Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Văn016- Sau Nhiều Lần Hẹn

Những "con đường xưa Em đi"


Du Khúc THÊM LẦN RA BIỂN

Du Khúc 6: Sau Nhiều Lần Hẹn

Ban sáng từ nhà Dung Đạt, nói theo thói quen là từ Exit 98 của I-4, chúng tôi đi về phía Tây . Bây giờ chúng tôi đang từ khoảng Exit 85 cũng của I-4 tiếp tục đi về hướng Tây, hướng về Tampa nơi phát khởi xa lội I-4 nầy .

* Những xa lộ liên bang (I=Interstate) nếu số chẳn là chạy từ Tây sang Đông và số tên của Exit cũng đánh số lớn dần từ Tây sang Đông ... có tiểu bang cứ thứ tự exit1, 2, 3, 4 ......Có tiểu bang đặt tên theo trụ số tính bằng mile nơi đó ...Thí dụ nhà Dung Đạt ở Exit 98 có nghĩa là nơi đó cách nơi đầu tiên của Xa Lộ I-4 trong địa phận Florida là 98 mile (nói trong địa phận vì xa lộ liên bang do Liên Bang quản lý và thường chạy qua hàng chục tiểu bang, tiểu bang nào đánh số theo tiểu bang đó chứ không tiếp theo tiểu bang láng giềng).

Tên những Xa Lộ có số chẳn đánh số lớn dần từ Nam lên Băc : I-10, I-20, ....I-90

** Tương tự xa lộ liên bang số lẻ thí dụ I-95, sẽ đi theo hướng Nam Bắc, số tên của Exit đánh số từ Nam lên....

Tên những Xa lộ số lẻ đánh số lớn dần từ Tây sang Đông: I-5, ....I-95

Vòng vo Tam Quốc cho các bạn loạn xà ngầu chơi vì chúng tôi còn những it nhất 85 miles nữa mới đến nơi hẹn!
Đường tốt, lượng xe không nhiều, nhìn hai bên đường cây cối đang mùa Hè xanh tươi ....Đây là những tháng phát triển đúng mức của hầu hết các loại thảo mộc .

Tiểu bang Florida được coi như xứ sở của nắng ấm, của cây trái, nhất là cam ... mà tôi chưa thấy một cây cam nào cả dọc theo 98 miles đường dài ... Họ giấu đâu vậy cà ! Nói là nắng ấm chứ lâu lâu chừng 10 năm lại có lạc loài cơn lạnh mùa Đông, có tuyết nhẹ và sau đó đóng băng ... Trường hợp đó cây trái mùa màng bị hư hại nhiều ...tôi có đọc bài viết nào đó nói rằng các trại chủ phải cho phun tưới liên tục ngày đêm chống đông đá cho đến khi ấm trở lại để cứu cây trái!!! Xứ giàu khác xứ ta .

Hồi trước khi VN ăn bo bo, thì chánh phủ Mỹ kêu gọi nông dân Mỹ ngưng trồng lúa mì vốn năm nào cũng trúng mùa, để bảo vệ giá lúa mì trên thị trường thế giới, nông dân trồng lúa mì được chánh phủ bồi thường ... Lạ chưa!? ... Tin phát trên đài VOA, nghe bản tin nhạc phụ tôi cứ ngồi thở ra chắc lưỡi: Xứ Người Ta!

Có đôi lần đi ngang qua các tiểu bang nông nghiệp của nước Mỹ, ruộng bao la nhìn mút tầm mất, xa lắm mới có chum nhỏ cây xanh đó là cơ ngơi trang trại đó đầy đủ tiện nghi như thành thị ... còn ngoài ra là để trồng CỎ ...
Sao lại trồng cỏ:
- loại cho bò ăn được ngăn từng khu 5, 10 mẫu có rào ngăn, bầy bò ăn hết ô nầy lùa qua ô kế, ô ăn xong lại cho tưới dưỡng lớp cỏ mới
- Loại làm thức ăn dự trữ (rơm) được cắt đóng bành
- Loại làm kiểng được xới luôn đất, cuộn tròn và chở đi đến nơi giao hang

Trẻ con các trang trại chủ được gởi vô thành thị ăn học

Lan man chuyện trên trời dưới đất vậy mới thấy đoạn đường 120 Km rất gần .... Tới nơi! Sau khi xuống phố (local) chạy quanh quẹo một đổi, Đạt dừng xe ở carport ngôi nhà trệt có vườn rộng ... Tôi vào trước gõ cửa (chuông) ... Đợi mất vài phút ... trong nhà hình như ai cũng có nhìn ra cửa sổ trước, đều thấy tôi ... Những người có mặt đang trong nhà, tôi đều biết mặt nhờ các DVD kỳ Ba Tri Hội Ngô năm 2010.

Bà chủ nhà ra mở cửa, nhìn tôi ngỡ ngàng hỏi kiếm ai ... Tôi xưng tên họ, đơn vị hiện trú đóng ..... Trời Ơi Là Trời !!! Chị kêu lên .... Vậy là sau hơn 30 năm "diện mạo khôi ngô tuấn tú" của tôi đã thay đổi hoàn toàn đến nỗi không còn nét gì để chị nhìn ra, vây mà mỗi ngày soi gương tôi thấy tôi đâu có khác gì đâu, vũ như cẩn mà!?

Lúc sau khi hàn huyên cùng nhau mới biết khi thấy tôi qua khung cửa sổ, chị nói với chồng chị: Có "thằng cha" nào không có mời mà tới vậy cà! ... Cái "thằng cha nào lạ quắc" là tôi ấy, lại là nhân vật chánh của buổi tiệc mà cả nhà còn đang lo nấu nướng cho lần gặp gỡ hôm nay, sau hơn 30 chia tay nơi quê nhà và biết bao nhiêu lần trong 25 năm gần đây hẹn gặp ... cho mãi đến hôm nay mới thành hiện thực!

Khi tôi đứng ở cửa nhà bếp, lại lần nữa cô học trò kêu Trời: Không có cách chi nhận ra được Thầy nếu gặp tình cờ đâu đó ...



Cô học trò ấy : Nguyễn Thị Bạch Tuyết cùng niên khóa với Dung ... Năm học đó hình như có 3 em cùng tên Tuyết: Nguyễn Thị Bạch Tuyết (USA), Trịnh thị Bạch Tuyết (Canada), Phạm Thị Tuyết (VN)... còn nữa không !? Thân phụ các em đều chỗ thân tình với nhạc phụ tôi, riêng chú mười, ba của Nguyễn Thị Bạch Tuyết năm nào cũng đến thắp nhang dịp Tết từ khi nhạc phụ tôi viễn du tiên cảnh .

Chủ nhà, bạn tôi, bây giờ mới khai đúng tuổi thật thì ra "ông" lớn hơn tôi những 3 tuổi lận! Điều nầy dễ hiểu vì thời chúng tôi không còn sổ bộ khai sanh, phải làm thế vì khai sanh để đi học với số tuổi "tự biên" cho đúng với cấp học ... Sau hơn có nhiều người còn đổi khai sanh đi lại nhiều lần, thay tên mới .... vì tuổi lính đuổi theo bén gót.

Thuở cùng là đồng nghiệp, hầu như tất cả chúng tôi gọi nhau bằng đầy đủ tên họ : Phan Hữu Dương, Huỳnh Hiếu Đễ, Trần Văn Bỉ, Trần Văn Thu, Dương Thanh Hồng, Trần Bình Trọng ... chỉ khi giữa cuộc họp mới gọi là thầy ... hoặc giáo sư ... mà thôi.

"Ông" chủ nhà nhìn tôi lắc đầu: Vô phương nhìn ra nếu tình cờ ...nhưng giờ nhìn kỹ thì đúng là, chứ không phải kẻ giả mạo ....Vì ông khai tuổi như vậy nên ông và tôi bị kêu đi làm quan một lượt, cùng khóa và hình như chẳng ai làm được cơm cháo gì, nên khi được trả về dạy học lại đều mới có đương nhiên thăng cấp khi đủ năm đủ tháng "Một Cục-Quan Một" ... Ông ba vòng bảy đổi dạy nhiều nơi nhiều tỉnh, cuối cùng hội ngộ là Trường Trung Học Ba Tri cho đến ngày "được nghỉ dài hạn".

Tôi còn món nợ là nhớ ơn ông đã gởi tiền cho khi tôi còn học Anh Văn ở Phi Luật Tân chuẩn bị sang Mỹ định cư ... Ơn thì để đó , không trả cũng không ai làm gì mình được! Khà Khà Khà!!! Hỏi qua vụ làm ăn hiện nay, ông khoe năm rồi riêng vụ bán cây ươm, cây giống .... Ông kiếm được mấy chục xấp ngon ơ!

Ngoài vườn rộng khoảng tròn trèm một mẫu quanh nhà, ông còn khu vườn lớn hơn ở xa ... Tới đây chúng tôi đòi đi lục lạo khu vườn quanh nhà.

Dưới đây là những hình ảnh ghi nhận hôm ấy:











Trong vườn trồng nhiều nhất là mãng cầu ta (Trái na) đặt trong các chậu xếp thẳng hàng, cách đó sau nầy dễ dọn dẹp hơn trồng dưới đất phải đào xới lấy gốc rễ rất tốn công ... Mấy năm trước ông có gởi cho tôi một thùng mãng cầu ta nầy!


Món Quà

Hồi trưa nhận được món quà
Của người bạn dưới Tampa
Xứ sở bốn mùa nắng ấm
Một thùng đầy mãng cầu ta

Gọi bạn báo tin cười ngất
Thời khủng bố sợ nghi nan
Chẳng dám ghi là "lựu đạn"
An ninh trố mắt khui hàng

Hôm trước đi chơi miền Nam
Vô chợ thấy trái durian
Đề SugarApple là lạ
Nay bạn cũng ghi y chang!

Thôi thì tên không cần thiết
Cám ơn tặng nhắc quê nhà
Đúng mùa mãng cầu đang rộ
Phương nầy gợi nhớ phương xa

NhàQuê 30.08.09






Vườn còn trồng xen kẽ hay riêng góc những loại khác nữa,...có món rau càng cua (rau tiêu) thấy mà thèm, chẳng lẽ đòi chủ nhà một dĩa bóp xổi!

"Thấy mà phát tiếc" ở một góc đám rau lang (dây, ngọn khoai) bị cuốn lại để đất trồng thứ khác ... Ông biết không chỗ tôi họ cân luột xạp 5 đô một pound, về lặt ra luôn lá bỏ cọng mà  chỉ đủ vài đũa ... Phí quá!

Về VN tôi đòi ăn rau lang luộc, ai cũng cười, nhưng cũng chìu ý, còn nói: Tưởng về ăn những món "cao cấp" cho anh chị em còn "ăn theo" được, ai dè đòi ngọn khoai, rau muống, rau tiêu, cá khoai, cá mòi gà, toàn những thứ "bình dân giáo dục" ... Bó tay!

Tôi hay thèm ngọn lang luộc, hồi nhà đất còn rộng, tôi cũng trồng nhiều thứ: Rau muống, cà chua, rau thơm đủ loại, ... Riêng không có dây khoai phải gầy bằng củ mà bị sóc nó tha mất thành ra thường phải mua ... Việc trồng trặc nầy vui chơi là chánh chứ tưới nó trả tiền nước le lưỡi luôn!

Thôi dài dòng chi nữa, vô "xơi" còn về đường xa trời tối

NhàQuê July 13, 2013
 

Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket