Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

BTH0009- NIÊN BIỂU TỈNH BẾN TRE

 Cố gắng của BTH: Dĩ nhiên tài liệu nầy được viết theo quan điểm của chánh quyền hiện nay ... Nhưng dù sao cũng có những mốc lịch sử chánh thức cần thiết cho các nhà nghiên cứu ; Do đó BTH ghi chép lại nguyên bản, không quan tâm đến mọi xu hướng chánh tri khác biệt ---




><><><><><><><



VỀ NIÊN BIỂU


Thế kỷ 17 ( 1623 - 1699 )


1623

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai sứ sang kinh đô Chân Lạp yêu cầu được lập sở thuế thương chính tại Prey Nokor (Sài Gòn). Ðược vua Chey Chetta chấp thuận, chúa Nguyễn đã cho lập tại đây một sở thu thuế. Từ đấy, người Việt di cư đến làm ăn, buôn bán, khai phá đất đai ngày càng đông.

1627

Chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh (ở Ðàng Ngoài) và Nguyễn (ở Ðàng Trong) bùng nổ. Cuộc chiến tranh kéo dài đến 46 năm (1627 - 1673).

1632

Ở Ðàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Nguyên bắt đầu cho lập sổ bộ, định chế độ thuế.

1634

Nguyễn Phúc Nguyên ban lệnh cấm truyền bá đạo Thiên Chúa.

1641

Ðàng Trong bị đại hạn, nhân dân chết đói nhiều.

1658

Lấy cớ vua Chân Lạp "vi phạm biên cảnh", chúa Nguyễn Phúc Chu sai phó tướng dinh Phú Yên là Nguyễn Phước Yến đem 3.000 quân đến Mô Xoài (còn gọi là Mỗi Xuy) đánh bắt được Nặc Ông Chân, đưa về giam ở Quảng Bình.

1673

Hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn chấm dứt chiến tranh, lấy sông Gianh làm giới hạn giữa Ðàng Trong và Ðàng Ngoài.

1679

Không chịu thuần phục nhà Mãn Thanh, mùa xuân Kỷ Mùi (1679) hai tướng nhà Minh là Dương Ngạn Ðịch và Trần Thượng Xuyên đem 3.000 quân cùng gia quyến đi trên 50 chiến thuyền, đậu từ cửa Eo đến cửa Ðà Nẵng xin cư trú. Sau khi bàn bạc lợi hại cùng triều thần, chúa Nguyễn chấp thuận chủ trương đưa họ vào khai phá vùng đất phía Nam. Gần 2.000 người do Trần Thượng Xuyên cầm đầu vào cửa Cần Giờ, đến định cư ở Bàn Lân, xứ Ðồng Nai tức vùng Biên Hòa ngày nay. Hơn 1.000 người khác do Dương Ngạn Ðịch cầm đầu vào khai thác vùng Mỹ Tho.

1686

Bệnh dịch dữ dội cả Ðàng Trong và Ðàng Ngoài, làm chết hàng ngàn người.

1688

Phó tướng của Dương Ngạn Ðịch là Hoàng Tấn làm phản, giết chủ tướng và mưu đồ bá chiếm, cát cứ.

1698

Mùa xuân năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Nguyễn Hữu Kính (cũng đọc là Nguyễn Hữu Cảnh) làm kinh lược, "lấy đất Nông Nại làm phủ Gia Ðịnh, đặt xứ Ðồng Nam làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đều đặt chức lưu thủ, cai bạ, ký lục để cai trị”. Lại chiêu mộ những lưu dân từ Quảng Bình trở vào để khai phá ruộng đất, lập thành thôn, xã. Lúc bấy giờ, số người Việt đến định cư ở nơi đây đã hơn 4 vạn hộ, nghĩa là tương đương với 200.000 dân.

1699

Vua nước Chân Lạp là Nặc Ong Thu đem quân quấy phá phủ Gia Ðịnh. Chúa Nguyễn sai quan Thống suất Nguyễn Hữu Kính đưa quân đánh trả, sang đến thành Nam Vang. Nặc Ong Thu phải xin hàng và theo lệnh triều cống như cũ.

Thắng trận, Nguyễn Hữu Kính kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (nay là cù lao Ông Chưởng, thuộc tỉnh An Giang).


=======


Thế kỷ 18 ( 1703 - 1784 )


1703

Tháng 1 (âl), Chúa Nguyễn ban hành chính sách thuế ruộng đất ở Ðàng Trong trên cơ sở kết quả đã điều tra được từ năm 1669, tức là thu cả thuế những ruộng mới khai hoang được đo đạc.

1708

Mạc Cửu Nguyên người Lôi Châu, tỉnh Quảng Ðông, Trung Hoa đến lập phố chợ, chiêu tập lưu dân lập thành 7 thôn xã ở đất Hà Tiên. Ðể được chính quyền Việt Nam ở Gia Ðịnh che chở chống lại bọn cướp biển Xiêm thường tới cướp bóc, đốt phá, Mạc Cửu xin thần thuộc chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận đề nghị này và phong Mạc Cửu làm Tổng binh, tiếp tục cai quản đất Hà Tiên.

1731

Nhà thờ Thiên Chúa họ đạo Cái Mơn (huyện Chợ Lách) được xây dựng.

1732

Chúa Nguyễn Phúc Chu chủ trương nhập Ðịnh Tường và Long Hồ (Vĩnh Long) vào đất Phiên Trấn.

1744

Ðàng Trong, Nguyễn Phúc Khoát đúc ấn quốc vương, lên ngôi ở Phú Xuân, bắt đổi y phục, phong tục của dân, quy định lại triều phục văn, võ, thay đổi tổ chức hành chính, chia Ðàng Trong thành 12 dinh và 1 trấn Hà Tiên. Phú Xuân được gọi là chính dinh.

1752

Nạn đói ở Ðàng Trong, dân nghèo chết nhiều, giá gạo cao vọt.

1756

Nguyễn Cư Trinh tổ chức cai trị trên phần đất về sau gọi là đạo Trường Ðồn (Ðịnh Tường). Rồi tiếp đó, lập các đạo Ðông Khẩu, Tân Châu, Châu Ðốc, Kiên Giang và Long Xuyên (Cà Mau).

1769

Tháng 1 (âl), Chúa Nguyễn Phúc Thuần mới lên ngôi, lệnh cho các địa phương ở Ðàng Trong lập sở thuế.

1771

Khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra. Quân khởi nghĩa lập đồn trại ở Tây Sơn Thượng (Gia Lai) và ở Tây Sơn Hạ (Bình Ðịnh).

1775

Tháng 1 (âl), Sau khi quân Trịnh chiếm thành Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng gia quyến chạy vào Quảng Nam. Tại đây chúa phong Nguyễn Phúc Dương làm Ðông Cung rồi để ở lại cùng một số tướng sĩ, còn mình thì theo đường biển chạy vào Gia Ðịnh, đóng tại Bến Nghé.

1776

Quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Lữ, đánh chiếm Sài Gòn, rồi thừa thắng đánh chiếm dinh Long Hồ và dinh Trấn Biên.

1777

Tháng 3 (âl), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem quân thủy bộ vào đánh Gia Ðịnh. Lần đầu tiên Nguyễn Huệ xuất hiện ở chiến trường Gia Ðịnh, chiếm được Sài Gòn, giết chúa Nguyễn Phúc Thuần. Nguyễn Phúc Ánh thoát nạn, chạy ra đảo Thổ Châu.

Tháng 4 (âl), Quân Tây Sơn đánh đồn Ba Việt (Ba Vát) của chúa Nguyễn Phúc Thuần.

Tháng 8 (âl), Quân Tây Sơn lại đánh đồn Ba Việt, bắt chúa Nguyễn Phúc Dương. Tống Phước Hòa, võ tướng của chúa Nguyễn tự vẫn.

Tháng 10 (âl), Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ để Tổng đốc Châu ở lại trấn thủ Sài Gòn, rồi rút một phần quân về lại Quy Nhơn.

Tháng 12 (âl), cuối năm Ðinh Dậu, được tin Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ rút về Quy Nhơn, Nguyễn Ánh phối hợp với quân Ðỗ Thành Nhơn, đánh úp dinh Long Hồ. Sau đó, họ đánh bại quân của Tổng đốc Châu, chiếm lại Sài Gòn.

1778

Tháng 3 (âl), tại Sài Gòn, Ðỗ Thành Nhơn và các tướng tôn Nguyễn Ánh làm nguyên soái Nhiếp quốc chính, năm ấy ông 17 tuổi. Nguyễn Ánh cho đắp lũy đất ở phía tây sông Bến Nghé, đóng hơn 50 chiến thuyền hiệu “Long Lân” để bảo vệ Sài Gòn.

1779

Tháng 11 (âl), Nguyễn Ánh tổ chức lại việc cai trị đất Gia Ðịnh, chia làm 3 dinh: Trấn Biên (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Ðịnh và Ðịnh Tường) và Long Hồ (Vĩnh Long và An Giang), chỉnh đốn lại thuế điền, tích trữ lương thực để chống lại Tây Sơn. Rồi nâng đạo Trường Ðồn (Mỹ Tho) thành dinh. Như vậy, đất Gia Ðịnh gồm 4 dinh và một trấn là Hà Tiên.

1780

Tháng 1 (âl), Nguyễn Ánh xưng vương ở Gia Ðịnh, dùng ấn "Ðại Việt quốc Nguyễn chủ Vĩnh trấn chi bảo", nhưng trên giấy tờ vẫn để niên hiệu nhà Lê.

1781

Tháng 5 (âl), Nguyễn Ánh đem 3 vạn quân thủy bộ và 80 chiến thuyền từ Gia Ðịnh, tiến đánh quân Tây Sơn ở Nha Trang. Nhưng đội quân voi chiến của Tây Sơn đã đánh cho quân Nguyễn Ánh đại bại.

1782

Tháng 3 (âl), Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ dẫn mấy trăm chiến thuyền vào cửa Cần Giờ, đánh tan thủy binh của Tống Phước Thiêm, thu lại thành Gia Ðịnh lần thứ hai. Quân Nguyễn thua, rút về Ba Giồng (Tiền Giang).

Tháng 5 (âl), để trả thù cho Phạm Ngạn, một tướng giỏi của Tây Sơn, bị đội quân Hòa Nghĩa của người Hoa giết chết, Nguyễn Nhạc đã ra lệnh giết hơn 1 vạn người Hoa ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Nguyễn Ánh từ Sài Gòn chạy về Bến Tre, sau đó chạy ra đảo Phú Quốc. Bến Tre là nơi từng in dấu nhiều cuộc chạy trốn của Nguyễn Ánh.

Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ trở về Quy Nhơn, để hàng tướng Ðông Sơn là Ðỗ Nhàn Trập cùng 3.000 quân coi giữ Gia Ðịnh.

Tháng 8 (âl), Châu Văn Tiếp đem quân từ Phú Yên vào hợp với quân các đạo, đánh đuổi quân Tây Sơn, chiếm lại Gia Ðịnh, rồi cho người ra Phú Quốc đón Nguyễn Ánh về.

1783

Tháng 2 (âl), Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ vào cửa Cần Giờ tiến đánh Gia Ðịnh, quân Nguyễn Ánh thua to, chạy về Ba Giồng, sau rút về Eo Lói (Thạnh Phú), rồi ra Phú Quốc, Côn Lôn.

Tháng 7 (âl), Nguyễn Ánh quyết định giao cho con trai cả là hoàng tử Cảnh (mới 4 tuổi) cho Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Ða Lộc) sang Pháp xin cầu viện.

Tháng 8 (âl), Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ rút quân về Quy Nhơn, để Trương Văn Ða và Chưởng tiền Bảo trấn giữ Gia Ðịnh.

1784

Tháng 2 (âl), sau 4 lần bị quân Tây Sơn đánh cho tơi tả, Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm cầu viện vua Chất Tri.

Tháng 6 (âl), Nguyễn Ánh, Châu Văn Tiếp dẫn các tướng Xiêm là Chiêu Sương, Chiêu Tăng, Sa Uyển, Chiêm Thùy Biện cùng 5 vạn quân thủy bộ, 300 chiến thuyền vào đánh phá Gia Ðịnh. Tại thủ Ba Lai đã xảy ra trận kịch chiến giữa quân Tây Sơn do Phạm Văn Tham chỉ huy với quân Xiêm - Nguyễn Ánh.

Tháng 12 (âl), được tin báo, quân Xiêm xâm lược, Nguyễn Huệ cấp tốc đem đại binh vào Gia Ðịnh.


======


Thế kỷ 18 ( 1785 - 1799 )


1785

20 tháng 1 (âl), Nguyễn Huệ cho quân mai phục ở Rạch Gầm - Xoài Mút (phía tây Mỹ Tho) và bất ngờ chặn đánh quân Xiêm. Quân Xiêm thua to, bị giết gần hai vạn, chỉ còn sống sót được mấy nghìn, trốn chạy về nước. Nguyễn Ánh cũng chạy về Trấn Giang, ra đảo Thổ Chu, rồi sang Xiêm. Sau chiến thắng này, Nguyễn Huệ lại về Quy Nhơn, để Ðô úy Ðặng Văn Trấn ở lại giữ Gia Ðịnh. Ðây cũng là lần cuối cùng Nguyễn Huệ vào Gia Ðịnh.

Tháng 5 (âl), Nguyễn Ánh cho số quân tướng còn lại chăm lo việc đồn điền để lấy lương thực và sai người lẻn về Gia định mộ quân.

1787

Tháng 8 (âl), Nguyễn Ánh kéo quân vào cửa Cần Giờ, Nguyễn Lữ sợ hãi, bỏ Gia Ðịnh kéo quân về Quy Nhơn rồi ốm chết. Thái bảo Phạm Văn Tham đem quân kháng cự. Quân Nguyễn Ánh vẫn không hạ được thành Sài Gòn.

Tháng 10 (âl), một trận đánh lớn giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh trên sông Mỹ Lung (tức sông Bến Tre ngày nay).

28 tháng 11, tại Pháp, Giám mục Pigneau de Béhaine được sự ủy quyền của Nguyễn Ánh đã cùng với Bá tước De Montmorin, Thượng thư Bộ Ngoại giao, đại diện cho hoàng đế nước Pháp, ký hiệp ước Versailles. Hiệp ước gồm 10 điều khoản, trong đó có việc để Pháp sử dụng đảo Côn Lôn, cảng Ðà Nẵng và được hưởng đặc quyền buôn bán ở Ðàng Trong.

1788

7 tháng 9 (âl), Nguyễn Ánh chiếm lại Sài Gòn lần cuối, đặt lại quan chế, định binh chính, lập lại triều nghi, chỉnh đốn lại việc cai trị, chấm dứt chủ quyền Tây Sơn trên phần đất dành cho Nguyễn Lữ. Nguyễn Ánh ra lệnh bãi bỏ luật của Tây Sơn, ban hành những luật lệ mới trước hết nhằm bảo vệ trị an. Nguyễn Ánh đặt chức quan điền tuấn, gồm 12 người, trong đó có Trịnh Hoài Ðức, Lê Quang Ðịnh, Ngô Tùng Châu, Hoàng Minh Khánh... đi các dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Trấn Vĩnh, Trấn Ðịnh, đốc sức dân chúng lo việc sản xuất nông nghiệp.

1790

Tháng 3 (âl), Nguyễn Ánh cho lập Gia Ðịnh kinh, xây dựng thành Bát Quái (cũng gọi là thành Quy) theo kiến trúc phòng thủ Vauban (Pháp).

Tháng 8 (âl), Nguyễn Ánh ban hành lệnh khuyến nông, mộ dân lập các nậu, đội đồn điền.

1791

Tháng 4 (âl), Nguyễn Ánh mở khoa thi ở Gia Ðịnh, chia làm hai kỳ đệ nhất và đệ nhị, lấy đỗ 12 người.

1792

29 tháng 7 (âl), Vua Quang Trung Nguyễn Huệ mất, con trưởng là Quang Toản, 10 tuổi, lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Cái chết bất ngờ của vua Quang Trung là nguyên nhân vô cùng quan trọng dẫn đến sự suy bại nhanh chóng của triều Tây Sơn sau này.

Tháng 8 (âl), Nguyễn Ánh khởi đầu kế hoạch phát binh theo gió mùa, đưa binh thuyền ra đánh Tây Sơn ở Phú Yên, Diên Khánh, Thị Nại... Kế hoạch này được gọi là "chiến thuật đánh giặc mùa".

1795

Tháng 5 (âl), Nội bộ triều Tây Sơn lục đục, chia rẽ. Thừa cơ ấy, Nguyễn Ánh huy động toàn bộ lực lượng, mở những cuộc tấn công lớn, đánh bại quân Tây Sơn ở nhiều nơi.

1796

Tháng 5 (âl), lại một lần nữa, Nguyễn Ánh ban hành lệnh khuyến nông.

Tháng 7 (âl), Nguyễn Ánh mở khoa thi ở trường thi Gia Ðịnh, lấy trúng cách 273 người.

1799

Tháng 11 (âl), Nguyễn Ánh tổ chức lại việc cai trị đất Gia Ðịnh, chia vạch địa giới 3 dinh: Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ. Dinh Phiên Trấn gồm 4 tổng: Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc và Bình Thuận.


=======

Thế kỷ 19 ( 1802 - 1836 )


1802

Tháng 5 (âl), Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Cử đoàn sứ thần đầu tiên sang nhà Thanh gồm Trịnh Hoài Ðức (Chánh sứ), Ngô Nhân Tịnh và Hoàng Ngọc Uẩn (Phó sứ)...

Tháng 7 (âl), Gia Long tiến hành một loạt biện pháp để ổn định tình hình. Chia nước ra là 23 trấn, 4 doanh. Bỏ kinh Gia Ðịnh, cải phủ Gia Ðịnh (từ 1698-1802) thành trấn Gia Ðịnh. Ðứng đầu trấn Gia Ðịnh là quan lưu trấn, thống lĩnh các trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thành, Ðịnh Tường, Hà Tiên.

1803

Tháng 3 (âl), Gia Long ban hành quy định tô thuế ruộng đất trong cả nước và quy định chế độ trợ cấp tiền, gạo cho dân khai khẩn đất hoang ở Gia Ðịnh.

1804

Tháng 2 (âl), Gia Long đặt quốc hiệu: Việt Nam.

Tháng 4 (âl), Ðịnh thể lệ cấp công điền, công thổ, cứ 3 năm tổ chức cấp lại một lần.

Tháng 8 (âl), Ðịnh lệ trạm mục và trạm phu trên các tuyến đường có đặt trạm giao liên.

1806

Tháng 11 (âl), Bộ sách Nhất thống địa dư chí gồm 10 quyển - bộ dư địa chí đầu tiên của triều Nguyễn - do Lê Quang Ðịnh soạn thảo đã hoàn thành. Sách miêu tả đầy đủ các mục sơn xuyên, sản vật, đình miếu, phong tục từ Lạng Sơn đến Hà Tiên.

1808

Gia Long đổi trấn Gia Ðịnh làm Gia Ðịnh thành, đặt 1 tổng trấn, 1 hiệp trấn và 1 phó tổng trấn, thống lĩnh 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Ðịnh Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên và kiêm lãnh trấn Bình Thuận ở xa. Nguyễn Văn Nhơn được cử làm Tổng trấn, Trịnh Hoài Ðức là Hiệp tổng trấn đầu tiên.

Tổng Tân An thuộc dinh Long Hồ được thăng thành huyện Tân An, gốm 2 tổng: An Bảo (cù lao Bảo) có 66 thôn và Tân Minh (cù lao Minh) có 75 thôn.

1810

Triều đình ban bố thước đo ruộng đất trong cả nước. Trên thước một mặt khắc 7 chữ "Gia Long cửu niên thu bát nguyệt", mặt phía bên kia khắc 10 chữ "Ban hành đạc điền xích, công bố đường kính tạo”.

1812

Lê Văn Duyệt được cử làm Tổng trấn thành Gia Ðịnh, Ngô Nhơn Tịnh làm Hiệp tổng trấn, Trương Tấn Bửu làm Phó tổng quản, quản giữ 5 trấn.

1813

Tháng 6 (âl), Bắt đầu mở khoa thi hương từ Quảng Bình trở vào Nam. Trong khoa thi này, lấy đỗ hương cống 17 người.

1815

Tháng 5 (âl), Ban hành bộ Luật Gia Long, tuy nói là soạn theo Luật Hồng Ðức, có tham chước luật nhà Thanh, nhưng thực tế là chép theo luật nhà Thanh, chỉ thay đổi ít nhiều. Bộ luật gồm 22 quyển, có 398 điều.

1819

28 tháng 12 (âl), Gia Long mất, thọ 58 tuổi, ở ngôi 18 năm. Ngày 28 tháng chạp năm Kỷ Mão, thái tử Ðảm nhận di chiếu, lấy ngày 1 tháng giêng năm Canh Thìn lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Minh Mạng.

Theo thống kê của 5 trấn (Phiên An, Biên Hòa, Ðịnh Tường, Vĩnh Trấn, Vĩnh Thanh) thuộc Gia Ðịnh thành, có 97.100 suất đinh (khoảng 700.000 dân).

1820

Tháng 5 (âl), Trịnh Hoài Ðức dâng sách Gia Ðịnh thành thông chí đã được biên soạn xong. Ðây là quyển địa chí đầu tiên về Nam Kỳ sáng giá nhất.

1822

1 tháng 7 (âl), Nguyễn Ðình Chiểu sinh tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình.

Tháng 11 (âl), Minh Mạng lên ngôi phát phối một số đông tù đồ vào Gia Ðịnh để khẩn hoang ruộng đất.

1823

Huyện Tân An đổi thành phủ Hoằng An, thuộc trấn Vĩnh Thanh. Phủ Hoằng An có 2 huyện: Bảo An và Tân Minh.

1826

Tháng 7 (âl), Nhiều nơi trong nước xảy ra nạn dịch. Riêng ở Gia Ðịnh trong đó có Bến Tre đã có hơn 18.000 người chết. Nhà nước phải miễn thuế thân cho các trấn ở Gia Ðịnh.

Phan Thanh Giản đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất, vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ.

1830

Phan Văn Trị chào đời tại làng Hưng THạnh, huyện Bảo An, nay là xã Thạnh Phú Ðông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

1832

25 tháng 8 (âl), Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất. Chẳng bao lâu sau, Tổng đốc Gia Ðịnh là Nguyễn Văn Quế và Bố chánh Bạch Xuân Nguyên dựng lên "vụ án Lê Văn Duyệt". Chức Tổng trấn Gia Ðịnh thành bị bãi bỏ. Tiếp đó cơ cấu hành chính cũng thay đổi: bỏ cấp Gia Ðịnh thành. Năm trấn cũ chia lại làm 6 tỉnh mới, gọi chung là Nam Kỳ, bao gồm: Gia Ðịnh, Biên Hòa, Ðịnh Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Ðặt các chức tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát và lãnh binh.

1833

18 tháng 5 (âl), Lê Văn Khôi - con nuôi Lê Văn Duyệt - cùng với 27 lính hồi lương xông vào dinh giết Bố chánh Bạch Xuân Nguyên và Tổng đốc Nguyễn Văn Quế, rồi khởi binh chiếm thành Phiên An. Sau một tháng, quân của Khôi chiếm cả 6 tỉnh, nhưng rồi bị thu hẹp về Sài Gòn và bị quân triều đình bao vây trong thành Bát Quái.

1834

Minh Mạng đặt tên mới cho các vùng lãnh thổ thành Kỳ: Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ. Nam Kỳ lúc bấy giờ gồm 6 tỉnh, nên thường được gọi là Nam Kỳ lục tỉnh. Không có cấp hành chính chung cho cả Nam Kỳ, mà mỗi tỉnh trực thuộc triều đình. Danh xưng và cơ cấu hành chính này tồn tại tới khi Pháp xâm lược.

1835

Quân triều đình hạ thành Phiên An, tháng 7 năm ất Tỵ, bắt hơn 1.831 quân và những người theo Lê Văn Khôi ở trong thành đem đi chém, rồi chôn chung vào một mộ, gọi là "mả biền tru" hay "mã nguỵ". Còn 6 "thủ phạm" trong đó có con của Khôi (Lê Văn Cư), 1 người Hoa là Mạch Tấn Giai, 1 giáo sư Pháp là Cố Du (Marchand) bị đóng cũi, giải ra Huế, sau đó bị xử lăng trì.

1836

Năm Minh Mạng thứ XVII (1836), Binh bộ Thượng thư Trương Ðăng Quế và Lại bộ Thương thư Nguyễn Kim Bảng mang cờ và bài hiệu, dẫn theo các viên dịch, tùy biện vào Nam theo đường thủy, tổ chức việc đo đạc ruộng đất và lập địa bạ ở 6 tỉnh Nam Kỳ. Ðây là cuộc tổng điều tra ruộng đất đầu tiên ở Nam Kỳ có quy mô lớn nhất. Kết quả đã lập được gần 2.000 quyển địa bạ ghi rõ từng sở điền thổ, tên làng thôn, địa phận, địa giới còn được bảo quản đến ngày nay.

Minh Mạng ra lệnh san bằng thành Phiên An, dời qua góc đông bắc thành cũ (thôn Nghĩa Hòa, Bình Dương), chu vi 427 trượng, cao 10 trượng 3 tấc, hào rộng 11 trượng, sâu 7 thước, có 4 cửa.

Lập tỉnh Gia Ðịnh (1 trong 6 tỉnh ở Nam Kỳ) phạm vi kéo dài từ biên giới Campuchia đến biển Ðông.


========

Thế kỷ 19 ( 1837 - 1861 )


1837

Phủ Hoằng An (lập năm 1822) gồm cả hai cù lao Minh và Bảo, nay chia làm hai: phủ Hoằng An (cù lao Minh) và phủ Hoằng Ðạo (cù lao Bảo) trực thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Minh Mạng ra lệnh cấm các xã thôn Nam Kỳ không được hát xướng tự do. Mỗi năm chỉ được hát xướng một lần một ngày, một đêm, số diễn viên không được quá 5 người.

1838

Tháng 3 (âl), Minh Mạng đổi tên nước là Ðại Nam.

1840

Minh Mạng lệnh cho các tổng đốc Vĩnh Long, Ðịnh Tường, Gia Ðịnh, Biên Hòa và An Giang đưa người nghèo (không phải tù nhân) ra Côn Ðảo lập nghiệp.

1841

Nguyễn Ðình Chiểu đổ tú tài ở trường thi Gia Ðịnh.

1848

Năm Tự Ðức nguyên niên, mộ Lê Văn Duyệt được tháo bỏ xiềng xích và bia kể tội (theo lệnh của Minh Mạng năm 1835). Ðến năm 1866, Lê Văn Duyệt lại được hoàn chức tước như cũ.

1849

Bệnh dịch tả xuất hiện ở huyện Ba Tri, làm chết 4/10 số dân.

1851

Tháng 2 (âl), Tự Ðức ban luật cấm đạo Gia tô với những hình phạt nghiêm khắc.

Tháng 8 (âl), Ðổi, định lại phép thi hương, thi hội. Phan Thanh Giản được cử làm Kinh lược Phó sứ Nam Kỳ, lãnh Tổng đốc Gia Ðịnh coi Biên Hòa, Vĩnh Long, Ðịnh Tường, An Giang, Hà Tiên.

1852

Tháng 1 (âl), Tự Ðức chuẩn y lời tâu của Nguyễn Tri Phương, Kinh lược sứ Nam Kỳ: đưa những người phạm tội và dân xiêu tán đi khai khẩn đất hoang ở An Giang, giáp Cao Miên. Ruộng khai khẩn được bao nhiêu cho làm sản nghiệp đời đời.

Tháng 7 (âl), Thưởng cho những người nông dân xuất sắc ở các tỉnh Nam Kỳ trong việc khai hoang, sản xuất.

1853

Tự Ðức chuẩn cho Nam Kỳ thi hành phép mở đồn điền và lập ấp. Cho phép người nào tình nguyện mộ được 10 người trở lên, được chọn chỗ khai khẩn theo ý muốn. Ai đứng ra lập ấp đủ 30 người thì được tha thuế thân và miễn lao dịch, sai dịch suốt đời. Ai mộ được 50 người thì được thưởng hàm chánh cửu phẩm. Ai mộ được 100 người, được thưởng hàm bát phẩm. Thuế ruộng đất khai khẩn được và thuế thân của nhân đinh sau 10 năm mới bắt đầu thu.

1858

1 tháng 9, Rạng sáng, liên quân Pháp - Tây Ban Nha mở cuộc tấn công bằng đại bác vào hệ thống đồn lũy của quân đội nhà Nguyễn ở cửa biển Ðà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tháng 9, Cai cơ Nguyễn Ngọc Thăng theo lệnh của Trấn thủ Võ Duy Ninh kéo quân từ đồn Thủ Thiêm về giữ đồn Cây Mai cho đến khi đồn này thất thủ.

1859

10 tháng 2, Cuộc tấn công của quân Pháp vào Ðà Nẵng (1-9-1858), bị quân và dân ta chống trả quyết liệt. Ngày 2-2-1859, Rigault De Genouilly để lại Ðà Nẵng một số ít quân, còn bao nhiều lực lượng kéo vào đánh chiếm Gia Ðịnh. Sáng ngày 10-2-1859, đại bác từ tàu chiến Pháp nã vào pháo đái Phước Thắng ở Vũng Tàu. Thống chế Trần Ðồng, Tổng chỉ huy lực lượng phòng vệ ở đây hạ lệnh bắn trả và các chiến thuyền của ta đánh địch. Ðến chiều, Trần Ðồng tử trận.

11 tháng 2, Quân Pháp vào cửa Cần Giờ, gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân ta, nhưng nhờ súng ống tối tân nên chúng chiếm được ưu thế.

17 tháng 2, Quân Pháp mở cuộc tấn công quy mô vào thành Gia Ðịnh. Các đồn, bảo, pháo đài bảo vệ thành của quân ta kháng cự quyết liệt, nhưng không ngăn được bước tiến của quân giặc. Ðến 13 giờ trong ngày, thành Gia Ðịnh lọt vào tay địch. Hộ đốc Vũ Duy Ninh rút khỏi thành, đến thôn Phước Lý, huyện Phước Lộc thắt cổ tự tử. Án sát Lê Từ cũng tự vẫn. Ðề đốc Trần Trí, Bố chánh Vũ Thực và Lãnh binh Tôn Thất Năng rút quân về bảo Tây Thái, huyện Bình Long.

Tháng 2 ,Thành Gia Ðịnh thất thủ. Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng kéo quân về Gò Công, tham gia vào nghĩa quân của Trương Ðịnh.

Dân số Bến Tre có 110.000 người, trong đó có 109.500 người Việt.

1860

Tháng 8, Tự Ðức cử Nguyễn Tri Phương vào làm Quân thứ tổng quản quân vụ đại thần, đổi Tôn Thất Cáp làm Tham tán. Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển củng cố các đồn trại quanh Sài Gòn, thu hẹp địa bàn hoạt động của địch.

1861

25 tháng 2, Ðại đồn Chí Hào thất thủ. Nguyễn Tri Phương bị trọng thương. Tán lý Nguyễn Duy, Tán tương Tôn Thất Trĩ tử trận. Quân ta rút về cố thủ ở Tân Tạo, huyện Tân Long, phủ Tân Bình (tức tỉnh lỵ tạm thời của Gia Ðịnh).

10 tháng 12, Nguyễn Trung Trực chỉ huy nghĩa binh đốt cháy và đánh chìm tàu Espérance (Hy vọng), tiêu diệt 37 tên Pháp ở vàm Nhật Tảo, một nhánh của sông Vàm Cỏ Ðông.

16 tháng 12 ,Nghĩa quân do Bùi Quang Diệu (còn gọi là Ðốc binh Là) chỉ huy tiến công đồn giặc đóng ở Cần Giuộc. Trong trận này, Nguyễn Ðình Huân (em ruột của Nguyễn Ðình Chiểu) và 27 nghĩa quân hy sinh. Nguyễn Ðình Chiểu làm bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, ngợi ca những "dân ấp, dân lân" anh hùng đã xả thân vì sự nghiệp chống quân xâm lược.

17 tháng 12 ,Quân Pháp chiếm thành Biên Hòa, sau 2 ngày giao chiến với quân triều đình. Tuần vũ Nguyễn Ðức Duy và Án sát Lê Khắc Cần đốt thành rồi rút quân. Khâm sai Nguyễn Bá Nghi rút quân về vùng rừng núi Phước Tuy, rồi ra Bình Thuận.


======


Thế kỷ 19 ( 1862 - 1867 )


1862

1 tháng 3, L. A.Bonard ra nghị định thiết lập nhà tù Côn Lôn - trên đất Việt Nam. Ðến 5-6-1862, trước sức ép của Pháp, triều đình Huế ký hiệp ước nhường hẳn đảo Côn Lôn cho Pháp.

23 tháng 3, Thành Vĩnh Long thất thủ (lần thứ nhất) sau 2 ngày đêm chống cự quyết liệt trước sức tấn công của hơn 1.000 quân địch. Ðêm 22, trước khi rút bỏ, Trương Văn Uyển ra lệnh phóng hỏa đốt hết dinh thự, kho tàng, rồi rút chạy về Ba Vát, huyện lỵ Duy Minh.

Tháng 3, Trương Ðịnh được Tự Ðức cho kiêm chức Tổng chỉ huy đầu mục Gia Ðịnh (tức toàn bộ số quân mộ nghĩa), bản doanh đóng tại xứ Gò Thượng, huyện Tân Hòa.

26 tháng 5, Phái đoàn của triều đình Huế do Phan Thanh Giản làm Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp làm Phó sứ tới Sài Gòn để cùng phái đoàn Pháp do Bonard đại diện thương nghị việc ngưng chiến.

5 tháng 6, Hòa ước Nhâm Tuất được ký kết ở Sài Gòn giữa Bonard cùng Palanca đại diện cho Pháp - Tây Ban Nha và Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp đại diện cho triều đình Huế gồm 12 khoản, trong đó có khoản 3 ghi “nhường trọn chủ quyền cho Pháp 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường và đảo Côn Lôn", cùng khoản ghi "Hoàng đế nước Ðại Nam phải bồi thường chiến phí cho Pháp số tiền là 4 triệu đôla (tương đương 2.880.000 lượng bạc), trả trong 10 năm”.

Tháng 8, Sau khi ký hiệp ước với Pháp, Tự Ðức hạ lệnh cho nghĩa quân đình chỉ mọi tấn công, điều Trương Ðịnh về Phú Yên. Nhân dân ứng nghĩa ở Gia Ðịnh, Ðịnh Tường, Biên Hòa tập hợp nhau lại, tôn Trương Ðịnh lên làm Ðại đầu mục.

Tháng 11, Trương Ðịnh không nghe lời "hiểu dụ" buộc phải giải tán nghĩa binh của Phan Thanh Giản, cương quyết chống lệnh triều đình, cùng với dân binh ứng nghĩa của Nam Kỳ tiếp tục kháng chiến chống Pháp.

1863

21 tháng 6, Phái đoàn triều đình Huế do Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm Phó sứ, Ngụy Khắc Ðản làm Bồi sứ từ Sài Gòn lên đường sang Pháp để đàm phán chuộc lại 3 tỉnh Gia Ðịnh, Biên Hòa, Ðịnh Tường.

G. Aubaret dịch cuốn Gia Ðịnh thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức sang tiếng Pháp dưới nhan đề là Histoire et Description de la Basse Conchinchine (Pays de Gia Dinh) do nhà in Impériale ấn hành.

1864

16 tháng 7, Thực dân Pháp mở Trường Thông ngôn (Coll ège des Interprètes) ở Sài Gòn đào tạo những viên chức mới làm việc trong bộ máy cai trị của Pháp.

25 tháng 7, Thực dân Pháp ban hành sắc lệnh về tổ chức tư pháp ở Nam Kỳ, có hai hệ thống song song tồn tại:

Hệ thống tòa án Tây chuyên xét xử người Pháp, theo luật của nước Pháp.

Hệ thống tòa án Nam, chuyên xét xử người Việt và người châu á cư trú tại Nam Kỳ, xét xử theo thể chế của triều Nguyễn.

20 tháng 8, Trương Ðịnh hy sinh tại Tân Hòa - một căn cứ kháng chiến ở Gò Công - trong cuộc vây đánh bất ngờ do tên phản bội Huỳnh Công Tấn cầm đầu. Tấn trước kia đã từng phục vụ dưới quyền của Trương Ðịnh. Năm ấy, Trương Ðịnh vừa tròn 44 tuổi.

Tháng 8, Trịnh Viết Bàng, sau cái chết của Trương Ðịnh, cùng với một số người thân tín, từ Gò Công kéo quân về cù lao An Hoá tiếp tục chiến đấu chống Pháp.

Huỳnh Văn Thiệu, một bộ tướng của Trương Ðịnh, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp tại xã Châu Hưng (thuộc huyện Bình Ðại hiện nay). Ông bị bọn Pháp bắt, chặt đầu ngày 24 tháng 7 năm Giáp Tý (1864).

Triều đình cho phép sử dụng tù phạm vào việc khẩn hoang ruộng đất và quy định quyền sở hữu đối với số ruộng đất do tù phạm khai khẩn được.

1865

15 tháng 4, Tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của chính quyền thực dân ra đời ở Sài Gòn: Gia Ðịnh báo. Ban đầu, báo ra mỗi tháng một kỳ, 4 trang, khổ 25 x 32cm, được Ðô đốc Thống đốc Nam Kỳ giao cho Ernest Potteau làm quản lý. Ðến ngày 16-9-1869 thì giao cho Trương Vĩnh Ký làm quản lý.

Tháng 11, Triều đình cử Phan thanh Giản làm Kinh lược sử 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

15 tháng 12 ,Một số sĩ phu yêu nước trong đó có Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông tổ chức di dời hài cốt của Sùng Ðức Võ Trường Toản từ Hòa Hưng, huyện Bình Dương (lúc bấy giờ đã bị giặc Pháp chiếm) về táng ở làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri (Bến Tre lúc này còn là vùng đất tự do). Phan Thanh Giản làm bài văn bia, Nguyễn Thông viết bài văn thuật lại buổi lễ cải táng.

Triều đình Huế mở kỳ thi hương cuối cùng ở Nam Kỳ tại trường thi An Giang, vì lúc bấy giờ Pháp đã chiếm Gia Ðịnh.

Bản Nôm Lục Vân Tiên do Duy Minh Thị (Trần Quang Quan) sao lục, hiệu sách Quảng Thạnh Nam (Chợ Lớn) mướn khắc gỗ và xuất bản.

1866

Tháng 4, Pháp cử phái viên từ Sài Gòn đi tàu ra gặp triều đình Huế, đòi phải giao nốt 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên cho chúng và hứa nếu được như vậy, chúng sẽ không đòi số tiền bồi thường chiến phí còn thiếu. Triều đình cử Phan Thanh Giản vào Sài Gòn thương lượng nhằm giữ nguyên hoà ước năm 1862.

27 tháng 6, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng bị trúng đạn pháo, tử thương trong lúc đang chỉ huy nghĩa quân đánh nhau với địch ở hữu ngạn sông Soài Rạp. Thi hài ông được chở bằng thuyền đưa về làng Mỹ Lồng, huyện Bảo Hựu (nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm).

Tháng 7, Võ Duy Dương lãnh đạo nghĩa quân hoạt động chống Pháp ở 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên và lập căn cứ ở Ðồng Tháp Mười.

Tập Chuyện đời xưa, một tập hợp truyện kể dân gian bao gồm 81 chuyện cổ tích thế sự, chuyện cổ tích loài vật, chuyện khôi hài, chuyện ông Cống Quỳnh... do Trương Vĩnh Ký sưu tầm và biên soạn lần đầu tiên được xuất bản bằng quốc ngữ tại Sài Gòn.

1867

20 tháng 6, Quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Vĩnh Long lần thứ hai. Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử.

22 tháng 6, Quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Châu Ðốc, thành An Giang vào đêm 21 rạng 22.

24 tháng 6, Quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Hà Tiên.

25 tháng 6, Thiếu tướng hải quân, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp De La Grandière ra tuyên bố: "Toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ là lãnh địa của Pháp. Kể từ nay triều đình Huế không còn quyền lực gì đối với Nam Kỳ lục tỉnh nữa. Một chính quyền duy nhất ở Nam Kỳ là do người Pháp điều khiển".

12 tháng 11, Trong trận đánh Pháp tại chợ Hương Ðiểm, Trương Tấn Chí cầm cờ xung phong bịchu1ng bắn chết.

14 tháng 11, Tôn Thọ Tường và Ðỗ Hữu Phương theo lệnh của Pháp, đến gảnh Mù U đổ dụ hàng hai anh em Phan Tôn và Phan Liêm, nhưng đã thất bại.

Tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Ðình Chiểu lần đầu tiên được G. Janneau (Hiệu trưởng Trường Thông ngôn) phiên ra quốc ngữ và được xuất bản ở Sài Gòn.

Theo thống kê của thực dân Pháp, dân số toàn Nam Kỳ cuối năm 1867 là 1.204.278 người.

Thống đốc Nam Kỳ De Lagrandière bổ nhiệm De Champeaux làm Tham biện Bến Tre.


======


Thế kỷ 19 ( 1868 - 1900 )


1868

Tháng 3, Lê Quang Quan (Tán Kế) phất cờ khởi nghĩa tại đất Ba Châu (Châu Phú, Châu Thới và Châu Bình) nay thuộc xã Châu Hoà, huyện Giồng Trôm.

1869

21 tháng 2 (âl), Tán Kế bị địch bắt, bị chém và bêu đầu ở chợ Châu Thới nhằm uy hiếp tinh thần dân chúng.

1870

Lợi dụng cuộc chiến tranh Pháp - Phổ đang xảy ra, triều đình Huế viết thư gửi Soái phủ Pháp ở Sài Gòn xin Pháp trả lại 6 tỉnh Nam Kỳ. Soái phủ Phái chỉ viết thư đáp lễ, không đề cập đến vấn đề đó.

1871

7 tháng 6, Thống đốc Nam Kỳ Duperré ký nghị định giảm từ 25 sở tham biện xuống còn 18. . Sở tham biện Bến Tre nhập vói sở tham biện Mỏ Cày.

10 tháng 7, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định thành lập Trường Sư phạm thuộc địa để đào tạo giáo viên và nhân viên công sở của Pháp.

1872

Tháng 2, Linh mục Pháp Gernot thành lập họ đạo Cái Mơn, một trong những họ đạo lớn và lâu đời ở Bến Tre.

Một cuộc nổi dậy ở cù lao Minh, nghĩa quân đánh phá nhà hội Cái Mơn, Cái Nhum, giết chết viên cai tổng.

13 tháng 12, Nhà bưu điện Bến Tre mở cửa hoạt động. Lúc này Bến Tre còn là sở thanh tra (inspection).

1873

Mở Trường Tập sự, còn gọi là Trường Hậu bổ (Collège des Stagiaires) đào tạo thông ngôn và những nhân viên giúp việc cho bộ máy thống trị thuộc địa, do Luro phụ trách, sau đó chuyển giao cho Trương Vĩnh Ký điều hành.

1874

15 tháng 3, Hiệp ước Giáp Tuất do Thiếu tướng Dupré đại diện phía Pháp và Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường đại diện phía triều đình Huế ký kết tại Sài Gòn, gồm 22 khoản, trong đó có khoản 5: triều đình Huế nhượng tỉnh Nam Kỳ cho Pháp; khoản 6: nước Pháp miễn cho nước Nam số tiền binh phí còn thiếu lại trước kia; và khoản 9: hủy bỏ các chỉ dụ cấm đạo, cho dân trong nước được tự do hành đạo Thiên Chúa. Trong sử sách, đôi khi hiệp ước này được gọi là "Hiệp ước Giáp Tuất" hay "Hiệp ước Philastre".

Nhiêu Ðẩu, Nhiêu Gương nổi lên chống Pháp ở cù lao Minh.

Lê Văn Lực, Trần Văn Ðịnh nổi dậy chống Pháp ở Mỏ Cày, bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Chúng bắt hai ông đày sang đảo Réunion (châu Phi).

1875

5 tháng 7, Thống đốc Nam Kỳ ký lệnh phạt 11 làng của Bến tre trong số 47 làng tham gia cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Hữu Huân lãnh đạo.

1876

5 tháng 1, Ðô đốc Duperré, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ, ra nghị định phân chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính (circonscription administrative): Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc (Bassac). Mỗi khu vực hành chính được chia thành nhiều tiểu khu hành chính (arrondissement adminitratif). Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sa Ðéc thuộc khu vực hành chính Vĩnh Long.

Xây tòa hành chính Bến tre (nay là nhà Bảo tàng tỉnh).

1878

6 tháng 4, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định quy định:

Từ ngày 1-1-1882, các công văn, nghị định, quyết định, án lệnh, bản niêm yết đều phải viết bằng chữ Pháp.

Từ 1-1-1882, chỉ những ai biết chữ quốc ngữ mới được bổ dụng vào các cơ quan cai trị cấp phủ, huyện, tổng và mới được xét thăng trật.

1879

17 tháng 3, Thực dân Pháp thiết lập Sở Học chính Nam Kỳ (Service de l’instruction publique) và đặt chương trình giáo dục hệ Pháp - Việt ở Nam Kỳ, tứbg bước loại bỏ dần Hán học ở xứ này.

13 tháng 5, Chấm dứt chế độ “Ðô đốc Thống đốc” (Amiraux Gouver-neurs) ở Nam Kỳ bằng chế độ “Thống đốc dân sự” (Gouverneurs Civils).

6 tháng 10, Le Myre De Vilers, Thống đốc Nam Kỳ ký nghị định thành lập tại Nam Kỳ một "Tòa án tối cao chuyên xét xử các công việc bản xứ" (tribunal Supérieur des Affaires indigènes) và cử một quan tòa Pháp phụ trách.

Bến Tre có 163.000 người, trong đó có 161.000 người Việt, 800 người Minh Hương, 2.500 người Hoa.

1880

Kỹ sư người Pháp là Thévénet bắt đầu làm quy hoạch đường bộ của tỉnh Bến Tre.

1882

30 tháng 1, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định bắt buộc mọi công văn từ nay phải viết bằng tiếng Pháp, nếu viết bằng tiếng Việt phải có bản dịch kèm theo.

1883

Tháng 11, Tờ Nhật trình Nam Kỳ viết bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt xuất bản ở Sài Gòn.

1884

6 tháng 6, Triều đình Huế ký hòa ước Patenôtre, thừa nhận quyền đô hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam.

Nguyễn Ðình Chiểu tổ chức lễ tế nghĩa sĩ lục tỉnh tại chợ Ba Tri. Bài văn Tế lục tỉnh sĩ dân trận vong nổi tiếng được đọc lên ở đây.

1885

Con đường rải đá đầu tiên được thi công là đường quản hạt số 6, nối từ phà Rạch Miễu chạy qua cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh qua Trà Vinh (tức quốc lộ 60 ngày nay).

1888

3 tháng 7, Nguyễn Ðình Chiểu mất, an táng tại làng An Bình Ðông, tổng Bảo An, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nay là xã An Ðức, huyện Ba Tri.

1891

6 tháng 3, Thực dân Pháp bắt đầu tiến hành cuộc điều tra, đo đạc lại ruộng đất và phân loại lại ruộng đất ở toàn Nam Kỳ, ấn định đến ngày 31-10-1891 phải hoàn thành.

1892

Thực dân Pháp lập hạt Bến Tre (Arrondissment de Bentre) thuộc tỉnh Vĩnh Long, gồm cù lao Bảo (11 tổng, 99 làng) và cù lao Minh (10 tổng, 83 làng).

1898

1 tháng 9, Trương Vĩnh Ký qua đời tại Chợ Quán (Sài Gòn)

1899

Tháng 4, Thực dân Pháp cho xây dựng tại Bến tre một dưỡng đường nhỏ (đến năm 1945 mới trở thành bệnh viện tỉnh).

20 tháng 12, Toàn quyền Ðông Dương ra nghị định đổi tên gọi "tiểu khu" (arrondissement), cũng gọi là sở tham biện (inspection) - đơn vị hành chính ở Nam Kỳ - thành tỉnh (province) và phân chia làm 3 miền:

Miền Ðông gồm 4 tỉnh: Bà Rịa, Biên Hòa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một.

Miền Trung gồm 6 tỉnh: Chợ Lớn, Gia Ðịnh, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Sa Ðéc.

Miền Tây gồm 7 tỉnh: Bạc Liêu, Cần Thơ, Châu Ðốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng.

Bến Tre có 217.000 người, trong đó có 213.000 người Việt, 1.150 người Minh Hương, 2.500 người Hoa.

1900

1 tháng 1, Thi hành nghị định của Toàn quyền Paul Doumer (20-12-1899) sở tham biện Bến Tre (inspection) đổi thành tỉnh (province) cùng lúc với các tỉnh khác ở Nam Kỳ. Tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ gồm cù lao Bảo và cù lao Minh.


*******


Thế kỷ 20 ( 1901 - 1944 )


1901

Dân số tỉnh Bến Tre có 216.186 người.

1902

27 tháng 9, Thực dân Pháp lập thẻ thuế thân ở Nam Kỳ.

1903

25 tháng 8, Toàn quyền Ðông Dương ra nghị định thành lập Trường Y tế thực hành bản xứ ở Nam Kỳ (École Pratique de médecine indigène) để đào tạo y tá, nữ hộ sinh người Việt.

1907

15 tháng 11, Báo Lục tỉnh tân văn ra số đầu tiên.

1908

Bệnh đậu mùa phát sinh trong tỉnh, 1.383 người bị mắc bệnh trong đó có 372 trường hợp tử vong.

1911

5 tháng 6, Tại bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã xuống tàu mang tên Amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước.

1913

Xuất bản cuốn Truyện Ông Ó (Nhà in Huỳnh Kim Danh, Sài Gòn), cuốn sách đầu tiên về văn học dân gian Bến Tre, do Bùi Quang Nho sưu tập và giới thiệu. Sách gồm 15 truyện của một nhân vật có tài nói trạng ở làng Hội Phước, tổng Minh Ðạt (nay là xã Ðịnh Thủy, huyện Mỏ Cày).

1918

1 tháng 2, Tuần báo Nữ giới chung (Tiếng chuông của nữ giới) xuất bản số đầu. Chủ nhiệm tờ báo lúc đầu là người Pháp Henri Blaquière (vừa làm giám đốc tờ Courrier Saigon - nais). Sau đó, giao lại cho bà Sương Nguyệt Anh làm chủ bút. Bao gồm 18 trang. Ðây là tờ báo đầu tiên của giới phụ nữ ở Việt Nam. Báo đình bản vào cuối năm 1918.

1920

15 tháng 2, Ngày sinh của Nguyễn Thị Ðịnh, quê xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Ðến 15-2-1920, theo kết quả điều tra dân số, toàn Nam Kỳ là 3.915.613 người, tăng 27% so với năm 1901 (tăng 298.520 người). Tỉnh Bến tre có 216.403 người.

1923

Nhà thờ đạo Thiên Chúa được xây dựng ở Cái Bông (huyện Ba Tri).

1925

Toàn quyền Ðông Dương ra nghị định lập Collège Cochin-chine, đến năm 1928 trường đổi tên là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký.

1927

Tỉnh bộ VNTNCMÐCH thành lập tại hiệu ảnh Tướng Quán tại đường Clémenceau (nay là đường Lê Lợi), thị xã Bến Tre, do Hoài Nghĩa làm Bí thư.

Bệnh thời khí xảy ra ở Bến Tre, có hơn 800 người mắc bệnh, trong số đó có 752 người tử vong.

1929

Theo thống kê của Pháp, dân số tỉnh Bến tre có 315.000 người, diện tích 150.356 ha, mật độ 209 người/km2.

1930

Tháng 4,Chi bộ ÐCS đầu tiên của tỉnh Bến Tre ra đời tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri do Trần Văn Anh làm Bí thư.

Tháng 6, Liên tỉnh ủy Bến Tre - Mỹ Tho được thành lập do Nguyễn Văn Thiệu là Bí thư.

Xuất bản tờ Dân cày, tờ báo đầu tiên của ÐCS Bến Tre.

Dân số tỉnh Bến Tre là 320.000 người, mật độ bình quân 210 người/km2.

Công ty rượu SICA đặt tại Bến Tre đã sản xuất 500.000 lít rượu trong một năm.

1931

Tháng 2, Biểu tình lớn ở Long Mỹ, Bình Thành (Giồng Trôm), diễn thuyết ở nhà in Văn Võ Vân (thị xã Bến Tre).

Tháng 5, Khi Bến Tre tách thành Ðảng bộ độc lập, Tỉnh ủy ra tờ báo Búa liềm, cơ quan tuyên truyền vận động cách mạng của Ðảng bộ tỉnh. Báo in ngay tại thị xã, mỗi số khoảng 300 bản.

1934

Tháng 10, Loại bài viết về Côn Ðảo của Nguyễn Văn Nguyễn trên báo La Lutte (Tranh đấu) xuất bản ở Sài Gòn từ đầu tháng 10 làm xôn xao dư luận tiến bộ ở Pháp và thế giới về chính sách đàn áp những người yêu nước Việt Nam của thực dân Pháp.

1940

22 tháng 6, Nước Pháp đầu hàng phát xít Ðức. Chính phủ Pétain cử J. Decoux, nguyên Tư lệnh lực lượng hải quân Pháp ở Viễn Ðông, làm Toàn quyền Ðông Dương thay cho Catroux.

23 tháng 11, Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra ở khắp 21 tỉnh ở Nam Kỳ. Ở Bến Tre, nhân dân phá sập cầu Cái Chát Lớn, Cái Chát Nhỏ, biểu tình ở Lương Quới, Phong Mỹ (huyện Châu Thành), lùng bắt hội tề... Thực dân Pháp đã đàn áp rất dã man những người nổi dậy bằng súng, bom và đốt phá. Riêng 4 tỉnh Mỹ Tho, Gia Ðịnh, Cần Thơ và Vĩnh Long đã có 6.000 người bị bắt và bị giết. Nhiều chiến sĩ cộng sản ưu tú, trong đó có những người lãnh đạo bị bắt và bị xử bắn.

1944

Tháng 12, Tỉnh ủy lâm thời ÐCS được thành lập tại Bến Tre.

Tỉnh ủy phát hành tờ báo Sự thật, khổ nhỏ 13x19cm, dày 16-20 trang. Ðây là tờ báo cuối cùng ra bí mật trong thời thống trị của thực dân Pháp. Sau CMT8-1945, báo Sự thật tiếp tục xuất bản công khai một thời gian với khổ báo lớn.


=======


Thế kỷ 20 ( 1945 - 1946 )


1945

9 tháng 3, Phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp trên toàn cõi Ðông Dương. Tại Sài Gòn vào lúc 21g20, quân Nhật nổ súng tấn công các đơn vị quân Pháp và hầu như không gặp sự chống cự nào đáng kể. Toàn quyền Ðông Dương và các quan chức thực dân đều bị bắt giam.

17 tháng 4, Nội các Trần Trọng Kim thành lập theo Dụ số 5 của Bảo Ðại. Trước sự có mặt của Cố vấn tối cao Nhật Yokohama, Bảo Ðại ký Dụ số 5, chuẩn y nội các gồm 12 bộ, do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng.

Tháng 5, Phong trào Thanh niên tiền phong ra đời đầu tiên tại Sài Gòn, do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Tổng thư ký, với sự trợ lý của Ngô Tấn Nhơn, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Bửu Kiếm, Nguyễn Văn Thủ... sau đó phát triển nhanh ra các tỉnh ở Nam Kỳ. Trong 3 tháng đầu, số đoàn viên 21 tỉnh ở Nam Kỳ lên đến 1.200.000.

Tháng 7, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại ngã tư Giồng Dầu ra quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh do Nguyễn Tẩu phụ trách.

8 Tháng 8, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, tiến quân vào Mãn Châu và Triều Tiên, tiêu diệt đội quân Quan Ðông của Nhật gần 1 triệu người.

14 tháng 8, Bộ chỉ huy quân đội Nhật tại Ðông Dương tuyên bố trao trả Nam Kỳ cho chính phủ Trần Trọng Kim.

15 tháng 8, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Ðồng minh không điều kiện. Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc.

16 tháng 8, Ðại hội Quốc dân được triệu tập ở Tân Trào (Tuyên Quang). Có hơn 60 đại biểu Bắc, Trung, Nam, đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể, các dân tộc và các tôn giáo, kiều bào ở nước ngoài tham dự.

Ðại hội tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa và thông quan 10 chính sách lớn của Việt Minh. Ðại hội cũng quy định quốc kỳ, quốc ca và cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

17 tháng 8, XUNK họp hội nghị mở rộng ở Chợ Ðệm. Hội nghị quyết định đưa ÐCS và Mặt trận Việt Minh ra công khai ở Sài Gòn. Từ chiều 18 đến 20, bắt đầu những hình thức ra công khai của ÐCS và Việt Minh.

25 tháng 8, Khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Khởi nghĩa kết thúc bằng cuộc biểu tình khổng lồ của 1 triệu quần chúng chào mừng Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ ra mắt.

25 tháng 8, Lúc 17 giờ, lực lượng khởi nghĩa tỉnh đã nhanh chóng chiếm các công sở, tòa án, bưu điện, kho bạc, nhà máy điện, bót cảnh sát...

Tỉnh trưởng Phan Văn Chỉ buộc phải đầu hàng và xin giao toàn bộ chính quyền cho cách mạng.

26 tháng 8, Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh ra mắt đồng bào trong một cuộc mít tinh quần chúng lớn tại thị xã.

2 tháng 9, Chính phủ lâm thời VNDCCH làm lễ ra mắt tại quảng trường Ba Ðình, Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập. Tại Sài Gòn hơn 1 triệu đồng bào họp mít tinh tại quảng trường Norodom (nay là đường Lê Duẫn) mừng ngày độc lập.

10 tháng 9 ,Theo quyết định của Chính phủ Trung ương, UBND Nam Bộ được thành lập (gồm 9 thành viên, do Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, Trần Văn Giàu làm Phó Chủ tịch) để thay thế cho Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ.

19 tháng 9, UBHC Nam Bộ ra lời kêu gọi toàn thể đồng bào Nam Bộ bình tĩnh chờ lệnh của chính phủ, đồng thời chuẩn bị đối phó lại âm mưu gây chiến của quân Pháp.

23 tháng 9, Lúc 0 giờ, các toán quân Pháp trong trang phục quân đội Hoàng gia Anh, bất ngờ nổ súng đánh chiếm các công sở trong thành phố.

Buổi sáng, cuộc họp khẩn cấp liên tịch giữa XUNB và UBHC Nam Bộ tại số nhà 269 đường Cây Mai, có sự tham dự của phái viên Trung ương Ðảng và Tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt, đã quyết định: Ðiện báo gấp cho Trung ương xin ý kiến, mặt khác phát động ngay cuộc kháng chiến.

UBKC Nam Bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch và UBKC Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập để chỉ đạo cuộc KCCP.

25 tháng 9 ,Hưởng ứng lới kêu gọi của UBKC Nam Bộ, những cuộc bãi công, bãi thị, bãi khóa diễn ra trong toàn thành phố. Ðồng bào tản cư ra vùng ngoại ô. Sài Gòn không có điện, nước, lương thực.

26 tháng 9 ,Qua đài phát thanh, Hồ Chủ tịch kêu gọi đồng bào Nam Bộ anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

29 tháng 9 ,Phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến được phát động ở thủ đô Hà Nội và ở các tỉnh thành Bắc Bộ và Trung Bộ, sau khi được tin thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn. Hầu hết các tỉnh đều lập "Phòng Nam Bộ" để ghi tên các chiến sĩ xung phong vào Nam giết giặc.

4 tháng 10 ,Những đội quân tình nguyện Nam tiến từ các địa phương nô nức lên đường vào Nam Bộ chiến đấu.

25 tháng 10 ,Hội nghị toàn cứ của Ðảng bộ Nam Bộ tại Thiên Hộ (huyện Cái Bè, Mỹ Tho) có đại biểu Ban Thường vụ TƯÐCS Hoàng Quốc Việt tham dự. Hội nghị quyết định:

Tăng cường cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cho Sài Gòn và các tỉnh, phát động chiến tranh du kích rộng khắp. Ông Tôn Ðức Thắng được phụ trách UBKC và chỉ đạo lực lượng vũ trang Nam Bộ.

Giải thể 2 Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy Giải phóng cũ, thành lập một XUNB thống nhất gồm 11 ủy viên.

29 tháng 10 ,Hồ Chủ tịch kêu gọi đồng bào Nam Bộ kháng chiến lần thứ 2 qua đài Tiếng nói Việt Nam và báo Cứu quốc.

5 tháng 11 ,Ðể biểu thị sự ủng hộ đối với cuộc chiến đấu của đồng bào Nam Bộ, "Ngày Nam Bộ kháng chiến" đã được phát động trong cả nước.

25 tháng 11 ,Chính phủ ra quyết định đổi tên Giải phóng quân Việt Nam thành Vệ quốc đoàn (một đoàn thể bảo vệ quốc gia). Trường Quân chính Việt Nam đổi tên thành Trường Cán bộ Việt Nam.

25 tháng 12 ,Nhân dân tỉnh Bến Tre bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên.

1946

Tháng 1, Báo Hy sinh, cơ quan tuyên truyền kháng chiến của tỉnh Bến Tre ra số đầu tiên.

4 tháng 2, Cao ủy Pháp ở Ðông Dương D’Argenlieu lập Hội đồng tư vấn Nam Kỳ, do ủy viên Cộng hòa Pháp ở Ðông Dương làm chủ tịch. Hội đồng tư vấn Nam Kỳ thành lập nhằm phục vụ chủ trương tách Nam Kỳ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, biến thành một "nước cộng hòa tự trị".

6 tháng 2, Tỉnh Bến Tre đổi tên là tỉnh Ðồ Chiểu.

8 tháng 2, Quân Pháp huy động bộ binh, tàu chiến có máy bay yểm trợ đánh chiếm Bến Tre, tỉnh cuối cùng của Nam Bộ.

17 tháng 2, Dương Văn Dương, chỉ huy trưởng chi đội 2 và 3, hy sinh trong trận oanh kích của máy bay địch ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông được chính phủ truy phong hàm Thiếu tướng.

10 tháng 3, Hồ Chủ tịch gửi thư cho đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, giải thích ý nghĩa của hiệp định sơ bộ 6-3-1946, kêu gọi nhân dân đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chính phủ.

Tháng 3, Tỉnh ủy Bến Tre cử một đoàn cán bộ quân dân chính đảng dùng thuyền đánh cá, từ Thạnh Phú vượt biển ra gặp TƯÐCS và Bác Hồ để báo cáo về tình hình kháng chiến của tỉnh và xin chi viện cho miền Nam.

18 tháng 4, Từ 18-4, phái đoàn Chính phủ VNDCCH (do Nguyễn Tường Tam dẫn đầu) và phái đoàn Pháp (do Max André dẫn đầu) họp trù bị ở Ðà Lạt để chuẩn bị cho cuộc đàm phán chính thức. Hội nghị kéo dài gần một tháng, rồi đi đến bế tắc.

7 tháng 6, Cuộc đàm phán Việt - Pháp khai mạc tại lâu đài Fontaine - bleau ở ngoại ô Paris. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam do Phạm Văn Ðồng làm trưởng đoàn. Phái đoàn Pháp do Max André làm trưởng đoàn. Dưới sức ép của các thế lực phản động và hiếu chiến, Chính phủ Pháp vẫn giữ nguyên quan điểm từ hội nghị trù bị Ðà Lạt về những vấn đề cơ bản (chế độ chính trị, quan hệ ngoại giao, nước Việt Nam thống nhất...) trong quan hệ Việt - Pháp. Cuộc đàm phán bị bế tắc. Ngày 13-9-1946, phái đoàn Chính phủ Việt Nam lên đường về nước.

14 tháng 9 ,Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet bản "Tạm ước".

23 tháng 10, Hồ Chủ tịch gửi thư cho chiến sĩ và đồng bào miền Nam sau khi Người ở Pháp về nước, trong đó có đoạn: “Một ngày mà tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên".

Tháng 10, Ðơn vị Vệ quốc đoàn đầu tiên của Bến Tre ra đời trên cơ sở thống nhất các LLVT trong tỉnh, lấy tên là chi đội 19.

9 tháng 11, Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước VNDCCH với 204 phiếu tán thành trên tổng số 242 đại biểu.

10 tháng 11, Thủ tướng chính phủ “Nam Kỳ tự trị” Nguyễn Văn Thinh cảm thấy bế tắc, đã treo cổ tự tử bằng sợi dây đồng.

Tháng 11, Cả nước chia thành 12 khu hành chính quân sự. Nam Bộ chia làm 3 khu

Khu 7: Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Gia Ðịnh, Chợ Lớn.

Khu 8: Tân An, Gò Công, Mỹ Tho, Sa Ðéc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.

Khu 9: Châu Ðốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau.

19 tháng 12 , Toàn quốc bước vào cuộc KCCP xâm lược. Lúc 20 giờ, Ðài tiếng nói Việt Nam truyền đi mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp:

Tổ quốc lâm nguy!

Giờ chiến đấu đã đến!

Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung Nam Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trân, giết giặc cứu nước.

20 tháng 12, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.


=======


Thế kỷ 20 ( 1947 - 1954 )


1947

Tháng 2, Toàn đoàn lính nguỵ UMDC do Léon Leroy chỉ huy càn quét các xã Phong Nẫm, Hữu Ðịnh, Cầu Hòa và đã gây ra vụ thảm sát Cầu Hòa, giết 286 người, phần lớn là trẻ em và phụ nữ.

19 tháng 5 , Thành lập trung đoàn 99 do Ðồng Văn Cống chỉ huy.

2 tháng 9, Tại căn cứ kháng chiến ở Ðồng Tháp Mười, hoạ sĩ Diệp Minh Châu đã rạch tay mình, chấm máu vẽ bức hoạ Bác Hồ và ba cháu Bắc - Trung - Nam quây quần quanh Bác.

1 tháng 12, Ðài tiếng nói Nam Bộ kháng chiến đặt tại chiến khu Ðồng Tháp Mười, phát sóng buổi đầu tiên.

12 tháng 12, Ban Quân sự Nam Bộ được thành lập do Nguyễn Thanh Sơn làm Trưởng ban. Ðến tháng 6-1948, ban Quân sự Nam Bộ do Trung tướng Nguyễn Bình làm Tư lệnh.

1948

15 tháng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các sắc lệnh 132/SL và 133/SL, cử các ông: Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch UBKCHC Nam Bộ; Phạm Ngọc Thuần và Nguyễn Bình làm Phó Chủ tịch; Kha Vạn Cân và Ung Văn Khiêm làm ủy viên, Cao Triều Phát và Nguyễn Bá Sang làm Cố vấn.

8 tháng 3, Khánh thành con kênh mang tên "Phụ nữ" ở cù lao Minh bắt đầu từ kênh Cầu Mống - Vàm Ðồn ở xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày xuyên qua các xã Phú Khánh, Ðại Ðiền, Quới Ðiền nối với sông Băng Cung ở huyện Thạnh Phú.

Ðể hoàn thành con kênh, UBKCHC tỉnh đã giao cho Ðoàn Phụ nữ cứu quốc hai huyện Mỏ Cày và Thạnh Phú thực hiện. Chị em đã bỏ ra hàng ngàn ngày công, làm việc ròng rã trong 3 tháng trời, bất chấp nắng mưa, đêm làm ngày nghỉ để tránh máy bay địch.

Tháng 7, Cuối tháng 7, giữa chiến khu Ðồng Tháp Mười, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ ÐCS Nam Bộ được triệu tập, gồm đại biểu từ cấp tỉnh, cấp trung đoàn trở lên.

Ðại hội đã kiểm điểm, đánh giá tình hình, đồng thời vạch ra những nội dung cơ bản trong kháng chiến ở Nam Bộ. Ðại hội đã bầu Lê Duẫn làm Bí thư XUNB, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Ðức Thuận làm Phó bí thư.

Tỉnh Ðồ Chiểu được đổi lại tên cũ Bến Tre.

Ðội quân UMDC của Léon Leroy gây ra các vụ thảm sát ở Cầu Hòa, Bình Hòa, Tân Hào Ðông, Cồn Thùng, Phước Thạnh.

1949

21 tháng 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 18/SL, 19/SL và 20/SL cử Trung tướng Nguyễn Bình giữ chức Tư lệnh, ông Trần Văn Trà làm Phó tư lệnh, ông Phạm Ngọc Thuần làm Chính trị viên Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

20 tháng 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 120/SL thành lập một Ban cố vấn bên cạnh UBKCHC Nam Bộ, gồm các ông: Cao Triều Phát, Nguyễn Văn Hưởng, Phan Văn Chương và Lê Duẫn.

1950

5 tháng 1, Căn cứ vào chỉ thị của Trung ương, sau khi tham khảo ý kiến của Hội nghị đại biểu nông dân 4 tỉnh miền Tây Nam Bộ, do UBKCHC Nam Bộ triệu tập, XUNB ra Chỉ thị số 113-CTX phát động chủ trương tạm cấp ruộng đất cho nông dân trong toàn Nam Bộ.

9 tháng 1, Biểu tỉnh của 2.000 học sinh và phụ huynh trước dinh Thủ hiến, đòi gặp mặt Thủ hiến Nam phần Trần Văn Hữu để chất vấn về việc đóng cửa một trường học và trả tự do số học sinh bị bắt. Cảnh sát đàn áp cuộc biểu tình. Học sinh Trần Văn Ơn bị trúng đạn, hy sinh.

Từ đây, ngày 9-1 trở thành Ngày học sinh, sinh viên toàn quốc.

12 tháng 1, Hơn nửa triệu người xuống đường tham gia đám tang Trần Văn Ơn. Toàn thành phố Sài Gòn bãi thị. Ðám tang trò Ơn đã biến thành cuộc biểu dương lực lượng chính trị của quần chúng lớn nhất từ sau lễ Quốc khánh 2-9-1945.

19 tháng 3, 300.000 đồng bào Sài Gòn xuống đường biểu tình qua các đường phố chính, hô vang các khẩu hiệu: "Ðả đảo Mỹ và bọn bù nhìn tay sai", "Mỹ cút đi!”. Hoảng sợ, đêm 19-3, hai chiến hạm Mỹ lặng lẽ nhổ neo chuồn mất. Từ đó, ngày 19-3 trở thành Ngày toàn quốc chống Mỹ.

1951

Tháng 1, Thành lập Ðài tiếng nói Sài Gòn tự do do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát phụ trách, đặt tại rừng Bàu Cá Trê (chiến khu Ð). Ban đầu mỗi tuần phát 3 buổi, về sau phát hàng ngày vào buổi chiều.

Tháng 6, Chia Nam Bộ thành 2 phân liên khu. Phân liên khu miền Ðông gồm 5 tỉnh: Gia Ðịnh Ninh, Thủ Biên, Bà Rịa, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Long Châu Sa. Phân liên khu miền Tây gồm 6 tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Trà, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà.

1954

13 tháng 3, Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ gồm 49 đồn bót, tổ chức thành 8 cụm với hệ thống hỏa lực nhiều tầng, với số quân lúc cao nhất là 17 tiểu đoàn. Trong 5 ngày đầu chiến dịch, quân ta đã tấn công tiêu diệt cứ điểm Him Lam, Ðộc Lập và làm chủ toàn bộ phân khu Bắc.

Tháng 4, Trong chiến dịch Ðông Xuân, phối hợp với chiến trường chính, quân và dân tỉnh Bến Tre đã diệt 53 đồn, 144 tên địch, bắt sống 234 tên, thu 200 súng các loại.

7 tháng 5, Sau 55 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ và anh dũng, lúc 17 giờ 30 phút, quân ta chiếm được sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Tướng De Castries và toàn bộ bộ tham mưu đầu hàng. 16.200 quân địch bị bắt sống và đầu hàng, 62 máy bay bị bắn rơi và phá hủy. Ta thu toàn bộ súng đạn, quân dụng. Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng.

8 tháng 5, Hội nghị Genève (Thụy Sĩ) về Ðông Dương khai mạc. Phái đoàn VNDCCH do Thủ tướng kim Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Ðồng làm trưởng đoàn. Có 9 phái đoàn đại diện các chính phủ tham dự: VNDCCH, Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia.

Tháng 5, 352 nhà trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn ra "Bản tuyên ngôn hòa bình" đòi chính phủ Pháp chấm dứt cuộc chiến tranh ở Ðông Dương.

8 tháng 6, Mỹ đưa Ngô Ðình Diệm về Sài Gòn, chuẩn bị con chủ bài trong âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

16 tháng 6, Dưới sức ép của Mỹ, Pháp và Bảo Ðại phải chấp nhận việc đưa Ngô Ðình Diệm về làm Thủ tướng.

6 tháng 7, Thành lập Chính phủ Ngô Ðình Diệm. Bảo Ðại vẫn giữ vai trò Quốc trưởng. Ngô Ðình Diệm làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Quốc phòng.

20 tháng 7, Bản “Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam" gồm 6 chương, 47 điều được ký kết.

Các nước tham gia Hội nghị thông qua Bản tuyên bố chung thừa nhận: tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, Campuchia và Lào, quy định quân đội Pháp phải rút khỏi Ðông Dương, và 2 miền Nam, Bắc Việt Nam sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước vào tháng 7-1956.

22 tháng 7, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ.

Tháng 7, Dân số tỉnh Bến tre có 600.000 người.

9 tháng 8, Trong "Tuyên cáo của Chính phủ quốc gia Việt Nam", Ngô Ðình Diệm nói rõ: "Về bất cứ phương diện nào, Chính phủ không tự coi mình bị ràng buộc bởi hiệp định Genève mà Chính phủ không ký".

19 tháng 8, Cuộc biểu tình của 15.000 đồng bào huyện Bình Ðại, đòi thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản của hiệp định Genève.

Tháng 8, Theo chỉ định của TƯC, Tỉnh ủy mới của Bến Tre được thành lập gồm 9 ủy viên, do Nguyễn Văn Khước làm Bí thư.

13 tháng 9, Hơn 10.000 người biểu tình ở Mỏ Cày, đòi thi hành hiệp định Genève, bị chính quyền Ngô Ðình Diệm đàn áp đẫm máu. Ðây là cuộc thảm sát đầu tiên ở Bến Tre làm chấn động dư luận cả nước.

2 tháng 12, Trước sức ép của Mỹ, Pháp phải ký hiệp ước về việc rút quân Pháp khỏi miền Nam Việt Nam để đế quốc Mỹ thay thế cho thực dân Pháp.

Tháng 12, Hội nghị TƯCMN tại An Biên (Cà Mau) quyết định giải thể TƯC, thành lập XUNB do Lê Duẫn làm Bí thư. Hội nghị đã nghiên cứu cụ thể tình hình cách mạng miền Nam và đề ra sách lược, công tác tư tưởng và tổ chức trong tình hình mới.


=======


Thế kỷ 20 ( 1955 - 1959 )


1955

8 tháng 1, Ngô Ðình Diệm ba hành Dụ số 2 về "Cải cách điền địa” - một chủ trương được nâng lên hàng "quốc sách" nhằm mục đích "tranh thủ trái tim và khối óc của nông dân", tách họ ra khỏi ảnh hưởng của cách mạng.

Tháng 1, Ngô Ðình Diệm bắt đầu đưa số đồng bào theo đạo Thiên Chúa miền Bắc di cư vào các địa bàn xung yếu trong tỉnh Bến Tre như Giao Thạnh (huyện Thạnh Phú), An Hiệp (huyện Châu Thành), vùng ven biển hai huyện Bình Ðại và Ba Tri. Tổng số lượng lên đến 60.000 người.

4 tháng 2, Chính phủ VNDCCH tuyên bố sẵn sàng lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền Nam - Bắc như hiệp định Genève 1954 quy định.

5 tháng 2, Ngô Ðình Diệm ban hành Dụ số 7 về "Cải cách điền địa” bổ sung cho Dụ số 2, ban hành ngày 8-1-1955 về phần giảm tô và giao đất bỏ hoang cho tá điền canh tác.

4 tháng 3, Ngô Ðình Diệm tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội riêng rẽ ở miền Nam.

11 tháng 4, Ngô Ðình Diệm phát động chiến dịch "tố cộng" trên toàn lãnh thổ miền Nam. Trong các nhà tù, chúng bắt đầu cưỡng bức tù chính trị học tập "tố cộng", "ly khai" ÐCS.

30 tháng 6, Ðơn vị cuối cùng của 300.000 quân viễn chinh Pháp rút khỏi miền Nam Việt Nam.

23 tháng 10, Ngô Ðình Diệm bày trò "trưng cầu dân ý", "truất phế Bảo Ðại" lên làm Tổng thống.

26 tháng 10, Ngô Ðình Diệm tuyên bố thành lập nước "Việt Nam Cộng hòa" do ông ta làm Tổng thống, lấy Sài Gòn làm thủ đô và chọn ngày này làm ngày quốc khánh của chế độ đó.

Từ đây, Mỹ không còn qua trung gian Pháp để thực hiện mưu đồ biến miền Nam thành khu vực nằm trong quỹ đạo của Mỹ.

1956

11 tháng 1, Ngô Ðình Diệm công bố "Luật thiết lập những trại tập trung cưỡng bức".

26 tháng 1, Ngô Ðình Diệm ký đạo luật công khai khước từ Tổng tuyển cử (Sau 2 năm theo hiệp định Genève quy định) và ban hành đạo luật bầu cử quốc hội riêng rẽ ở miền Nam Việt Nam.

28 tháng 4, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp rút khỏi Sài Gòn, hoàn thành việc Mỹ thay chân Pháp ở miền Nam.

28 tháng 6, Quận Bình Ðại thuộc tỉnh Mỹ Tho sáp nhập vào tỉnh Bến Tre theo Sắc lệnh số 86/NV, ngày 28-6-1956 của Tổng thống VNCH.

22 tháng 10, Ngô Ðình Diệm ban hành Dụ số 57 nhằm chuyển chủ trương "Cải cách điền địa” sang giai đoạn thứ hai, gọi là giai đoạn “Tái phân phối ruộng đất cho công bằng hợp lý, giúp tá điền thành tiểu điền chủ, hướng dẫn các đại điền chủ qua hoạt động kỹ nghệ”.

Ðổi tên tỉnh Bến Tre thành tỉnh Kiến Hòa là một trong 23 tỉnh thành trong địa phận Nam Việt (Sắc lệnh số 143/NV ngày 22-10-1956 của Tổng thống VNCH).

24 tháng 10, Ngô Ðình Diệm công bố "Luật trưng thu ruộng đất".

Tháng 12, Tại Văn phòng XUNB (bí mật) đặt tại số nhà 29 Huỳnh Khương Ninh (Sài Gòn) nay thuộc phường Ða Kao, quận 1, TP.Hồ Chí Minh, ông Lê Duẫn, Bí thư XUNB hoàn thành bản dự thảo "Ðường lối cách mạng miền Nam". Sau đó, bản dự thảo được chuyển sang mật mã, gửi đi các nơi.

1957

5 tháng 5, Ngô Ðình Diệm sang thăm Mỹ, tuyên bố: "Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17".

Tháng 10, Tại căn cứ chiến khu Ð, thành lập đơn vị 250, tiểu đoàn tập trung đầu tiên của LLVT miền Ðông Nam Bộ.

1958

Tháng 6, XUNB quyết định thành lập Bộ Tư lệnh miền Ðông Nam Bộ (sau đổi ra Ban Quân sự miền) và tập trung một số LLVT các tỉnh miền Ðông, tổ chức thành 4 đại đội.

16 tháng 10, Quận Sóc Sãi đổi tên là quận Hàm Long.

1 tháng 12, Vụ đầu độc giết hại hàng loạt tù nhân chính trị ở trại giam Phú Lợi (Thủ Dầu Một) cách Sài Gòn 33km. Ðã có hơn 1.000 tù nhân trong số 6.000 tù của trại giam bị ngộ độc. Một số người đã bị giết.

1959

Tháng 1, BCHTƯÐCS họp Hội nghị lần thứ 15 bàn về tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam. Nghị quyết nêu: "Con đường phát triển cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với thực lực vũ trang, hoặc nhiều hoặc ít, tùy tình hình, để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân".

13 tháng 1, Hội nghị của TƯCMN khẳng định việc đánh đổ ách thống trị của chế độ thực dân mới ở miền Nam và quyết định cần thiết phải tiến hành đấu tranh vũ trang.

6 tháng 5, Quốc hội VNCH thông qua Luật số 91. Luật này được ban hành ngày 6-5, thường gọi là "Luật 10/59" - quy định việc lập các "tòa án quân sự đặc biệt". Theo luật này, tội xử chỉ có hai mức: tử hình và khổ sai chung thân. Việc xét xử kéo dài tối đa trong 3 ngày, không có giảm khinh, không có kháng cáo, bản án thi hành ngay tại chỗ.

Tháng 7, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Ðoàn 759, mở đường Bắc - Nam trên biển vận chuyển vũ khí đạn dược, trang bị cho cách mạng miền Nam.

30 tháng 8, Bầu cử quốc hội kỳ II của chính quyền Ngô Ðình Diệm ở miền Nam Việt Nam.

Tháng 9, Ngô Ðình Diệm bắt đầu xây dựng "khu trù mật" Thành Thới (Mỏ Cày), khu trù mật kiểu mẩu của cả Nam Bộ.

Tháng 11, Tại Trảng Chiên (bắc Tây Ninh), Hội nghị XUNB lần thứ 4 (mở rộng đến bí thư tỉnh ủy) quán triệt tinh thần Nghị quyết 15 của BCH TƯÐCS.

Tháng 12, Hội nghị đại biểu các tỉnh miền Trung Nam Bộ được triệu tập để truyền đạt Nghị quyết 15 của BCHTƯÐCS và bàn chủ trương chuyển hướng phong trào.


=====


 Thế kỷ 20 ( 1960 - 1961 )


1960

1 tháng 1, Hội nghị Tỉnh ủy Bến Tre tại xã Minh Ðức, huyện Mỏ Cày. Ðồng chí Nguyễn Thị Ðịnh (Phó Bí thư Tỉnh ủy) truyền đạt lại tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Ðảng và chủ trương của Khu ủy 8. Hội nghị quyết định phát động tuần lễ nổi dậy đồng loạt trong toàn tỉnh, bắt đầu từ ngày 17-1-1960.

2 tháng 1, Hội nghị cán bộ lãnh đạo tỉnh Bến Tre do Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập tại một địa điểm ở Mỏ Cày vào ban đêm để truyền đạt Nghị quyết 15 của BCHTƯÐCS và bàn kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá thế kiềm kẹp của địch.

17 tháng 1, Cuộc Ðồng khởi ở Bến Tre tạo ra một thế mới trên toàn chiến trường, làm nảy sinh hình thức đấu tranh "3 mũi giáp công" (chính trị - quân sự - binh vận), sử dụng thế hợp pháp linh hoạt. Từ "Ðồng khởi" ra đời từ đây và kích thích phong trào nổi dậy khắp nơi ở miền Nam.

26 tháng 1, Trận tấn công bất ngờ Tua Hai (Tây Ninh) của LLVT giải phóng miền Ðông, đánh chiếm căn cứ trung đoàn 32, Sư đoàn 13 ngụy, đã diệt và bắt sống nhiều tên địch, thu trên 1.200 súng các loại. Ðây là phát pháo hiệu đầu tiên của phong trào nổi dậy ở miền Ðông Nam Bộ.

22 tháng 2, Trước cao trào Ðồng khởi nổ ra thắng lợi ở 3 xã Ðịnh Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh (huyện Mỏ Cày), Mỹ, Diệm đã huy động 12.000 quân chủ lực, có 15 tàu chiến và máy bay, đại bác yểm trợ tấn công vào trung tâm cuộc Ðồng Khởi, nhằm tiên diệt LLVT cách mạng còn non trẻ, lập lại trật tự cũ.

27 tháng 2, Ðể chống lại cuộc đàn áp của 12.000 quân chủ lực của địch đang bao vây càn quét 3 xã Ðịnh Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, hàng ngàn dân chúng đi trên 200 chiếc xuống, gồm các chị, các mẹ bế con cái, mang cả người bị thương, đội khăn tang “tản cư” ra thị trấn Mỏ Cày, đưa yêu sách đòi quận trưởng ra lệnh rút quân, chấm dứt càn quét, khủng bố. Cuộc đấu tranh kéo dài 12 ngày đêm.

11 tháng 3, Trước áp lực đấu tranh của 5.000 phụ nữ bồng con bế cái, kéo vào thị trấn Mỏ Cày, đưa yêu sách buộc quận trưởng phải liên hệ với tỉnh trưởng Bến Tre ra lệnh chấm dứt cuộc càn quét, khủng bố của quân đội Sài Gòn, đến ngày thứ 12, đại tá Nguyễn Văn Y, thay mặt Bộ Tổng tham mưu ngụy, chỉ huy trưởng cuộc hành quân phải ra lệnh rút quân khỏi Mỏ Cày.

15 tháng 3, Xuất hiện “đội quân tóc dài" trong cao trào Ðồng khởi ở Bến Tre với hơn 5.000 phụ nữ đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh.

Tháng 3, Báo Hòa bình Thống nhất (Bến Tre) đổi tên thành báo Chiến thắng.

Sau Ðồng khởi (17-1-1960), Tỉnh ủy Bến Tre ra quyết định nhập hai huyện Sóc Sãi và Châu Thành, lập thành huyện Châu Thành (mới).

Tháng 9, Cuộc Ðồng khởi đợt II, Tỉnh ủy Bến Tre chọn huyện Giồng Trôm làm huyện điểm.

11 tháng 11, Cuộc đảo chính lật đổ Ngô Ðình Diệm do đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu. Cuộc đảo chính đã kết thúc thất bại tối ngày 12-11-1960.

5 tháng 12, Thành lập quận mới lấy tên là quận Hương Mỹ, gồm 9 xã của quận Mỏ Cày trước đó và 4 xã của quận Thạnh Phú trước đó hợp lại (Nghị định số 1192/NV ngày 5-12-1960 của Tổng thống VNCH).

20 tháng 12, Tại vùng giải phóng tỉnh Tây Ninh, Ðại hội thành lập MTDTGPMNVN khai mạc. Ðại hội đã thông qua tuyên ngôn và cương lĩnh hành động 10 điểm.

28 tháng 12, 400 đại biểu nhân dân họp đại hội tại Mỹ Chánh, huyện Ba Tri đã bầu ra Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bến Tre.

Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Bến Tre ra mắt đồng bào tại ấp Bến Bàu, xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri.

1961

15 tháng 5, Chính phủ Kennedy thông qua kế hoạch thực hiện bước 2 chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, bình định miền Nam trong 18 tháng. Công thức của chiến lược này là: quân ngụy + vũ khí Mỹ, đặt dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ, mà biện pháp cơ bản là "ấp chiến lược".

Công bố "kế hoạch Staley - Taylor" lập 17.000 ấp chiến lược, dùng chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận để bình định miền Nam trong vòng 18 tháng.

tháng 5, Bộ Quốc phòng nước VNDCCH ra quyết định thành lập các quân khu và Bộ chỉ huy quân sự miền Nam. Mật danh đầu não của Nam Bộ là R; các quân khu là T; các tỉnh là U.

Tháng 6, Chiếc thuyền máy do Ðặng Bá Tiên (tức Sáu Giáo) và Nguyễn Văn Kiệm, xuất phát từ Cồn Lợi thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, vượt biển ra miền Bắc. Sau 5 ngày đêm vật lộn với sóng gió, né tránh các tuyến kiểm soát của địch, chiếc thuyền chở 6 người đã cập bãi biển Hà Tĩnh. Hai ngày sau khi liên lạc được với Trung ương, đoàn đại biểu của tỉnh Bến Tre đã đến Hà Nội an toàn. Ðây là chuyến vượt biển lần thứ hai xuất phát từ Bến Tre, mở đầu cho việc thiết lập “đường Hồ Chí Minh trên biển".

Tháng 7, Ngô Ðình Diệm bắt đầu lập “ấp chiến lược” thí điểm ở một số tỉnh ở Nam Bộ và Trung Bộ.

15 tháng 10, Ngô Ðình Diệm công bố "tình trạng khẩn cấp trên toàn bộ miền Nam" trước cao trào đấu tranh của nhân dân ngày một dâng cao. Ngô Ðình Diệm yêu cầu Mỹ đưa quân chiến đấu sang miền Nam.

Tháng 10, Xuất bản nguyệt san Văn nghệ Bến Tre, in typô, số lượng phát hành 3.000 bản, mở đầu cho một thời kỳ phát triển văn nghệ mới của tỉnh.


======

Thế kỷ 20 ( 1962 - 1964 )

1962

1 tháng 2, Hồi 18g30, Ðài phát thanh Giải phóng, tiếng nói của MTDTGPMNVN bắt đầu phát sóng.

8 tháng 2, Mỹ quyết định lập Bộ Tư lệnh hành quân chung giữa Mỹ và Việt Nam, gọi tắt là MACV (Military Assitance Command Vietnam) gồm trên 4.000 cố vấn, do tướng Paul D. Harkins cầm đầu.

16 tháng 2, Khai mạc Ðại hội MTDTGPMNVN lần thứ nhất, có hơn 100 đại biểu, gồm đủ các tầng lớp xã hội, tôn giáo, dân tộc thuộc nhiều xu hướng chính trị khác nhau tham dự. Ðại hội họp từ 16-2 đến 3-3, đã thông qua bản cương lĩnh chính trị, các chính sách lớn của Mặt trận, bầu Ban Chấp hành gồm 52 ủy viên, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.

27 tháng 2, Trong cuộc đảo chính lật Ngô Ðình Diệm, hai sĩ quan không quân Sài Gòn là Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử đã ném bom làm hỏng cánh trái của phủ Tổng thống, tức dinh Norodom cũ. Ngô Ðình Diệm và gia đình thoát chết. SAu trận này, Ngô Ðình Diệm dời Phủ Tổng thống về dinh Gia Long.

Tháng 4, "Quốc sách ấp chiến lược" của Ngô Ðình Diệm ra đời trên cơ sở của chương trình "ấp chiến lược" do Robert Thompson, một chuyên gia Anh làm cố vấn.

21 tháng 5, Ngô Ðình Diệm thiết lập "Tòa án quân sự mặt trận lưu động" thay vì chỉ có một "Tòa án quân sự đặc biệt" chung cho toàn lãnh thổ trước đó.

Tháng 12, Trong năm 1962, LLVT tỉnh Bến Tre mở nhiều cuộc tiến công, diệt hàng trăm tên địch, phá rã gần 100 ấp chiến lược.

1963

21 tháng 1, Chiến thắng Ấp Bắc - một ấp nhỏ chưa đầy 600 dân, thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, cách thành phố Mỹ Tho 15km - đã nêu cao tinh thần anh dũng của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, đánh bại cuộc càng quét lớn của Mỹ với quân số lớn hơn gấp 10 lần, được máy bay, đại bác và tàu chiến yểm trợ. Chiến thắng Ấp Bắc chứng tỏ quân dân miền Nam hoàn toàn có khả năng thắng Mỹ về quân sự trong “Chiến tranh đặc biệt”.

7 tháng 3, Thành lập quận Ðôn Nhơn, quận lỵ đặt tại Thiên Hựu (trước gọi là Ba Vát) gồm 9 xã tách ra từ quận Mỏ Cày. Quận Mỏ Cày còn lại 12 xã (Nghị định số 209/NV ngày 7-3-1963 của Tổng thống VNCH).

11 tháng 6, Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu tại ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Ðình Phùng (nay là Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Ðình Chiểu) để tố cáo chế độ độc tài Ngô Ðình Diệm, đã làm chấn động dư luận trong và ngoài nước, mở đầu cho một loạt vụ tín đồ Phật giáo tự thiêu sau đó theo gương ông.

27 tháng 5, Ðại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam là Nolting bị cách chức. Cabot Lodge, nguyên Ðại sứ Mỹ ở Liên hiệp quốc được cử sang thay.

1 tháng 11, Cuộc đảo chính do đại sứ Cabot Lodge giữ vai trò chủ mưu đã đưa đến cái chết của hai anh em Diệm - Nhu. Hội đồng quân nhân do Dương Văn Minh làm Chủ tịch lên nắm chính quyền. Cuộc đảo chính đã mở màn cho cơn khủng hoảng mới của chế độ tay sai Mỹ bằng những cuộc đảo chính liên miên diễn ra sau đó.

4 tháng 11, “Hội đồng quân nhân cách mạng” chỉ định Nguyễn Ngọc Thơ, nguyên Phó tổng thống của Ngô Ðình Diệm, làm Thủ tướng Chính phủ lâm thời.

1964

1 tháng 1, Ðại hội lần thứ 2 MTDTGPMNVN (từ ngày 1-1 đến ngày 8-1) tại chiến khu miền Ðông Nam Bộ.

30 tháng 1, Cuộc “chỉnh lý” xảy ra rạng sáng do tướng Nguyễn Khánh cầm đầu, lật đổ “Hội đồng quân nhân cách mạng” được thành lập sau khi lật đổ Ngô Ðình Diệm do tướng Dương Văn Minh làm Chủ tịch (1-11-1963). Nguyễn Khánh tự phong cho mình chức Chủ tịch "Hội đồng quân đội cách mạng”.

1 tháng 2, Nguyễn Khánh ký Sắc luật 093-SL-CT đặt (Không dùng từ này) và thuyết trung lập ra khỏi vòng pháp luật.

5 tháng 2, Cuộc hành quân mang tên "Phượng hoàng TGI" gồm 6.000 quân càn quét các xã Thạnh Phong, Giao Thạnh (huyện Thạnh Phú) nhằm phá hủy căn cứ tiếp viện vũ khí theo đường biển từ miền Bắc vào đã bị quân và dân Thạnh Phú chặn đánh nhiều trận. Trong trận này 14 máy bay địch bị bắn rơi và bắn hỏng, ta thu trên 200 súng, diệt 1.240 tên địch, trong đó có đại tá Lye của không quân Hoàng gia Anh.

8 tháng 2, Thành lập Chính phủ mới ở miền Nam Việt Nam do tướng Nguyễn Khánh làm Thủ tướng, tướng Dương Văn Minh được cử làm Quốc trưởng.

24 tháng 4, Tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của tỉnh Bến Tre mang phiên hiệu tiểu đoàn 516 được thành lập tại xã Tân Xuân (huyện Ba Tri).

11 tháng 5, Vào lúc 16 giờ 15 ngày 11, trong lúc các em học sinh trường Linh Phụng thuộc xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm đang say sưa tập hát, thì một tốp máy bay khu trục Mỹ, do một chiếc L.19 chỉ điểm, lao đến trút những loạt bom napalm đốt cháy ngôi trường, giết chết 6 học sinh và làm bị thương nhiều người khác, trong số đó có cô giáo Thu Thủy. Cuộc ném bom có tính chất hủy diệt Trường Linh Phụng là một biểu tượng tội ác man rợ của giặc Mỹ.

16 tháng 5, “Hội đồng quân lực” của chính quyền Sài Gòn bầu tướng Nguyễn Khánh làm Thủ tướng, soạn thảo hiến pháp hiến mới.

20 tháng 6, Tướng Westmoreland được cử làm Tư lệnh quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam thay cho tướng P. Harkins.

13 tháng 7, Ba máy bay trực thăng Mỹ bắn xối xả vào Trường tiểu học ấp Tân Ðức A, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày trong giờ học, làm chết 17 học sinh, 28 em khác bị thương.

4 tháng 8, Tổng thống Mỹ Johnson ra lệnh ném bom “trả đũa” miền Bắc Việt Nam tại các nơi: Hòn Gai, Lạch Trường, Bến Hải, Vinh...

16 tháng 8, Nguyễn Khánh công bố "Hiến chương Vũng Tàu", do 57 tướng tá họp thông qua tại đây, coi như một biện pháp tạm thời (gồm 8 chương, 62 điều) cho đến khi tổ chức bầu cử được một quốc hội lập hiến mới.

13 tháng 9, Cuộc đảo chính do các tướng trẻ Lâm Văn Phát và Dương Văn Ðức đứng đầu cái gọi là “Hội đồng quân dân cứu quốc” nhằm lật đổ Nguyễn Khánh thất bại.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Bến Tre, xây dựng LLVT tại chỗ để đối phó lại âm mưu gom dân, lập ấp chiến lược của địch, Ban chỉ huy quân sự tỉnh đã quyết định thành lập một đơn vị vũ trang gồm toàn nữ, từ người chỉ huy đến chiến sĩ. Ðơn vị này mang phiên hiệu C.710, nhưng trong thực tế là một trung đội gồm 3 tiểu đội nữ. Trong suốt 10 năm chiến đấu (1964-1975) đơn vị đã lập được hàng loạt chiến công xuất sắc, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ, kiêng nể. Tính đến ngày giải thể đã có 8 chiến sĩ hy sinh, 14 người mang thương tật. Người dân Bến Tre ít nhớ cái phiên hiệu của đơn vị C.710, mà thường gọi là "Bộ đội Thu Hà" - tên của người chỉ huy đơn vị.

=======


 Thế kỷ 20 ( 1965 - 1969 )


1965

27 tháng 1, Nguyễn Khánh lật đổ chính phủ dân sự Trần Văn Hương. Phan Huy Quát lên làm Thủ tướng, Phan Khắc Sửu là Quốc trưởng.

7 tháng 2, Mỹ bắt đầu ném bom lại miền Bắc, lấy cớ là "hành động trả đũa” việc tấn công vào thị xã Pleiku của Quân giải phóng.

20 tháng 2, Cuộc đảo chính lật đổ Nguyễn Khánh do Thiếu tướng Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo đứng đầu. Phan Huy Quát được đưa lên làm Thủ tướng Chính phủ.

3 tháng 3, Lập Ủy ban lãnh đạo quốc gia do Nguyễn Văn Thiệu làm Quốc trưởng và Ủy ban hành pháp trung ương do Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch.

8 tháng 3, 1.500 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ bãi biển Nam Ô (Ðà Nẵng), đưa số quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên 27.000 người, đánh dấu bước can thiệp trực tiếp của Mỹ bằng quân sự.

Tháng 5, Lữ đoàn lính dù 173, đơn vị lính chiến đấu của Mỹ đầu tiên đổ bộ lên Vũng Tàu, mở đầu cho chiến lược "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam Việt Nam.

10 tháng 6, Phan Huy Quát từ chức Thủ tướng, chấm dứt chế độ dân sự. Từ đây, chế độ Sài Gòn chuyển sang chính quyền quân sự.

11 tháng 6, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ thay thế Phan Khắc Sửu, Phan Huy Quát.

24 tháng 6, Chính quyền Sài Gòn tuyên bố tình trạng chiến tranh trên toàn lãnh thổ miền Nam, đóng cửa một loạt 36 tờ báo ngày ở Sài Gòn. Không quân Mỹ bắt đầu vượt khỏi vĩ tuyến 17, oanh tạc dữ dội miền Bắc.

2 tháng 9, Thành lập sư đoàn 9 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Ðông Nam Bộ - theo quyết định của TƯCMN, sau chiến dịch Bình Giã - Ðồng Xoài. Sư đoàn 9 đã góp phần xuất sắc trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn và cả miền Nam năm 1975.

1966

17 tháng 7, Trước tình hình đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ở miền Nam, ném bom, bắn phá thủ đô Hà Nội, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước quyết chiến và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

15 tháng 11, Theo sáng kiến của nhà triết học Anh nổi tiếng Bertrand Russell, ngày 5-11-1966, Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam được thành lập tại London (Anh).

1967

26 tháng 1, Bộ Tư lệnh quân Mỹ tuyên bố số quân Mỹ hiện có mặt ở miền Nam Việt Nam đã vượt quá con số 400.000 người.

8 tháng 2, Tổng thống Johnson trao đổi thư với Chủ tịch Hồ Chí Minh (công bố ngày 21-3) đề nghị thương lượng bí mật. Chính phủ VNDCCH bác bỏ đề nghị đó.

2 tháng 5, "Tòa án quốc tế xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam" do nhà bác học Bertrand Russell kết án Mỹ là tội phạm chiến tranh.

3 tháng 9, Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống, Nguyễn Cao Kỳ Phó tổng thống VNCH.

23 tháng 11, Ðơn vị bộ đội đặc công thủy do Hoàng Lam chỉ huy, tiến công hạm tàu sửa chữa cơ động của Mỹ tại vàm Bến Tre (tàu mang số 833, dài 110m, rộng 25m). Với 200kg thuốc nổ, các chiến sĩ đặc công đã nhận chìm tàu giặc trên dòng Hàm Luông.

7 tháng 12, Tổng thống Mỹ Johnson công bố số bom ném xuống miền Bắc Việt Nam lớn gấp 3 lần so với chiến tranh Thái Bình Dương.

29 tháng 12, Vào đêm 29, bộ đội đặc công thủy Bến Tre đã đột nhập “căn cứ nổi” trên sông Hàm Luông, nơi vàm Thủ Cửu, xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, đánh chìm 15 tàu lớn nhỏ, trong đó có tàu hải quân mang số 812, dài 110m, rộng 12m. Hàng trăm tên Mỹ bị diệt, 22 khẩu pháo và 6 xe bọc thép M113 bị chìm xuống đáy sông.

Tháng 12, Số quân Mỹ ở chiến trường miền Nam lên đến 480.000. Lực lượng bảo vệ vòng trong, vòng ngoài ở Sài Gòn tương đương 4 sư đoàn lính Mỹ, 4 sư đoàn lính Sài Gòn, 1 tiểu đoàn an ninh thủ đô, 20 vạn biệt động quân.

Tháng 12, Theo thống kê của chính quyền Sài Gòn, dân số tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre) có 518.838 người.

1968

30 tháng 1, Ðêm 29 rạng 30, hưởng ứng mệnh lệnh của Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN, quân dân của gần 40 thành phố, thị xã, thị trấn ở miền Nam đã đồng loạt nổi dậy tiến công địch nhiều đợt liên tiếp.

Tại Bến Tre, quân ta tấn công vào thị xã, diệt 6 xe thiết giáp, chiếm Ðài phát thanh, chỉ huy sở trung đoàn 10, diệt gần hết tiểu đoàn 3.

8 tháng 2, Bộ tư lệnh quân đội Mỹ công bố số quân Mỹ miền Nam Việt Nam đã lên tới con số 500.000 người.

3 tháng 5, VNDCCH và Mỹ đồng ý bắt đầu hội đàm ở Paris từ ngày 10-5. VNDCCH cử ông Xuân Thủy làm Trưởng đoàn, ông Hà Văn Lâu làm Phó đoàn. Phía Mỹ cử ông Harriman làm Trưởng đoàn và ông Vance làm Phó đoàn.

15 tháng 5, VNDCCH và Mỹ họp phiên chính thức đầu tiên tại cuộc hội đàm Paris.

4 tháng 7, Số quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên đến 537.000 người.

31 tháng 10 ,Mỹ buộc phải chấp thuận sự có mặt của đại diện MTDTGPMNVN ở cuộc hội đàm Paris.

Tháng 10, Tỉnh Bến Tre được Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN tặng 8 chữ vàng "Anh dũng Ðồng khởi - Thắng Mỹ diệt Ngụy" và được công nhận là một trong 3 ngọn cờ đầu của phong trào du kích chiến tranh.

1969

18 tháng 1, Phiên họp đầu tiên 4 bên (MTDTGPMNVN, VNDCCH, Mỹ, VNCH) 3 Hội nghị Paris về Việt Nam khai mạc. Trưởng đoàn MTDTGPMNVN Trần Bửu Kiếm phát biểu trước, nêu lên lập trường 5 điểm để giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam.

24 tháng 1, Báo Tin sáng đăng một loạt bài tố cáo chế độ lao tù hà khắc ở Côn Ðảo, mở đầu cho phong trào đấu tranh chống lại chế độ lao tù dã man của chế độ VNCH.

7 tháng 4, Tổng thống Mỹ Nixon đưa ra chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" mà báo chí ở Sài Gòn thường gọi là "thay màu da cho những xác chết".

Tháng 4, Quân địch mở chiến dịch “bình định cấp tốc” tỉnh Bến Tre.

6 tháng 6, Ðại hội Ðại biểu quốc dân miền Nam từ ngày 6 đến ngày 8-6-1969, thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, bác sĩ Phùng Văn Cung, giáo sư Nguyễn Văn Kiết, Nguyễn Ðóa làm Phó chủ tịch.

2 tháng 9, Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đến với nhân dân Sài Gòn - Gia Ðịnh qua Ðài phát thanh tiếng nói Việt Nam giữa lúc thành phố đang trong những ngày khó khăn gian khổ nhất. Bất chấp sự theo dõi của địch, các tầng lớp nhân dân, trí thức, nhân sĩ, công nhân, tiểu thương, tiểu chủ, nông dân, tư sản, thanh niên, sinh viên, sư sãi, phật tử... đã tổ chức lễ truy điệu Người bằng nhiều hình thức công khai hoặc bí mật. Nhiều tờ báo xuất bản ở Sài Gòn đã đăng tin, bài cảm nghĩ của trí thức, nhân sĩ ở thành phố về Người...

3 tháng 11, Tổng thống Mỹ Nixon đọc diễn văn nói về việc kết thúc chiến tranh bằng “kế hoạch Việt Nam hóa” giao gánh nặng cho quân đội Sài Gòn. Thực chất đây là kế hoạch dùng người Việt đánh người Việt của Nixon.

16 tháng 11, Thời báo New York đăng tin về vụ thảm sát Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) của quân đội Mỹ gây nên một dư luận xôn xao ở nước Mỹ, ở miền Nam Việt Nam và cả trên thế giới.



=======


Thế kỷ 20 ( 1970 - 1975 )


1970

26 tháng 3, Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống VNCH, ban hành "Luật người cày có ruộng" nhằm tạo ra một tầng lớp xã hội là tư sản ở nông thôn, làm chỗ dựa về kinh tế, chính trị, xã hội cho chế độ thực dân mới.

6 tháng 7, "Chuồng Cọp”, một chứng tích về thủ đoạn ngược đãi tù chính trị ở nhà lao Côn Ðảo, bị vạch trần và trở thành vấn đề quốc tế lớn.

1971

22 tháng 6, Thượng nghị viện Mỹ thông qua nghị án rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 9 tháng.

20 tháng 9, Ðại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua LLVT giải phóng Ðông Nam Bộ và Sài Gòn, họp trong 4 ngày (20 đến 23-9-1970). Quyết định của Chính phủ CMLTCHMNVN tuyên dương danh hiệu "Ðơn vị anh hùng" cho 21 đơn vị và danh hiệu Anh hùng LLVTND giải phóng cho 16 cá nhân.

1972

20 tháng 3, LLVT tỉnh Biến Tre tiêu diệt chi khu quân sự Trúc Giang.

Tháng 7, Thời kỳ "bình định” ác liệu của địch. Ðể đối phó kịp thời âm mưu địch, Tỉnh ủy Bến Tre ra quyết định chia đôi huyện Châu Thành (mới) thành Châu Thành Ðông và Châu Thành Tây; chia đôi huyện Mỏ Cày thành Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc, lấy con sông Mỏ Cày làm ranh giới.

22 tháng 10, VNDCCH và Mỹ thừa nhận toàn văn bản thỏa thuận về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và lấy ngày 31-10 làm ngày ký chính thức.

1973

27 tháng 1, Tại Paris, đại diện 4 bên: Chính phủ VNDCCH, Chính phủ CMLTCHMNVN, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ VNCH đã ký "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" và các nghị định thư kèm theo.

1 tháng 2, Phái đoàn quân sự của Chính phủ CMLTCHMNVN do tướng Trần Văn Trà dẫn đầu rời sân bay Lộc Ninh vào Sài Gòn, nhận nhiệm vụ mới tại Ủy ban Liên hiệp quân sự 4 bên đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất.

29 tháng 3, Tổng thống Nixon tuyên bố kết thúc chiến tranh Việt Nam, hoàn thành việc triệt thoái quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, giải tán Bộ Tư lệnh quân Mỹ. Theo công bố, từ 1961 đến 28-1-1973, quân Mỹ chết 46.000 người trong chiến đấu, chết 10.000 người vì tai nạn, bị thương 300.000. Binh lực đã huy động 2,5 triệu lượt người.

Tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Mỹ tổ chức lễ “Cuốn cờ” đánh dấu chấm dứt sự có mặt của quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Sau đó, tướng Weyand, Tổng tư lệnh quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam đến nhập với toán lính Mỹ cuối cùng, lặng lẽ lên máy bay rời khỏi Sài Gòn.

20 tháng 7, G.Martin thay Bunker làm Ðại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

1974

29 tháng 9, Ủy ban vận động đòi cải thiện chế độ lao tù ở miền Nam ra tuyên bố tố cáo Nguyễn Văn Thiệu dùng những thủ đoạn đen tối, đày ải hàng chục vạn tù chính trị và đòi trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ.

10 tháng 10, Chống lại chính sách bóp nghẹt do báo chí của chế độ Sài Gòn, 400 nhà báo đã xuống đường có mang theo bị, gậy, nón rách, dẫn đầu cuộc tuần hành của 5.000 người, đi từ Câu lạc bộ báo chí Sài Gòn đến chợ Bến Thành. Ngày nay được giới báo chí đặt tên là "Ngày các ký giả đi ăn mày" sau khi Thiệu ban hành Luật 007 về báo chí.

1975

6 tháng 1, Từ ngày 22-12-1974 đến ngày 6-1-1975, Quân giải phóng đã tiến công, bao vây các căn cứ Ðồng Xoài, Bố Ðức, Ðức Phong và thị xã Phước Long, tiêu diệt 3.000 quân địch, thu 3.000 súng các loại, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long.

10 tháng 3, Quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch ở đây gồm Sư đoàn 23, trung đoàn 23, 1 chi đội thiết giáp, 1 tiểu đoàn bảo an, 57 trung đội dân vệ. Sau 2 ngày chiến đấu, quân ta hoàn toàn làm chủ thị xã, phá vỡ một mảng lớn hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường Tây Nguyên.

11 tháng 3, Thị xã Buôn Mê Thuột hoàn toàn được giải phóng.

8 tháng 4, Thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Ðịnh gồm:

Phạm Hùng, Bí thư TƯC làm Chính ủy.

Ðại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh chiến dịch.

Các tướng Trần Văn Trà, Lê Ðức Anh, Lê Trọng Tấn, Ðinh Ðức Thiện làm Phó tư lệnh.

Tướng Lê Quang Hòa làm Phó chính ủy.

Tướng Lê Ngọc Hiền quyền Tham mưu trưởng chiến dịch.

8 tháng 4, Nguyễn Thành Trung, một cơ sở nội tuyến của ta hoạt động trong lực lượng không quân Sài Gòn, lái chiếc máy bay F.5 do Mỹ chế tạo, ném bom trúng dinh Ðộc Lập và hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long. Sự kiện này gây hoang mang cực độ trong giới đầu sỏ chính quyền Sài Gòn, đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chúng.

13 tháng 4, Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh nhất trí gửi bức điện đề nghị BCT xin được đặt tên chiến dịch này là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

11 tháng 4, Ðúng 19 giờ, một bức điện của BCT từ Hà Nội gửi đến Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh.

Ðiện số 37/TK, 19 giờ ngày 14-4-1975. Ðồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là "Chiến dịch Hồ Chí Minh".

18 tháng 4, Trước sức tấn công thần tốc của Quân giải phóng, Tổng thống Mỹ G.Ford ra lệnh di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam. Dean Brown được cử phụ trách việc này cùng với lực lượng đặc nhiệm gồm không quân, hải quân với 35 tàu chiến (có 4 tàu sân bay) và hàng trăm máy bay thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

21 tháng 4, Theo sự đạo diễn của Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống để Trần Văn Hương lên thay thế. Trong bài diễn văn đọc ở buổi lễ nhậm chức, Trần Văn Hương hứa “sẽ chiến đấu đến người lính cuối cùng". Thế nhưng, chỉ trong vòng một tuần lễ, Trần Văn Hương đã hoàn toàn bất lực, đành giao quyền lại cho Dương Văn Minh.

22 tháng 4, Tổng thống Mỹ G.Ford tuyên bố: "Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với Mỹ. Không thể giúp người Việt Nam (chính quyền tay sai Sài Gòn) được nữa. Họ phải đương đầu với bất cứ số phận nào đang đợi họ”.

23 tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn và cả nội các của chính quyền Sài Gòn tuyên bố từ chức. Nhiều sứ quán phương Tây ở đây đóng cửa. Các công ty hàng không quốc tế ngưng hoạt động. Tổng thống Trần Văn Hương cử đại diện đến Tân Sơn Nhất, gặp Phái đoàn Chính phủ CMLTCHMNVN xin thương lượng.

28 tháng 4, Lúc 17 giờ, Tổng thống Trần Văn Hương sau khi nhậm chức được 7 ngày, đã tuyên bố từ chức, giao quyền cho Dương Văn Minh.

Khi vừa lên nhậm chức thay Trần Văn Hương, Dương Văn Minh đã cử người vào gặp phái đoàn Chính phủ CMLTCHMNVN để thương lượng. Nhưng phái đoàn không chấp nhận đề nghị đó.

Tổng thống Mỹ G.Ford ra lệnh cho quân Mỹ và nhân viên Ðại sứ quán Mỹ rút khỏi Sài Gòn.

Lúc 17 giờ, phi đội máy bay A.37 (lấy của địch trước đó gồm 5 chiếc) mang tên Quyết thắng, xuất phát từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) do Nguyễn Thành Trung (phi đội trưởng), Từ Ðể, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On (phi công của quân đội Sài Gòn ở lại) ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, rồi hạ cánh an toàn ở sân bay Lộc Ninh. 20 máy bay địch bị phá hủy trong trận oanh kích này.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn Cao Văn Viên, nguyên Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn cùng nhiều sĩ quan cao cấp khác lên máy bay trực thăng Mỹ, chuồn ra nước ngoài.

29 tháng 4, Ðại sứ Mỹ đóng cửa. Người Mỹ "tháo chạy tán loạn".

30 tháng 4, 3 giờ 30, Tổng thống G.Ford ra lệnh cho Ðại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn "chấm dứt di tản vào 3 giờ 30 phút (giờ địa phương) sáng ngày 30-4, nhưng lệnh không thi hành đựơc".

4 giờ 20, một máy bay CH-53 đổ xuống sân thượng tòa Ðại sứ để đưa Ðại sứ Martin di tản.

5 giờ 24, Moorefield, người mà Martin chọn làm quản lý tòa Ðại sứ cùng với 4 người Mỹ khác đã đi trong chuyến trực thăng cuối cùng rời Sài Gòn lúc 5 giờ 24 phút.

Chuẩn tướng, Phó tổng tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh (tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng đã bỏ chạy) và tướng Nguyễn Hữu Có lên gặp Tổng thống Dương Văn Minh báo cáo tình hình quân sự. Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đi đến quyết định đơn phương ngừng bắn, “chờ bàn giao trong vòng trật tự". Bản tuyên bố được phát trên Ðài phát thanh Sài Gòn lúc 9 giờ 30 phút.

Trận đánh cuối cùng ở cổng số 5, sân bay Tân Sơn Nhất lúc 10 giờ. Ðợt xung phong đầu tiên của xe tăng và bộ binh của ta bị đối phương bẻ gãy. Trận chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt, hơn một giờ sau khi cờ Mặt trận đã bay trên dinh Ðộc Lập.

11 giờ 30, chiếc xe tăng mang biển số 843 dẫn đầu đội hình chiến đấu tiến đến hàng rào dinh Ðộc Lập, húc thẳng vào cổng phụ ngay bên cạnh cổng chính, nhưng do tác động mạnh đột ngột, chân ga thấp, nên chết máy, ngừng lại. Ngay sau đó, xe số 390 do Chính trị viên đại đội Vũ Ðăng Toàn điều khiển, đã vòng lên, húc đổ cổng chính. Trong khoảnh khắc đó, Ðại đội trưởng Bùi Quang Thận, từ chiếc xe 843, cầm cờ, lao lên trong sự yểm hộ của đồng đội, chạy thẳng đến ban công thượng của dinh Ðộc Lập, hạ lá cờ 3 que xuống, kéo lá cờ cách mạng lên, báo hiệu sự sụp đổ của chính quyền VNCH và sự toàn thắng của ta.

Ðại úy trung đoàn phó trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ được chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh dẫn thẳng vào phòng khánh tiết gặp Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu (lúc 12 giờ). Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn 203 và trung tá Nguyễn Tấn Tài, lữ đoàn trưởng cũng có mặt. Hai cán bộ tình báo của cách mạng, với tư cách là người của "lực lượng thứ ba" đã ở đây từ sáng, đến vận động Dương Văn Minh sớm đầu hàng là Vũ Ngọc Nhạ, Tô Văn Can.

Dương Văn Minh, đứng dậy nói: “Chúng tôi đang đợi các ông đến để bàn giao".

Bùi Văn Tùng tuyên bố: "Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Các ông không còn gì để bàn giao".

Dương Văn Minh trao khẩu súng ngắn cho đại úy Phạm Xuân Thệ lúc 13 giờ rồi đến Ðài phát thanh đọc bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời chấp nhận đầu hàng của Dương Văn Minh ngay trên Ðài phát thanh.

Khi chiến dịch Hồ Chí Minh phát lệnh, quần chúng Sài Gòn - Gia Ðịnh đã nổi dậy ở 107 khu vực, trong đó có 31 khu vực nội thành, 76 khu vực ngoại thành, 66 khu vực quần chúng đã làm chủ trước khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và 41 khu vực sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nhưng quân chủ lực chưa đến.

Trong tình thế tuyệt vọng, vào lúc 18 giờ, Phạm Chí Kim đại tá, tỉnh trưởng Bến Tre bỏ trốn (sau đó bị bắt). Ðến 20 giờ, thiếu tá Bửu và đại úy Chương, được sự móc nối trước của ta, đã nhân danh tỉnh trưởng triệu tập các sĩ quan còn lại của tiểu khu tuyên bố đầu hàng.

1 tháng 5, Giải phóng hoàn toàn thị xã Bến Tre và các huyện trong tỉnh.

2 tháng 5, Thành lập Ủy ban Quân quản tỉnh Bến Tre.

Lúc 14 giờ, Thượng tướng Trần Văn Trà dẫn đầu Phái đoàn Chính phủ CMLTCHMNVN đến dinh Ðộc Lập, gặp những người đại diện của Chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng vào lúc 11 giờ 30 ngày 30-4, hiện đang bị quản thúc tại đây.

3 tháng 5, Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Ðịnh được thành lập theo quyết định của Chính phủ CMLTCHMNVN gồm 1 chủ tịch, 5 phó chủ tịch và 5 ủy viên. Tướng Trần Văn Trà được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố.

6 tháng 5, Bộ Chỉ huy các LLVT Giải phóng miền Nam ra thông cáo: "11 giờ 30 ngày 30-4-1975, quân giải phóng đã cắm cờ của Chính phủ CMLTCHMNVN lên phủ Tổng thống của ngụy quyền Sài Gòn.

Trong chiến dịch này, ta đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã hơn 40 vạn quân địch thuộc Quân đoàn 3 và 4, 10 sư đoàn chủ lực và tổng dự bị, 12 chiến đoàn thiết giáp, 5 sư đoàn không quân, 90 giang đoàn, hải đoàn, toàn bộ lực lượng cảnh sát và phòng vệ dân sự, làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống chính quyền từ trung ương đến xã ấp, giải phóng Sài Gòn - Gia Ðịnh và các tỉnh còn lại...".

5 tháng 6, Từ ngày 5-6 đến ngày 11-6, tại dinh Ðộc Lập, diễn ra Hội nghị liên tịch (mở rộng) gồm các đại diện MTDTGPMNVN, LMCLLDTDCVHB, Chính phủ CMLTCHMNVN, Hội đồng cố vấn Chính phủ CMLTCHMNVN, đại diện các đoàn thể, lực lượng trí thức thành phố bàn về Hiệp thương thống nhất Tổ quốc.

15 tháng 11, Từ ngày 15 đến 21-11-1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị giữa hai miền Nam - Bắc, bàn về thống nhất Tổ quốc đã diễn ra tại dinh Ðộc lập.


======

 
Thế kỷ 20 ( 1976 - 1993 )


1976

31 tháng 3, Ủy ban Quân quản làm lễ bàn giao nhiệm vụ cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre.

24 tháng 6, Tại thủ đô Hà Nội, Quốc hội (khóa VI) của nước Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên từ ngày 24-6-1976 đến ngày 2-7-1976.

2 tháng 7, Cuộc họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI đã thông qua quyết định lấy tên nước Việt Nam thống nhất là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội cũng quyết định đặt tên cho thành phố Sài Gòn - Gia Ðịnh là TP. Hồ Chí Minh.

1 tháng 10, Báo Chiến thắng đổi tên thành báo Ðồng khởi. Số đầu tiên ra mắt bạn đọc gồm 8 trang, in ốp sét. Báo ra hàng tuần.

20 tháng 12, Thành lập Ðài phát thanh Bến Tre.

1977

7 tháng 3, Ðài phát thanh Bến Tre phát buổi đầu tiên.

Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ nhất vòng 2 (từ 7 đến 18-3) xác định 3 thế mạnh của nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh: nghề ruộng, nghề vườn, nghề cá.

Thành lập Trường Trung học Sư phạm Bến Tre.

1978

Tháng 11, Thành lập Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre.

Thành lập Trường Cán bộ Quản lý giáo dục Bến Tre.

1979

1 tháng 10, Theo kết quả Tổng điều tra dân số trong cả nước lần thứ I, tỉnh Bến Tre có số dân 1.033.900 người, so với số dân toàn quốc là 52.711.766 người.

1984

9 tháng 1, UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định chọn xã Lương Hoà, huyện Giồng Trôm làm địa phương kết nghĩa với Cuba mang tên "Làng Môncađa".

14 tháng 3, Phân vạch địa giới một số xã, thị trấn ở tỉnh Bến Tre.

Chia xã Tân Hào (huyện Giồng Trôm) thành 2 xã: Tân Hào và Tân Lợi Thạnh.

Chi xã Tân Thủy (huyện Ba Tri) thành 2 xã: Tân Thủy và An Thủy.

Chia xã Ðịnh Hòa (huyện Bình Ðại) thành 2 xã: Long Ðịnh và Long Hòa.

Chia xã Vang Quới (huyện Bình Ðại) thành 2 xã: Vang Quới Ðông và Vang Quới Tây.

Chia xã Bình Khánh (huyện Mỏ Cày) thành 2 xã: Bình Khánh Ðông và Bình Khánh Tây.

Chia xã Thành Thới (huyện Mỏ Cày) thành 2 xã: Thành Thới A và Thành Thới B.

Chia xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) thành 2 xã: Thạnh Phong và Thạnh Hải.

Chia xã Quới Ðiền (huyện Thạnh Phú) thành 2 xã: Quới Ðiền và Hòa Lợi.

Chia xã Ðại Ðiền (huyện Thạnh Phú) thành 2 xã: Ðại Ðiền và Tân Phong.

Tách ấp Sơn Quy, 2/3 ấp Bình An, 1/6 ấp Phụng Châu của xã Sơn Ðịnh, sáp nhập vào thị trấn Chợ Lách.

Giải thể các xã Bình Nguyên, Mỹ Hóa, An Hòa và thành lập 3 phường mới 3, 7 và 8.

(Quyết định số 44-HÐBT, ngày 14-3-1984 của Hội đồng Bộ trưởng).

Tháng 12, Dân số tỉnh Bến Tre là 1.158.936 người.

1985

16 tháng 4:

Chia xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri) thành 2 xã: Bảo Thạnh và Bảo Thuận.

Chia xã Mỹ Chánh Hòa (huyện Ba Tri) thành 2 xã: Mỹ Chánh và Mỹ Hoà

Chia xã An Ngãi Trung (huyện Ba Tri) thành An Ngãi Trung và An Phú Trung.

Tách ấp An Hội của xã An Ðức để sáp nhập vào thị trấn Ba Tri.

Thành lập xã Vĩnh An (huyện Ba Tri) trên cơ sở tách một phần đất của xã An Vĩnh Hòa và xã An Hòa Tây nhập lại.

(Quyết định số 119-HÐBT, ngày 16-4-1985 của Hội đồng Bộ trưởng).

Chính phủ trao tăng Huân chương Sao vàng cho nhân dân Bến Tre và Huân chương Quân công hạng I cho LLVTND tỉnh.

Sau 10 năm giải phóng (1975-1985), dân số Bến Tre đạt con số 1.170.664 người.

1987

17 tháng 1, Khởi công xây dựng đường dây 110KV Mỹ Tho - Bến tre vượt qua sông Tiền, nối Bến Tre với lưới điện quốc gia.

1989

1 tháng 4, Kết quả Tổng điều tra dân số trong cả nước lần thứ II, tỉnh Bến Tre có số dân 1.214.329 người, trong đó người Kinh có 1.206.738 người.

19 tháng 5, Lễ khánh thành đường dây điện vượt sông Tiền 110KW nối tỉnh Bến Tre với mạng lưới điện quốc gia với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.

28 tháng 9, Ðóng mạch điện nối liền Bến Tre với mạng lưới điện quốc gia.

20 tháng 11, Khởi công xây dựng đường dây điện vượt sông Hàm Luông, đưa điện về 3 huyện của cù lao Minh.

22 tháng 12, Khởi công xây dựng cầu Chẹt Sậy nằm trên tỉnh lộ 26 (thị xã - Giồng Trôm), dài gần 200m.

27 tháng 12, Hoàn thành việc lập bản đồ Bến Tre tỷ lệ 1/5000.

1990

6 tháng 12, Khởi công xây dựng Trường Phổ thông trung học Nguyễn Ðình Chiểu (xây mới) tại ấp 1, xã Phú Khương, thị xã Bến tre, cạnh quốc lộ 60, có mặt bằng 7.360m2.

23 tháng 12, Huyện Ba Tri được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Khánh thành đoạn đường quốc lộ 60 nối từ bến phà Rạch Miễu, thị tứ Tân Trạch đến thị xã Bến Tre, dài 11,5km.

1991

27 tháng 4, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ ÐCS tỉnh Bến Tre lần thứ V, từ ngày 27-4 đến 29-4. Có 352 đại biểu dự.

Trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III.

1992

15 tháng 5, UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định thành lập Ủy ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trực thuộc UBND tỉnh; về sau, đổi thành Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em - Kế hoạch hóa gia đình.

26 tháng 8, Ðồng chí Nguyễn Thị Ðịnh mất tại TP.Hồ Chí Minh.

1993

7 tháng 1, Bộ Văn Hóa - Thông tin ra quyết định số 43-VH/QÐ công nhận:

Khu di tích lịch sử Ðồng khởi Bến Tre (17-1-1960) tại xã Ðịnh Thủy, huyện Mỏ Cày.

Khu di tích nghệ thuật đình Bình Hòa, tại xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm.

Khu di tích nghệ thuật đình Phú Lễ, tại xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.

25 tháng 8, Khánh thành cầu Cái Cấm và cầu Chợ Xếp trên tỉnh lộ 887. Cầu Cái Cấm dài 149,3m, gồm 7 nhịp, rộng 8m, bằng bê-tông cốt thép vĩnh cửu.

Cầu Chợ Xếp dài 50,40m, gồm 3 nhịp, rộng 8m, bằng bê-tông cốt thép vĩnh cửu.

3 tháng 9, Khánh thành tượng đài kỷ niệm ngày thành lập trung đoàn Ðồng Khởi tại xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày.


======

Thế kỷ 20 ( 1994 - 2000 )


1994

19 tháng 5, Khánh thành cầu Chợ Lách, dài 20m, rộng 5m, gồm 7 nhịp bắc qua kênh Chợ Lách, nối liền trục tỉnh lộ 888, nay là quốc lộ 57, từ thị trấn Chợ Lách qua xã Phú Phụng.

20 tháng 7, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định số 921-VH/QÐ công nhận chùa Tuyên Linh, xã Minh Ðức, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre là di tích lịch sử.

29 tháng 8, Thành lập xã An Ðiền và thị trấn Thạnh Phú (thị trấn huyện lỵ thuộc huyện Thạnh Phú) theo Nghị định 105-CP của Chính phủ.

Tháng 10, Tạp chí Văn nghệ Bến Tre ra số đầu tiên. Ðây là tạp chí văn nghệ duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long ra định kỳ hàng tháng.

Tháng 11, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre tổ chức khánh thành tượng đài Chiến thắng Giá Thẻ ở xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú.

1995

17 tháng 1, Khánh thành tượng đài Ðồng khởi tại công viên thị xã. Tượng đài gồm nhân vật trung tâm là một phụ nữ cao 7,3m, tượng trưng cho phụ nữ Bến Tre anh hùng. Phần nền bố trí theo hình xoắn ốc, đường kính 30m, phía sau lưng là tàu lá dừa cao 15,6m. Nhóm tượng gồm 4 nhân vật: cụ già đánh mỏ, anh bộ đội giải phóng ôm súng ngựa trời trong tư thế xốc tới, chị phụ nữ bồng xác em bé, bên cạnh một em bé ôm bó chông tre. Phía sau nhóm tượng là bức phù điêu hình vòng cung cao 4m, dài 20m, miêu tả quá trình diễn biến của cuộc Ðồng khởi lịch sử ngày 17-1-1960. Công trình do nhóm tác giả Trần Thị Trúc, Lê Dân, Lương Xuân Ba và Ðoàn Thiên Luân thực hiện

7 tháng 3, Khánh thành Ðài truyền hình Bến Tre và chính thức đưa vào hoạt động sau hơn một tháng thử nghiệm. Ðài phát sóng trên kênh 23, băng tầng UHF.

16 tháng 6, Bưu điện Bến Tre làm lễ khởi công xây dựng mạng cáp điện ngầm giai đoạn 1, từ trung tâm bưu điện tỉnh đi các phường trong thị xã Bến Tre, gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 6.200m. Ðây là công trình cáp ngầm đầu tiên của Bến Tre.

Tháng 8, UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định xác nhập trường Trung học Sư phạm với Trường Cao đẳng Sư phạm thành trường Cao đẳng Sư phạm Bến Tre.

2 tháng 12, Thành lập thị trấn Châu Thành theo nghị định số 84-CP của Chính phủ trên cơ sở 1 phần đất có diện tích 288 ha tách ra từ xã Phú An Hòa.

23 tháng 12, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định số 377-QÐ/VH công nhận Cồn Lợi thuộc xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú là di tích lịch sử "Ðầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam thời KCCM".

Tháng 12, Theo thống kê của bưu điện tỉnh, đến cuối năm 1995, 100% các xã, phường trong tỉnh có máy điện thoại (Bến Tre có 157 xã, phường). Toàn tỉnh có 7.000 máy điện thoại, bình quân cứ 200 người có một máy điện thoại.

1996

20 tháng 4, Huyện Thạnh Phú được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.

3 tháng 5, Khai mạc Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ ÐCS tỉnh Bến Tre lần thứ VI. Ðại hội diễn ra từ ngày 3-5 đến 5-5, đề ra kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của tỉnh từ 1996-2000, đã bầu ra tỉnh ủy mới gồm 47 ủy viên. Ông Nguyễn Văn Thới được bầu là Bí thư tỉnh ủy.

Tháng 6, Bến Tre là tỉnh đầu tiên của đồng bằng Sông Cửu Long được công nhận đạt chuẩn chống mù chữ.

26 tháng 7, Khánh thành công trình đường dây điện 22KV với tổng chiều dài 29,4km bao gồm 3 tuyến và 2 nhánh. Tổng kinh phí 4 tỷ 152 triệu đồng.

17 tháng 8, Ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bến Tre được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng I.

Tháng 8, Khánh thành Bệnh viện y học dân tộc Trần Văn An với tổng số vốn đầu tư là 7 tỷ 420 triệu đồng, gồm cả những máy móc, thiết bị do Nhật bản giúp đữ.

2 tháng 9, Khánh thành tuyến cáp quang nội tỉnh đầu tiên từ Thị xã đi các huyện Giồng Trôm, Ba Tri với chiều dài 42km.

16 tháng 9, Khởi công xây dựng nhà máy đường 1.000 tấn mía cây mỗi ngày tại ấp Thuận Ðiền, xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Nhà máy đường được xây dựng mở ra một hướng mới về phát triển công nghiệp chế biến ở vùng nguyên liệu mía dồi dào của tỉnh.

3 tháng 10, Khánh thành đền thờ Lê Quang Quan (Tán Kế), người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Ba Châu (1967) tại ấp 2, xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri.

Tháng 11, Bộ Giáo dục và Ðào tạo ra quyết định tặng 163 huy chương vì sự nghiệp giáo dục trong và ngoài ngành của tỉnh (trong đó 13 liệt sĩ).

1997

9 tháng 3, Lễ ra mắt hội khuyến học tỉnh Bến Tre. Hội Khuyến học vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ về tinh thần, vật chất cho học sinh nghèo hiếu học, phối hợp cùng với chính quyền và các ngành ngăn chặn nạn thất học và bỏ học, khuyến khích và giúp đỡ học sinh, sinh viên hiếu học gặp hoàn cảnh khó khăn.

Tháng 7, Bến Tre đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ sau khi đã có kết luận của đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục đến tổ chức kiểm tra ở ba huyện Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày và thị xã.

Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận 3 di tích lịch sử cấp quốc gia ở Bến Tre, bổ sung tiếp 7 di tích lịch sử đã được công nhận trước đó.

Mộ và Nhà thờ lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng ở xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm.

Nhà Ông Nguyễn Văn Cung và ngã ba Cây Da Ðôi - nơi thành lập Chi bộ ÐCS đầu tiên của tỉnh Bến Tre - thuộc xã Tân Xuân, huyện Ba Tri.

Nhà Ông Nguyễn Văn Trác - nơi ở và làm việc của ông Lê Duẫn để dự bản thảo đề cương cách mạng miền Nam từ tháng 11-1955 đến tháng 3-1956 - tại xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm.

1998

Tháng 5, Niên học 1997-1998, tỉnh Bến Tre có 67 học sinh phổ thông đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia. Ðây là con số học sinh giỏi cao nhất của tỉnh tính từ ngày giải phóng (30-4-1975 đến thời điểm này).

13 tháng 11, Theo Quyết định số 1026/QÐ-TTg của Chính phủ, thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Thạnh Phú, thuộc 3 xã An Ðiền, Thạnh Phong và Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) trên diện tích 8.825 ha.

17 tháng 11, Trao bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia của Bộ Văn hóa - Thông tin cho ngôi mộ và đền thờ nhà giáo Võ Trường Toản tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri.

1999

17 tháng 1, Khánh thành cầu An Hóa, nối liền huyện biển Bình Ðại và thị xã Bến Tre. Cầu dài 281,4m, rộng 8m, gồm 11 nhịp bằng dầm bê-tông dự ứng lực, khoảng thông thuyền cao 7m, rộng 30m.

1 tháng 2, Khánh thành Nhà máy đường Bến Tre, công suất 1.000 tấn mía nguyên liệu/ngày.

Tháng 3, Khởi công xây dựng cầu Bến Tre 2 bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực, rộng 12m, độ tĩnh không 7m, chiều dài 361m, với 14 nhịp, tải trọng 30 tấn, bắc qua sông Bến Tre. Ðây là cầu dài nhất trong tỉnh tính đến thời điểm này.

6 tháng 5, Khởi công xây dựng cảng cá đầu tiên của Bến Tre ở xã An Thủy, huyện Ba Tri.

22 tháng 6, Khánh thành đền tưởng niệm nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị tại xã Thạnh Phú Ðông, huyện Giồng Trôm.

Ngành giáo dục tỉnh Bến Tre được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng I.

Theo thống kê của Sở Y tế, tỉnh Bến Tre có 423 bác sĩ, bình quân 3,2 bác sĩ trên 10.000 dân. Toàn tỉnh có 178 cơ sở chữa bệnh với 1.895 giường, bình quân 13,5 giường trên 10.000 dân. Tuyến tỉnh có bệnh viện đa khoa Nguyễn Ðình Chiểu 500 giường và bệnh viện y học cổ truyền Trần Văn An 120 giường.

21 tháng 2, Khánh thành Làng trẻ SOS Bến Tre, gồm 12 "gia đình", dự kiến nuôi dạy trẻ, toạ lạc tại 333A đường Ðoàn Hoàn Minh, phường 6, thị xã Bến Tre. Làng SOS bắt đầu nhận các trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn từ 8 tuổi trở xuống.

2000

29 tháng 2, Lễ khánh thành Văn bia Bạch Mai tại đình Phú Tự, xã Phú Hưng, thị xã Bến Tre.

Tháng 5, Niên học 1999-2000, tỉnh Bến Tre có 176 trường tiểu học, 95 trung học cơ sở, 12 trường phổ thông cơ sở, 15 trường trung cấp 2-3, 16 trường trung học phổ thông. Có 89.429 học sinh trung học cơ sở; 30.461 học sinh trung học phổ thông. Bình quân có 100 người dân, có 4 người đi học.

1 tháng 7, Ðại diện Bộ Giao thông vận tải làm việc với hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang về dự án xây cầu vượt sông Tiền nối liền hai tỉnh. Dự kiến cầu sẽ khởi công vào năm 2001 và hoàn thành sau 3 năm xây dựng. Theo thiết kế, cầu dài 3.000m, gồm 2 giai đoạn. Từ phía bờ Bến Tre sang cồn Phụng và cồn Thới Sơn (Tiền Giang) là cầu bê-tông đúc sẵn, bề ngang 12m. Từ cồn Thới Sơn sang Mỹ Tho là cầu treo, chiều ngang 14m, khoảng thông thuyền 260m, cao 37,5m. Dự kiến cầu sẽ nằm cách phà Rạch Miễu, phía Bến Tre 2km và cách bến phà phía Tiền Giang 2,2km. Kinh phí xây dựng cầu khoảng 588 tỷ đồng.

21 tháng 7, Tại xã Thạnh Trị, huyện Bình Ðại, tỉnh Bến Tre, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Bến Tre khởi công xây dựng công trình cống đập Ba Lai, còn gọi là dự án ngọt hóa Ba Lai. Ðây là công trình thủy lợi lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long từ trước đến nay.

Theo thiết kế, cống Ba Lai có chiều rộng thông nước 84m, với 5 khoang, 10 cửa, hệ thống cửa van tự động một chiều, cầu giao thông rộng 7m. Ðập ngăn mặn dài 550m, rộng 10m, cao trình đỉnh đập +3,5m. Công trình vừa ngăn mặn, giữ ngọt, tạo nguồn nước ngọt tiêu úng, vừa rửa phèn; đồng thời cải tạo 115.000ha đất tự nhiên, 88.500ha đất canh tác và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Ðại và thị xã Bến Tre. Cống khi hoàn thành sẽ nối liền trục đường giao thông giữa hai huyện Bình Ðại và Ba Tri. Kinh phí của công trình dự kiến khoảng 55 tỷ đồng. Khi công trình này hoàn thành, sông Cửu Long sẽ chỉ còn 8 cửa.



********






 

Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket