Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Ký sự của thầy Lê Phương Hướng

Lời giới thiệu:

Ngày đó anh ngâm bài Ngũ Hành Sơn, tên ngọn núi quê anh với tất cả rung động của người xa quê làm tôi nhớ tận hôm nay và tôi cảm thông hơn nữa khi chính mình nay là kẻ tha hương. Đã lâu lắm mới có bài người bạn đồng nghiệp xưa (anh về TH Ba Tri cùng thời Hồ Đắc Tấn, Nguyễn Hoàng Nhã, Nguyễn Thái Tôn, ...), gởi bài lên trang Blog Trường Trung Học Ba Tri nầy.

Xin được đăng vào đây với tấm lòng trân trọng.

Ký sự


NGÀY TRỞ VỀ




(gởi về trường cũ)


Năm 1973, tôi được bổ nhiệm về trường trung học Ba Tri – Bến Tre (hồi đó gọi là Kiến Hòa). Lần đầu tiên đặt chân đến nơi này, tôi nghe tiếng hát của Thanh Thúy vọng ra từ máy thu thanh với bản “Con thuyền không bến” (Đặng Thế Phong). Vốn là người đa cảm nên tôi cảm thấy một nỗi buồn man mác, chẳng lẽ đời mình cứ mãi lênh đênh.



Hôm nay, ngày trở về, cũng tại nơi đây, tôi lại nghe ca sĩ Cao Minh qua ca khúc “Trở về dòng sông tuổi thơ”, tôi có cảm xúc giống như nhạc sĩ Hoàng Hiệp vì “lòng chợt vui thấy sông không già”.


Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Trung nhưng sông nước Cửu Long vẫn chảy mãi trong tim, tưởng chừng như dòng sông Vệ quê nhà. Không vui sao được khi thấy thị trấn Ba Tri bé nhỏ ngày xưa đã “thay da đổi thịt”. Những con đường đất lầy lội trong mùa mưa đã trở thành đường nhựa chạy dài ra tận các xã. Nhìn những chiếc xe buýt chạy từ tuyến Tiệm Tôm về thị xã Bến Tre, tôi cứ ngỡ Ba Tri là một huyện ở ngoại thành vậy. Nơi an nghỉ cuối cùng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng khác xưa. Khuôn viên được nới rộng, có nhà lưu niệm khang trang và đã trở nên một khu du lịch cho khách tham quan. Ở phía đông bắc, ngôi mộ cụ Phan Thanh Giản cũng được chỉnh trang, khói hương ấm cúng. Và trường phổ thông trung học Ba Tri mang tên ông đã làm ấm lại lòng người. Tôi về giữa mùa mưa, cơn bão số 4 vẫn còn ảnh hưởng nhưng cảnh mua bán vẫn tấp nập. Lướt qua một vòng chợ, tôi thấy những gì ở thành phố có thì ở đây cũng có, giá không cao lắm, có lẽ nhờ lượng xe đò rất nhiều.


Nhờ sự đổi mới về kinh tế mà giáo dục cũng phát triển theo. Học sinh đi học ngày một đông. Thời tôi còn dạy, huyện chỉ có một trường cấp ba mà giờ là bốn. Trường chính có hơn 100 giáo viên, lương giáo viên tạm đủ, giáo viên bộ môn chính thu nhập khá hơn. Những giáo viên nổi tiếng thì tìm dễ mà khó gặp vì bận dạy thêm. Người đồng nghiệp mà tôi gặp đầu tiên là anh Phan Hữu Dương (năm nay anh đã 72 tuổi mà gần nửa thế kỷ đứng trên bục giảng. Với anh, dạy học là lẽ sống chứ không phải là kiếm sống. Anh chính là “cây đa cũ bến đò xưa” mà khách sang sông không bao giờ quên được.) Ly café buổi sáng, ly rượu buổi chiều đã khơi dậy một trời dĩ vãng, buồn vui theo thế thái nhân tình. Trong lúc chúng tôi lần lượt ra đi, thì anh vẫn ở lại làm ông lái đò lặng lẽ. Câu chuyện đời chưa kể hết thì tình cờ gặp một vài em học sinh cũ nhận ra tôi. Thầy trò mừng vui xúc động.


Tối hôm đó và những ngày hôm sau, các em lần lượt đến thăm. Đặc biệt nhất là lớp chủ nhiệm đầu tiên đã vội vã tổ chức một cuộc họp mặt tại nhà hàng sân vườn. Tôi nhớ tên từng em, từng mẩu chuyện…Nhiều em rất ngạc nhiên về trí nhớ của người thầy cũ. Thật ra, trí nhớ của tôi đã lão hóa từ lâu rồi nhưng vẫn không sao quên được. Làm sao quên được những Thu, Tuyết, Ẩn, Hường, Tư, Huệ, Nhung, Phượng…Các em bây giờ đã thành danh, thành nhân. Có ai ngờ thầy trò tóc bạc như nhau mà vẫn còn tình sâu nghĩa nặng: Nguyễn Văn Hữu Trí (hiệu trưởng trường P.T.T.H Ba Mỹ) đang học nghiệp vụ tại thị xã cũng “trốn” về. Nguyễn Tuân (giám đốc nhà hàng ở huyện Giồng Trôm) cũng xuống. Và những Cường, Đưng, Rược, Duyên…ở lớp khác ghé vào. Tất cả đều sống dậy tuổi đôi mươi, hồn nhiên trong sáng. Tôi nhắc lại những kỷ niệm khó quên thời bao cấp, đó là những bữa cơm đạm bạc đúng theo nghĩa đen. Bỗng nhiên nét mặt đang vui của lớp trưởng Dương Thị Vệ dừng lại nên tôi chuyển qua câu chuyện khác (tôi định nói rằng ngày xưa Hàn Tín nhờ những bát cơm của phiếu mẫu mà sau đó thành sự nghiệp, còn thầy nhờ hàng trăm bát cơm của các em mà cứ mãi long đong. Ân tình chưa trả được. Thôi đành vậy!). Đêm cuối cùng là lớp ban Toán (ban C thời điểm đó), lớp có nhiều “con ngựa chứng trong sân trường” mà bây giờ là những người đàn ông trung niên dạt dào tình cảm. Nguyễn Đình Thống hồi đó chỉ biết đá banh, ngoài trái bóng ra chẳng biết gì, vậy mà nay đã có tất cả công danh, sự nghiệp (bí thư trường P.T.T.H Phan Thanh Giản). Mấy ngày ở Ba Tri, em tình nguyện làm “tài xế” cho tôi…


Trên đường về mà tôi vẫn còn nghe văng vẳng bên tai “Sang năm thầy nhớ về…Thầy nhớ ghé nhà em…”


Ai đó nói rất đúng, dạy học là một thiên chức và tình cảm thầy trò rất thiêng liêng. Thật vậy, hồi xưa tôi là một giáo viên hãy còn quá trẻ, chỉ dạy cho các em những kiến thức nông cạn trong sách vở chứ không hề giúp được một việc gì đáng nhớ, nhưng các em vẫn thương nhớ như người thân của mình. Phải chăng tình cảm thiêng liêng đó chỉ có ở Việt Nam, ở quê hương Phan Thanh Giản và còn đọng lại trên những mái tóc điểm sương?


Hầu hết học sinh cũ của tôi, bây giờ là giáo viên, các em muốn mời tôi về thăm ngôi trường mới, ngôi trường được xây dựng theo mô hình hiện đại rất đẹp như những trường ở thành phố, nhưng tôi không đến mà chỉ ghé thăm trường cũ, trường bây giờ loang lổ rêu phong…Gió chiều trở lạnh mà lòng tôi vẫn ấm vì ở ngôi trường này tôi như gặp lại những lớp học sinh cũ hồn nhiên chất phác mà còn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam (đó là tình cảm đậm đà).


Và, nếu cái còn lại cuối cùng của người dạy học là tình cảm thầy trò thì tôi không phải là người quá nghèo như mình đã nghĩ. Xin cảm ơn trường cũ, một lời cảm ơn muộn màng và cũng là lời cuối cùng của người thầy xa xứ….



Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket