Thúc Liêng trong lời tựa cuốn Trương Vĩnh Ký hành trạng (Nhà in Xưa Nay, Nguyễn Háo Vĩnh, Sài Gòn, 1927) đã gọi Trương Vĩnh Ký là “một vị tân quân tử thật của nước Việt Nam ta, ai ai cũng đều biết cả. Chúng ta muốn dựng hình tượng quân tử, thời nên đọc truyện quân tử mới trọn tình cảm mộ, được bắt chước theo quân tử hành vi mà sửa chữa nhân cách cho hoàn toàn, nhân cách thủy được hoàn toàn thời xã hội ta ngày nay biết bao nhiêu là hạnh phúc” [80, 4].

Điểm nhất trí về Trương Vĩnh Ký: đánh giá cao tư cách con người Trương Vĩnh Ký về mặt đạo đức và điều đó được kể là cốt yếu nhất.

Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, với việc thấy được ý nghĩa của việc giành lại Trương Vĩnh Ký về phía người Việt Nam, tổ chức Minh Tân do Trần Chánh Chiếu đứng đầu đã kêu gọi mọi người quyên tiền để dựng tượng Trương Vĩnh Ký khi dựa vào sự đánh giá con người, tư cách, sự nghiệp của ông. Người bấy giờ xem Trương Vĩnh Ký là quân tử, hiền nhân, ông thầy đạo lý của Nam Kỳ. Chính vì thế mà họ dựng tượng để tưởng niệm biết ơn ông và nêu gương ông. Nhưng vì có nhiều lý do mãi đến ngày 18-12-1927, tượng Trương Vĩnh Ký mới dựng được.

Theo Tư liệu gia đình do ông Trương Chánh Thành cung cấp thì ngày 07 tháng 12 năm 1937, ở Cái Mơn làm lễ kỷ niệm ông P. Trương Vĩnh Ký rất long trọng, “người dự lễ lúc bấy giờ có trên 5000 - cuộc tổ chức rất là chu đáo”, mà theo ghi nhận lúc bấy giờ là “Nam Kỳ mới có một lần”. Sau buổi lễ ban tổ chức đi tìm chỗ để đặt bia tưởng niệm Trương tiên sinh. Ban tổ chức nhờ ông Trương Vĩnh Tống đưa đi, “ban tổ chức rất may mắn tiềm (tìm) đặng chỗ chôn nhao cắt rún của đại văn hào. Chủ miếng đất ấy hiện nay là bà Hội đồng Hiền, vừa biết đặng cái mỹ ý của ban tổ chức, bà rất vui lòng hiến cho miếng đất chỗ đã lựa đặng đặt bia kỷ niệm”. “Theo lời ông cha sở họ Calmon (có lẽ là Cái Mơn- chú thích của người viết) thì chỗ ấy không đâu khác hơn là chỗ của cái nhà cũ của nhà đại văn hào hồi mới lọt lòng”. Nhà bia tưởng niệm Trương tiên sinh khoảng 20m2 gần mé rạch Ông Mầu, nay thuộc ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cách nhà thờ Cái Mơn và cầu Cái Mơn Lớn khoảng 400m. Hiện nay việc chăm sóc, bảo vệ nhà bia do chính quyền địa phương xã Vĩnh Thành kết hợp với đoàn trường THPT Trương Vĩnh Ký.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung trong “Trương Vĩnh Ký, Nhà văn hóa” cũng đã cho rằng “Trong khi nghiên cứu về mảng văn học miền Nam thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chúng tôi đã tìm ra lý do giải thích: chính sách người Pháp kéo về hàng ngũ của họ những người như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản và các vua, quan triều Nguyễn, kể cả Gia Long, qua các sách sử ký dạy ở trường học, hay qua việc dựng tượng, đặt tên đường, tên trường, và tổ chức long trọng các ngày kỷ niệm, ngày sinh, ngày mất, v.v…và vì thế, chúng tôi kết luận nếu chúng ta tiếp tục chống những người trên tức là vẫn mắc mưu thực dân, bị chính sách thực dầu độc bằng sách vở, mặc dầu chế độ thực dân không còn nữa” [83, 4]. Vậy ngày nay, có nên giành Trương Vĩnh Ký về phía Việt Nam không, như các nhà yêu nước đầu thế kỷ đã làm? Điều này chúng ta không cần phải trả lời.

Trước 1975, tên của ông được Bộ giáo dục Việt Nam Cộng hòa đặt cho một ngôi trường trung học lớn nhất miền Nam. Sau năm 1975, trường này được đổi tên là trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngày nay ở thành phố Hồ Chí Minh cũng có ngôi trường tư thục mang tên ông.

Thể theo yêu cầu nguyện vọng của người dân địa phương và thầy cô giáo trường THPT Chợ Lách B, ngày 20/8/2007, UBND Tỉnh Bến Tre ra Quyết định số: 1353/QĐ-UBND về việc đổi tên trường THPT Chợ Lách B thành trường THPT Trương Vĩnh Ký và sáng ngày 06 tháng 12 năm 2010, bức tượng đồng nhà bác học Trương Vĩnh Ký được khánh thành và đặt trong khuôn viên ngôi trường mang tên ông. Đây là chương trình “Mỗi giọt đồng đúc tượng danh nhân” do Tạp chí Xưa và Nay chủ trương. Tạp chí Xưa và Nay đã tặng trường nhân kỷ niệm 173 năm ngày sinh của Trương tiên sinh. Việc đặt tên trường và đặt tượng trong khuôn viên nhà trường đã có ý nghĩa giáo dục truyền thống hiếu học của cha ông đối với các em học sinh đang học trong ngôi trường này.

2 Sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký

Trương Vĩnh Ký là nhà văn, nhà bác học, ông hơn người ở chỗ làm việc rất mải miết, rất đều đặn, sự nghiệp văn chương của ông vô cùng to lớn. Ông bắt đầu viết từ năm 26 tuổi (1863) cho đến khi từ trần (1898) cho nên những sách của ông thuộc đủ cả các loại và vô cùng phong phú.

Khi đi vào sự nghiệp Trương Vĩnh Ký ở khía cạnh nhà văn chúng ta cũng nên thống nhất với nhau một điều là danh vị nhà văn ấy bao gồm cả lĩnh vực dịch thuật, trước tác, phóng tác, sưu tầm, phiên âm chứ không phải đơn thuần là nhà văn ở lĩnh vực sáng tác. Xét toàn bộ các tác phẩm có tính chất văn học của Trương Vĩnh Ký thì đa số là thuộc loại sưu tầm, phiên âm, nghiên cứu còn các tác phẩm thuộc loại sáng tác thật là ít ỏi. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì mục đích của Trương Vĩnh Ký là phổ biến chữ quốc ngữ cũng như mục đích giáo dục là rất cần và cần nhiều tác phẩm gần gũi với nhân dân để làm phương tiện truyền bá chữ quốc ngữ nên việc Trương Vĩnh Ký phiên âm chú thích các tác phẩm văn Nôm cũng như sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian chép lại bằng chữ quốc ngữ cũng là nhằm mục đích ấy.

Khi chúng ta căn cứ vào thư mục của các tác giả trong và ngoài nước, trước kia cũng như hiện nay có thể khẳng định ông đã có một hoạt động văn hóa phong phú và đồ sộ. Trong bối cảnh lịch sử xã hội đầy biến động đó mà ông có được khối lượng tác phẩm đồ sộ như thế, ta có thể thấy được sức làm việc phi thường của ông trong hoạt động văn hóa.

Theo Giáo sư Hoàng Như Mai, “Những công việc về văn hóa, với số lượng nhiều, chiếm nhiều thời gian và công sức của Trương Vĩnh Ký. Trương Vĩnh Ký đã làm việc liên tục (có lẽ có kế hoạch dài hạn), suốt cả một đời” [38, 114].
Trương Vĩnh Ký đã nói rõ mục đích trước tác của mình như trong thư gửi Hội đồng quản hạt Nam Kỳ ngày 12 - 12 - 1882: “Mục đích của những công trình khiêm tốn này là làm cho việc học biết tiếng nói của kẻ chinh phục và của người bị chinh phục có thể thực hiện lẫn cho nhau, là thắt chặt hơn nữa những quan hệ có lợi cho quyền lợi chung ràng buộc họ với nhau, là cải thiện số phận người An Nam cần được phục hồi bằng cách làm cho việc giáo dục học vấn của họ được hoàn hảo hơn, bằng cách làm cho họ hiểu thế nào là cuộc sống của một dân tộc và phát triển luôn trên con đường tiến bộ cùng với các nước khác trong hoàn cầu” [38, 13].

Bên cạnh mục đích mong muốn mở mang tri thức cho dân tộc và tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc, Trương Vĩnh Ký còn muốn gìn giữ, truyền bá rộng rãi đạo đức truyền thống cho nhân dân trong xã hội đầy biến động lúc bấy giờ. Đó là một việc làm đáng quý theo nhận xét của Đặng Thúc Liêng: “Vĩnh Ký có ý vì đương cơn thế loạn, đạo nghĩa tro tàn, e cho Nam Kỳ ta những nhà đạo đức, văn chương thế chẳng khỏi càng ngày càng suy bại! Bởi vậy cho nên lo trước thơ, lập ngôn, như đã nói trước đó, mà tùy thời sắp đặt sự dạy dỗ người, chẳng chia gì người Âu, kẻ Việt, coi đồng một bực. Miễn là duy trì đạo học được còn lại trong Nam Kỳ muôn một là may! Hỡi ôi! Chìm thuyền giữa dòng nước, được một cái bầu nổi, cầm đáng nghìn vàng. Vô cùng cảm khái!” [80, 9].

Cho đến ngày nay đã có nhiều thư mục Trương Vĩnh Ký nhưng đúng là chưa có một thư mục hoàn chỉnh. Nhà nghiên cứu Bằng Giang là người đã dày công trong việc sưu tầm, kê cứu, phân loại cũng như đính chính những nhầm lẫn của các tác giả khác khi tiếp nhận di sản văn hóa của Trương Vĩnh Ký trong Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký. Và Bằng Giang cũng đã khẳng định Trương Vĩnh Ký là một trong ba tác giả viết khỏe nhất ở Nam Kỳ trong hơn ba thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX. Theo Bằng Giang trong số ba tác giả: Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của thì Trương Vĩnh Ký là người nổi trội hơn cả.

Trương Vĩnh Ký viết nhều sách và nhiều loại sách khác và số lượng trang của các tác phẩm đa dạng, có tác phẩm từ vài trang nhưng cũng có tác phẩm hơn trăm trang. Thêm vào đó, là tình hình lưu trữ các tác phẩm đó hiện không còn đầy đủ, có một số tác phẩm được lưu trữ ở một số thư viện của nước ngoài, hoặc bị thất lạc không còn nên khó có thể xác định chính xác số lượng tác phẩm là bao nhiêu. Vì thế, khi nghiên cứu sự nghiệp văn học của Trương Vĩnh Ký các nhà nghiên cứu gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các tác phẩm của ông. Do vậy, mà số lượng các tác phẩm được các nhà nghiên cứu kê khai khác nhau, tiêu biểu như:

Theo nhà nghiên cứu Bằng Giang trong Văn học quốc ngữ Nam Kỳ thì số sách được in lại của Trương Vĩnh Ký là 118, đây là một con số “phù thủy” đã chinh phục được nhiều người cầm viết. Nhiều tác giả và những thư mục không tác giả kèm theo một số sách được in lại của Trương Vĩnh Ký đã đưa ra nhiều con số khác nhau: 66, 117, 118, 119, 120, 121,127,… Có tác giả lên bảng kê với tên sách được đánh số liên tục, chẳng hạn như Dương Mạnh Huy (Huyền Mặc Đạo Nhân) trong loạt bài “Một người tốt của nước Việt Nam” trong Lục tỉnh tân văn kể từ số ra ngày 5 - 7 - 1927. Số lượng được kê là 66. Cũng có tác giả xác định số lượng mà không có bảng kê đầy đủ chẳng hạn như Nguyễn Sinh Duy và Phạm Long Điền trong Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký (Sài Gòn, 1975) số lượng xác định là 121. Trong những con số kể trên “chỉ riêng có con số 118 như có một ma lực phù thủy chinh phục được nhiều người trong làng bút mục từ nửa thế kỷ nay, đã đi vào nhiều sách báo có tính phổ thông hoặc nghiên cứu” [25, 50].

Năm 1942, trên tờ Tri Tân tạp chí số 44, Long Điền có bài Sự nghiệp trước thuật của cụ Trương Vĩnh Ký (1837- 1898). Trong 31 năm cụ trước thuật được 118 pho sách tính trung bình mỗi năm làm được từ 3 đến 4 quyển. Tác giả cho biết “có để ý sưu tầm từ lâu nay được ông bạn Lê Thọ Xuân ở Bến Tre giúp sức đã tìm được một bảng kê các sách của cụ trước tác và dịch thuật” [25, 51]. Lập một bảng kê về sự nghiệp trước thuật của Trương Vĩnh Ký, Long Điền có ghi lại sách đã xuất bản, sách in hạn chế bằng thạch bản và sách dự định xuất bản. Theo Bằng Giang thì kể hết như vậy là đúng (vì sự nghiệp trước thuật chứ không phải thư mục) nhưng có chỗ bất ổn là tác giả nhập cục lộn xộn các loại sách đó làm một và đánh số liên tục từ 01 đến 118 khiến cho người đọc hiểu nhầm đó là toàn là sách đã xuất bản, và bảng kê của ông là một thư mục, tuy có sơ sài.

Nhưng sự thật con số 118 đã bị sai lệch, lí do là một cuốn biến thành hai. Trong cuốn Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca lần đầu in thạch bản (1877), sau đó được xuất bản từ nhà in Guilland et Martion(1884). Bảng Long Điền kể là hai đầu sách có hai số mục khác nhau, trong lúc chỉ nên kể là một. Hai cuốn được nhập lại làm một. Năm 1889, Trương Vĩnh Ký xuất bản hai cuốn Đại học và Trung dung in riêng tại nhà in Rey et Curiol. Bảng Long Điền nhập hai cuốn này lại làm một đầu sách.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để kết luận rằng con số 118 hiển nhiên là không đúng nhưng vẫn được tiếp tục sử dụng phổ biến. Cũng trong quyển Văn học quốc ngữ Nam Kỳ, Bằng Giang cũng đã cho rằng “Long Điền không coi con số 118 là cố định, chính xác. Về một khía cạnh nào đó, ông dè dặt: Chúng tôi khảo cứu mới biết được có 118 quyển sách trên, chưa chắc đã là đủ” [25, 55]. “Về sau thì một số người sử dụng LĐ mà không quan tâm đến sự dè dặt đó. Không nói đến trường hợp người sử dụng LĐ gián tiếp qua một tác giả khác, mà tác giả này lại không ghi xuất xứ của của con số 118. Không quan tâm đến ý dè dặt của tác giả, thấy con số 118 được phổ biến rộng từ những bộ sách được coi là nghiêm chỉnh, người ta có dễ tâm lý an toàn, coi con số 118 như là một con số đã được khẳng định” [25; 54 - 55].

Theo bảng kê của Từ điển văn học thì các công trình lớn nhỏ của Trương Vĩnh Ký gồm 118 công trình xếp thành 6 loại: nghiên cứu lịch sử - địa lý; nghiên cứu về các bộ môn khác trong khoa học xã hội; biên soạn từ điển; dịch sách chữ Hán; sưu tầm phiên âm truyện Nôm và tác phẩm cổ Việt Nam; và sáng tác thơ văn.
Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (tập 2) trang 310: Theo Bảng thư mục do chính Trương Vĩnh Ký làm năm 1892 (Catalogue des ouvrages publies et edites jour par J.P.B Trương Vĩnh Ký) thì Trương Vĩnh Ký đã viết và in 119 công trình lớn nhỏ bằng chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp. Ông còn có dự định là từ năm 1892 sẽ viết in 22 công trình nữa.

Thư mục sách xuất bản và biên soạn (Uovrages publiés et Édités) in đằng sau cuốn Chuyện khôi hài (S. Imprimerie F.H.Schneider, 1909), thì ông có 120 tác phẩm.

Bouchot liệt kê phía sau quyển Pétrus Truong Vinh Ky Érudit Cochinchinois, 1925 và Trương Vĩnh Ký hành trạng của Đặng Thúc Liêng thì ông có 78 tác phẩm.

Lê Thanh liệt kê phía sau quyển Trương Vĩnh Ký - biên khảo thì ông có 70 cuốn sách, 6 bài thơ và 15 bản thảo chép tay.

Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, Nxb Văn hóa Sài Gòn thì ông có 121 tác phẩm, và 23 bút tích.
iên cứu, người viết chia làm 5 nhóm những tác phẩm của ông:

A. SÁCH DẠY TIẾNG
Dựa vào những tác phẩm sưu tầm được và tài liệu hiện có về Trương Vĩnh Ký của các nhà ngh
B. SÁCH LỊCH SỬ - ĐỊA LÝ
C. NGHIÊN CỨU, DỊCH HÁN VĂN
D. SƯU TẦM, PHIÊN ÂM TRUYỆN NÔM VÀ VĂN HỌC CỔ VIỆT NAM
E. SÁNG TÁC THƠ VĂN


Như vậy, ta có thể thấy được sự nghiệp văn hóa của Trương Vĩnh Ký vô cùng đồ sộ, phong phú và đa dạng. Và cho đến nay, việc sưu tầm và nghiên cứu về tác phẩm của Trương Vĩnh Ký còn là là một vấn đề còn nhiều khó khăn và có nhiều ý kiến chưa được thống nhất về mặt số lượng.

Người viết: Võ Văn Điệp


=======


TRƯƠNG VĨNH KÝ



Ông là một nhà văn hóa sáng chói của Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX. Ông là một học giả tiên phong, chuyên tâm nghiên cứu học thuật, sáng lập nền báo chí Việt Nam và đóng vai trò khai sáng đối với văn học nước nhà.


Các tác phẩm

Trương Vĩnh Ký, người mở đầu cho cuộc đối thoại Đông Tây
Tiếng Việt - Những công lao bị quên lãng
Năm sinh: 1837
Quê quán: Tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long
Nước: Việt Nam
Lĩnh vực: Văn học, Học thuật, Báo chí
Cuộc đời hoạt động:

- Ông sinh ngày 6-10-1837 tại tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình ông theo đạo Gia Tô, ông vốn tên Jean Baptiste Trương Chánh Ký, sau mới đổi là Trương Vĩnh Ký, thường gọi là Pétrus Ký, hiệu là Sĩ Tải. Ông là con thứ ba của quan lãnh binh Trương Chánh Thi. Người anh thứ hai là Trương Văn Sử cũng thông minh, sau ra làm quan được thăng lên chức đốc phủ sứ.
- Khoảng năm 1839-1940 lãnh binh Trương Chánh Thi được lệnh lên trấn nhậm một vùng ở Nam Vang và mấy năm sau thì bị mất ở đó khi ông còn nhỏ tuổi. Gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, nhưng với lòng thương con, mẹ ông ngày đêm lam lũ, tần tảo quyết chí nuôi hai con ăn học.
- Lên 5 tuổi, ôngbắt đầu học chữ Nho với cụ Đồ Học, đồng thời được linh mục Tám, một linh mục người Việt thường lui tới thăm viếng gia đình truyền dạy quốc ngữ.
- Lên 8 tuổi, ông được Cổ Long, một linh mục người Pháp, đưa vào học trường Dòng ở Cái Nhum. Ba năm theo học ở đây, Ký đã khiến thầy và bạn bè ngạc nhiên, nể phục vì trí thông minh và tính cần cù của hiếu học của mình. Nhưng hoạn nạn lại đến, triều đình Huế tăng cường việc triệt hạ đạo, lùng sục những người theo đạo, nhất là các nhà truyền giáo Cổ Long phải lẩn trốn dắt theo ba tùy tùng, trong đó có học trò yêu là Trương Vĩnh Ký. Ròng rã mấy tháng trời băng rừng lội suối, thiếu ăn thiếu mặc, thầy trò Ký trốn sang được đất Campuchia.
- Năm 1849, Cổ Long xin ông vào học trường Pinhalu, một trường có nhiều học sinh từ các nước Châu Á như Thái Lan, Miến Điện, Trung Hoa, Nhật Bản, Lào... đang theo học. Chính nơi đây, trí thông minh xuất chúng của Ký càng được nẩy nở. Ông mê say các môn học và môn học nào cũng đạt xuất sắc, đặc biệt ông tỏ ra có năng khiếu về khoa ngôn ngữ học. Cũng ở đây, ông học thêm được nhiều thứ tiếng như Khơmer, Lào, Thái, Miến Điện...
- Năm 1851, ông nhận được một trong ba học bổng nhà trường cấp cho học sinh ưu tú tiếp tục sang học ở trường đạo Pinang (Mã Lai). Cổ Long một lần nữa lại dẫn dắt học trò băng rừng lội suối, khi bằng voi, khi lội bộ về Sài Gòn, rồi tiếp tục bằng đường biển, lênh đênh gần 3 tháng nữa mới đến nơi. Năm 1852, ông vào trường thầy dòng của hội truyền giáo Viễn Đông, tức là trường Pinang (ở đảo Pinang Malaixia).
- Ở trường Pinang 6 năm (từ 15 đến 21 tuổi), Ký học các môn văn chương, khoa học, triết học, học chuyên ngữ Latinh và Hy Lạp. Ông đã đạt được giải thưởng xuất sắc về môn luận văn Latinh của vị Thống đốc nước Anh ở đảo này. Ngoài ra, ông còn học thêm được các thứ tiếng Anh, Pháp, Ấn Độ và Nhật. Ông nổi tiếng là người có trí nhớ phi thường. Ngoài việc học thần học, triết học... ông bắt đầu học thêm ngôn ngữ Hy Lạp, Anh, Nhật, Hinđu. Trong một kỳ thi luận văn viết bằng chữ Latinh, đầu đề là "Đức Datô có phải là Chúa không?", bài của ông đã được chấm giải nhất. Một nhà nhiếp ảnh người Anh là J. Thomson đã từng đi du lịch nhiều nơi và viết quyển "Mười năm du lịch Trung Quốc và Đông Dương" trong đó có đoạn đề cập đến Pétrus Ký: "Là một ngoại lệ đáng kể trong những người bản xứ mà tôi vừa giới thiệu nét đặc trưng với bạn đọc. Ông đã học ở trường trung học Penang và không bao giờ tôi quên được sự ngạc nhiên của tôi, khi tôi được người ta giới thiệu với ông. Ông nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh rất hay, hơi có giọng Pháp, còn tiếng Pháp thì ông nói cũng không kém thuần thục và thanh lịch. Tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý cùg với nhiều thứ tiếng phương Đông đều là những thứ tiếng mà ông thông thạo. Nhờ có vốn kiến thức phi thường đó, ông có được địa vị cao. Một hôm tôi đến thăm ông, tôi thấy ông đang làm sách Phân tích so sánh các ngôn ngữ chủ yếu trên thế giới, tácphẩm này đã khiến ông bỏ ra nhiều năm làm việc cần cù. Chung quanh ông đầy đủ những quyển sách quý và hiếm mà ông đã tìm kiếm được một phần ở châu Âu, một phần ở châu Á. Buổi tối hôm ấy, có một giáo sĩ ở Chợ Lớn đến gặp ông và khi chúng tôi sắp từ biệt, thì tôi nghe họ thảo luận với nhau bằng tiếng La tinh về vài đặc điểm thuộc về thần học. La tinh là một ngôn ngữ rất khó học, nhưng ông được giải thưởng về luận văn triết học viết bằng tiếng La tinh. Do đó, Trương Vĩnh Ký nổi tiếng về môn triết học ở chủng viện Penang".

- Năm 1858, Trương Vĩnh Ký ra trường. Còn đang phân vân giữa đường tu hành và đường đời thì nhận được tin thân mẫu qua đời, ông quyết định lên đường về quê cũ thọ tang mẹ và chấm dứt một quãng đời học sinh miệt mài sách vỡ và kết quả lại hết sức rực rỡ.
- Hơn hai mươi năm dính vào “hoạn lộ”, làm việc với chính quyền thực dân Pháp, làm việc với triều đình Huế, Trương Vĩnh Ký chưa bao giờ là một “ông quan cai trị” chính cống, cũng chưa bao giờ là một nhà chính trị chuyên nghiệp. Ông cũng gặp nhiều trắc trở trên con đường chính trị bất đắc dĩ này.
- Tháng 12-1860, ông nhận lời của một giám mục Lefêbvre làm thông ngôn cho viên Thủy sư đô đốc Rigault de Genouilly đang chiếm đóng ở Sài Gòn.
- Sau khi quyết định sống cuộc sống đời thường, Trương Vĩnh Ký cưới vợ là bà Vương Thị Thọ năm 1861.
- Năm 1862, với tư cách là thông ngôn, ông tham gia trong phái đoàn Simon ra Huế bàn việc cắt nhượng 3 tỉnh Miền Đông cho Pháp.
- Năm 1863 cũng với tư cách thông ngôn, ông theo sứ bộ Phan Thanh Giản qua Pháp, để thương thuyết chuộc lại 3 tỉnh miền Đông, nhưng thất bại. Trong dịp này ông đã tiếp xúc và kết bạn với Văn hào Victor Huygo, với các ông viện sĩ Hàn lâm Littré, Durny, Renan; ông cũng đã đi thăm được các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha...
- Năm 1866, Trương Vĩnh Ký được Pháp bổ nhiệm làm giám đốc trường thông ngôn (Collège de Interprètes) và dạy tiếng Đông phương tại trường này.
- Năm 1867, ông cho in Abrégé de grammaire Annamite (Ngữ pháp Việt Nam yếu lược), chứng tỏ ông là người Việt đầu tiên viết sách ngữ pháp tiếng Việt bằng tiếng Pháp.
- Tháng 9-1869, Thủy sư đô đốc Ohier ra nghị định bổ nhiệm Trương Vĩnh Ký toàn quyền trông coi tờ “Gia định báo” mà trước đó do người Pháp (Ernest Poteau) quản nhiệm. Như vậy, ông là người Việt đầu tiên làm chủ bút một tờ báo Việt ngữ.
- Tháng 1-1872, Trương Vĩnh Ký được chuyển qua làm giám đốc trường sư phạm (Ecole Normale). Ông cũng có chân trong Hội đồng Châu thành Chợ Lớn, Hội đồng thành phố Sài Gòn.
- Năm 1875, ông cho in tác phẩm Cours d' Histoire Annamite - 2 tập (Giáo trình lịch sử Annam). Học giả Pháp là Ernest Renan từ năm 1880 đã đánh giá: "Trương Vĩnh Ký trình bày cho chúng ta biết một cách tường tận những ý tưởng của người Việt nam và lịch sử của họ. Người ta phải ngạc nhiên khi thấy trong cuốn sách Giáo trình lịch sử Annam của ông một tinh thần sáng suốt và một sự vô tư khách quan ít thấy ở những công trình có tính cách Á Đông. Nhiều nước ở Châu Âu không có được cho trường học của họ một cuốn sách lược khảo có giá trị như cuốn sách của Trương Vĩnh Ký". Với tác phẩm này, ông là người Việt đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp.
- Khi Paul Bert – một nhà văn hóa Pháp mà ông kết bạn từ năm 1863 – được cử sang làm quan toàn quyền, sau nhiều lần được mời mọc, tháng 04-1886, ông nhận lời ra giúp việc cho Paul Bert với một ý nguyện “giúp hai bên Pháp – Việt cảm thông hòa hiểu nhau”. Ông cũng được vua Đồng Khánh vừa lên ngôi tin cậy sắc phong làm Hàn Lâm Tự Độc Học Sĩ, sung cơ mật viện (8/1885).
- Năm 1886, ông cho in tác phẩm Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích. Sau này khi tái bản, người ta rút gọn lại là Chuyện đời xưa, theo ông: "Người ta dùng sách này mà học tiếng thì lấy làm có ích. Vì trong ấy cách nói chính là cách nói Annam ròng". Với việc làm ấy, ông là người Việt đầu tiên cho in sách bằng chữ Quốc ngữ.
- Sau khi Paul Bert mất (1886), ông chán việc chính trị, chán nản sự đố kỵ của hai phía chính phủ, ông xin trở lại Sài Gòn làm giáo sư giảng dạy thổ ngữ Đông phương ở trường Hậu Bổ (Collège des Administrateur Stagiaires) và trường thông ngôn (Collège des Interpretes). Từ giai đoạn này cho đến cuối đời, ông để hết tâm trí vào công việc nghiên cứu và trước tác.
- Năm 1888, ông chủ trương tập san Thông loại khóa trình (Miscellanées), tất cả ra được 18 số, đình bản vào tháng 6-1989 vì thiếu vốn. Như vậy, Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam đầu tiên chủ trì tập san tư nhân để phổ biến văn hóa nước nhà.
- Ông mất đi trong bệnh hoạn vào ngày 1-9-1898, lúc còn 62 tuổi và giữ những công trình đang biên soạn dở dang. Trên mộ ông có ghi những dòng chữ La tinh như muốn phân bua, nhắn nhủ với hậu thế: "Xin hãy thương tôi, ít ra những bạn hữu của tôi", "Kiến thức của người có nó là nguồn sống", "Những ai sống và tin tôi sẽ không phải chết đời đời".

Quan điểm viết bài

Từ khi còn ở trường Dòng Cái Nhum, Trương Vĩnh Ký đã là một học trò thông minh xuất chúng. Qua học ở Pinhalu, học ở Pinang, ôngtrở thành một học sinh lỗi lạc tài ba nhất về khoa ngôn ngữ.

Thông thạo hơn 25 thứ tiếng phương Đông và phương Tây, tâm trí lại say mê chuyên chú vào việc nghiên cứu học thuật, Trương Vĩnh Ký đã để lại một gia tài trước tác đồ sộ. Ông Khổng Xuân Thu trong cuốn “Trương Vĩnh Ký, 1837 – 1898” do Tân Việt xuất bản đã liệt kê được 118 tác phẩm đã in ấn và 14 tác phẩm chưa in và đang soạn. Vũ Ngọc Phan trong bộ “Nhà văn hiện đại” (1942) đã viết “Sự nghiệp văn chương của ông thật lớn lao”. Trần Văn Giáp trong “Lược truyện tác giả Việt Nam” (1972) cũng thừa nhận tác phẩm của Trương Vĩnh Ký “còn lại rất nhiều”. Khi biên soạn “Tự điển văn học” (1984), giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã hệ thống hóa trước tác của Trương Vĩnh Ký thành 6 loại như sau:

1 – Nghiên cứu về lịch sử, địa lý như sử ký An Nam, sử ký Trung Quốc, Tập giáo trình về địa lý Nam Kỳ...

2 – Nghiên cứu về các bộ môn khác trong khoa học xã hội như: nghiên cứu so sánh tiếng nói, chữ viết, tín ngưỡng và tôn giáo của các dân tộc Đông dương; Tổng luận về các lối chữ tượng ý, tượng hình theo ngữ âm và theo vần a, b, c; nghiên cứu so sánh tiếng nói và chữ viết của ba ngành ngữ: phép lịch sự An Nam, Hát lý hò An Nam...

3 – Biên soạn từ điển như Từ điển Pháp – Việt; Từ điển Pháp – Hán – Việt; Từ điển địa lý An Nam; Từ điển danh nhân An Nam.

4 - Dịch sách chữ hán như: Tứ thư; Sơ học vấn tâm; Tam tự kinh; Tam thiên tự; Minh tâm bảo giám...

5 – Sưu tầm, phiên âm truyện Nôm và tác phẩm cổ Việt Nam như: Truyện Kiều, Phan Trần, Đại Nam quốc sử diễn ca, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc...

6 – Sáng tác thơ như: Bút ký ghi về Vương quốc Khơmer, chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi, thơ Tuyệt mệnh...

Với tài năng lỗi lạc, kiến thức uyên bác, Trương Vĩnh Ký sớm nổi danh không những trong nước mà còn ở nước ngoài. Năm 1963, trong dịp theo sứ bộ Phan Thanh Giản qua Pháp, ông đã tiếp xúc và kết tình thân hữu với nhiều nhà văn lớn của Pháp như: Victor Hugo, Paul Bert, Littré, Renan...Dịp này ông được nhận làm thông tín viên Hội nhân chủng học. Năm 1876, ông trở thành Hội viên Hội Á Châu (Socíeté Asiatique). Ông được tặng nhiều huy chương về văn hóa của nước ngoài, trong đó Hàn lâm Pháp tặng huy chương đệ nhị đẳng (1883) và đệ nhất đẳng (1887).

Với những hoạt động văn hóa kể trên, năm 1874, giới nghiên cứu Pháp đã liệt Trương Vĩnh Ký vào hàng một trong 18 nhà bác học danh tiếng nhất thế giới đương thời.

Trương Vĩnh Ký là người tiên phong trong việc sáng lập nền báo chí Việt Nam. Tờ “Gia Định báo” khi còn Ernest Poteau quản nhiệm chỉ là một bản tin, một bản dịch Việt văn của tờ Coarrier de Sài Gòn nhưng khi đến tay ông quản nhiệm (Ngày 16/9/1869) thì tờ báo khác hẳn. Về hình thức tờ báo không thay đổi nhiều, nhưng về nội dung ông đã tập trung vào 3 chủ đích: cổ động tân học, truyền bá quốc ngữ và giáo dục quốc âm. Tờ báo đã một mình tung hoành trên 30 năm cuối thế kỷ 19 và nơi tập hợp nhiều nhà báo nổi tiếng sau này như Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của...

Trương Vĩnh Ký là một học giả tiên phong, có nhiều canh tân trong một số chuyên ngành văn hóa. Trên lĩnh vực này, ở nhiều điểm ông còn đi xa hơn Nguyễn Trường Tộ, nhà cách tân đồng thời. Ví dụ như Nguyễn Trường Tộ nhận thức rằng: “chữ Hán là thứ chữ chỉ có ai học mới biết, không học thì nghe như vịt nghe sấm”. Nhưng Trương Vĩnh Ký thì chủ trương: “Cứ lấy chữ Hán chuyển đọc ra quốc âm. Không cần học nghĩa” và ông đã cụ thể hoá” gộp hết tiếng ta lại chia thành môn loại, làm tự điển, trước tiên ban hành trong các cơ quan chính quyền và trường học cho người học dễ dàng sử dụng”. Hoặc đối với chữ quốc ngữ, Nguyễn Trường Tộ chưa dám dùng nhưng Trương Vĩnh Ký lại trước tác bằng chữ quốc ngữ, chữ Pháp... Ông còn dịch nhiều sách Hán Nôm ra quốc ngữ, soạn tự điển hai, ba ngôn ngữ. Ông có công rất lớn đối với văn tự, chữ viết của nước ta, thứ chữ được phát triển càng ngày càng rực rỡ.

Trương Vĩnh Ký đã đóng một vai trò hết sức quan trọng: vai trò khai sáng đối với văn học nước nhà.

Trương Vĩnh Ký – một trong 18 nhà thông thái nhất thế giới đương thời, người đạt kỷ lục về làu thông ngoại ngữ (26 ngoại ngữ), một nhà cách tân văn hóa, một học giả mà số lượng trước tác đạt đến 3 con số (118 tác phẩm). Hầu như ở lĩnh vực học thuật nào, ông cũng có những đóng góp rất đáng kể. Có thể gọi ông là nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà ngôn ngữ học... Nhưng ông lại rất khiêm tốn và sống cảnh thanh bạch, thậm chí nợ nần.

Các tác phẩm của ông

Ông có rất nhiều tác phẩm (118 tác phẩm hoặc 121 tác phẩm), lược kê một số như:

- Truyện đời xưa
- Abrégé de grammaire annamite (Tóm lược ngữ pháp An Nam)
- Kim Vân Kiều (bản phiên âm ra chữ quốc ngữ đầu tiên)
- Petit cours de géographie de la Basse-Cochinchine
- Cours de langue annamite (Bài giảng ngôn ngữ An Nam)
- Voyage au Tonkin en 1876 (Đông Kinh du ký)
- Guide de la conversation annamite (Hướng dẫn đàm thoại An Nam)
- Phép lịch sự An Nam (Les convenances et les civilités annamites)
- Lục súc tranh công
- Cours de la langue mandarine ou des caractères chinois (Bài giảng tiếng Quan thoại hay chữ Trung Quốc)
- Cours d'histoire annamite (Bài giảng lịch sử An Nam)
- Dư đồ thuyết lược (Précis de géographie)
- Đại Nam tam thập nhất tỉnh thành đồ
- Cours de littérature annamite, 1891 (Bài giảng văn chương An nam)
- Cours de géographie générale de l'Indochine (Bài giảng địa lý tổng quát Đông Dương)
- Đại Nam tam thập nhứt tỉnh địa đồ
- Grand Dictionnaire Annamite-Français (Đại tự điển An Nam-Pháp)
...


Các sách viết về ông:

- Trương Vĩnh Ký nhà văn hóa, Nguyễn Văn Trung, NXB Hội nhà văn, 1993

- Trương Vĩnh Ký – con người và sự thật, Nguyễn Văn Trấn, Ban Khoa học xã hội Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, 1993

- Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký, Bằng Giang, Nhà xuất bản Văn học, 1994

- Trương Vĩnh Ký - Bi kịch muôn đời, Hoàng Lại Giang, NXB Văn Hóa và Thông Tin, 2001

- Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, NXB Trẻ, 2002, tr.28

- Tuyển Tập Hiện Tượng Trương Vĩnh Ký, Vũ Ký, 2005


Học giả nói, viết về tác giả

- Chúng ta kính trọng ông - một nhà bác học, một nhà văn hóa lớn vừa có nhân cách vừa có chân tài. Lịch sử chắc chắn sẽ tiếp tục ghi nhận công lao của Trương Vĩnh Ký với tư cách người đi tiên phong trong cuộc chuẩn bị sự canh tân cho đất nước. (GS Trần Hữu Tá, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông)

-Tóm tắt sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký gọn trong 3 tiếng "Bác học, Tâm thuật, Khiêm tốn" (Nguyễn Văn Tố )

- Đời có ba hạng người bất hủ. Trên có bậc lập đức, dưới có bậc lập công, sau có bậc lập ngôn, tuy mất đã lâu mà tiếng vẫn còn: toàn là những nhà bất hủ.
Hạng người làm sách để dạy đời là một hạng trong ba hạng người bất hủ ấy.
Ông Trương Vĩnh Ký có thể liệt vào hạng người đó, vì ông viết bao nhiêu là sách. Những sách ấy hiện vẫn còn có giá trị, quyển nào cũng có ý đủ, văn hay, không phải là người có thiên tài học vấn thì không sao viết nổi. Thật là một nhà bác ngữ uẩn suc, nước ta chưa từng có bao giờ. (Nguyễn Văn Tố)

- Trong số những sách dịch thuật, khảo cứu và sáng tác của ông, người ta thấy chỉ những sách khảo cứu của ông là có giá trị hơn cả...Người ta thấy ông rõ là một nhà bác học có óc tổ chức và có phương pháp... (Vũ Ngọc Phan)

- Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham "đục nước béo cò" như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà long giữ Hán, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người xứng danh học trò cửa Khổng. (Vương Hồng Sển)

- Ông Trương Vĩnh Ký từ khi đỗ đạt cho đến khi mất vẫn tỏ ra thân Pháp. Tuy nhiên, người ở miền Nam không bao giờ khinh rẻ ông. Ông không gia nhập Pháp tịch; trước khi mất, ông biết thân phận của người học giả sống trong thời kỳ khó khăn...

- Khi phong trào Duy Tân hoạt động công khai rầm rộ, ông Trần Chánh Chiếu cổ động lạc quyên đức tượng kỷ niệm ông Trương Vĩnh Ký với bài trong báo Lục Tỉnh Tân Văn nhan đề “ông Đốc Ký”.

- Ông này khi sanh tiền tuy là nhà nứơc tin cậy mặc dầu chớ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẻ cho các quan Lang sa biết phong tục lễ nghĩa của con nhà An Nam, cho khỏi chỗ mích lòng nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt. Đêm ngày lo đặt sách này dịch sách kia cho kẻ hậu sinh dễ học. Thiệt là quan thầy của cả và Nam Kỳ...

- Ngoài những tác phẩm biên khảo mang tính cách bác học, ông Trương vĩnh Ký còn chú ý đến độc giả bình dân, lời văn theo lời ăn tiếng nói thông dụng lúc bây giờ. Chuyện đời xưa của ông cùng là Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của hãy còn được nhắc nhở. (Sơn Nam)

- Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không đài các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn… Và nhờ ông, câu văn Việt được giải phóng khỏi những xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là “cách nói tiếng An Nam ròng” và viết “trơn tuột như lờ nói”. Nếu đem phân tích theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi, nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm, văn ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn. (Thanh Lãng)

- Những biên soạn của Trương Vĩnh Ký đã có những đóng góp quan trọng cho một số ngành khoa học đương thời, nhất là khoa ngôn ngữ học và khoa học lịch sử… Các sáng tác của Trương cũng nói lên ít nhiều cá tính một con người cần mẫn trong công việc, có cái nhìn tinh tế và óc tò mò trước sự vật, nhiều lúc có khả năng hài hước hóa mọi chuyện ở đời... (Nguyễn Huệ Chi)

- Ông là người, từ nhỏ được giáo dục theo phương pháp Âu Tây, khi trưởng thành theo giúp việc người Pháp, thế mà bằng hữu viết thư giục ông, ông không nghe, vẫn khăng khăng từ chối để suốt đời được giữ bộ quần áo Việt Nam và suốt đời là một người Việt Nam thuần túy. (Lê Thanh)

- Nếu cụ Võ Trường Toản là "Hậu tổ" của Nho học ở đất Gia Định thì cụ Trương Vĩnh Ký là bậc tiền hiền của chữ quốc ngữ trong toàn cõi đất Việt. (Huỳnh Minh)

Các bài viết, bài báo về Trương Vĩnh Ký

- Tiếng Việt - những công lao bị quên lãng (Cao Xuân Hạo)
- Người chiêu tuyết cho Trương Vĩnh Ký
- Tầm vóc quốc tế của Pétrus Ký
- Petrus Trương Vĩnh Ký, người đầu tiên phát huy nền văn học chữ quốc ngữ Việt Nam
- Trương Vĩnh Ký nhà văn hóa tiên phong
- Những kỷ lục của báo chí Việt Nam
-Trương Vĩnh Ký, người mở đầu cho cuộc trò chuyện Đông Tây


======


(Tài liệu trên trang mạng chánh thức của ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE)



Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898)


Trương Vĩnh Ký, còn có tên J.B. Trương Chánh Ký, hoặc Pétrus Ký, sinh ngày 6-12-1837 tại làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), là con thứ ba của Lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu. Lên năm tuổi, Ký bắt đầu học chữ Hán. Đến chín tuổi cha mất. Lúc này, có một nhà truyền giáo người Pháp, thường gọi là cha Long, thấy cậu bé Ký có trí thông minh nên đem về trường dòng ở Cái Nhum dạy học chữ La-tinh. Năm 12 tuổi, Trương theo cha Hòe (tức linh mục Belleveaux) sang học tại Trường Pinhalu ở Phnom Penh.
Năm 1851, Trương được trường này cấp học bổng sang học tại Chủng viện Pinang ở Indonesia - một trung tâm đào tạo linh mục cho các nước Đông Nam Á. Tại Tổng chủng viện Pinang, Trương Vĩnh Ký trong quá trình học tập đã tỏ ra "có khả năng thu nhận khác thường" hệ thống tư tưởng và các tri thức khoa học tự nhiên cũng như xã hội đương thời, đến nỗi ngay các nhân vật có tiếng tăm lúc ấy cũng phải ngạc nhiên và khen ngợi trí thông minh và trình độ "học vấn uyên vấn uyên bác" của ông… Ông cũng tỏ ra là một người có năng khiếu về ngôn ngữ học. Ngoài các sinh ngữ Pháp, Anh, La-tinh, Hy Lạp, Ấn Độ, Nhật, ông còn thông thạo cả tiếng Y Pha Nho, Trung Quốc, Mã Lai, Lào, Thái, Miến.Trương Vĩnh Ký hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực văn hóa, ngoại trừ 8 tháng hoạt động ở Viện Cơ mật của triều đình Huế và 8 tháng làm phiên dịch trong phái đoàn Việt Nam sang Pháp.

Tháng 2-1859, quân Pháp đánh chiếm Gia Định, ông được giám mục người Pháp Lefèbre chỉ định làm thông ngôn cho bộ chỉ huy "Đoàn quân chiếm đóng" ở Nam Kỳ. Tháng 6-1863, thực dân Pháp cử ông làm phiên dịch cho phái bộ "chuộc đất” của triều đình do Phan Thanh Giản cầm đầu sang Pháp. Trong chuyến đi này, ngoài nhiệm vụ thông ngôn được đảm nhận một cách xuất sắc, ông còn tiếp xúc với một số nhân vật cao cấp của chính quyền Pháp, gặp gỡ một số nhà văn nổi tiếng như Victor Hugo, Littré, Renan… đi thăm nhiều nơi ở Pháp và một số nước khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ai Cập, Italia và được Giáo hoàng La Mã tiếp. Trong hành trình kéo dài 8 tháng, cả đi lẫn về, Trương Vĩnh Ký có dịp sống gần gũi với hai vị quan đại thần Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ; đó không chỉ là hai vị quan đại thần, mà còn là những nhân vật đáng kính về tài đức. Trương Vĩnh Ký cũng có cơ hội đề hiểu rõ hơn về nội tình đất nước và đồng bào của mình. Chính trong hồi ký sau chuyến đi này, Trương đã viết: "Tôi trở về với tâm hồn sung sướng vô cùng". Có thề nói chuyến đi này đã góp phần định hướng những suy tư và hoạt động của ông tìm về văn hóa dân tộc một cách tích cực hơn.

Sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ, các "Toàn quyền đô đốc” (Geuverneurs – Amiraux) đã sử dụng Trương Vĩnh Ký như một quan chức An Nam đầu tiên của chính quyền Pháp” đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: giáo sư Pháp văn Trường Thông ngôn (1866 – 1868 ), chủ bút tờ Gia Định báo (1868), Giám đốc trường Sư phạm kiêm thư ký Hội đồng thành phố Chợ Lớn (1872), giáo sư quốc văn và Hán văn cho người Pháp và Tây Ban Nha ở Trường Tham biện Hậu bổ (Collège des administrateurs stagiaires – 1874)… Tháng 2-1876, Trương được Toàn quyền Paul Bert cử làm giám quan cố vấn cho vua Đồng Khánh ở Viện Cơ mật đến tháng 10-1876 thì trở về Sài Gòn.Sau cái chết đột ngột của Paul Bert (11-11-1886), Trương Vĩnh Ký không còn được trọng dụng như trước. Ông dùng thì giờ còn lại để đọc sách, báo, nghiên cứu, viết sách và dạy ở Trường Hậu bổ và Trường Thông ngôn.

Trong lĩnh vực văn hóa, Trương Vĩnh Ký đã chứng tỏ có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, không chỉ trong khoa học xã hội mà cả trong khoa học tự nhiên. Đặc biệt về hoạt động sưu tầm, biên khảo, phiên âm, phiên dịch, ông đạt những thành tựu đáng kể. Ông dịch sách chữ Hán, phiên ra chữ quốc ngữ những bản cổ văn Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần, Gia huấn ca, Lục súc tranh công… biên soạn Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài v.v…Ông có một năng lực làm việc phi thường. Trong khoảng thời gian 40 năm (1858 - 1898), Trương Vĩnh Ký đã để lại cho đời 118 tác phẩm, bao gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, dịch, phiên âm trong đó có hàng chục quyển sách viết bằng Pháp văn. Ở buổi đầu giao tiếp giữa hai nền văn hóa Tây phương và Đông phương tại Việt Nam, một sự nghiệp đồ sộ như thế quả là hiếm có. Trương Vĩnh Ký có chân trong hàng chục hội khoa học châu Âu, ở cuối thế kỷ XIX J.Bouchot, một học giả Pháp, gọi ông là "một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và cho chí ở nước Trung Hoa hiện đại nữa”.(1) Ở nước ta trước đây, một số nhà nghiên cứu đã đánh giá những cống hiến của ông khá cao. Nguyễn Văn Tố tóm tắt sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký trong 3 tiếng “Bác học, Tâm thuật, Khiêm tốn" (2) và, trong lời tựa cuốn Trương Vĩnh Ký của Lê Thanh, ông cho rằng họ Trương là "một nhà lập ngôn bất hủ… một tay cự phách trong văn học, đã nổi tiếng là một nhà sư phạm". Vũ Ngọc Phan, trong tập Nhà văn hiện đại, ông đã viết "Còn Trương Vĩnh Ký thì thiệt là một nhà bác học. Ông không những là một nhà văn, một nhà viết sử, một nhà dịch thuật mà còn là một người giỏi về ngôn ngữ". Mặt khác, cũng có nhiều ý kiến phê phán, buộc tội họ Trương là đã cộng tác với thực dân, phản lại Tổ quốc, như Lê Thanh trong quyển Trương Vĩnh Ký, Trần Huy Liệu trong Lịch sử 80 năm chống Pháp, Phạm Long Điền và Nguyễn Sinh Duy trong quyển Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký…

Những ý kiến trái ngược nhau tùy thuộc vào chỗ đứng, cách nhìn và đánh giá khác nhau của từng người đối với nhân vật lịch sử này. Cũng cần thấy thêm rằng do bản thân cuộc đời hoạt động của Trương Vĩnh Ký có nhiều điều phức tạp và rắc rối. Con người giàu tài năng và có sức làm việc to lớn như thế, đến cuối đời đã rơi vào hoàn cảnh nghèo nàn, túng bấn. Về mặt tinh thần, lúc sinh thời ông cũng đã bộc lộ nhiều băn khoăn, khắc khoải. Hai câu cuối của Bài thơ tuyệt mệnh như muốn gửi gấm tâm sự cho người đời sau, khi phẩm bình về sự nghiệp của ông:

Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa sai


Ông mất ngày 1-9-1898 tại Sài Gòn, hưởng thọ 62 tuổi. Hiển nhiên, Trương Vĩnh Ký đã có những sai lầm về chính trị, mặc dù hoạt động chính trị của ông rất ngắn ngủi so với hoạt động văn hóa. Nhưng những hoạt động ở lĩnh vực thứ hai này lại không thể tách rời với tư tưởng chính trị khá nhất quán của ông là phục vụ trung thành nước Pháp, như ông đã hơn một lần thừa nhận. Tuy nhiên không vì vậy mà ta xếp ông vào hàng những tên tay sai bán nước như Tôn Thọ Tường, Đỗ Hữu Phương, Trần Bá Lộc, từ đó đi đến phủ nhận toàn bộ những cống hiến của ông đối với văn hóa của dân tộc. Đáng chú ý nhất là những đóng góp vào sự phát triển và phổ cập chữ quốc ngữ ở giai đoạn ban đầu, vào lịch sử phát triển báo chí, cũng như trong lĩnh vực văn học và ngôn ngữ học v.v…Những năm gần đây, trong bầu không khí tinh thần cởi mở, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, một số công trinh nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký được đăng tải trên các tạp chí, hoặc in thành sách, thể hiện một quan điểm lịch sử khách quan và rộng rãi hơn, một cách nhìn bình tĩnh và khoa học hơn. Trong đó, đáng chú ý là cuốn Trương Vĩnh Ký – con người và sự thật của nhà biên khảo Nguyễn Văn Trấn do Ban Khoa học xã hội Thành ủy TP.Hồ Chí Minh xuất bản năm 1993 và quyển Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký của Bằng Giang, Nhà xuất bản Văn học, 1994.

Chú thích:

1. J. Bouchot, Péutrus Ký, un savant et un patriote Cochinchinois, S, 1927, p 10
2. Kỷ yếu hội Trí Tri Bắc kỳ, số 1-2 năm 1937





** Sau khi tìm hiểu các bài viết của ông Bùi Kha, BTH nhận thấy bài viết của ông không xứng đáng là tiếng nói theo chiều hướng đối nghịch ... Nên xóa ! Cáo lỗi cùng khách truy cập !


======


Các Tài Liệu Khác:




** Trương Vĩnh Ký, Thời Niên Thiếu /Tiến Sĩ TRẦN VĂN ĐẠT


** Vinh Danh Trương Vĩnh Ký /Giáo Sư ĐỖ QUANG VINH


** Trương Vĩnh Ký, Trở Về Con ĐườngVăn Hóa Văn Học/CAOTHẾ DUNG


** Trương Vĩnh Ký, Nhà Thông Thái & Nhà Giáo Dục/VŨ KÝ


** Trương Vĩnh Ký, Thân Thế và Sự Nghiệp/HỒ VĂN THÁI


** Petrus Trương Vĩnh Ký - nhà Bác học đa năng, nhà ái quốc khả kính/TRẦN NGỌC THẠCH


** Pétrus Trương Vĩnh Ký/HOÀNG KIM VIỆT


** Trương Vĩnh Ký: một Trí Thức buồn/HỒNG LÊ THỌ


** Trương Vĩnh Ký Sống Đạo Người Việt/NGUYỄN VY KHANH


** Thế kỷ XXI nhìn về lịch sử Trương Vĩnh Ký/sachbaovn.vn


><><><><



*** Hình Ảnh Chụp Những "Tài Liệu" Mà Ông PHAN VĂN LÍT, Chs/Trung Học Kiến Hòa Thế Hệ 1959 Còn Giữ Được,

Có Liên Quan Về Sự Nghiệp Sáng Tác, Dịch Thuật, Làm Báo, ... Của Ông TRƯƠNG VĨNH KÝ:


















======


Hành Trình Đi Tìm Ông Trương Vĩnh Ký

(Nguyễn Thái An)

http://sachhiem.net/LICHSU/N/NguyenThaiAn.php

21 tháng 5, 2009

LTS: Tác giả Nguyễn Thái An là giáo sư dạy Kiến Thức Xã Hội (Sử Địa) của trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức ở Sài gòn (1965 - 1975). Ông có kiến thức rất rộng rãi và uyên thâm, nhờ vào thói quen đọc sách, đọc báo, và đi du lãm nhiều nơi. Ông đọc rất nhiều, tuy nhiên, ít khi viết hay tham dự tranh luận trên bất cứ diễn đàn nào, dù là diễn đàn riêng của trường. Theo lời tâm sự của giáo sư, có lẽ đây là lần đầu tiên ông lên tiếng sau những lá thư "xúc cảm" về Trương Vĩnh Ký. Sachhiem.net rất hân hạnh được phép đăng lá thư này, không những vì giá trị lịch sử, mà còn là giá trị văn chương và cái nhẹ nhàng mà sâu sắc nhưng cũng không thiếu phần cương quyết và thẳng thắn trong lập luận. Phần nội dung đối luận của các lá thư đề cập có thể nhìn thấy khi đọc bài viết của Giáo sư. Lá thư chỉ chép lại tài liệu của Wilkipedia thì không cần chép ra đây nữa. Tất cả các lá thư đã được công bố trên diễn đàn trường KMTD. (SH)



tượng Trương Vĩnh Ký

Thưa Quí Vị,

Khi tôi ở tuổi 14, 15 đang học ở trường Petrus Trương Vĩnh Ký tôi cùng một vài bạn khác có tham vọng to lớn là thu thập tài liệu để viết về ông Ký, về ngôi trường của tôị đầu tiên là những chuyện huyền bí, một người sai dịch già làm công tác quét dọn đã thề thốt sống chết là nhiều đêm trong những năm trước 1945 ông ta thấy bóng một người mặc quần áo đại triều, như ông Petrus Ký mặc hồi làm quan ở Huế, đi ở hành lang nhà trường. Và chuyện cha của người bạn tôi đánh một ông giáo sư Pháp vì ông này đã mắng học trò Việtnam là sale race (tạm dịch là giống dân dơ dáy), tất nhiên người thiếu niên anh hùng này bị tống cổ ra khỏi trường. Rồi những mẫu chuyện về bực đàn anh của tôi như Phạm Thiều, Lưu Hưũ Phước, Trần Văn Khê, Trần Thượng Thủ và Trần Văn Ơn. Cho đến năm 1954 trường Trương Vĩnh Ký được coi là ổ kiến lửa chính tri..

Tôi đã lặn lội đi đến viếng nhà và hai ngôi mộ của ông bà Trương Vĩnh Ký ở gần góc đường Trần Hưng Đạo, còn được gọi là đường xe lửa giữa và Nancy (sau đó là Cọng hoà và nay là Nguyễn Văn Cừ). Vào thời đó khu vực này là ngoại ô của hai thành phố Saigon và Chợ Lớn. Một vùng yên tĩnh thích hợp cho một nhà trí thức khi sống cũng như khi nàm xuống. Ở ngôi mộ của ông Ký có một hàng chữ Latin lúc đó tôi không hiểu ý nghĩa là gì nhưng về sau có một bài nghiên cứu cho biết đó là 'Hãy để cho tôi yên'. Tôi cũng không biết phải giải thích thêm ra sao. Cũng nên nhắc lại ràng chữ Petrus , là chử Latin, không có dấu sắc. Và thưa chị BH những năm tháng cuôí đời của ông Ký không có nghèo túng đói rách như Chị nghĩ đâu.

Gần đây tôi có trở lại nơi này thì được thấy lại một cảnh tang thương. Hai ngôi mộ không được cham sóc chu đáo. Gần đó là nơi rửa chén cho một quán ăn, có dây phơi quần áo và hình như có một cái cầu tiêu dã chiến.

Dòng chính của họ Trương Vĩnh đã đi Pháp. Ngôi nhà thờ họ này hoặc là do dòng phụ chủ trì, hay là bán cho người ngoài hay là đã bị tịch thu.

Từ bến xe Chợ Lớn đi xe đò về Mỹ Tho, rồi đi xe ôm ra bến phà Rạch Miễu, đi phà Rach Miễu qua sông Tiền Giang. Nay thì không cần đi phà vì đã có Cầu Rach Miễu mới khánh thành. Phà sẽ chạy qua trung tâm tu tập của ông Đạo Dừa, vị lãnh đạo tinh thần của tôi. Xuống phà ở bên kia sông đi xe ôm, xe lôi, xe đò để vào thành phố Bến Trẹ Đoạn đường này vào thời chinh chiến được coi là nơi hồi hộp, nay thì phía tay trái có Lăng Nguyễn Thị Định. Tiếp tục đi về phía tây và phải dùng phà qua sông Hàm Luông để vào thị xã Mõ Cầỵ Từ đây đi ngược theo hướng Tây Bác dọc theo sông Cổ Chiên đi về Cái Mơn , quê hương của ông Petrus Trương Vinh Ký. Đoạn đường này váng vẻ, cây cối xanh tươi dân chúng chuyên về nghề vườn tược. Đến Cái Mơn tôi phải hỏi thăm một vài người để được hướng dẫn đến tấm bia người Pháp dựng lên đánh dấu nơi sanh của ông Trương Vĩnh Ký. Di tích lịch sử này cũng không được dân địa phương chăm sóc kỹ lưỡng, nhiều cỏ dại và một vài cái bao plastic. Họ ơ hờ với người con nổi tiếng nhất của Cái Mơn. Người lái xe ôm ngạc nhiên hỏi tôi. 'Ông có phải là người Công Giáo không mà đi tìm đến nơi sanh trưởng của ông Trương Vĩnh Ký ?'. Xin đáp 'Tôi đi tìm đến đây là vì ở một thời xa xưa Ông ta là thần tượng của tôí. Rời Cái Mơn đi Chợ Lách.

Vượt qua sông Cổ Chiên bằng phà vào thành phố Vĩnh Long. Rồi đi xe đò dọc quốc lộ 1A về Saigon. Qua Cái Bè nơi mà năm 1865 Trần Bá Lộc được bổ làm chủ quận đầu tiên, hàm tổng đốc lúc 26 tuổị Trần Bá Lộc là một người thông minh, đa taì, phục vụ hết mình cho thực dân trong việc bình định, chém giết không nương tay nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực và Thủ khoa Huân. Như Hoàng Cao Khải ở Băc, như Nguyễn Thân ở Trung. Khi làm chủ quận ở Cái Bè, Ông điều khiển việc đào mấy chục cây số kinh đào để tháo nước ở Đồng Thap Mườị Dân nghèo bị bát đi theo làm xâụ Và ông đăng ký sở hữu 2000 mẫu đất. Thói thường có tài là có tật, tật tự phụ Ông coi thường một vài xếp Tây tất nhiên họ cho ông ta ngồi chơi nước, làm chủ quận Cái Bè 30 năm cho đến khi chết. Và trÔng vòng mười năm sau đó thang con phá gia chi tử Trần Bá Thọ bán mất luôn 2000 mẫu đất, cuối cùng Trần Bá Thọ tử tự như bị xúi bẩy bởi những oan hồn nghĩa quân.

Rời Cái Bè đi Cai Lậy nơi này trong thời chiến tranh Việt-Pháp có Hùm Xám Nguyễn Văn Tâm. Một nhân vật tay sai khác của thực dân Pháp nhưng ở bên ngoài tầm nhắm của cuộc đi chơi. Và về đến Tân An thì có Lăng Nguyễn Huỳnh Đức.

Một cuộc đi chơi dã ngoại sáng ra đi chiều về nhà, tôi được đi qua nhiều di tích lịch sử.

Khi bắt đầu nghiên cứu tôi nhìn Trương Vinh Ký như một thần tượng, và sau 45 năm và sau vài chục quyển sử, hồi ký, địa phương chí, bình luận tôi đã đi đến kết luận được tóm tắt trong e-mail của tôi đã gửi lên diễn đàn trước đây (1).

Thầy Hoài (2) thật là may mắn hơn tôi vì chỉ đọc một tài liệu trên Wikipedia mà đã có cái nhìn chính xác về ông Trương Vinh Ký. Người tây phương có thói quen rất sợ, rất kính nể những người chỉ đọc có một quyển sách. Trước khi bàn tiếp về ông Ký thì tôi xin minh xác rằng tôi chưa hề đọc những bài viết của ông Trần Chung Ngọc, và cũng không hoàn toàn đồng ý với tất cả những gì ông Stephano Nguyễn Manh Quang viết. Và cũng đừng gài bẩy tôi bằng cách hỏi tôi về liên hệ giữ HCM và Phan Bội Châụ Xin quí vị đi kiếm sách của Sophie Quinn-Judge mà đọc nếu có thời giờ và nhiều tò mò.

Trở lại chuyện ông Trương Vinh Ký thầy Hoài không thấy có những cái hư, những cái thổi phồng , nhũng cái bịa đặt bên cạnh những cái thực trong tài liệu nói trên. Trong suốt cuộc đời làm việc với người Pháp Ông Ký được mô tả là làm việc miễn cưỡng, không thực tâm, tiêu cực. Như khi làm hiệu trưởng hai ngôi trường đạo tạo cán bộ trung cấp và cao cấp của thực dân Pháp. Liệu Đãng Cọng Sản VN có giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ của họ tại Trường Đảng cho một người mà tim óc không hoàn toàn đỏ.

Và tài liệu đó đưa ra những lời phê bình tốt của hai ông Sơn Nam và Vương Hồng Sển để bào chửa cho ông Ký. Theo ông Sơn Nam thì dân miền Nam không ghét mà còn ưa ông Ký. Đúng vì ông Ký đâu có ra đứng đường hạch sách, đòi tiền hối lộ, chiếm đất của dân nghèo. Ông Ký ở thượng từng lãnh đạo của thực dân Pháp. Họ không biết tiếng Pháp để đọc những bài khảo cứu của ông Ký, và có bao nhiêu người Việt biết chữ Quốc Ngữ lúc đó? Còn những người Việt đi tìm đọc công báo Gia Định Báo là để đọc nghị định bổ nhiệm, thang ngạch, thuyên chuyển, những thông cáo đấu thầu... Và rồi tiện thể đọc chơi chuyện giải buồn của ông Ký.

Sau thời ông Ký công báo thời Pháp thuộc, thời Bảo Đại, thời VNCH I và II đâu có còn phụ trang chuyện giải buồn. Người dân Miền Nam chỉ biết đến ông Trương Vinh Ký khi ngôi trường Petrus Trương Vinh Ký mở cửa. Ông ngoại ông nội đưa cháu đi thi nhập học. Rồi đến mùa nghỉ hè, thằng con, thằng cháu về quê kể cho gia đình những chuyện sôi nổi ở Trường. Và rồi người cha , người ông đi khoe chòm xóm là thàng con, thàng cháu của họ học ở Pa Tac Ký.

Ông Vương Hồng Sển, người thầy cũ của tôi, cho biết ông Ký không vào quốc tịch Pháp và mặc áo dài đi làm. Chuyên lo chuyện đạo lý.. Gần bùn mà chảng hôi tanh mùi bùn... Trước 1975 Ông Bùi Diễm có vào quốc tịch Mỹ đâu? Ông ta đã thi hành đúng đắn chinh sách của người Mỹ ở VN, và người Việt hải ngoại (chứ không phải bọn CS) đã tặng ông ta cái danh hiệu là Bùi Xịa (3). Còn cái áo dài. Well, ai cũng biết là cái áo không làm nên thầy tu. Nói theo danh từ thời thượng ông Ký là quả chuối bên ngoài vỏ màu vàng, bên trong ruột là màu trắng. Ông ta có thấy số tiền lương rất lớn của ông hôi tanh mùi bùn không? hay là những huy chương ông đeo trên ngực có hôi tanh mùi bùn không? Chị BH không thích phương pháp phân tích lịch sử của tôi, lạnh lùng như lưỡi dao của bác sĩ mổ.

Để thay đổi không khí xin mượn thầy Hoài vài dụng cụ về kiểm toán, cost-benefit analysis, quản trị rêu rao là ông Ký không đóng góp một chút nào vào việc cũng cố và bành trướng thuộc địa mà vẫn lãnh lương cao thì kiểm toán phải rà xét ở phòng lương bổng, phòng nhân viên, sở tài chánh, sở ngân sách xem có cái gì sai trái không? có cái gì mờ ám không? Với số lương đó ông Ký phải làm việc trên 40 giờ một tuần và không lảnh phụ trội, sáng ra đi con chưa thức dậy, rời sở về đến nhà con đã đi ngủ. Lãnh lương cao mà lạn (nghĩa đen hay nghĩa bóng) để đi học thêm sinh ngữ, lạn để viết các bài khảo cứu, lạn để đi lo chuyện đạo lý. Thì một nhà quản trị tốt, xếp của ông Ký, phải đặt vấn đề là có nên thay thế ông Ký không hay là có nên cát bỏ luôn cái chức vụ (position) đó không. Không biết người Pháp có thành ngữ nào tương tự như no pain, no gain không.

Ông Huỳnh Tịnh Của có thể chuyên lo chuyện đạo lý vì ông ta không có chức vụ quan trọng và không lảnh lương cao. Chị LTL ơi, lâu lâu chị có thể lạn một vài giờ để đi mua sắm ở Macýs thì OK nhưng lạn hoài thì sẽ được ban khen thưởng màu hường.

Có hai tập hợp độc lập :

1. tập hợp của người VN học giỏi, bằng cấp cao, bác học , thông thái như Hoàng Cao Khải, Phan Thanh Giản, Petrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Đình Chiểu...

2. tập hợp của người VN yêu nước tích cực như Trương Công Định, Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân.....Yêu nước bằng mồm không tính kể ở đâỵ

Câu hỏi của tôi là những người học giỏi có nhất thiết phải là những người yêu nước không?

Anh Trần Nam Bình có thích trả lời câu hỏi này không?...

Ông Trương Vĩnh Ký có phải là một nhà bác học không? peut-etre, perhaps, maybe, cũng được. I buy that.. (SH: có thể, có lẽ, tôi cũng chấp nhận)...

Ông Trương Vĩnh Ký có phải là một người yêu nước tích cực như Trương Công Định không? a BIG NO (SH: một số không to tướng)

Cha tôi là một công chức hạng gần chót ở Bưu Điện Saigon, và không bao giờ có một hành động nào được coi là chống chính quyền Pháp. Và không một ai trong gia đình tôi nói khác đi. Như tôi đã nói trong e-mail trước ông Trương Vinh Ký là một bộ mặt sáng lạn trong đám collabo thời đó (Theo một tự điển Pháp, chử collabo có nghĩa là 'Aide à l'ennemi de 1940-1945' tạm dịch là tay sai cho quân thù, Pháp gian). Một ông Thiện giữa một bầy ác ôn. Nhưng những người ủng hộ đã nói quá, đã bôi bóng ông ta đến mức lố bịch.

Nếu vẫn tiếp tục khẳng định Ông Trương Vĩnh Ký là không phản quốc, không bán nước thì chúng ta phải đánh giá lại Trương Công Định như một tên bất lương, một tên ăn cướp, một tên phá rối trị an!!

Tôi thích ông Tôn Thọ Tường hơn vì ông ta không đóng góp nhiều vào sự nghiệp thực dân của người Pháp nên không cần ai biện hộ mạnh mẽ dùm ông ta.

Ai về nhắn vơi Châu Công Cẩn,

Thà mất lòng anh được bụng chồng.

(Tôn Thọ Tường)

Đến đây thì tôi cũng phải kéo cờ trắng đầu hàng, không muốn bàn luận thêm nữa. Tất cả các vị đã lên tiếng về ông Trương Vĩnh Ký đều đúng và tôi thì sai. Tại sao? Vì có lẽ tôi chẳng còn luận cứ mới mẻ nào để phản bác lạị Và vì tiếp tục qua một vài e-mai nữa tôi sẽ được gọi là thằng An, như là thằng Thiệu, như là thằng Bùi Bảo Đồng. Có ai đã sãn sàng đi order một cái nón cối chưa ? Nhớ hỏi tôi vòng đầu để tôi đội nón cho vừa vặn.

Còn bắt tôi phải chấp nhận tất cả những gì đang trong Wikipedia thì là một điều khổ tâm cho tôi, thưa Anh Hoài. Ai lại muốn dạy những xảo thuật mới cho một con chó già?

Thân mến,

Nguyễn Thái An
21 tháng 5, 2009



Bài liên quan:

Thư Gửi Quí Vị Cựu Giáo Sư Và Học Sinh (Nguyễn Mạnh Quang)

Chú thích của SH:

(1) Thư viết ngắn trả lời cho một số emails của DDKM groups về Trương Vĩnh Ký:

From: An Nguyễn
To: kieumauthuduc@googlegroups.com;
Subject: [kieumauthuduc] Cậu chuyện ông Nguyen Hien Lê
Date: Fri, 8 May 2009 19:53:13 -0700

Kính gửi thầy Quang,

Anh Vien Pham và chi. Buu Hiep,

Cậu chuyện sách ông Nguyen Hiến Lê bị kiểm duyệt được ông Lê kể lại trong quyển hồi ký của ông ta. Hiện tại tôi đang đi bụi đời xa nhà không thể trưng bàng cớ được. (Tôi phải dùng máy điện toán của khách sạn để gửi thư naỳ.) Khi nào tôi về nhà tôi sẽ scan một vài trang về câu chuyện này gửi cho quí vị đọc chơi.

Về chuyện ông Petrus Ký thì rõ ràng là ông ta là tay sai đác lực nhất của thực dân Pháp. Ông lãnh lương lớn thứ ba sau 2 người Pháp trong nền cai tri thuộc địa Nam Kỳ. Ông là hiệu trường hai trường chuyên đào tạo tai sai thông ngôn và đốc phủ sứ cho thực dân Pháp. Ông ta là Ông Thiện bên cạnh một Ông Ác là Trần Bá Lộc của thuộc địa Nam Kỳ. Ông là tay sai người công giáo bên cạnh ông Phạm Quỳnh tay sai đạc lực khác , người không công giáo. Xin Chị BH tìm đọc bài khảo cứu của ông Nguyen Van Trung về Trương Vinh Ký và Phạm Quỳnh (, tôi chỉ đọc được bài tóm tát về bài nghiên cưu này.)

Những người muốn bào chữa cho Petrus Ký tìm cách bôi vẽ đẹp đẽ nên tạng ông cái danh hiệu nhà bác học . Và theo họ là nhà bác học thì không thể nào là người phản quốc. Có thật ông ta là nhà bác học không? Có thật ông ta biết thông thạo 26 thứ tiếng không? Có thật ông ta là nhà bác học thứ 18 của thế giới của thế kỷ 19 không? Cơ quan nào làm cái việc sáp xếp thứ tự đó. 17 nhà bác học trước ông ta là ai? Có Darwin không? Lịch sử VN đầy những nhà trí thức lớn và bán nước như Lê Tác, Hoàng Cao Khải, Phạm Quỳnh....

Cái việc người Pháp đặt tên trường Petrus Ký không phải là để vinh danh công trình sáng tác bác học của ông ta mà là đề cao một thuộc hạ tận tâm. (Tôi cũng xin nói ngay tôi là học sinh của trường này.)

Thân chào

Ông Đạo

(2) Giáo sư dạy Doanh thương của trường, phản đối việc gọi ông Trương Vĩnh Ký là "Việt gian", viết thư biện hộ (Ngay 17/05/2009).

"... Ve truong hop ong Truong Vinh Ky, cung duoc hai giao su Nguyen Manh Quang va Nguyen Thai An buoc toi la Việt gian, toi cung xin dua vao tai lieu cua bach khoa toan thu Wikipedia (http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B0%C6%A1ng_V%C4%A9nh_K%C3%BD) va sau do vao quyen sach "Truong Vinh Ky, Cuon So Binh Sanh" cua ong Nguyen Sinh Duy, mot nha van C.S. de trinh bay nhung suy luan cua toi ve nhan vat lich su nay....

... Voi nhung danh gia va nhung nhan xet o tren, toi xin khang dinh la ong Truong Vinh Ky, neu khong la người thương dan, thương nuoc thi cung khong the la mot Việt gian, mot người phan quoc"

(3) Chữ Xịa là do tiếng CIA, cơ quan tình báo Mỹ.

Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket