Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Thơ036- NẾU NHƯ (2)

NẾU NHƯ (2)


Nếu bây giờ ta đến Paris thêm lần nữa
Dầu cả năm chưa chắc ghé được nhiều
Những nơi chốn có tên từng sự kiện
Chỉ mấy ngày nên nào biết được bao nhiêu

Nhưng đại loại đôi nơi tên hấp dẫn
Có dừng chân hay đã lướt qua
Cũng thưởng thức vài món ngon nổi tiếng
Hạng tầm thường thế cũng đủ cho ta

Nhớ buổi sáng dừng nghỉ nơi giao lộ
Đường dẫn lên Bỉ Quốc và Hòa Lan
Xứ kẹo thơm chocolate và hoa tulip
Hẹn sẽ đến cùng nếu có dịp lại sang

Từ hướng Bắc đến Paris trưa nắng rực
Bảng chỉ dường vào phi cảng Charles De Gaulle
Ta đoán được Ba Lê gần lắm đó
Eiffel rõ dần .... hình dung được Khải Hoàn Môn

Ta nhất định đến dưới chân ngôi tháp ấy
Và sẽ lên ngắm tứ phía Paris
Thỏa ước ao từ thời còn đi học
Ngắn đời người .... chinh chiến dễ mấy khi

Hôm dừng lại rất lâu công trường Concorde
Qua bao phố xá những cây cầu
Không nhớ hết tên nhưng quảng trường nhớ rõ
Ta cười thầm giọng Mỹ "con của kanguroo"

Chiều tối nọ xuống tàu Paris đèn sáng
Dòng sông Seine nhờ vậy lấp lánh thêm
Lại có dịp Paris khoe dáng vẻ
Thành phố đã già trông vẫn trẻ về đêm 

Ngụ khách sạn ở phía Nam thành phố
Nên đi về xe chạy dọc sông Seine
Cứ hai bận thường nhìn qua thư viện
Tựa như hình quyển sách đang mở xem

Khách sạn bỗng một sáng ngày rộn rịp
Đoàn học sinh không biết đến từ đâu
Thật là thương ... sao mà thương thương quá
Điểm tâm xong còn gói nhỏ ... ngõ hầu

Liên tưởng lại một lần thăm viếng Huế
Phòng ồn ào nhóm khách từ Đông Đô
Cố ý khoe rằng "ta" người Hà Lội
So trẻ kia ủa sao lạ quá .... Ồ ! 

Có một hôm đi vào con đường nhỏ
Không vẻ gì nơi chốn ấy uy nghi
Điện Élysée vốn dành cho Tổng Thống
Cổng chánh phía nào ....sao nhỏ quá đi

Nhiều điểm Paris Sài Gòn giống hệt
Những công trình kiến trúc độ bền lâu
Có lẽ hồi xưa người còn lương thiện
Nên chưa ai rút ruột ... khiến đường cầu

Ai cũng biết Hitler tay tàn bạo
Chiếm Paris nhưng chưa mất mát gì
Gã thợ sơn muốn sơn toàn thế giới
Vậy mà y chẳng thiến thẻo điều chi

Đến vườn Luxembourg xem hư thiệt
Tiếc hai lần hụt ghé gare de Lyon
Văng vẳng hát câu thơ Cung Trầm Tưởng
Hồi còi ngân .... lưu luyến ... vội ... môi hôn

Cũng nhiều hôm ngang qua đường chợ sách
Khu La Tinh xóm học và Sorbonne
Đã một thời thanh xuân thường mộng mị
Mơ Paris giữa nắng gắt Sài Gòn

Nửa tháng tư Paris trời đã ấm

Thèm chỗ ngồi trên lối bộ hành qua
Như Kim Sơn ... Mai Hương "thời cổ đại"
Ngắm nhìn theo chấp chới vẫy đôi tà

Đến viếng hãng nước hoa ngày nắng đẹp
Xuống phố rồi còn phảng phất dư hương
Em vẫn cạnh ta .... vẫn hơi quen thuộc 
Thơm dịu dàng ... như từ thuở yêu thương

Cũng dành chút đến vùng bán buôn Tàu Việt
Trải dài theo con phố quận mười ba
Cũng phở cũng mì nhại tên thời quá khứ
Bảng đỏ bảng vàng dễ nhận phe ta

Phải chi kéo dài thêm tuần lễ nữa
Sẽ gặp nhiều đấu thủ French Open
Dự giải Roland Garros trên sân gạch nện
Từng khóc cười bao tay vợt kèo trên

Hôm đi trên tuyến đường dài Nam - Bắc
So sánh cùng xứ Mỹ .... rất khác xa
Có những khoảng ruộng đồng làm gợi nhớ
Về một miền thôn dã chốn quê nhà

Nếu lại đến Paris thêm lần nữa
Không ghé Notre Dame hay Sacré Coeur
Bởi chẳng có "Thằng Gù" như phim truyện
Montmatre nắng nồng .... gắt quá ban trưa

"Ngày rời Paris anh đã để quên con tim"
Có thể đó đúng vào thời trai trẻ
Còn nay ta già gối mỏi ... mật lưng
Moulin Rouge có dám xáp lại gần

NhàQuê Oct 29, 2015


































Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

PHD001- Tặng Trọng Tran

(Tặng Trọng Trần) Bạn Làm thơ Chẳng khác thi nhân một chút nào. Hồn thơ, dòng suối mãi tuôn trào. Ngôn từ bình dị mà tha thiết. Nghe nặng tình, đa cảm biết bao. Phan Hữu Dương. 19.03.2015

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Thơ036- NẾU NHƯ (1)

(Loạt bài NẾU NHƯ là "HỒI ỨC" viết bằng văn vần)
.

.
 
NẾU NHƯ (1)
.
 
Nếu bây giờ ta trở lại Luân Đôn
Đứng dưới chân cầu London Tower Bridge
Ngước nhìn lên hỏi còn đủ sức
Đi dọc theo lề qua bờ kia sông Thames
.
 
Đến viện bảo tàng xem những viên kim cương
Có còn lấp lánh trên hàng vương trượng
Sau phút giây chiêm ngưỡng
Là nỗi buồn nhược tiểu xoáy tâm can
.
Đáp xe điện ngầm chắc lòng chẳng chút bình an
Đâu bằng như lần đi trước
Đâu còn nghĩ đời mình có được
Tận mắt nhìn điện Buckingham
.
Từ London Eye thả bộ tới Westminster
Đường thấy ngắn ... mà chân gối mỏi
Big Ben trên tháp cao vòi vọi
Bóng đổ dài trên mặt nước sông Thames
.
Nếu tiện đường sẽ ghé St Paul's Cathedral
Đọc lần nữa về .... thời gian xây cất
Để chắc rằng hàng cột cao ... cao ngất
Kỳ diệu biết bao sức con người
.
Liệu thời gian khó đủ để rong chơi
Nên không trở lại Lavenham có con phố lạ
Nhà dọc theo cái nghiêng cái ngả
Còn ta đứng thẳng ...ngẩn ra nhìn
.
Cũng ráng ghé lại lâu đài Warwick
Tới mặt thành có những bậc cheo leo
Dưới nhìn lên đâu thấy hết hiểm nghèo
Còn chưa biết đang run vì tim hay tuổi
.
Ta sẽ lại ngang qua những khu phố hẹp
Những lâu đài cung điện rất nguy nga
Những tương phản im lìm thân phận
Lớn lao nào cũng có chữ Hoàng Gia
.
Nhớ phi cảng Heathrow lần đầu đến
Đâu có ai sách nhiễu mó rờ
Đâu có kiểu vòi tiền bắt chẹt
Đâu đòi tờ xanh kẹp giữa mới làm ngơ
.
Giấy thông hành trình nhân viên di trú
Họ xem qua và đóng dấu tức thì
Hỏi ta sẽ định đến đâu kế tiếp
Gởi lời chào và chúc tốt đẹp chuyến đi
.
Chính xứ ấy có Thừa Tướng vừa mãn nhiệm
Lui về quê ... về nhà cũ thuở thiếu thời
Sống thanh thản cùng láng diềng đồng nội
Ngẫm mà buồn .... ơi Đất Mẹ ta ơi
.
Nơi xứ ta có cụm từ rất lạ
Rằng chức quan vừa "hạ cánh an toàn"
Từ điển Việt lại thêm chữ mới
Có nghĩa là mọi thứ vét sạch trơn
.
Nếu lại sẽ qua biển Manche
Ta cũng chẳng đi bằng đường ngầm cho lẹ
Dù trên chuyến phà băng ngang eo bể
Phải nhớ xe đậu tầng nào khi leo bậc lên trên
.
Phà rời bến Dover vào sáng sớm hôm
Mưa lơ thơ .... sân tận trên cùng vắng khách
Có lẽ chỉ mình ta thích ngắm dãy bờ màu gạch
Và nhìn góc nhỏ biển Đại Tây trong mưa bụi sóng vờn
.

Trên tầng chánh rộn ràng không được như phố lớn

Nhưng có đủ những restaurant cho đến ngân hàng
Cả hiệu sách ...phòng trưng bày ...quầy bán đồ lưu niệm ...
Chào Pas De Calais mưa tạnh rồi ... nắng đã thênh thang

NhàQuê Oct 05, 2015






Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Văn: TÂM SỰ VỚI TRƯỜNG XƯA




Hậu cảnh là dãy chánh nguyên thủy


Dãy lầu là dãy chánh xây cất lại

Cả khu trường thành công viên


TÂM SỰ VỚI TRƯỜNG XƯA



TÂM SỰ VỚI TRƯỜNG XƯA

.

Ngày nay sân và trường Tiểu Học BA TRI không còn nữa, nơi đó đã trở thành công viên và diện tích thu hẹp hơn vì  mở rộng thêm đường và phố buôn bán chung quanh .
Không biết trường tiểu học bổ túc Ba Tri lập vào năm nào, nhưng năm 1954 khi tôi từ trường Xã Diệu vào đây học lớp nhì (Lớp 4) thì trường chỉ có 3 dãy:
.
- Dãy 1 quay lưng và chạy dọc theo đường lên tỉnh (khuất, không có bên trái của hình nầy). Dãy 1 nguyên thủy có 2 hay 3 phòng học chứ không nhiều, nền đúc, tường gạch, lợp ngói ...Đến khoảng năm 1961 phá bỏ có lẽ do nhu cầu cần thêm phòng học và cất dãy 1 mới nhiều phòng học hơn, tường gạch, lợp tole cho mãi đến khi cả khu trường bị xóa sổ
(Thực ra còn 1 hay 2 phòng học khác lợp lá bên kia đường ngang với dãy 1 nầy ...cùng phía với quán Cây Mận và quán sinh tố Diễm sau nầy ...thầy Thâu cận thị nặng,Huệ con thầy là bạn học chung lớp, thầy thường dạy bên ấy)
.
- Dãy 2 là dãy lầu trong hình xây cất vào khoảng năm 1968, trước đó còn là kiến trúc cũ không có lầu, Đây là dãy chánh có văn phòng hiệu trưởng.
Dãy 1 cũ có 7 phòng học, phòng chính giữa dùng làm văn phòng hiệu trưởng và ngăn ra làm lớp tiếp liên ... Lớp tiếp liên là lớp dành cho học sinh đã đậu bằng tiểu học rồi nhưng không trúng tuyển vào trung học, học lại chờ năm sau ứng thí nữa ...Như vậy lớp tiếp liên như là lớp luyện thi .
.
Văn phòng hiệu trưởng nhìn thẳng ra cổng và thẳng ngay vào cửa của tiệm bán và sửa xe đạp Thuận Lợi, tiệm nầy có cả cho mướn xe đạp ...nhờ vậy đám học trò ở xã vào đây học và giữa 2 buổi học sáng chiều có dịp mướn xe để tập chạy ... Đứa không có tiền mướn thì phụ giữ thăng bằng cho đứa có tiền và gần hết thời gian mới cho đứa phụ xế đạp thử,.... tôi biết chạy xe đạp mà không mất tiền mướn trong trường hợp ấy "lấy công làm lời" !!!
Vì cửa trường chiếu ngay chốc vào nhà, có lẽ kỵ về phong thủy sao đó, nên khi trường xây cất lại ... nghe đồn đa kim ngân đã chuyển được cổng trường ra ngã ba rất nguy hiểm cho trẻ con ! Vậy cổng trường tiểu học có cái lịch sử đặc biệt của nó !!!
.
- Dãy 3 là dãy trệt trong hình khi ấy còn lợp lá vật liệu thô sơ, tôi học dãy nầy .... Sau cất thành tường gạch lợp tole như dãy 1, và sau nữa hình như lợp ngói (giai đoạn lợp ngói nầy, tôi không biết, chỉ thấy hình mà đoán là vậy) ...
Cây me (chua) duy nhất trong sân trường có gốc ở phía phải nhất trong hình, ngày ấy chỉ vừa khỏi đầu người lớn, các cây khác đều là cây trắc (có người gọi cây me tây, cây cồng, ...), những cây nầy có tuổi lớn hơn cây me chua đến vài chục năm.. ...cây me chua được giữ rất kỹ vì sợ học trò tướt lá hoặc oằn nhánh hái bông hay me non ....
Và cây me sở dĩ tôi nhớ dai như vậy vì có lần thằng bạn cùng lớp với tôi và cũng cùng quê từ Tân Thủy vào đây học, nó tên là Xuẩn đã bị ông đốc N.V. T. tán cho mấy bạt tay và bắt quì gối dưới gốc me nầy với tội vô trường còn chạy xe đạp không xuống dẫn bộ và thiếu sót trong việc chào ông, khi ấy ông từ trên tỉnh xuống thanh tra trường ....
Tôi còn nhớ ông nạt Xuẩn "Mầy học trò ai ?" và liền theo ông gọi lớn: Thằng Hinh đâu ? (Hinh là thầy Nguyễn Văn Hinh, thầy dạy lớp nhì F của chúng tôi, sau nầy khi tôi lên trung học thì thầy Hinh về làm việc ở Ty Tiểu Học Tỉnh Bến Tre) ...Thầy HINH bỏ dở bài viết sẳn lên bảng chuẩn bị đón đoàn thanh tra, chạy ra với sự mất bình tỉnh thấy rõ .... Hình ảnh ấy không nhòa chút nào trong tôi.
.
Thời ấy nếu từ cổng nhìn vào văn phòng hiệu trưởng thì phía trái là những lớp toàn nữ . Nam chiếm trọn phía phải ...lớp tiếp liên là lớp duy nhất hổn hợp ....
.
Nay nhìn lại hình nầy gợi nhớ chuyện xưa cách nay 61 năm hơn !!!
.
Ô hô ...vân tán tuyết tan, kẻ còn người mất !!!
NhàQuê Oct 12, 2015

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Thơ035- Tui Vịnh Tui Chơi

TUI VỊNH TUI CHƠI KHỎI MÍCH LÒNG !

Bảy mươi hai tuổi vẫn còn gân
Đáng mặt nam nhi đúng họ Trần
Việc phải điều lành không trốn chạy
Tánh hay nóng nảy ... bực là mần

Bảy mươi hai tuổi hỏi về iu
Sanh đúng năm Dê phải ít nhiều
Nhưng ngán cái dao mài bén ngót
Cầm canh cơm nguội riết nên xìu

Bảy mươi hai tuổi khỏe ra sao
Thì cũng như người đủ thứ cao
Cao mỡ cao đường cao huyết áp
Coi như lẽ tẽ chuyện tầm phào

Bảy mươi hai tuổi ước gì không
Lúc trẻ từng xây những mộng hồng
Cũng thợ thầy....tù ... quan .... đủ cả
Cuối cùng Hạt Nước phải về sông

Bảy mươi hai ngẫm quãng đường qua
Rồi cũng rõ ra chuyện ngụy tà
Gắp lửa bỏ tay bao hứng chịu
Nên người nào sá những phong ba

Bảy mươi hai vẫn thấy thường đi
Đây đó nhiều nơi học được gì
Ruồi bọ hạnh thời .... Ôi ... lúc nhúc
Mơ ngày Nghiêu Thuấn .... cổ lai hy

Bảy mươi hai tuổi cảm ơn đời
Làm ít hưởng nhiều ... đã thảnh thơi
Dù chẳng cao sang hay phú quí
Bằng lòng những có ... bấy an vui

Bảy hai có lẽ đã hơi hơi
Đúng vậy trước đây ... thật tuyệt vời
Bộ nhớ giờ khô dầu kót két
Quên xe ...cuốc bộ ...về khơi khơi

Bảy hai sách nói kỵ sầu riêng
Cái thứ ai ai cũng thích ... ghiền
Mà tại ngày nay ưa tẩm tẩy
Muốn còn sống sót .... ráng nên kiêng

Bảy mấy tuổi ngoài đâu lớn mấy
Khoe khoang điếc ráy ... đúng hay khoe
Nổ văng tung tóe liên tu nổ
Tè cả ngoài trong ... thiệt dễ tè

Bảy mấy khi vui tự hứa mình
Ráng mà tu tập ... đặng lai sinh
Hồ nghi nói vậy ... đâu là vậy:
Tu tập đường lên quả gập ghình

THÔI !


NhàQuê, Aug 2015

Văn- Tản Mạn NGÀY SINH NHỰT

Tản Mạn: VIẾT CHO NGÀY SINH NHỰT



Má sanh tôi vào thời còn Pháp Thuộc ở một vùng quê, có lẽ tôi được chào đời trong "chòi bảo sanh" dưới bàn tay nâng của bà mụ giồng mà sau nầy Má biểu tôi kêu là Bà Ngoại. Và có lẽ nhờ mát tay của bà, tôi mới được sống sót vì lúc bật khóc khi lọt lòng mẹ thì tôi chưa được 9 tháng 10 ngày như mọi hài nhi khác: sanh non hơn một tháng !

Biết đâu nhờ sanh non như vậy "tôi mới là tôi", còn nếu bình thường có lẽ đâu phải là tôi !? ..... Nhưng tôi vẫn lớn lên bình thường trong liên miên giặc giã ... không biết bao nhiêu lần Ba Má tôi, chị tôi đùm túm chạy trốn các trận lính đi ruồng. Có khi "chạy gió", có khi chạy thật, chạy mọp dưới làn đạn bắn lung tung nghe chừng chỗ nào cũng có tiếng nổ ...

Có lẽ tôi không có được ghi vào sổ bộ khai sanh của chánh quyền lúc đó, nhưng căn cứ vào năm sanh Âm Lịch và qui ra Dương Lịch thì đúng vào những năm cuối cùng của vị Hoàng Đế cuối cùng của Việt Nam: Hoàng Đế BẢO ĐẠI ... Vậy những năm tháng đầu tiên của tôi sống dưới thời còn Quân Chủ và sau nầy học sử biết rằng tỉnh Bến Tre quê tôi nằm trong Nam Kỳ Thuộc Địa của Pháp.

Nhà tôi cách tỉnh lộ 26 đâu chừng 300 m, nói thế để thấy rằng tôi có điều kiện tiếp cận với nền "văn minh" nhất, vì đó là con lộ có trải đá huyết mạch dẫn ra thành thị rồi tiếp tục đi xa hơn ... ngoài ra các con lộ khác đi lại đều là đường đất hay lối mòn, nhờ đó lâu lâu tôi thấy được chiếc xe mu rùa, xe rùa nắp vì nó có hình dáng giống con rùa tức loại xe ngày nay gọi là xe hơi hay xe nhà, xe du lích, xế hộp, ....

Một thời gian dài, cả nhà mà tôi nghĩ cả xóm đều ăn cơm vào lúc sáng tinh sương để chuẩn bị chạy giặc hay lo việc đồng áng ...có dù bom đạn triền miên cây lúa vẫn âm thầm đòng đòng kết hạt ... bữa cơm có khi chỉ có nửa miếng đường tán hay dĩa cá tôm kho quẹt mà trẻ con chúng tôi vẫn lớn lên trong điều kiện vật chất như thế ... Nếu nói về đường mà sau nầy được biết nó là loại "năng lượng" cần thiết cho cơ thể, thì lúc đó chỉ có đường tán, đường thẻ, đường cát mỡ gà (không phải làm bằng mỡ gà mà có màu mỡ gà), còn đường cát trắng chưa có tên ghi trong bộ nhớ.

Tôi còn nhớ Ba Má tôi còn xài thứ tiền kim loại có lỗ tròn hay lỗ vuông chính giữa gọi là tiền xu trong thời gian dài, tiền giấy 1 đồng có hình bà đầm có in chữ Tây đã thuộc loại mệnh giá lớn được cất rất kỹ .... nói chi đến tờ giấy "Xăn - Cent" thứ mệnh giá 100 lần lớn hơn ...thứ 100 nầy tôi chưa có "quyền" thấy nó ! Nghe nói có loại Cinq Cents Piastres (500 đồng) nữa, .... kể như vô phương biết !
Rồi tới loại tiền giấy có chữ Việt và hai loại chữ lăn hoằn lít quịt Miên Lào xài cho cả 3 nước Đông Dương và riêng miệt quê tôi còn thứ tiền "xé hai" đối với tờ giấy bạc có mệnh giá từ 10 đồng trở xuống 1 đồng ...và tôi được sống trong Thời Đại Tiền Xé Hai ấy ... Cuộc đời dễ mấy ai! ! ! Vì rằng sau đó qua thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã cho phát hành tiền mới một trong các dấu chỉ chủ quyền quốc gia và việc xé hai đồng bạc giấy coi như phá hoại và phạm tội hình.

Đến đây, tôi đã trải qua ba thể chế: Quân Chủ & Thuộc Địa, .... "Quốc Gia Việt Nam Trong Liên Hiệp Pháp" với Nhà Vua giờ thoái vị và danh xưng mới là Đức Quốc Trưởng BẢO ĐẠI mà trên tờ giấy bạc có hình Ngài ... Đến Ngài bị truất phế và sang trang mới là Việt Nam Cộng Hòa đứng đầu hành pháp là Tổng Thống ... và lãnh thổ nhị phân ...Miền Bắc theo thể chế khác... Tôi thuộc dân Miền Nam !

Với 13 năm từ đứa trẻ sơ sinh lớn dần với bao gian nan từ lớp vỡ lòng ê a trong nhà đãi ăn của ngôi đình làng, đến trường chùa, ra trường xã, qua trường tổng, vô trường quận và bây giờ lên trường tỉnh .... Đến việc học hành của tôi cũng là cơ duyên đặc biệt do tôi đậu kỳ thi tuyển vào trường trung học công lập mà nhiều bạn cùng năm với tôi nơi trường quận mong muốn mà không được, nên Ba Má tôi thấy bỏ thì uổng, do đó cố gắng cho tôi theo đuổi chứ thực trạng gia đình không đủ sức để cho tôi đi "du học" như vậy, .... với lại ở tuổi ấy chưa làm việc nặng nhọc đồng áng được.

Bước ngoặt đó có lẽ là khúc quanh quan trọng nhất của tôi, đứa trẻ sanh thiếu tháng! Những điều tôi thấy biết ở thành thị, có thứ phải 40 hay 50 năm sau nơi tôi được sanh ra mới có.

Và với ngã rẽ nầy đã kết chặt tôi vào nhịp sống của các thể chế tiếp theo: Đệ Nhị Cộng Hòa của Miền Nam, .... rồi làm sinh vật thấp hơn cả thứ dân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khi đất nược tên gọi Việt Nam đã thống nhất, .... Cuối cùng và có lẽ tôi chấp nhận vĩnh viễn làm công dân nhập tịch của một quốc gia có đủ dân chủ tự do, quốc gia mà khi chưa học xong trung học tôi không biết nó ở đâu: Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (The United States Of America)....

Nơi đất nước tôi đang sống tiếp những ngày còn lại nầy, mới hôm qua đây có người tới nhà xin tôi bỏ phiếu cho các ứng cử viên thuộc đảng của họ, một lá phiếu có thể không là gì, nhưng sự việc nói lên một ý nghĩa làm cho người không sống được nơi chính quê hương mình phải suy ngẫm !

Quê hương mới ấy không có bốn ngàn năm văn hiến, không có là đỉnh cao trí tuệ loài người, không có chủ nghĩa ưu việt bách chiến bách thắng .... mà chỉ có chưa tới ba trăm năm độc lập thoát ra từ thuộc địa, ... có trẻ con vừa biết nói, thấy hình trái tim đã đặt tay vào môi "I Love You" ! .... Người gặp trên đường chào nhau thân ái chứ không rình rập tà ý !

Ngày mai đây, tôi 72 tuổi tròn, theo giấy tờ chứ kỳ thực Má tôi chỉ nhớ mang máng ngày sanh của tôi nên tôi không có ngày gọi là Sinh Nhựt đúng !
Với 72 năm đó tôi đã sống đủ các thể chế từng có hoặc còn tồn tại trên hành tinh trong vòng vài thế kỷ gần đây, tức những thế kỷ nền văn minh nhân loại phát triển vượt bực giúp đời sống con người chất lượng hơn

Tôi ví những biến chuyển vật lý của dòng đời bản thân tôi đồng hành cùng sự phát triển cải tiến của "Máy Điện Thoại" .


***000***


Tôi biết xài máy điện thoại tự chế (home made) từ lâu lắm ... Hãy tin tôi đi! Với hai cái lon kim loại, nối nhau bằng sợi dây kéo ra xa thiệt căng hoặc bằng dây kẽm, dây chì nhỏ, loại để ràng rịt ...hai người cách nhau 10 m có thể nói nhỏ vào lon,người đầu kia nghe rõ từng tiếng một ... Trò chơi "đánh dây thép" chỉ những người có công góp vật liệu làm nên mới được cho nghe thử ...
Vào thời buổi ấy kể cả tôi, chưa có một "nhân vật quan trong tí hon" nào được nhìn thấy cái máy Tồ Lô Phôn nó ra làm sao ! ... Thật vậy chỉ có quan quyền, công sở cấp cao hoặc nhà giàu có ở thành thị mới có cơ hội xử dụng điện thoại thiệt mà thôi.

Lúc tôi lên học trường tỉnh, tôi không biết văn phòng trường có được lắp đặt điện thoại chưa, mà hình như tổng đài chánh là Ty Bưu Điện về các cuộc gọi trong lãnh vực hành chánh và dân sự ... Người cần đến Ty Bưu Điện xin gọi và lệ phí ắt rất cao !

Như vậy cho đến học xong trung học, tôi chưa bao giờ cầm được cái "máy điện thoại" để mà alô .... Mãi cho đến khi vào quân đội và đi học chuyên môn mới có dịp xử dụng loại dã chiến liên lạc trong nội bộ, học cách trải dây, mắc dây và cả các câu văn dùng liên lạc phải ngắn gọn mà đầy đủ không rườm rà ... học thuộc lòng mã số các bộ phận liên quan đến điện thoại .... Nhưng đó chưa phải là cái thứ điện thoại "ngoài đời"! Nhưng ít ra cũng quen dần và dạn dĩ hơn là có người vừa nghe chuông reo đã giật mình dáo dác.

Sau nầy khi ra đơn vị rồi mới có dịp dùng tới điện thoại quay số mà hai tổng đài Thống Nhất (TTM) cùng Nhân Tâm (BKTĐ) và tổng đài Tiger (Mỹ) kết nối cuộc gọi và cũng nối kết được điện thoại bên dân sự ...Nhưng cái vụ điện thoại nầy cũng bực với nó lắm, vì SẾP ưa khuya khuya gọi hỏi thăm, dặn dò nhưng đó là cách ngầm điểm danh bất thường xem mình có "dù" đi chơi, bỏ đơn vị trách nhiệm không ... Chứ liên lạc bằng máy vô tuyến thì không xác định được vì có PRC 25 hoặc VRC đặt luôn trên xe để đi lả lướt ....

Chừng có đến 17 năm kể từ khi "Giã Từ Vũ Khí năm 1970" quên bẳng máy điện thoại và quên luôn những số cần phải nhớ trước đó .... Cho đến sáng sớm ngày 05 tháng 09 năm 1987, một ngày lịch sử của gã lưu vong .... Gã hỏi đường lò dò tới nhà bưu điện Mỹ gần nhất để gọi cho vài người quen cho hay tin đã tới Mỹ ... thì hỡi ôi ... đâu phải như xứ ta, bưu điện của họ không có "kinh doanh" loại nầy ... điện thoại nơi nước "Cờ Sao và Vạch" nhà nào cũng có và các ngã giao lộ hay các đường phố chánh đều có trụ điện thoại công cộng, trụ nọ cách trụ kia không xa lắm ....

(Trích trong "Những Con Đường Xưa Em Đi":

Đầu tiên là Nhà Dây Thép: Ty Bưu Điện chỉ có cấp Ty chứ không có cấp nhỏ hơn; Vì vậy vị đứng đầu là Trưởng Ty dù đôi khi chỉ có một mình ông, loại cơ quan nhỏ đến không thể nhỏ hơn được nữa. Trong trường hợp như vậy địa phương thường là các Quận xa xôi, phải "chi viện" thêm người không biết có "và của" cho ông không.
Như ở Mỹ hiện nay mỗi ngày phát ra một tỷ thư từ, không hiểu Bưu Ðiện ta có làm xuể không? Và bao giờ thì đạt "chỉ tiêu" đó.
Bưu điện còn phụ trách luôn điện tín, loại thông tin bên nây tạch tạch tè tè bên kia dịch ra chữ rất ư trần tục, không râu hia, mũ mão gì hết, nên nhiều khi đàng nhận được đã nghiên cứu kỹ bản văn, đã có "đáp án" rồi, thu xếp công ăn việc làm chạy riết về nơi xuất phát thì hởi ơi! Trớt quớt trật cách xa " ngàn dậm dưới đáy biển" và với góc độ 180, loại phải tiết kiệm chữ viết: VO DE VE GAP... đáp án: vỡ đê về gấp, phải về riết bằng mọi phương tiện để cứu lụt, tới nơi thì ra vợ đẻ, thôi cũng được!
Bưu điện còn phụ trách dịch vụ điện thoại, vụ nầy làm NhàQuê "quê một cục" số là khi mới tới cái xứ Hoa Kỳ mà cái gì cũng máy móc, đêm đầu tiên lạ nhà, lạ giờ giấc không ngủ được, sáng sớm ra bưu điện xếp hàng, có mấy người đến trước hơn, chắc mấy bà Mỹ nầy cũng ngủ không được đây.
Tới phiên NhàQuê hùng dũng tiến lên không cần chào hỏi, xổ liền: Ai nít tê lê phôn (I need telephone), tránh nói dài dòng dễ bị ngọng.
Sau một hồi oát oát oát (what) cuối cùng con nhỏ cũng hiểu ra, nhờ có bàn tay năm ngón nắm lại như đang nắm vật cứng cỡ hơn tấc, để ngang lỗ tai, con nhỏ chỉ và nói: Ô vờ đe (over there).
Theo hướng bàn tay có năm ngón mà sơn tới mấy màu đó, NhàQuê "phát hiện" được mà về sau nầy biết là điện thoại công cộng.
Lại không được lôi thôi gì, phải bước ra khỏi hàng có cảm giác mình bị bỏ rơi giữa đường rất là kỳ thị, vì con nhỏ đã gọi người kế tiếp: Nét (next).
Ðứng ngơ ngơ chưa biết phải làm sao, may quá có quới nhơn, đã nói NhàQuê đi về hướng Ðông nên cuộc đời thường gặp quới nhơn mà.
Bà Mỹ già sau khi nhìn NhàQuê với vẻ ái ngại cuối cùng tiến tới hỏi: Ken ai hớp du? (Can I help you) .
Nghe tiếng nầy cũng quen quen, vận dụng hết tám thành công lực và huy động hết cơ quan đoàn thể trong bộ nhớ, cuối cùng hai bên cũng hiểu được nhau. (Tại bà không chịu nói HÉP như tui đã học mà lại nói HỚP làm tui chới với, tưởng bà nói ngọng !)
Cám ơn Thượng Ðế, Ngài đã cho con hai bàn tay với mười ngón thiên thần, tội nghiệp bà Mỹ chắc là lần đầu tiên bà nói tiếng nước mình mà phải quơ tay lia chia. Bà kết luận chắc mẻm là: phải có "Cô-an" (coin) mới "đu" (do) được.
Nghe nói tiền NhàQuê nhá cho Bà thấy tờ $US 20 duy nhứt mà thằng bạn gởi cho dằn túi phòng khi hoạn nạn.
Bả nói : Nô quê, so ri (No way, sorry) và bỏ đi hình như với vẻ giận dữ. Coi như tình hình vô phương cứu vãn, hết thuốc chữa.
Thôi thì "nô cô-an" ( No coin) thì đi về coi như thất bại “quàn tàn”, hay ít nhất cũng 1-0 phần thua nghiêng về phía ta. Bàn thua nầy vì NhàQuê những tưởng giống như ở xứ mình Bưu Ðiện lo luôn vụ điện thoại, thôi xóa bài làm lại. ..... Hết Trích)

Đi xin việc gì, bất kể giao dịch gì kể cả xin ghi danh đi học họ cũng hỏi số điện thoại nhà ... Vì cần thiết nên cuối cùng phải xin gắn điện thoai. Ban đầu tưởng đâu họ tới rồi kéo dây từ ngoài đường vào ... Họ không làm cách đó mà họ vào nhà tháo bỏ ổ cũ, tra ổ mới vào và mở hộp lấy đủ bộ điện thoại mới tinh lắp đặt vào ... công việc chưa quá 2 phút và test với tổng đài thế là "You are done" cũng không nhận tiền công và tiền máy ..." You 'll receive your bill later"

Mới biết thêm là khi xây cất, họ đã thiết trí mọi thứ từ ổ điện, ổ điện thoại, bếp, đường gas, nước sạch, nước thoát, cable, .... đầy đủ cả ...Khi dọn vào, người cư ngụ chỉ cần thông báo cho các công ty liên hệ là họ và mọi việc sẽ sẳn sàng !

Đó là lần đầu tiên một số điện thoại thuộc về tôi ... Chiếc điện thoại ban đầu ấy còn thuộc thế hệ quay số (dial) và xem rất giản dị chứ không như trong phim ảnh những chiếc điện thoại sang trọng, kiểu cách đẹp mắt, có khi mạ vàng như một thứ ton thêm vẻ nhà quyền quý, đài các, cao sang ...

Không lâu sau thế hệ "bấm số" (touch-tone) ra đời và lại thay máy mới .... Rồi lại loại không dây có thể đi lòng vòng năm, mười mét xa khỏi base ... Trước khi tiến qua thời đại hoàn toàn không dây .... thời đại cell phone giai đoạn còn đơn giản ....

Cho đến ngày nay, gần như ai cũng cần và ai cũng có điện thoại "di động" riêng, các thế hệ máy về sau càng nhiều chức năng chứ không đơn thuần như thời còn quay hay bấm số .... Lớp "phế thải" như cỡ tôi trở lên có lẽ ít người dùng hết các chức năng đó ... Vuốt vuốt được vài thứ đã là Tài Ba Lỗi Lạc rồi !

Cầm chiếc máy loại rờ rờ vuốt vuốt của con tặng nhân ngày Father Day để "Cha Xài Cho Biết Với Người Ta", làm tôi nhớ về thuở "Đánh dây thép" bằng lon sữa bò ngày xưa ...thấm thoát mà dòng sông đã chảy qua 72 khoảng ngắn dài


NhàQuê Aug 14, 2015













Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket