Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Văn014-45 Năm Gặp Lại

Những "con đường xưa Em đi"


Du Khúc THÊM LẦN RA BIỂN


Du Khúc 4: 45 Năm gặp Lại

Trên đường về lại khách sạn, tôi gọi báo cho Dung, Ngô Kim Dung, cô học trò thế hệ 1965 của Trường Trung Học Ba Tri ... Thuộc cấp lớp thứ nhì của trường, đối với tôi là nhóm học sinh thứ tư vì ngoài ra tôi có phụ trách một số giờ ở hai bậc lớp trước hơn bên trung học tư thục cùng địa phương.

Dung hẹn tôi chừng 2 giờ nữa em mới tới được, sau nầy tôi đoán được đó là chuyện gì ... Ấy là em lo hoàn tất việc nấu nướng bữa cơm tối đãi tôi, mà em cho biết từ khi tôi còn ở nhà là "tụi em sẽ đãi thầy món Ba Tri mình" Thời gian rộng rãi vậy đủ cho tôi sắp xếp mọi việc, gởi bớt hành lý cho con tôi ... Tư lịnh và tôi gọn gàng với một xách tay và một kéo nhẹ y phục cần thiết đủ trong thời gian tách đi riêng.

Từ cửa sổ nhìn dòng xe cộ lưu thông, chiếc Honda Accord màu trắng rẽ vào parking khách sạn tôi đoán là em tới, quả thật ít phút sau điện thoại tôi reo "Em tới rồi thầy!" ... "Thầy nhìn thấy xe em chiếc Honda màu trắng phải không" ... "Dạ phải!" ... "Chờ chút thầy xuống ngay!"

Tư Lịnh và tôi sang phòng con gái giao chìa khóa phòng, con và cháu ngoại đưa chúng tôi xuống phòng khách.

Từ thang máy bước ra, tôi thấy em ngồi nơi phòng đợi quay lưng về hướng chúng tôi, dễ đoán vì chỉ có một người tóc đen châu Á ... Bất chợt như linh báo em quay lại và đứng lên tiến về phía nhau, còn khoảng 3 m, em đứng lại khoanh tay "Thưa Thầy!" tiếng em nhỏ nhẹ chậm rãi như hồi xưa, cô học trò hay rụt rè. Mẹ của em cũng là nhà giáo vừa có mức thân quen gia đình vừa có mức kính trọng tuổi tác nghề nghiệp, cô giáo dạy nhiều em tôi . Năm nay bà đã 86 tuổi  sống với con gái út , em của Dung, bên Bắc California, Bà còn minh mẫn mỗi lân nghe tiếng tôi qua điện thoại bà đều nhận ra ngay: Thầy Trọng đó hả!?

Khi mừng nhau, tôi có hỏi " thời gian bao lâu rồi Dung", em nói "45 năm rồi Thầy!" .... Tôi từ giã các em lên đường nhập ngũ theo lịnh động viên của các thanh niên cùng hạn tuổi vào năm 1967, sau đó chiến tranh càng leo thang, tôi lăn vào cuộc chiến không hy vọng gì ngày trở về dạy học lại ...

Đến khi tôi được trả về nhiệm sở cũ là lúc thế hệ học sinh của các em đã chuyển lên học trường tỉnh và tiếp lên đại học hoặc vào đời .

Sau nầy nghe em sang Mỹ tháng 4, 1975 cùng chồng phi công của không quân QLVNCH.

Em cũng thân mật chào Tư Lịnh tôi mà em gọi bằng chị vì học cùng lớp với các cô em của "nàng" ...tôi giới thiệu con và cháu tôi, hai đàng chào nhau lịch sự không quên khen nhau như "Mỹ"!

Thực ra, Dung có nhã ý mời tất cả đến ở nhà em vốn rộng rãi; Nhưng gia đình con gái tôi có chương trình đi chơi riêng, định từ trước nên cám ơn hảo ý của Dung! Dung cũng gởi cho trái cây và bánh em tự làm

Theo Dung ra xe, sắp xếp đồ đạc xong, chúng tôi rời khách sạn, lấy I-4 East lên đường

Trên đường đi , em cho biết sẽ ghé rước Thanh, người đồng hương, thuộc lớp đàn em chúng tôi ... đã rất lâu có lẽ hơn 45 năm, chứ gia đình Thanh là láng diềng của Tư Lịnh cách nhau đúng 2 căn nhà của những năm thời còn kháng chiến chống Pháp. Chị của Thanh cùng lớp với Tư Lịnh, 2 em của Thanh lại là học sinh của tôi cùng năm với Dung (Hiện nay nhà gốc của 2 gia đình Thanh và Tư Lịnh đối diện nhau qua con đường chánh của thị trấn Ba Tri).... Chúng tôi lại xuống phố đến nhà Thanh.

Thay vì chỉ có Thanh đi với chúng tôi, đêm lại con của Thanh rước về; Nhưng giờ chót ông xã Thanh thay đổi ý định là đi cùng chúng tôi và cùng Thanh trở về sau bữa cơm tối Dung khoản đãi .... Anh nói: Quí vị đã ghé thăm tôi, tôi phải đáp cho trọn lễ .... anh Nguyễn Phương Huy đã nói như thế và chuẩn bị đi cùng chúng tôi .

Khi đến, tôi bắt tay và tự giới thiệu tên mình, anh nói tôi biết; Thì ra anh cũng là cựu học sinh Trung Học Kiến Hòa sau tôi vài năm, .... anh hỏi tôi còn nhớ người bạn lúc học luôn ngồi cạnh tôi không ? Làm sao tôi quên được Dương Văn Trinh, tôi có ý dò tìm mà chưa ra, nhất là các Web có danh sách các sĩ quan Trường Chiến Tranh Chánh Trị Đà Lạt ...nay được biết Trinh cũng có ý tìm tôi mà bặt vô âm tín, nên anh chàng nầy có lúc nghi tôi đã theo VC... Nguyễn Phương Huy và Dương Văn Trinh cùng tốt nghiệp khóa đầu tiên..nhờ vậy tôi có được số điện thoại của Trinh!

Anh Huy lái chở tôi cùng chuyện vãn, các vị nữ ngồi xe Dung

Không xa lắm, chúng tôi đến nơi, vợ chồng Dung Đạt ở trong khu "nhà giàu" ra vào cổng có người gác cửa, xe khách lạ tới phải chờ báo vào trong, OK mới mở cổng .... Sau khi qua vài ngã đường, tôi nhận ra ngay ngôi biệt thự mà theo chỗ tôi ở hiện nay gọi đó là mansion. Nơi đây đáng lẽ tôi đã tới vào năm 2010 nhân kỳ tổ chức cuộc Ba Tri Hội Ngộ, nhưng lần ấy vào những ngày chót tôi không đi được, nhưng hình ảnh, DVD đã gởi cho, nên tôi dễ nhận là như vậy!


Hậu cảnh là sân Tennis


Hậu cảnh sau các cây cao là hồ

Tọa lạc trên phần đất rộng có đến hơn mẫu tây, có hồ tắm và sân tennis riêng, lối vào và quanh nhà trải đá, lát gạch ..., vườn trồng đủ loại hoa, danh thảo và có cây dùng như vị thuốc và các loại rau ăn sống và nấu canh có nhiều thứ đặc biệt chỉ Ba Tri mới có, thí dụ như cây Chùm Ngây mà những người miệt vườn cùng tỉnh lại không biết tới hay chưa nghe tên bao giờ, thứ cây mà từ lá, bông, trái đều nấu canh ngọt tuyệt vời!


Hai cây chùm ngây


Cà ăn không kịp rụng trạt gốc


Các món nấu phần lớn cây nhà lá vườn


Cùng vợ chồng Dung Đạt @ phòng ăn (Chs/THKH)


Cùng vợ chồng Thanh Huy (Bữa ăn thân mật gồm 6 người)-Hậu cảnh là hồ tắm (pool)

Đúng là bữa ăn gồm các món đặc biệt nấu theo lối Ba Tri và nhất là phần lớn do Dung trồng, chúng tôi cùng nhau kể chuyện nhắc nhở đến nhiều người quen chung, những chuyện cũ thời xưa .

Ở góc vườn nhà Dung có hai bụi tre tươi tốt, mà năm trước em có gởi cho tôi một thùng măng tre mới xắn và lá sương sâm. Lần nầy tận mắt nhìn khu vườn lá sâm đang hồi xanh mịt và cuối bữa ăn tôi lại được lần nữa dùng lại món thức uống mát mẻ bổ dưỡng nầy tại chính nơi trồng ra nó!






Thùng quà gồm :Măng Tre và Lá Sâm tự trồng của Ngô Kim Dung (Chs/Th Ba Tri 1965) từ Florida gởi làm quà thầy Trần Bình Trọng, Connecticut


Dung Đạt có 2 con gái đã trưởng thành, sống riêng nên ngôi nhà thênh thang mà Tư Lịnh tôi bị đi lạc mấy lần khi đi ra rồi trở lại phòng ...Vậy mà chỉ có hai vợ chồng Dung Đạt sống đã hai mươi năm!

Trước khi dọn về đây, hai em đã sống ở miền Bắc California nhưng khí hậu không thích hợp

Trước khi tan tiệc, Huy và Thanh mời chúng tôi ăn sáng ...Cả 6 người hẹn gặp lại ngày hôm sau 14-7-2013.


NhàQuê July 08, 2013

Văn015- Bắt Đầu Một Ngày Mới Nữa

Những "con đường xưa Em đi"

Du Khúc THÊM LẦN RA BIỂN

Du Khúc 5: Bắt Đầu Một Ngày Mới Nữa

Buổi sáng thức dậy sớm như thói quen, đứng nhìn phía hồ còn mờ sương đâu ngờ dưới vườn kia có người còn thức sớm hơn, vì thấy một chiếc xe cắt cỏ đang làm việc.
Hôm qua đi ra vườn nghe Dung nói là mấy hôm nay người lảnh cắt cỏ bị bịnh hay sao đó, có gọi xin chậm hơn nên cỏ hơi cao ... tưởng đâu hôm nay ông đến sớm, đâu ngờ đó là Đạt, có lẽ em thấy khó chịu vì tình trạng cỏ quá hạn chăng ....

Có thể các bạn ở VN không mường tượng được những nhỏ nhặt như vậy: Thường thì nếu chủ nhà vì lý do nào đó không tự chăm sóc cảnh quang nhà mình hay dọn dẹp, giặt giũ trong nhà thì phải mướn làm công việc ấy ... Chứ không như bên VN là tìm mướn người ở luôn trong nhà mà ta gọi là người làm ... bên Mỹ nếu mướn kiểu đó có nhiều chuyện tốn kém nãy sinh nhất là về bảo hiểm sức khỏe, v v .....
Nên phần nhiều phải mướn ở các văn phòng (công ty) cung cấp dịch vụ loại nầy, họ đến làm việc theo thời biểu thường mỗi tuần 1 lần, dù mình không có ở nhà vào lúc họ đến, cả việc clean-up trong nhà.
Điều lạ là không bị mất mát gì cho dù đến những món nữ trang nhỏ nhặt, quí kim, quí thạch ... Cái khác ở xứ nầy và VN là vậy .... Nhưng con người mà, đôi khi cũng sai .... trường hợp đó văn phòng cung cấp dịch vụ, hoặc bảo hiểm bồi thường ... Nhưng it xãy ra lắm ....

Cái lạ nữa là nếu ta không chăm sóc vườn tược, hàng xóm sẽ phàn nàn, khó chịu và nhìn mình khác lạ ... Có nơi còn thi đua sân vườn đẹp, có ban chấm điểm hàng tuần hay định kỳ nào đó ...không biết cái đó có phải là nếp sống văn hóa hay không ?

Khi tôi xong những cần thiết buổi sáng, chỉnh tề để bắt đầu chương trình cho ngày mới thì Đạt đã pha cà phê và dọn các loại bánh, trái cây ăn sáng. Hai anh em chuyện trò đợi hai quí nương tử vốn cầu kỳ hơn và hình như tính kiên nhẫn chờ đợi của các đấng mày râu ở Mỹ giống nhau như cùng thầy cùng sách ...

Cuối cùng thì bốn chúng tôi cũng lên đường đến tiệm phở, nơi anh Huy và cô Thanh đợi.

Khi chiếc SUV dừng ở parking lot của tiệm, đồng hồ chỉ đúng rét giờ tối qua cùng thỏa thuận .... Tôi lâu nay khi tới nơi nào, tôi cũng lấy phở làm gốc dù rằng tôi là dân giá sống chánh hiệu con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô.

Vợ chồng Thanh Huy đón chúng tôi ở cửa và hướng dẫn vào bàn chọn sẳn. Tô phở nhiều thịt quá đến nỗi ngán luôn, bánh trụng hơi mền thành ra món phở không thú vị lắm ...
Thường thì sang đây, thấy món gì kinh doanh được thì làm, chứ có khi còn bên VN người đầu bếp chưa biết nấu món đó bao giờ ....
Mỗi món ăn có cái "bí mật nghề nghiệp" riêng, ngay cả cùng tên gọi mà hương vị ở hai tiệm ăn gần nhau mà đã khác xa ...

Trước năm 1975, tôi ghiền phở rất nặng những tiệm phở nổi danh ở Sài Gòn gần như có thử qua ...Nhưng tô Xe Lửa tức tô đặc biệt của tiệm phở Tàu Bay đường Lý Thái Tổ tôi thích, hình như chưa nơi nào có mùi vị giống như thế, vừa tanh tanh, vừa ngót ngót, vừa béo béo ...Nhiều người không thích vì tô lớn, không rau, ....

Qua đây có dịp đi đâu, tôi đều thử, nhưng chưa tìm lại được thứ giống như, có dù giống 75% cũng tạm được ... Có lần sang Cali đến khu vực Little Saigon cũng ăn phở, tới chừng đang trên máy bay trở về, ngồi bó gối trên mới đem báo Free ra đọc, thấy quảng cáo rằng Phở Tàu Bay chân truyền ở Santa Ana ...Hẹn tháng 8 tới đây sẽ có dịp ghé qua xem hư thực !!!

Thanh Huy chia tay chúng tôi nơi đây, Thanh có hẹn của bác sĩ nên không cùng chúng tôi tiếp tục chương trình trong ngày ...Chúng tôi hẹn gặp có thể gần đây, hy vọng có kỳ Ba Tri Hội Ngộ khác, hy vọng lắm!

Đạt Dung đưa Tư Lịnh và tôi "khám phá" khu vực Downtown của Orlando, nơi thường hay có những cuộc tụ họp lớn, nhất là mùa tranh cử

Những hình ảnh dưới đây ghi nhận cuộc tham quan nầy:
















Kể ra vậy cũng đầy đủ rồi, chúng tôi lên đường đến nơi hẹn khác


NhàQuê July 17, 2013 

Văn016- Sau Nhiều Lần Hẹn

Những "con đường xưa Em đi"


Du Khúc THÊM LẦN RA BIỂN

Du Khúc 6: Sau Nhiều Lần Hẹn

Ban sáng từ nhà Dung Đạt, nói theo thói quen là từ Exit 98 của I-4, chúng tôi đi về phía Tây . Bây giờ chúng tôi đang từ khoảng Exit 85 cũng của I-4 tiếp tục đi về hướng Tây, hướng về Tampa nơi phát khởi xa lội I-4 nầy .

* Những xa lộ liên bang (I=Interstate) nếu số chẳn là chạy từ Tây sang Đông và số tên của Exit cũng đánh số lớn dần từ Tây sang Đông ... có tiểu bang cứ thứ tự exit1, 2, 3, 4 ......Có tiểu bang đặt tên theo trụ số tính bằng mile nơi đó ...Thí dụ nhà Dung Đạt ở Exit 98 có nghĩa là nơi đó cách nơi đầu tiên của Xa Lộ I-4 trong địa phận Florida là 98 mile (nói trong địa phận vì xa lộ liên bang do Liên Bang quản lý và thường chạy qua hàng chục tiểu bang, tiểu bang nào đánh số theo tiểu bang đó chứ không tiếp theo tiểu bang láng giềng).

Tên những Xa Lộ có số chẳn đánh số lớn dần từ Nam lên Băc : I-10, I-20, ....I-90

** Tương tự xa lộ liên bang số lẻ thí dụ I-95, sẽ đi theo hướng Nam Bắc, số tên của Exit đánh số từ Nam lên....

Tên những Xa lộ số lẻ đánh số lớn dần từ Tây sang Đông: I-5, ....I-95

Vòng vo Tam Quốc cho các bạn loạn xà ngầu chơi vì chúng tôi còn những it nhất 85 miles nữa mới đến nơi hẹn!
Đường tốt, lượng xe không nhiều, nhìn hai bên đường cây cối đang mùa Hè xanh tươi ....Đây là những tháng phát triển đúng mức của hầu hết các loại thảo mộc .

Tiểu bang Florida được coi như xứ sở của nắng ấm, của cây trái, nhất là cam ... mà tôi chưa thấy một cây cam nào cả dọc theo 98 miles đường dài ... Họ giấu đâu vậy cà ! Nói là nắng ấm chứ lâu lâu chừng 10 năm lại có lạc loài cơn lạnh mùa Đông, có tuyết nhẹ và sau đó đóng băng ... Trường hợp đó cây trái mùa màng bị hư hại nhiều ...tôi có đọc bài viết nào đó nói rằng các trại chủ phải cho phun tưới liên tục ngày đêm chống đông đá cho đến khi ấm trở lại để cứu cây trái!!! Xứ giàu khác xứ ta .

Hồi trước khi VN ăn bo bo, thì chánh phủ Mỹ kêu gọi nông dân Mỹ ngưng trồng lúa mì vốn năm nào cũng trúng mùa, để bảo vệ giá lúa mì trên thị trường thế giới, nông dân trồng lúa mì được chánh phủ bồi thường ... Lạ chưa!? ... Tin phát trên đài VOA, nghe bản tin nhạc phụ tôi cứ ngồi thở ra chắc lưỡi: Xứ Người Ta!

Có đôi lần đi ngang qua các tiểu bang nông nghiệp của nước Mỹ, ruộng bao la nhìn mút tầm mất, xa lắm mới có chum nhỏ cây xanh đó là cơ ngơi trang trại đó đầy đủ tiện nghi như thành thị ... còn ngoài ra là để trồng CỎ ...
Sao lại trồng cỏ:
- loại cho bò ăn được ngăn từng khu 5, 10 mẫu có rào ngăn, bầy bò ăn hết ô nầy lùa qua ô kế, ô ăn xong lại cho tưới dưỡng lớp cỏ mới
- Loại làm thức ăn dự trữ (rơm) được cắt đóng bành
- Loại làm kiểng được xới luôn đất, cuộn tròn và chở đi đến nơi giao hang

Trẻ con các trang trại chủ được gởi vô thành thị ăn học

Lan man chuyện trên trời dưới đất vậy mới thấy đoạn đường 120 Km rất gần .... Tới nơi! Sau khi xuống phố (local) chạy quanh quẹo một đổi, Đạt dừng xe ở carport ngôi nhà trệt có vườn rộng ... Tôi vào trước gõ cửa (chuông) ... Đợi mất vài phút ... trong nhà hình như ai cũng có nhìn ra cửa sổ trước, đều thấy tôi ... Những người có mặt đang trong nhà, tôi đều biết mặt nhờ các DVD kỳ Ba Tri Hội Ngô năm 2010.

Bà chủ nhà ra mở cửa, nhìn tôi ngỡ ngàng hỏi kiếm ai ... Tôi xưng tên họ, đơn vị hiện trú đóng ..... Trời Ơi Là Trời !!! Chị kêu lên .... Vậy là sau hơn 30 năm "diện mạo khôi ngô tuấn tú" của tôi đã thay đổi hoàn toàn đến nỗi không còn nét gì để chị nhìn ra, vây mà mỗi ngày soi gương tôi thấy tôi đâu có khác gì đâu, vũ như cẩn mà!?

Lúc sau khi hàn huyên cùng nhau mới biết khi thấy tôi qua khung cửa sổ, chị nói với chồng chị: Có "thằng cha" nào không có mời mà tới vậy cà! ... Cái "thằng cha nào lạ quắc" là tôi ấy, lại là nhân vật chánh của buổi tiệc mà cả nhà còn đang lo nấu nướng cho lần gặp gỡ hôm nay, sau hơn 30 chia tay nơi quê nhà và biết bao nhiêu lần trong 25 năm gần đây hẹn gặp ... cho mãi đến hôm nay mới thành hiện thực!

Khi tôi đứng ở cửa nhà bếp, lại lần nữa cô học trò kêu Trời: Không có cách chi nhận ra được Thầy nếu gặp tình cờ đâu đó ...



Cô học trò ấy : Nguyễn Thị Bạch Tuyết cùng niên khóa với Dung ... Năm học đó hình như có 3 em cùng tên Tuyết: Nguyễn Thị Bạch Tuyết (USA), Trịnh thị Bạch Tuyết (Canada), Phạm Thị Tuyết (VN)... còn nữa không !? Thân phụ các em đều chỗ thân tình với nhạc phụ tôi, riêng chú mười, ba của Nguyễn Thị Bạch Tuyết năm nào cũng đến thắp nhang dịp Tết từ khi nhạc phụ tôi viễn du tiên cảnh .

Chủ nhà, bạn tôi, bây giờ mới khai đúng tuổi thật thì ra "ông" lớn hơn tôi những 3 tuổi lận! Điều nầy dễ hiểu vì thời chúng tôi không còn sổ bộ khai sanh, phải làm thế vì khai sanh để đi học với số tuổi "tự biên" cho đúng với cấp học ... Sau hơn có nhiều người còn đổi khai sanh đi lại nhiều lần, thay tên mới .... vì tuổi lính đuổi theo bén gót.

Thuở cùng là đồng nghiệp, hầu như tất cả chúng tôi gọi nhau bằng đầy đủ tên họ : Phan Hữu Dương, Huỳnh Hiếu Đễ, Trần Văn Bỉ, Trần Văn Thu, Dương Thanh Hồng, Trần Bình Trọng ... chỉ khi giữa cuộc họp mới gọi là thầy ... hoặc giáo sư ... mà thôi.

"Ông" chủ nhà nhìn tôi lắc đầu: Vô phương nhìn ra nếu tình cờ ...nhưng giờ nhìn kỹ thì đúng là, chứ không phải kẻ giả mạo ....Vì ông khai tuổi như vậy nên ông và tôi bị kêu đi làm quan một lượt, cùng khóa và hình như chẳng ai làm được cơm cháo gì, nên khi được trả về dạy học lại đều mới có đương nhiên thăng cấp khi đủ năm đủ tháng "Một Cục-Quan Một" ... Ông ba vòng bảy đổi dạy nhiều nơi nhiều tỉnh, cuối cùng hội ngộ là Trường Trung Học Ba Tri cho đến ngày "được nghỉ dài hạn".

Tôi còn món nợ là nhớ ơn ông đã gởi tiền cho khi tôi còn học Anh Văn ở Phi Luật Tân chuẩn bị sang Mỹ định cư ... Ơn thì để đó , không trả cũng không ai làm gì mình được! Khà Khà Khà!!! Hỏi qua vụ làm ăn hiện nay, ông khoe năm rồi riêng vụ bán cây ươm, cây giống .... Ông kiếm được mấy chục xấp ngon ơ!

Ngoài vườn rộng khoảng tròn trèm một mẫu quanh nhà, ông còn khu vườn lớn hơn ở xa ... Tới đây chúng tôi đòi đi lục lạo khu vườn quanh nhà.

Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận hôm ấy:











Trong vườn trồng nhiều nhất là mãng cầu ta (Trái na) đặt trong các chậu xếp thẳng hàng, cách đó sau nầy dễ dọn dẹp hơn trồng dưới đất phải đào xới lấy gốc rễ rất tốn công ... Mấy năm trước ông có gởi cho tôi một thùng mãng cầu ta nầy!


Món Quà

Hồi trưa nhận được món quà
Của người bạn dưới Tampa
Xứ sở bốn mùa nắng ấm
Một thùng đầy mãng cầu ta

Gọi bạn báo tin cười ngất
Thời khủng bố sợ nghi nan
Chẳng dám ghi là "lựu đạn"
An ninh trố mắt khui hàng

Hôm trước đi chơi miền Nam
Vô chợ thấy trái durian
Đề SugarApple là lạ
Nay bạn cũng ghi y chang!

Thôi thì tên không cần thiết
Cám ơn tặng nhắc quê nhà
Đúng mùa mãng cầu đang rộ
Phương nầy gợi nhớ phương xa

NhàQuê 30.08.09






Vườn còn trồng xen kẽ hay riêng góc những loại khác nữa,...có món rau càng cua (rau tiêu) thấy mà thèm, chẳng lẽ đòi chủ nhà một dĩa bóp xổi!

"Thấy mà phát tiếc" ở một góc đám rau lang (dây, ngọn khoai) bị cuốn lại để đất trồng thứ khác ... Ông biết không chỗ tôi họ cân luột xạp 5 đô một pound, về lặt ra luôn lá bỏ cọng mà  chỉ đủ vài đũa ... Phí quá!

Về VN tôi đòi ăn rau lang luộc, ai cũng cười, nhưng cũng chìu ý, còn nói: Tưởng về ăn những món "cao cấp" cho anh chị em còn "ăn theo" được, ai dè đòi ngọn khoai, rau muống, rau tiêu, cá khoai, cá mòi gà, toàn những thứ "bình dân giáo dục" ... Bó tay!

Tôi hay thèm ngọn lang luộc, hồi nhà đất còn rộng, tôi cũng trồng nhiều thứ: Rau muống, cà chua, rau thơm đủ loại, ... Riêng không có dây khoai phải gầy bằng củ mà bị sóc nó tha mất thành ra thường phải mua ... Việc trồng trặc nầy vui chơi là chánh chứ tưới nó trả tiền nước le lưỡi luôn!

Thôi dài dòng chi nữa, vô "xơi" còn về đường xa trời tối

NhàQuê July 13, 2013
 

Văn017- Quắc Cần Câu

Những "con đường xưa Em đi"

 
Du Khúc THÊM LẦN RA BIỂN


Du Khúc 7: Quắc Cần Câu

Khi chúng tôi đến, vài món đã dọn sẳn trên bàn dài , hai hàng ghế hai bên xếp đều nhau ... Được biết các món ăn hôm nay do em Bạch Tuyết làm đầu bếp chánh.

Vợ chồng em là bạn học cùng năm ở Trung Học Ba Tri, hai em đến Mỹ theo diện HO đến vùng Bắc của tiểu bang New York gần biên giới Canada, nơi đây mùa đông rét mướt, nên sau khi liên lạc được bà con cùng quê, gia đình em 4 người gồm: hai vợ chồng và hai con trai đã dọn về tiểu bang Florida nắng ấm nầy .... Nhờ có "Ông" chủ nhà, em có số điện thoại và có gọi thăm tôi.

Chỉ trong vòng chừng 20 năm, hai em đã tạo dựng được có thể gọi là "An Cư Lạc Nghiệp", hai đứa con trai một đã tốt nghiệp dược sĩ, một gần xong chương trình bác sĩ nha khoa ... Tất cả thành tựu vừa kể nhờ chồng sau khi đi làm ngành bưu điện Mỹ về nhà, là xông ngay phụ giúp vợ làm các món ăn, bánh trái bỏ mối cho các tiệm thực phẩm VN trong vùng và cả những khách hàng đặt tiệc, đặt món ăn khi nhà có khách, hoặc đặt món ăn, món bánh cuối tuần ....

Và hôm nay chúng tôi từ miền Đông Bắc tới đây, có dịp thưởng thức các món em làm ...

Ông chủ nhà Dương Thanh Hồng có mời thêm 3 người khách mà khi chúng tôi từ vườn trở vô nhà thì đã có hai người tới: Đều là hàng xóm hoặc cùng vụ việc trồng trặc vườn tược cạnh nhau.

Vị có lẽ lớn tuổi hơn chúng tôi qua đây năm 1975, vị nhỏ tuổi hơn vừa về VN mới trở qua ...
Vợ chồng vị thứ 3 tới trễ hơn vì còn chưa xong công việc ngoài vườn hàng ngày ... vậy mà khi ngồi vào bàn, anh còn bị khách hàng gọi điện thoại mua rau, ngò, ...gì đó.
Tôi nghĩ sau tiệc anh sẽ phải trở ra vườn thỏa mãn theo "đơn đặt hàng" của khách ... Qua nói chuyện thăm hỏi, được biết quê anh ở tại thị trấn Bình Đại cùng tỉnh Bến Tre với chúng tôi ...
Tháng 6 năm 2012, Tư Lịnh và tôi có đến Bình Đại lần đầu tiên và nhớ đời vì đi gần tới biển Thừa Đức lại bị công an biên phòng đuổi trở lại, đòi phải xin phép sở công an ở tỉnh. Thôi thì quay về Ba Tri cho khỏe thân.

Tiệc có rượu cũng bài bản như lâm trận mạc, ban đầu du kích lẻ tẻ với thứ nhẹ như bia cắc bùm chéo qua chéo lại ... Khi đã lớn chuyện "vũ khí nặng" được mang ra bố trí đầy bàn ...
Chủ nhà khoe hàng chục năm nay rượu lễ, rượu tặng, rượu ngâm thuốc "bỗ vô song" cửa, rượu ông uống bà khen ...chất cả tủ vì không ai uống cùng ...
Ông bèn lấy lý do mấy chục năm mới gặp lại bạn bè để tôi không thể nào từ chối: Ừ vô thì vô ! lỡ đụng rồi cứ tiến lên! Chứ ông đâu có biết tôi bỏ rượu cả chục năm rồi theo lời khuyên của bác sĩ thì it mà theo Lịnh của Tư Lịnh tôi thì nhiều ... lý do từ chối bỏ rượu như khi dự tiệc chẳng hạn nên nại sao cho được là: còn lái xe về, ban đêm, đường xa, ...

Cũng it nhiều là dân "Lưu Linh" một thuở, nên tôi tiếc mấy chai XO còn nguyên xi, vì nếu khui uống không hết thì uổng quá ... nên đề nghị "chơi" rượu thuốc cũng là XO nhưng có pha chế gia giảm rồi và tôi là người từ xa đến nên bị chiếu cố và hình như tôi bị "Xa Luân Chiến" , ... không sao: Trận mạc dù bỏ lâu ngày nhưng công lực vẫn còn thâm hậu


(Bà Dương Thanh Hồng: khi tôi gõ cửa bà nhìn ra nói với ông là "có ông nào lạ quắc, không mời mà đến!" Trong lúc chúng tôi là khách chánh của buổi tiệc .... khi tôi xưng tên tất cả trong nhà đều la trời vì mấy chục năm mới gặp lại không nhận ra! kể cả cô học trò Bạch Tuyết vai đầu bếp chánh cũng không nhận ra thầy xưa!)


Từ trái:Bạch Tuyết, Tư Lịnh, Phụ tá của Tư Lịnh, Vị khách láng diềng, chủ nhà Dương Thanh Hồng và cháu, Dung


Cắc bùm với bia


Chuyển sang Đại Tửu


Thêm Phạm (Huỳnh??) Văn Khẩn, Chs/Trung Học Ba Tri, thế hệ 1965 đi làm về!


Cả tiếng đồng hồ sau, Khẩn (Ông Xã của Bạch Tuyết) đi làm về .... khi bắt tay quanh bàn ...bây giờ sau cô vợ tới  ông chồng cũng không nhận ra thầy xưa là ai trong những khách trong bàn .

Không ai để ý là anh chàng rể của Trung Học Ba Tri, ĐẠT vẫn âm thầm từ đầu buổi tiệc, tức từ bia qua rượu mạnh, anh chàng kiêm luôn tài xế hôm nay vẫn "ai tới đâu tui tới đó !"

Đâu qua khỏi sự quan sát, tôi thấy Ông chủ nhà đi ra đi vào ... đó là cách né mấy vòng, mà trán ông vẫn rịn mồ hôi hột!

Rồi cũng phải tới hồi từ giã, hẹn gặp trong kỳ Ba Tri Hội Ngộ lần tới ...

Chúng tôi nhóm từ Exit 98 đến, vẫn bảo toàn được lực lượng và trên đường di chuyển sang nhà Khẩn-Bạch Tuyết

Khu vườn sau, trước của ngôi nhà trệt màu hồng, hình như hai em đã đem tất cả Làng Xã của quận Ba Tri sang đây hay sao mà không thiếu loại cây trái rau cà mướp bầu bí, sả ớt ....như ở quê nhà!











Đạt vẫn lái tỉnh táo, tôi ngồi cạnh chốc chốc nhìn qua, còn Dung thì có vẻ lo lắng nhắc chừng từ hàng ghế sau .

Chúng tôi đến nhà bình yên.

Giấc ngủ thật say cho đến lần thức dậy lúc nửa đêm. Hình như sau nhiều năm, hôm nay lần đầu tiên tôi "Quắc Cần Câu" , nhưng nhờ rượu Tây thứ hảo hạng lại đem ngâm thuốc bá chứng nên êm re không bị hành tỏi gì cả

NhàQuê July 15, 2013

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Văn018- Thêm Lần Ra Biển

Những "con đường xưa Em đi"


Du Khúc THÊM LẦN RA BIỂN

Du Khúc 8: Thêm Lần Ra Biển

Hôm mới tới nhà Dung Đạt, trong bữa cơm "Toàn món Ba Tri mình" , hai em đã dọn từ từ trong đó gần sau hơn hết có khổ qua hầm của nhà trồng và canh khoai lăng cũng của nhà trồng và ăn với món tép rang, tép chắc phải mua ở tiệm VN .

Món tép rang bình dân, phổ thông trong dân dã nhất ... chúng tôi kể cho nhau miên man về chỉ riêng món nầy mỗi nơi trong cùng một tỉnh cũng chế biến khác nhau, góp ý nhiều về món nầy là Huy-Thanh vì chánh hẩu dân vườn Lương Quới, Giồng Trôm ... Nhưng "ấn tượng" nhất là tôm phải rang với nước cốt dừa ... Thời đi học cùng mướn nhà và tự nấu ăn chung, mấy anh em miệt "Ba Châu" : Châu Hòa, Châu Thới và Châu Bình vào mùa tôm đất cá kèo, mỗi lần về nhà khi trở lên đều có đem theo "tôm đất rang nước cốt dừa" ngon "bá cháy", thiếu cơm!

Có lần tôi theo về quê các bạn, mới thấy chỉ một mương dừa bằng con xẻo nhỏ quê tôi mà mỗi lần giỡ nò cả gánh tôm đất cá kèo, vậy mà chừng 15 -20 phút lại giỡ một lần, phải dùng đòn mỗi người một đầu cất lên ... để thấy rằng tôm cá thời đó rất dồi dào ... Nay hình như không còn nữa, ai cũng cho là do dùng nhiều thuốc trừ sâu rầy mà ra! Bây giờ thì người ta nuôi và nhờ thực phẩm chế biến thúc cho các loại thủy sản mau lớn ... không biết có phải vì thế mà hương vị, phẩm chất không bằng ngày xưa chăng ?

Tôi lại kể là năm rồi tôi về VN, có ngụ ở nhiều khách sạn, mỗi sáng khách sạn cho ăn sáng, tôi thích nhất món cháo trắng hột vịt muối hoặc cá nhỏ rang mặn, dưa mắm ... và tôi tiếc là tại sao khách sạn Hàm Luông của Bến Tre lại không có món cháo đậu nước cốt dừa ăn với tép rang thường hoặc rang với nước cốt dừa càng tốt .... cho nó có vẻ đặc sản quê hương xứ dừa ... Dung nói rằng em cũng có ở khách sạn đó (Ks Hàm Luông).

Không ngờ là cô học trò cả 45 năm mới gặp lại nầy, lại để ý đến chi tiết tôi vừa kể trên ... Buổi sáng 15-6-2013, Dung đã đãi tôi món "Bến Tre" nầy mà tôi ao ước để nhớ về một thuở còn nơi quê nhà ... Em nói hồi hôm sau khi ở Tampa về, em thức nấu! Trời Đất !!

Mấy hôm sau khi chuyến đi chơi kết thúc trở về nhà, tôi mới nói thiệt với Tư Lịnh là hôm ở nhà Dung, ăn món cháu đậu đỏ với tép rang ngon quá mà không dám ăn 2, 3 chén .... "sợ Nó cười !" ... và tôi bèn lén làm một màn tái bản (lén vì không cho Tư Lịnh hay ý định của mình) .... Không bằng, thua xa ... báo hại Tư Lịnh không rớ, tôi phải thanh toán sản phẩm do mình chế tạo mấy ngày muốn lòi con mắt ếch ! Cái món đơn sơ như thế mà đã vào chốn văn chương ... Xin gởi vào đây bài thơ của anh Huỳnh Ngọc Diêu, cựu giáo sư Trung Học Kiến Hòa, cựu Dân Biểu Quốc Hội Lập Pháp VNCH, tôi có thay anh đăng trên nhiều Diễn Đàn (Web)

Cháo đậu tép rang

Đơn giản làm sao dĩa tép rang
Từng con tép đất được rang vàng
Bên tô cháo đậu mùi thơm ngát
Chuyện đời chuyện cũ cứ âm vang

Lâu lắm ngày xưa kỷ niệm về
Những ngày hồng thắm ở trời quê
Con sông nước chảy qua cầu ấy
Vẫn giữ ngàn năm mọi ước thề

Người hỏi người ơi có nhớ không?
Để lòng ai đó ngóng cùng trông
Ra đi vui gót theo đường mới
Lối cũ người xưa vẫn một lòng

Khói ấm nhà ai tỏa bếp nhà
Ca dao ai hát nhớ công cha
Vườn xưa tay mẹ bao chăm sóc
Thoáng đã bây giờ mãi cách xa

Bữa ăn đạm bạc vậy mà vui
Đón lại người đi chốn mịt mù
Giờ đây trở lại trong tao ngộ
Nhẹ lòng vui thể tựa ngày xuân

Tép rang mừng rỡ đón ai về
Tâm tình quên lãng chốn sơn khê
Ngừng chân tạm nghĩ vui ngày Tết
Rồi lại phong trần cách biệt quê

Huỳnh Ngọc Diêu
(Những ngày Tết Đinh Hợi)

Sau bữa ăn sáng và cà phê xong, chúng tôi liên lạc với gia đình đứa con gái, dặn chi tiết nơi sẽ đón chúng tôi, và Dung cũng sẳn sàng xe cộ đưa chúng tôi ra nơi hẹn gặp .



Phải nói rằng chương trình trong hai ngày qua, mọi sắp xếp từ trước đến sau đều do Dung Đạt phối hợp với các đồng hương, bạn bè ở Tampa, hai em thật chu đáo ... Ngay sau bữa điểm tâm, Đạt đã soạn sẳn trao tặng tôi một đĩa hình mà em chọn lọc trong số hình chụp 2 ngày qua và một quyển sách về những nhận định sâu sắc về hiểm họa "Trung Quốc" hiện nay .



(www.bentrehome.net vừa nhận được:

 Quyển "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" 


bản Việt Ngữ do Ts Trần Diệu
Chân dịch

Hai em Lê Minh Đạt và Ngô Kim Dung, Florida tặng)


 

Do đó những cử chỉ thân mật lúc giã từ cũng chưa nói hết được sự mến mộ của Tư Lịnh và tôi

Dung đưa Tư Lịnh và tôi ra điểm hẹn, mất độ 5 phút lái; Đó là tiệm Donkin Donut đang nườm nượp khách ghé vào cà phê bánh ngọt buổi sáng ... Dung chờ gặp đủ mặt mọi người chuyện trò giây lát mới nói câu từ giã trở về, phong thái của em làm ai cũng thấy mến, gần gũi ...Và chúng tôi lên đường sau đó vài phút.

Nhập vào I-4 East, chúng tôi đi tiếp theo của đoạn mấy hôm trước đã đi rồi, như vậy khi đến gặp I-95 ở khu vực Daytona là chúng tôi đã đi suốt con đường I-4 nối từ Tampa, một nơi trong vùng vịnh Mexico đến gần bờ Atlantic Ocean .

Theo I-95 North, chúng tôi hướng về thành phố Jacksonville của Florida, nơi đó chúng tôi sẽ lên du thuyền đi Bahamas ... Con đường cái quan I-95 có lẽ là con đường dài nhất bờ Đông nước Mỹ, chạy từ Miami, FL phía Nam qua tất cả tiểu bang bờ Đại Tây Dương đến hết tiểu bang Maines, tiểu bang cực Đông Bắc nổi tiếng tôm hùm. I-95 đến tận biên giới nước láng diềng: Canada ... Dĩ nhiên đi ngang thành phố tôi sinh sống từ khi vào Mỹ đến giờ... Từ nơi tôi lái đến đây phải mất khoảng 40 giờ liên tục.

Trên đoạn đường mất gần 2 tiếng để đến bến tàu, chúng tôi bắt đầu thanh toán những trái cây, những bánh trái, tôi bị ép "xơi" bánh ít ... đã lâu tôi không mấy chiếu cố tới món nầy, bây giờ mới "tái ngộ" .... Khá quá! ...khi viết đến đây tôi mới hỏi Tư Lịnh của ai cho ...Bảo là của chị Dương Thanh Hồng gởi, nhưng có lẽ Bạch Tuyết mới là người làm ra!? Đám trái cây của Dung cho chưa thanh toán hết, cho mãi tới lúc đợi Check-In

Trong thời gian tôi tách ra, hai gia đình của con gái tôi và gia đình anh của rể đi biển Coco



Vào địa phận Jacksonville, lúc trên cầu ngang sông St Johns chúng tôi đều nhìn thấy con tàu đang neo đậu trên bến riêng của nó, theo bảng chỉ dẫn đường và theo máy chỉ đường GPS chúng tôi đến nơi, xuống tất cả hành lý, trong lúc ngồi đợi đem 2 xe đã mướn đến điểm trả, người ngồi đợi tiếp tục thanh toán "triệt để" bánh trái còn lại!

Khi đã có mặt đầy đủ, hành lý ký gởi có máng các tag in trước ở nhà được giao cho nhân viên vận chuyển và những hành lý nầy tới trước chúng tôi và phục vụ đã đặt trước cửa phòng, đó là loại phòng tiện nghi như khách sạn nhưng nhỏ hơn đôi chút .

Hành lý nhẹ còn lại mỗi cá nhân tự lo liệu, chúng tôi xếp hàng nối đuôi người trước, quanh co theo rào chặn tiến từ từ về phía nhân viên an ninh liên bang để gọi là check-in lên tàu ... thủ tục nầy cũng giống như ở các phi trường.
Có chuyện khôi hài là nước uống muốn mang lên tàu phải còn dạng chưa khui ... Tư Lịnh tôi coi kiểm thế nào mà có một chai đã khui nhưng vẫn còn đầy ... với con mắt nhà nghề, nhân viên kiểm soát an ninh nhận ra dễ dàng: Có hai cách giải quyết, một là uống hết tại chỗ, hai là trở ra bỏ vào thùng rác bên ngoài .... Trở ra thì không có lối nhất là trở lại ... Thôi thì ba người Tư Lịnh, Con Gái và Tôi thay phiên nhau thanh toán chai nước một cách bất đắc dĩ

Sau khi đã khớp đầy đủ về mọi info cung cấp từ lúc đặt vé, mỗi người được cấp một thẻ nhựa, chiếc thẻ đó vừa là chìa khóa phòng, vừa là thẻ giao dịch, thanh toán chi phí trên tàu, suốt thời gian trên tàu không có xài tiền mặt ... Điểm cuối trước khi đi ra cầu thang lên tàu, mọi người đều phải qua máy chụp hình nhận dạng, không in trên thẻ nhựa vừa nói ....

Khi đã lên tàu rồi, mọi người đều đến điểm ăn trưa dạng buffet với hàng trăm món ăn mặc tình chọn lựa trong lúc chờ đợi nhân viên trên tàu vừa mới đổi Ê Kíp xếp dọn lại các phòng ... Bữa ăn trưa đầu tiên hình như ngon miệng.

Khi đã nhận phòng xếp đặt hành lý đâu vào đó, tắm xong thì loa gọi tập trung ở "Rạp Hát" để sinh hoạt về các trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, chìm tàu chẳng hạn ... dẫn tới tận nơi tập trung ngoài bao lơn, chỉ cách sử dung phao, thuyền cấp cứu .... y như thiệt !

Sau đó mặc tình vui thú ... Đúng 5 giờ chiều tàu rời bến, nhìn qua cửa sổ thấy các điểm cố định trên bờ lùi dần

Riêng tôi: Thêm Một Lần Ra Biển

NhàQuê July 17, 2013









Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket