Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

BTH0002- NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

 Tiểu sử cụ Nguyễn Đình Chiểu



Tượng Nguyễn Đình Chiểu tại Văn Miếu Trấn Biên - Đồng Nai


Bia di tích về Nguyễn Đình Chiểu tại chùa Tôn Thạnh.


Mộ Nguyễn Đình Chiểu (trái), mộ vợ ông (phải), phía xa là mộ Sương Nguyệt Anh và đền thờ của ông được khánh thành năm 1974 bởi Tướng CHUNG DZỀNH QUAY, Tư Lịnh Phó Quân Đoàn IV/QLVNCH (Người đăng bài có tham dự Lễ Khánh Thành và ngồi đợi vị chủ tọa đến. Thời gian trước nữa có nhà của con cháu ở cạnh ...Khu đất lúc đó không rộng mấy)

Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888)
Là một nhà thơ, nhà văn hóa cận đại của Việt Nam.


Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
Cha ông tên Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, (nay là xã Phong An, huyện Phong Điền, TT-Huế), là thư lại Văn hàn ty của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Mẹ là Trương Thị Thiệt, người làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Gia Định.

Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Cuộc nổi dậy này đã khiến cha ông bỏ trốn ra Huế rồi bị cách chức. Năm 1833 cha ông trở vào Nam, đem ông ra gửi cho một người bạn ở Huế để tiếp tục việc học. Nguyễn Đình Chiểu sống ở Huế từ 12 đến 19 tuổi.

Năm 1843 ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định, đúng vào năm 21 tuổi. Khi ấy, có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông. Cụ : Nguyễn Đình Chiểu

Năm 1847 ông ra Huế học để chờ thi khoa Kỷ Dậu 1849. Nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất tại Sài Gòn (1849). Trên đường trở về chịu tang mẹ, vì thời tiết thất thường, vất vả và khóc thương nhiều nên ông bị bệnh rồi mù cả đôi mắt. Trong thời gian nghỉ lại Quảng Nam chữa bệnh, tuy bệnh không hết, nhưng ông đã được vị danh y truyền dạy nghề thuốc.

Đui mù, mất mẹ, hôn thê bội ước, cảnh nhà sa sút... ông đóng cửa chịu tang cho đến năm 1851, ông mới mở trường dạy học và làm thuốc.

Năm 1854, một người học trò tên là Lê Tăng Quýnh vì cảm phục và mến thương ông, nên đã xin gia đình gả cô em gái thứ năm của mình tên là Lê Thị Điền (1835 - 1886), người Cần Giuộc (Long An), cho thầy.

Kể từ đó, gần chục năm sau, ngoài đôi việc trên ông còn sáng tác truyện thơ Lục Vân Tiên và Dương Từ - Hà Mậu, để gửi gắm tình ý cùng hoài bão của mình.

Ngày 17 tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định. Ông cùng gia đình chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc. Cũng tại nơi đây, ông đã sáng tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, được nhiều người đánh giá cao.

Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp, không chịu sống trong vùng bị chiếm đóng, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và các lực lượng kháng chiến; từ chối trước mọi cám dỗ của đối phương.

Thời gian này, Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nhiều thơ văn bi tráng nhất, tiếc thương những đồng bào, bạn bè, nghĩa sĩ đã mất.

Ngày 3 tháng 7 năm 1888, ông mất tại Ba Tri, Bến Tre. Người ta kể lại rằng ngày đưa đi an táng, cả cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức, trắng xóa khăn tang của những người mến mộ ông.

Văn và Người

Mô tả về nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Văn Châu đã viết[4]:

"Nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng sống động về tính năng động của con người. Cuộc đời dù nghiệt ngã, nhưng sự nghiệp của con người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận. Vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời, chính là thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu. Trên cương vị của một nhà thơ, cái sâu sắc, thâm thúy trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu chính là chỗ chê khen, biểu dương và phê phán, thương ghét rõ ràng, chánh tà minh bạch, hợp đạo lý, thuận tình người, theo đúng chuẩn mực văn hóa Việt Nam."

Dù đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.
Dù đui mà khỏi danh nhơ
Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình...


Sự đời thà khuất đôi tròng thịt,
Lòng đạo xin tròn một tấm gương.


Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Phạm Thế Ngũ nhận xét:

"So với các trước tác của các nhà văn cùng thời, Nguyễn Đình Chiểu đã có một thái độ tích cực hơn, vì dân vì nước hơn. Tuy không đứng vào hàng ngũ cầm khí giới, nhưng ông rất có cảm tình với họ, chia sẻ với họ cái hờn mất nước, lòng căm ghét quân địch và bọn hợp tác..."
Ghi nhận những thành tựu trong sự nghiệp văn học nghệ thuật của ông, trên trang web của tỉnh Bến Tre có bài viết:

"Truyện Lục Vân Tiên dài 2.083 câu thơ mà nhiều nhà nghiên cứu cho là có mang tính chất tự truyện đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhất là ở Nam Kỳ. Truyện lên án bọn người độc ác, xấu xa, tráo trở, gian manh, bất nhân, bất nghĩa, đồng thời ngợi ca những tấm lòng nhân hậu, thủy chung."
"Tác phẩm Dương Từ, Hà Mậu dài 3.448 câu thơ kịch liệt công kích đạo Phật, đạo Thiên Chúa lúc bấy giờ như một mối nguy cơ cho đất nước. Dựa vào trí tưởng tượng nhân gian (thiên đường, địa ngục), tác giả để cho nhân vật tự “giải mê" qua cuộc hành trình dài đi tìm chân lý đầy gian khổ, rồi trở về trong sự hòa hợp của gia đình, làng nước."
"Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm Gia Định. Nhà thơ lánh về quê vợ ở Cần Giuộc (Long An). Âm vang của trận công đồn diệt bọn “Tây dương” tại nơi đây đã gợi lên cảm hứng để ông viết áng văn bất hủ ngợi ca những người nông dân chân đất anh hùng xả thân vì sự nghiệp cứu nước: Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc..."
"Ông là người mở đầu cho dòng văn chương yêu nước Việt Nam chống Pháp xâm lược ở nửa sau thế kỷ XIX. Thơ văn ông gắn chặt với những biến cố lớn lao của đất nước lúc bấy giờ. Đó là:Chạy Tây (1859), Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc (1861), Cáo thị, Thảo thử hịch', Thư gửi cho em, Mười hai bài thơ điếu Trương Định (1864), Mười hai bài thơ điếu Phan Tòng (1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh (1874) và hai tập truyện thơ dài Dương Từ - Hà Mậu và Ngư tiều y thuật vấn đáp..."
"Cảm hứng chủ đạo của thơ văn ông ở giai đoạn đầu là cảm hứng đạo lý và yếu tố này đã được nâng lên thành trữ tình đạo lý đầy nhân nghĩa, thảo ngay, đồng thời cũng giàu chất phê phán, phẫn nộ trước mọi điều bất nhân, bất nghĩa như ông đã tự bạch:"
Nói ra thì nước mắt trào,
Tấm lòng ưu thế biết bao giờ rồi...
"Những tác phẩm ở giai đoạn sau - thời kỳ đất nước bị xâm lăng - của ông là những trang bất hủ ngợi ca cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống xâm lược phương Tây ngay từ buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta (Phạm Văn Đồng)
Tóm lại, sáng tác của ông gồm nhiều thể loại, thể tài, trong đó thành công nghệ thuật nổi bật nhất là truyện thơ Nôm và văn tế Nôm. Ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu tính nhân dân cùng những hình tượng nhân vật sinh động trong nhiều thể loại, khiến chơ ngòi bút của ông có sức thu hút mạnh mẽ người đọc, nhất là đối với nhân dân miền Nam. Sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần bồi đắp tâm hồn dân tộc, nâng vị trí của văn học miền Nam lên ngang tầm văn học cả nước. Ông là người kết thúc một cách rực rỡ văn học của giai đoạn trước đó và mở đầu cho dòng văn chương yêu nước chống xâm lược.

Tác phẩm chính

Lục Vân Tiên sáng tác trước khi Pháp xâm lược Nam Kỳ, có tính chất tự truyện.
Dương Từ Hà Mậu (chưa xác định thời điểm sáng tác)
Ngư Tiều y thuật vấn đáp (chưa xác định thời điểm sáng tác)
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861)
Mười hai bài thơ và bài văn tế Trương Định (1864)
Mười bài thơ điếu Phan Tòng (1868)
Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (1874)
Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây (chưa xác định thời điểm sáng tác)
Hịch đánh chuột (chưa xác định thời điểm sáng tác).





------


TRUYỆN LỤC VÂN TIÊN CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU

Minh Vũ Hồ Văn Châm

TRUYỆN LỤC VÂN TIÊN CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU DO NGUYỄN BÁ TRIỆU
chú giải, khảo dị, và phục dạng *

Nghĩ Về Tiếng Việt Phổ Thông

Minh Vũ Hồ Văn Châm**

Trên đất nước thân yêu của chúng ta có một đường phân ranh vô hình nên rất ít người Việt Nam biết đến. Ngược lại, nhiều học giả người Pháp trong nửa đầu thế kỷ XX lại thường xuyên nhắc nhở trong các công trình khảo cứu của họ, tỷ như Bác sĩ Alexandre Yersin, nhà vi trùng học, giáo sư Henri Russier, nhà địa lý học, và học giả Pierre Gourou, nhà khoa học nhân văn đã mệnh danh văn minh Việt Nam là văn minh thảo mộc. Các vị này không chỉ khẳng định sự hiện hữu mà còn xác quyết vị trí của đường phân ranh đó chạy dọc núi Hải Vân theo một trục thẳng nối liền Đà Nẵng với Tchépone, chia cắt Đông Dương thành hai miền bắc nam khác biệt nhau về nhiều phương diện: dịch bệnh, thủy văn, địa chất, thảo mộc, nhân chủng v.v.

Nhận định trên đây đã đặt cơ sở trên sự quan sát những dữ kiện khoa học thực nghiệm. Thật vậy, bất kỳ bệnh dịch nào, nếu từ Hồng Kông tràn qua thì cũng dừng lại ở đèo Hải Vân, nếu từ Singapore truyền lên thì cũng không đi xa quá Đà Nẵng. Khi ở miền bắc đường phân ranh đang là mùa mưa lạnh thì ở miền nam thời tiết khô nóng. Về phương diện địa chất, phía bắc trục Đà Nẵng-Tchépone là miền đá vôi, phía nam là miền đá hoa cương. Hoa mai, lan ngọc điểm, cây cao su chỉ ra tới Quảng Bình, hoa đào, lan lá kiếm, cây hồng thị không vào tới Nam Ngãi. Đối với các sắc tộc bản địa nguyên thủy, phía bắc đường phân ranh là địa bàn cư dân Tiền Việt, phía nam là địa bàn cư dân Nam Đảo. Tất nhiên cũng có một vài biệt lệ, nhưng có biệt lệ mới có định luật, đó là lẽ thường.

Điều đáng nói là đối với người bình dân Việt Nam, những chuyện vừa đề cập trên đây có vẻ là chuyện xa vời. Thực tế trước mắt là tại Việt Nam trước đây, người bình dân miền bắc ai cũng ngâm nga truyện Kiều, còn người bình dân miền nam ai cũng thuộc lòng truyện Lục Vân Tiên. Truyện Kiều rất phổ biến ở miền bắc cho đến Huế. Truyện Lục Vân Tiên rất phổ biến ở miền nam và cũng chỉ ra tới Huế. Đi về hướng nam quá khỏi Huế thì không còn thấy truyện Kiều. Đi về hướng bắc quá khỏi Huế thì cũng không ai biết Lục Vân Tiên. Mà Huế thì đúng là nằm trên trục Đà Nẵng-Tchépone. Vậy vấn đề được đặt ra là sự khác biệt về địa bàn phân phối và mức độ phổ cập của hai tác phẩm Kiều và Lục Vân Tiên có liên quan gì đến sự khác biệt nam bắc của bán đảo Đông Dương về mặt văn hóa để bổ sung cho sự khác biệt về các mặt dịch bệnh, thủy văn, địa chất, thảo mộc, nhân chủng mà các học giả người Pháp đã cố công tìm tòi, nghiên cứu? Cũng may là không!

May là không! Thật vậy, chuyện nắng mưa, nóng lạnh của trời, chuyện đất đá, cây cỏ của đất, cũng như chuyện tật bệnh, giòng giống của người, thảy thảy đều là những chuyện không dễ gì thay đổi theo ý muốn nhất thời của con người. Nhà cầm quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã nhiều phen cố gắng trồng cao su ở miền bắc nhưng chỉ thâu hoạch được chút ít mủ và chút ít crêpe từ mấy cái đồn điền èo uột vùng Quảng Bình. Nhà cầm quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đây bỏ công đem đào và hồng thị vào trồng trên cao nguyên Đà Lạt nhưng đào chỉ là đào anh túc, còn hồng thị thì kém ngọt kém dòn. Còn tình trạng truyện Kiều và truyện Lục Vân Tiên lại khác. Sau năm 1945, với việc dùng Việt ngữ trong giảng dạy, song hành với việc nâng tầm quan trọng của môn Việt văn, truyện Kiều và truyện Lục Vân Tiên được đưa vào chương trình giáo dục bậc trung học, và ngày nay tại Việt Nam cả hai tác phẩm Kiều và Lục Vân Tiên đều đã được biết đến trong cả nước. Âu cũng là điều vui mừng cho tiến trình đại chúng hóa các tác phẩm tiêu biểu của nền văn học nước nhà, và là biểu hiện đậm nét của xu hướng thống nhất sở thích và tình cảm của con người Việt Nam.

Nổi vui mừng ngày hôm nay làm liên tưởng tới thân phận hẩm hiu của truyện Lục Vân Tiên trong tâm tư giới sĩ phu ngày trước. Trong lúc truyện Kiều chữ nôm từ Huế trở ra Bắc nhan nhản khắp nơi, ngoài dân gian, trong triều nội, nào là bản Kinh, nào là bản phường, thì truyện Lục Vân Tiên chỉ được giới bình dân hâm mộ truyền tụng mà không được giới nho sĩ quan tâm bình phẩm tán dương. Nhìn quẩn nhìn quanh, truyện Lục Vân Tiên chữ nôm ngày trước chỉ được một vài học giả người nước ngoài lưu tâm san định và ấn hành, như bản Lục Vân Tiên Truyện do Duy Minh Thị hiệu đính tại Gia Định, khắc gỗ và đưa in năm 1874 tại Phật Trấn, Việt Đông, và bản Lục Vân Tiên Ca Diễn do Abel Des Michels, Giáo sư trường Sinh Ngữ Đông Phương diễn âm và chuyển ngữ, và nhà xuất bản Ernest Leroux ấn hành năm 1883 tại Paris. Cả một thế kỷ trôi qua, truyện Lục Vân Tiên đụng đầu với sự thờ ơ lạnh nhạt của giai cấp nho sĩ, cũng như của giới trí thức tân học. Thật thế, ngoại trừ một bản Duy Minh Thị khác cổ hơn in trước 1865, một bản chữ nôm chép tay không rõ tự dạng của ai, và bản Jeanneaux in năm 1873 tại Sài Gòn, là 3 bản mà Abel Des Michels dùng làm tài liệu so sánh, hiệu đính, diễn âm và dịch ra Pháp văn, tức là tác phẩm Lục Vân Tiên Ca Diễn, trước sau chỉ lèo tèo có mấy học giả quan tâm nghiên cứu và chú giải truyện Lục Vân Tiên: Aubaret, Bajot, Trương Vĩnh Ký, Sorilène, Nguyễn Thanh Tâm, Ngọc Hồ.

Nếu truyện Lục Vân Tiên đã phải cam chịu thân phận hẩm hiu không được hoan nghinh và phổ cập rộng rãi trong thượng tầng xã hội trí thức Việt Nam thì ngược lại, truyện Lục Vân Tiên đã được nồng nhiệt đón mừng và chân thành trân trọng bởi quảng đại quần chúng bình dân, đặc biệt là ở Nam Kỳ Lục Tỉnh, không phải nhờ một bản chép tay hay bản khắc gỗ nào đặc biệt mà nhờ bản văn truyền khẩu Thơ Vân Tiên Nói Thuộc Lòng. Năm 1973, tại Sài Gòn, Ủy Ban San Định Các Tác Phẩm Của Nguyễn Đình Chiểu thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, khi ấn hành cuốn Lục Vân Tiên Chữ Nôm và Hiệu Đính, đã đưa ra nhận xét rằng bản Abel Des Michels được soạn thảo công phu và khoa học, và rất gần với nguyên tác, hơn hẳn bản Duy Minh Thị 1874, vì lẽ rất giống bản văn nói thuộc lòng lưu truyền trong dân chúng miền Lục Tỉnh. Cho hay cửa miệng thế gian thường phản ánh trung thực việc làm và tâm trạng người đời, nên đôi lúc đáng tin cậy hơn cả những công trình lưu ký thành văn. Hơn nữa, sau khi truyện Lục Vân Tiên ra đời được vài chục năm, việc ghi chép và ấn loát ở nước ta đã trải qua một thời kỳ thay đổi sâu xa và toàn diện. Thật vậy, các khoa thi hương được bãi bỏ ở Bắc Kỳ từ năm 1915, và ở Trung Kỳ từ năm 1918, các lớp học của các thầy đồ dạy chi hồ giả dã được thay thế bằng các trường học dạy chương trình Pháp Việt, và chữ Nôm viết theo tự dạng Hán được thay thế bằng chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự La Tinh. Trong bối cảnh đó, truyện Lục Vân Tiên bắt đầu được ấn hành bằng chữ quốc ngữ.

Việc ấn loát và phát hành sách báo chữ quốc ngữ là một bước ngoặt quan trọng trên tiến trình thống nhất ngôn ngữ và văn tự của dân tộc ta ở cả ba miền trung nam bắc. Thật thế, trước đây, dân ta ở mỗi miền chẳng những phát âm theo giọng nói khác biệt nhau mà còn sử dụng một số từ ngữ đặc thù mang tính cách địa phương rõ rệt. Ngay cả những từ ngữ phổ quát cho cả ba miền mà người bắc với người nam, người mỗi miền vẫn có những lối phát âm riêng biệt. Người miền bắc lẫn lộn trong (trong ngoài) với chong (chong đèn), sung (sung túc) với xung (xung đột), rồi (rồi việc) với dồi (dồi dào). Người miền nam lẫn lộn biếc (xanh biếc) với biết (biết chữ), lượn (bay lượn) với lượng (độ lượng), và người cư trú từ phía tây quốc lộ 1A tỉnh Thanh Hóa trở vào Nam Kỳ Lục tỉnh thì không phân biệt dấu hỏi với dấu ngã. Việc phát âm lẫn lộn một số tiếp đầu và tiếp vĩ, cũng như việc không phân biệt các dấu giọng hỏi ngã, đã đưa tới hệ quả là khi ghi chép sách truyện dưới tự dạng Hán Nôm, các bản văn khắc gỗ ngày trước trong nam ngoài bắc khác biệt hẳn nhau vì lẽ Hán Nôm là thứ chữ theo cấu trúc tượng hình hoặc hội ý, không phải là thứ chữ ký âm. Sự khác biệt của các bản khắc, nếu không đem ra tỉ mỉ nghiên cứu, đối chiếu, thì không thể nào nhận ra sự tương quan liên hệ. Việc ấn hành sách báo bằng chữ quốc ngữ, ngược lại, làm nổi bật sự khác biệt giữa các văn bản ghi chép theo lối phát âm địa phương, nhưng đồng thời cũng cho người đọc thấy được sự tương đồng của phần căn bản. Chính điểm này đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành và phát triển tiếng Việt phổ thông, là tiếng nói tiêu chuẫn, tiếng nói thống nhất của cả ba miền trung nam bắc. Người mỗi địa phương tuy phát âm khác nhau một số tiếp đầu tiếp ngữ, có hoặc không có phân biệt các dấu giọng, nhưng khi viết thì cố gắng viết theo quy ước chung của tiếng nói tiêu chuẫn, tức là chữ quốc ngữ.

Năm 1902, người Pháp chuyển trung tâm hành chính của Đông Dương thuộc Pháp từ Sài Gòn ra Hà Nội, các Toàn Quyền Paul Beau, Paul Doumer và nhất là Albert Sarraut ra sức mở mang Hà Nội, vốn là trung tâm văn hóa của Việt Nam, thành trung tâm phô trương văn minh Đại Pháp, với chủ đích biến Hà Nội thành điểm hấp lực không những của toàn bộ Đông Dương mà còn của các tỉnh Vân Nam và Lưỡng Quảng. Trong bối cảnh đó, chữ quốc ngữ được hoàn thiện song hành với đà phát triển văn hóa và cải cách giáo dục theo mẩu mực Tây phương. Đông Pháp Tiểu Học Tùng Thư được thành lập để biên soạn các sách giáo khoa chương trình sơ đẳng, dưới sự trông nom của các ông Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Đậng Đình Phúc, và Đỗ Thận. Mấy cuốn sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư các lớp Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng của cơ quan này đã tích cực góp phần vào sự hình thành tiếng Việt phổ thông và chữ viết tiêu chuẩn. Mặt khác, Chánh sở Liêm phóng Đông Pháp Louis Marty yểm trợ học giả Phạm Quỳnh xuất bản báo Nam Phong ở Hà Nội và cổ động mọi người đọc truyện Kiều, trong lúc chủ nhiệm báo Le Courrier Saigonnais Henri Blaquière giúp phương tiện tài chánh cho con gái cụ Đồ Chiểu là nữ sĩ Suơng Nguyệt Anh xuất bản tờ Nữ Giới Chung ở trong nam. Thế là chữ Hán chỉ còn được sử dụng giới hạn trong các công văn của Nam triều và các sớ điệp cúng tế ở đền chùa, còn chữ nôm thì hầu như hoàn toàn nhường chỗ cho chữ quốc ngữ. Trên văn đàn, sách truyện, báo chí chữ quốc ngữ theo nhau xuất hiện, nở rộ nhất loạt như hoa mùa xuân.

Theo với trào lưu, truyện Lục Vân Tiên chữ quốc ngữ được ấn hành. Đương nhiên là các bản Lục Vân Tiên quốc ngữ có các sai lầm tự dạng của nguyên bản nôm, những sai lầm mà chính tác giả là cụ Nguyễn Đình Chiểu không kiểm soát được vì cụ bị lòa, phải nhờ người chép hộ. Ngoài ra, khi chuyển nôm thành quốc ngữ, tùy thuộc gốc gác sinh trưởng và căn bản học thức của người chuyển tự dạng mà phát sinh nhiều khác biệt giữa các văn bản chữ quốc ngữ do sự phát âm lẫn lộn các tiếp đầu tiếp ngữ và sự không phân biệt các dấu giọng hỏi ngã gây nên. Sau cùng phải kể tới việc một số người đảm trách công tác chuyển tự dạng, khi gặp các từ và các cụm từ viết sai hoặc chép sai, hoặc tối nghĩa, đã vì sở kiến chủ quan của mình mà tự ý sửa chữa một cách khẳng định, không ghi chú để tồn nghi, nên bản văn lại càng khác xa nguyên bản.

Năm 1973, Ủy Ban San Định các Tác Phẩm của Nguyễn Đình Chiểu thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa ở Sài Gòn đã biên soạn và ấn hành cuốn Lục Vân Tiên Chữ Nôm và Hiệu Đính. Đây là công trình sưu khảo tập thể công phu và rất đáng được trân trọng của nhóm các ông Lê Thọ Xuân, Đỗ Thiếu Lăng, Tăng Văn Hỷ, Bùi Đức Tịnh, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Văn Y, Ngọc Hồ, Trần Văn Mãi, Vũ Văn Kính và bà Ái Lan. Tuy rằng cuốn sách này đã đạt được thành quả tích cực là chỉnh lại bản chữ nôm Abel des Michels và so sánh sự dị biệt với các bản quốc ngữ khác, nhưng vẫn còn bộc lộ một vài khuyết điểm như không chú thích điển tích, không diễn giải ý tứ các câu văn tối nghĩa, và không ghi chú các từ ngữ cổ mà ngày nay không còn thông dụng. Người đọc truyện Lục Vân Tiên, dù là đọc chơi để tiêu khiển, hay đọc chăm chú để nghiên cứu, đều phải mất thêm nhiều công sức tìm tòi. Nếu không kiếm được lời giải thích thỏa đáng thì khát vọng học hỏi cứ canh cánh mãi trong lòng.

Ông Nguyễn Bá Triệu đã đáp ứng đúng lúc khát vọng đó của bạn đọc muôn phương. Trong Truyện Lục Vân Tiên Chữ Nôm do Nguyễn Bá Triệu biên soạn, chú giải, khảo dị, và phục dạng, ngoài bản nôm Abel des Michels, tác giả còn in thêm bản nôm Duy Minh Thị, cả hai bản đều được phục dạng rõ ràng, tự dạng gốc vẫn được giữ nguyên vẹn, và được trình bày đối mặt với bản quốc ngữ. Người đọc sẽ dễ dàng nhận ra những dị biệt tự dạng và chính tả giữa hai bản nôm, và nhất là những dị biệt ký âm và chuyển tự dạng giữa hai bản nôm với bản quốc ngữ tương ứng. Ngoài ra, tác giả chú thích đầy đủ các điển tích, ghi chú các từ ngữ cổ không còn thông dụng, và diễn giải thành tiếng Việt phổ thông các tiếng đặc thù của miền nam còn rất xa lạ đối với bạn đọc các địa phương khác.

Tưởng cũng nên nhắc đến dụng tâm công phu của tác giả Nguyễn Bá Triệu trong việc phục dạng các bản nôm. Phục dạng hoàn toàn không hàm ý phục chế, nghĩa là không phải viết lại chữ mới. Từng chữ, từng chữ trong nguyên bản, đều được cẩn trọng giữ nguyên tự dạng. Tác giả và các người giúp việc đã tỉ mỉ tô đậm những chỗ bị mất, bị mờ, theo sát khuôn khổ của khung chữ cũ, nhờ vậy mà cả hai bản nôm Abel des Michels và Duy Minh Thị, sau khi được phục dạng, đã trở nên rõ ràng mà tự dạng gốc vẫn được giữ nguyên vẹn. Mặt khác, các sai lầm chính tả đều được chỉnh đốn lại. Các bạn đọc đã có căn bản Hán tự đều có thể sử dụng các văn bản này để tự học chữ nôm.

Điều đáng quý trong công trình sưu khảo của Nguyễn Bá Triệu là tác giả đã thẳng thắng và mạnh dạn trình bày phần ý kiến riêng của mình. Những người thiếu tự tin và không có tinh thần trách nhiệm thường chỉ nói ra những điều chung chung, ai cũng đã biết qua, ai cũng sẵn sàng chấp nhận. Tác giả Nguyễn Bá Triệu thì khác. Tuy đã lớn tuổi, ông Nguyễn Bá Triệu là người hình hài tráng kiện, dáng dấp quắc thước, tinh thần minh mẫn, tính khí bộc trực, ưa ăn to nói lớn, và dám nghĩ dám làm. Ông sinh trưởng ở miền Vĩnh Bảo, Hải Dương, và rất tự hào về quê hương sản xuất thuốc lào của ông. Ông là một trong những người miền bắc rất hiếm hoi không nhận vơ mình là người của đất ngàn năm văn vật. Ông thường có những nhận xét tế nhị về sự dị biệt giữa tiếng Hà Nội và tiếng Việt phổ thông. Ngay hồi còn học ở trường tỉnh, ông đã vô tình cổ súy cho tiếng Việt phổ thông qua câu chuyện có thật "trâu trắng, tâu tắng, châu chắng" giữa mấy người bạn cùng lớp. Lớn lên, ông sống lâu năm ở Sài Gòn, rồi thiên cư qua Canada, thường xuyên chung đụng với người Việt tứ xứ, ông lại càng thiết tha với tiếng Việt phổ thông. Quả tình ông Nguyễn Bá Triệu có lý khi ông nhiệt tình cổ súy cho tiếng Việt phổ thông. Chúng ta cứ việc thoải mái nói gà trống hay gà sống, miễn là chúng ta nghĩ rằng đó là gà đực, không phải là gà mái, và viết ra giấy trắng mực đen là gà trống. Cứ để cho cô nữ sinh Sài Gòn nói "Xời ời!", cô nữ sinh Cần Thơ nói "Chời ơi!", cô nữ sinh Hà Nội nói "Giời ơi!". Để họ nói như vậy mới cảm nhận được trọn vẹn nét duyên dáng và vẻ kiều mị của họ, bởi lẽ người Việt Nam khắp nơi đều hiểu là họ muốn kêu Trời. Về mặt này, ông Nguyễn Bá Triệu đã mạnh dạn và thẳng thắng trình bày ý kiến riêng của mình trong các tác phẩm biên khảo trước đây của ông. Ông đã từng chỉnh lại thành ngữ "tai vách mạch dừng" đúng theo tiếng Việt phổ thông. Dừng (ông Nguyễn Bá Triệu viết là giừng) là những nan tre làm khung cốt cho vách đất. Tai vách mạch dừng có nghĩa là dừng có mạch, vách có tai, chuyện thầm kín đến đâu vẫn có người biết được. Nhiều người không hiểu dừng là gì, lầm tưởng người sử dụng thành ngữ đã nói sai, viết sai theo lối phát âm đặc thù địa phương, nên chủ quan tùy tiện chữa lại thành tai vách mạch rừng.

Nay với Truyện Lục Vân Tiên do ông biên soạn, chú giải, khảo dị và phục dạng, thêm một lần nữa, ông đã nhiệt tình góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn các áng văn cổ viết bằng chữ Nôm và hoàn chỉnh tiếng Việt phổ thông.



Minh Vũ Hồ Văn Châm


* Truyện Lục Vân Tiên Chữ Nôm. Nguyễn Bá Triệu biên soạn, chú giải, khảo dị, phục dạng. Tác giả xuất bản. Printing 2003-ISBN 0-9730214-0-3 by Nguyen Ba Trieu, 22 Elderwood Trail, Stittsville, ON K2S 1C9, Canada.

** Bác Sĩ HỒ VĂN CHÂM, Tổng Trưởng thời Đệ Nhị Cộng Hòa (VNCH)

Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket