Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

LTC010- Hương Xuân Ba Tri

Hương Xuân Ba Tri

Xuân về tha thướt tiễn Đông đi
Nắng trải lụa mềm đất Paris
Phố xá dập dìu bâng khuâng lạ
Gió Tết thơm nồng hương Ba Tri
............
Phơi phới xuân hồng hoa năm xưa
Tình quê Cô giáo Xuân đong đưa
Líu lo chân sáo ru hồn mộng
Trò thương lễ Tết vòng tay thưa

Có những chiều tà bên bến sông
Nét say thiếu nữ biết chờ mong
Phố chiều nghiêng bóng in nhung nhớ
Khép kín trời mơ dấu nỗi lòng
...........
Trời nổi sóng sầu Xuân viễn phương
Mắt mỏi mòn trông luyến cố hương
Mỗi độ mai vàng he hé nụ
Là mỗi lần Xuân dạ vấn vương

Ba Tri nay đã đổi màu da
Một thời Xuân thắm chóng vội qua
Đường xưa lối cũ phong sương đẫm
Ôi buồn da diết người phương xa
............
Dẫu đời muôn nhịp phôi pha mau
Phố cũ trong ta thắm thiết màu
Thềm xưa vang mãi câu vọng cổ
Xuân mộng hương thề yêu dấu trao

Hoa Chanh

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

LTC008- Xuân Về Ngùi Nhớ Ba Tri

Xuân về ngùi nhớ Ba Tri

Giọt sương ướt gót hài Xuân lạnh giá
Đường ven làng thưa thớt nụ tình Xuân
Cơn gió bấc tím môi Xuân khắc khoải
Còn đâu thời Xuân thắm Ba Tri thương
..........

Xuân Ba Tri mây thanh in nước biếc
Xuân nhuộm hồng đôi má ửng hây hây
Xuân trong trắng dệt nghìn muôn mộng đẹp
Xuân mỉm cười bên đàn trẻ thơ ngây
............

Xuân tao loạn ngậm ngùi hoa ly xứ
Bao năm dài chờ mãi dáng Xuân xưa
Ba Tri hỡi thiên duyên in bóng nhớ
Thổn thức hoài: Xuân thật đến hay chưa

Nhuốm phong trần Thầy bạn vắng lưa thưa
Lệ xa xót tiễn người đi kẻ ở...
Xin trời mơ hãy về trên xứ sở
Xuân bớt sầu trăn trở phận long đong

...........

Xuân thanh bình Mai nở khắp Quê hương
Nắng ngào ngạt lung linh mừng Xuân mới
Khoác "Hương Áo " lên vai "Hành Hương " nguyện
Cầu an lành hạnh phúc ấm no hơn....

Hoa Chanh

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

LTP003- Gọi Thu

Gọi Thu

Một chiều trở lại bến sông xa
Thấp thoáng bóng ai ngang qua nhà
Hỡi người tri kỹ phương nào nhỉ?
Gợi nhớ năm nào thu mưa sa

Lục bình hoa tím trôi trên sông
Thu đến rồi đi lá dỗi hờn
Có lẽ tơ tình chưa phải lúc
Để nắng hanh vàng rơi mênh mông

Dù đã quen biết nhau từ lâu
Từ khi hoa chẳng đổi sắc màu
Hay là em kịp thay màu áo
Tâm thức mơ hồ bảo nhận ra

Sáng trăng soi những ngỡ ban trưa
Nhìn trời ẩn hiện vì sao thưa
Nhạc điệu côn trùng rên sướt mướt
Mà gởi hồn theo mây gió đưa

Rồi bỗng đâu đây vang tiếng kêu
Thăm vài trái chín rụng cành vương
Lênh đênh trên bến đời phiêu bạt
Chẳng nhẽ bước về hay vạc sương

Tôi cố tìm em theo cánh chim
Chân trời góc biển biết nơi mô
Trường giang hờ hững lòng lữ khách
Đàn xuống cung trầm chậm nốt im

THANH PHONG- TỪ PHÚ

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Thơ011- Bài Thơ Viết Tặng HOA CHANH

Bài Thơ Viết Tặng Hoa Chanh

Tặng em hoa trắng tinh khôi
Cho ngày mới khác... nhắc hồi xưa xa
Từ cầu gãy nhịp long đà
Dưới chân nước chảy lại qua vô hồn
Người đi về phía hoàng hôn
Người nghe âm vọng tiếng cồn vẳng đưa

May thay ngưng bão giao mùa
Hai bờ Đại Lục tin đưa một ngày
Còn ngờ chừng rõ mừng thay
Mấy mươi năm dọ đến nay mới là
Cám ơn chi xiết mái NHÀ
Quê hương thu nhỏ ...bao la liền cành

Giờ em trắng muốt Hoa Chanh
Ngày Xưa Gặp Lại thơ dành ngợi ca
Tình quê xứ Bến hiền hòa
Cù Lao ba dãy...phù sa vun bồi
Dù nay góc biển chân trời
Điệu vần em dệt sáng ngời Nữ Lưu ...

NhàQuê Sep 26, 2010

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

LTC008- Mây Qua Đầu Phố

Mây qua đầu phố

Từ độ quê nhà bão giông sấm nổ
Từ giã trường yêu tiếc nhớ mênh mông
Xuân đến Hè qua quắt quay niềm nhớ
Ba mấy năm dài thuyền mộng về sông

Cầu sắt Ba Tri dẫn qua phố thị
Trắng khắp sân trường quận lỵ bâng khuâng
Đất mặn đồng chua tình người chân thật
Thương chữ kim bằng thắm thiết nghĩa ân

Ngỡ kỹ niệm xưa nằm yên góc nhỏ
Ngỡ nhạc quê hương cứ trổi vô tình
Ngỡ một khoảng đời chìm theo năm tháng
Ngỡ đã quên rồi mái rạ chênh vênh

Giọt Thu Chiều nay lòng thêm vương vấn
Trăng Thu mịt mù nghìn hạt mưa giăng
Nỗi nhớ theo mây trôi về quê mẹ
Ta ở phương nầy vọng tưởng cố nhân

Mây lững lờ trôi vắt ngang con phố
Gió thổi bay vèo lá bịn rịn đi
Xin ngọn sóng đời đưa ta về thuở
Trăng sáng thanh bình hương lúa Ba Tri

Hoa Chanh

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Thơ Thân Hữu TRẦN KIÊU BẠC

NGÀY THẦY VỀ NGHỈ HƯU.

Lớp đang chộn rộn về bỗng lặng yên
Khi Thầy nghiêm trang, từng lời chậm rãi
“ Lớp không còn Thầy, ngày mai và mãi mãi”
Vài giây ìm lìm, lớp lại lao xao!

Cơn gió lạnh nào thổi ngọt qua đầu
Tiếng sét lạ nào xô con sắp ngã
Chợt nhìn lên, sao tóc Thầy trắng xóa
Hình như là bụi phấn mới bay lên

Thầy về hưu hẳn là chuyện tự nhiên
Sao trăm con mắt rưng rưng muốn khóc
Sau kính trắng đôi mắt Thầy đã ướt
Thầy quay đi, lớp trở lại lặng yên

Sẽ không còn Thầy đứng trước bảng đen
Không lời giảng bài giọng cao sang sảng
Lớp phấn trắng từng bay theo lãng mạn
Sẽ rơi nhanh, không đậu trên tóc Thầy

Con đò ngang quay cuồng như người say
Bởi người chèo đò không cầm tay lái nữa
Những viên phấn như mái chèo gãy đổ
Cũng quạnh hiu rơi vào góc lớp buồn

Con tiếc tuổi đời chưa kịp lớn thêm
Như hạt thóc chưa nẩy thành cây lúa
Không còn Thầy, con giữa cơn giông tố
Biết thành không, cây lúa của mùa vàng?

Chỉ còn hôm nay, Thầy đứng trước hành lang
Chúng con đàng sau xếp hàng ngay ngắn
Không lao nhao mà giữ lòng yên ắng
Sợ Thầy đi chìm đắm cả con đò

Ngày Thầy từ giã chúng con, trời bỗng mưa to …


TRẦN KIÊU BẠC (California)
MÙA TẠ ƠN 2009.



CÓ MỘT THỜI ĐỂ NHỚ ĐỂ THƯƠNG

Có một thời gội mái tóc còn xanh
Bàn tay nhỏ ôm đầy hoài bảo lớn
Sông không dài muốn vươn ra tới biển
Thuyền vừa ra khơi mơ cá đầy khoang

Qua các ngả đường mê muội lang thang
Theo cánh diều bay tung trời no gió
Bốn lượt đi về vượt con dốc đổ
Chờ nhìn một người qua khói xe Lam

Thả rong sân trường những ngăn trái tim
Dành riêng cho ai hai ngăn tâm thất
Đêm đêm nghe dòng máu tươi mỏi mệt
Lành lạnh chảy về quên lãng châu thân

Nghĩ về một thời tuổi trẻ băn khoăn
Là thấy lại phía Tây ngôi trường cũ
In dấu chân ai xanh bìa vạt cỏ
Hạt cát dãi dầu đau gót guốc cao

Có một thời tâm trí chợt hư hao
Qua cửa sổ tà áo ai vừa khuất
Không còn nhớ chi phương trình công thức
Lên xuống trong hồn nỗi nhớ hình Sin

Vài lần đến lớp muộn đứng ngoài hiên
Lòng xao động tiếng phấn rơi cuối bảng
Giọng Thầy Cô thăng hoa đang phát sáng
Soi rõ từng câu từng chữ trong bài

Cuối mùa thi thằng bạn rớt Tú Tài
Quăng sách vở mang ba lô vác súng
Cô bạn Đệ Tam tiễn đưa lính quýnh
Mắt thẩn thờ khóc ướt đẫm khăn tay

Mấy chục năm đời thoáng chốc đổi thay
Tìm quanh quẩn kỷ niệm xanh còn giữ
Thương quá Thầy Cô bao dung tha thứ
Nhớ lắm bạn bè độ lượng thân quen

Ngoái lại nhìn trong gió giật mưa nghiêng
Nhớ một chút lại tiếc thêm một chút
Trong quá khứ treo một trời hạnh phúc
Gió bây giờ buốt đến tận ngày xưa

Nghe lao xao trong trí nhớ vật vờ
Những câu hỏi chưa lời nào giải đáp
Tay cầm chi để giờ tay lạnh ngắt?
Tóc dài chi cho thơ lẻ lạc vần?

Mưa buồn chi mềm vạt áo người dưng?
Dốc cao chi làm chờ mong thêm lớn?
Cỏ xanh chi bàn chân ai luống cuống?
Phượng hồng chi buồn tháng Hạ ve ngân?

Thôi để tiếng buồn rơi nhẹ ngoài sân
Thời xanh tóc qua rồi còn ngóng đợi
Ngực học trò chưa một lần nói dối
Vẫn giữ hoài phù hiệu cũ làm duyên

Ngẩn ngơ tìm tuổi nhỏ mãi y nguyên
Chỉ toàn trắng màu tang nhìn không rõ
May còn lệ đầy trôi qua mắt đỏ
Khóc hoài một thời để nhớ để thương!


TRẦN KIÊU BẠC









TRỜI KHÔNG CÒN CHÚT MÀU XANH

Trần Kiêu Bạc

Tình cờ con gặp lại Thầy
Cơn mưa chưa dứt, mưa đầy đường trơn
Trời vừa ngã tím hoàng hôn
Xót xa một cảnh đau buồn chiều nay
Con từ thư viện ra đây
Vừa xong bài toán của Thầy hôm qua
Đón xe, tay vẫy tình cờ
Còng lưng Thầy ghé xích lô vào lề
Cũng may, không có bạn bè,
Một mình con, một cổ xe với Thầy
Đèn đường vừa sáng phía Tây
Đưa tay vuốt mặt, Thầy quay lại nhìn
Trời không còn chút màu xanh
Những vầng mây xám vây quanh mắt buồn
Mắt Thầy trong mắt của con
Bốn con mắt ướt, nỗi buồn chia hai
Run run con vịn tay Thầy
Những công thức tóan truyền đầy tay con
Hình thang, chữ nhật, hình vuông
Vẫn lăn theo những vòng tròn bánh xe!
Đường xa vắng khách đi về
Mình con chìm giữa cơn mê cùng Thầy
Mưa còn nặng hạt quanh đây,
Đèn đường vẫn sáng phía Tây phố buồn!!

TRẦN KIÊU BẠC

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

HND001- Bài thơ đề tặng anh Trần Bình Trọng

Bài thơ đề tặng anh Trần Bình Trọng

T
huở thanh xuân vui theo nghề mô phạm
Rao dạy mầm non đất biển cụ Đồ
Ân nghĩa tình đời cao quí văn thơ
Nung nấu tâm tình Ba Tri tuyệt diệu

BếnTreHome xứ người muôn điệu
In bóng quê hương tình nghĩa mái trường
Ngàn vạn tấm lòng nối lại tình thương
Họp bạn ngày xưa tâm tình chia xẻ

Trên vi tính tài năng đầy mới mẻ
Rất tinh vi nhưng cũng rất ngọt ngào
O(ôn) lại cuộc đời qua mấy bể dâu
Nay thanh thản thư nhàn trong tâm trí
Ghi nhận niềm vui không bao giờ nghỉ

Sức khỏe đủ đầy hạnh phúc tràn dâng

Huỳnh Ngọc Diêu 19-10-2011

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Văn011- Cầu Bà Mụ

Bài nầy viết năm 2005, dựng sườn từ bài: Những "con đường xưa Em đi"(Lộ Lạc Hồng)/Forum Tùy Bút/bentrehome.net

In vào Tuyển Tập nầy để:

- Tưởng Nhớ Má Tôi và kính Dâng Tặng các Bà Mẹ miền quê chỉ nhớ mang máng ngày sanh Âm Lịch của con mình.

- Thân mến tặng các bạn có lời chúc sinh nhật của NhàQuê.

- Tặng Nhà Tôi và các Con Tôi năm nào cũng tổ chức sinh nhật cho, theo kiểu hiện nay vào cuối tuần gần nhứt.

- Tặng chính tôi cho có ngày sinh nhật như mọi ngườị


Tác Giả




Những "ngôi trường xưa Em học"



Đoản rời: Cầu Bà Mụ


Hãy tưởng tượng tỉnh lỵ quê của NhàQuê hình vuông, cầu Bà Mụ nằm góc Ðông Bắc hình vuông đó, cầu ván nhỏ không lan can bắt ngang cùng một con rạch Cầu Cá Lóc, con rạch nầy chạy uốn éo từ sông vào đến đây tóp nhỏ lại sắp cùng. Ngày nay có lẽ cầu Bà Mụ đã được xây lại vì góc Ðông Bắc vốn là ngoại ô đó, đất còn rộng rãi, hấp dẫn lớp người mới phất lên, nhất là chiến tranh đã chấm dứt. Cái hình vuông tưởng tượng cũng lớn thêm lên theo tất cả các cạnh của nó; nên cầu Bà Mụ không còn là vùng ven, người xóm cầu Bà Mụ không còn là "Người Ven Ðô" nữa.

Theo như tên cây cầu thì ai cũng đoán ra được nơi đây trước kia có Bà danh tiếng giúp đỡ đẻ, tiếng bình dân là Bà Mụ. Rất lâu về trước, ở cấp Quận mới có trạm y tế và một nhà bảo sanh vài giường, sản phụ thường là cư dân lân cận.

Trong các vùng sâu hẻo lánh, hầu như nhà nào cũng sanh con năm một, đứa thôi nôi đứa đầy tháng mà chẳng có cái nhà sanh công tư nào; mỗi nhà tự làm nhà sanh lấy, một xóm ba mươi nhà dù ọp ẹp đi nữa cũng có ba chục cái nhà bảo sanh. Tiêu chuẩn nầy chưa nước nào đạt được!
Cưới vợ vài ba năm chưa có con, trong nhà bắt đầu lục đục. Mẹ chồng thấy con dâu lén giấu đồ chua trong kẹt khóe đã không còn rầy la, mừng là đàng khác, có khi lại cưng chìu. Anh chàng sắp làm cha hoặc sắp làm cha thêm bắt đầu lo lần cây lá chuẩn bị lợp vại: Vại như một cái chòi, cất nối thêm ra với nhà chánh, có tính cách tạm thời sẽ dẹp bỏ khi đứa con tròn tháng tuổi. Vại ngoài phần che chắn vách phên bốn bề tránh "gió mái", cửa vào hẹp vừa đủ ra vô quạt lửa, lợp lá hoặc tranh. Ðặc biệt cái "giường cữ”thời trang hơn bất cứ món nào trong mái nhà tranh có hai quả tim vàng tổ ấm ấy. Cái giường không có bản sao, chỉ giống với chính nó mà thôi. Thiết kế duy nhất!

Trong một tháng "nằm chỗ" bà mẹ dù sanh con so hay con rạ, phải nằm lửa, xông, tắm, ăn uống…trong phạm vi "Nhà Bảo Sanh" ấy. Vài ngày sau khi sanh có khi tự mình lo cơm nước vì ai cũng bận đồng áng. Nước uống nấu trong có “cây chó đẻ” luôn cả lá rễ gốc: Ðắng nghét!….Tới "bữa ngự thiện khô lân chã phụng" chỉ có muối tiêu nện dẽ nướng than; vậy mà "đàn bà đẻ" vét hết nồi cơm hai lon gạo, vượt chỉ tiêu bình thường: Ăn trung gian cho bé mà!

Mà Bé cũng tội nghiệp lắm: cùng chia cái giường gồ ghề và cái biệt thự um khói hừng hực trong tháng đầu tiên cuộc đời với mẹ và cùng chia sức nóng mẻ than kê dưới lưng của mẹ nữa, nên mấy ngày sau Bé "rỏ" lại nhỏ xíu đỏ hỏm! Bé có được nằm nôi như các bé thị thành đâu dù đã đầy tháng "lên trên".
Trước khi lên trên, bé được tắm tươm tất…để thực sự chào mừng một thế giới mới mà tháng trước đây vì kiêng cử nhiều người không vào chốn ô uế thăm Bé, nên chưa biết mặt Bé, chỉ nghe nói bé giống cha cái nầy, giống mẹ cái kia….Giờ đây “Mụ Bà Dạy" Bé cười chào mọi người trong cái gia đình đông đúc: Chào tất cả, Tôi đây!(Hello everybody, I am here! Nói theo cách trẻ sơ sinh Mỹ khi lần đầu từ bịnh viện về nhà).

Giáp năm theo cách tính gái bớt hai trai bớt một gì đó, Bé được “Tôi Tôi” chứ không phải thôi nôi vì Bé có nằm nôi bao giờ đâu. Dịp nầy Bé chọn nghề nghiệp tương lai cho mình: Bắt cây viết, gom cái kiếng tròn bọc cạnh đẹp đẽ, cạp miếng chè hay vắt xôi và lết về phía có tiếng cười reo của mọi người có mặt, Bé cười thấy đủ mấy cái răng sữa mới nhú. Tiệc thôi nôi có chè xôi, cháo vịt…bắt đầu bàn luận quanh đề tài các món đồ mà Bé hân hoan gom lúc nãy.

Ngày nay khó hình dung ra một loại nhà bảo sanh như vậy, khi mà trẻ con bây giờ được chăm sóc từ trong bụng mẹ cho đến lúc thai phụ có triệu chứng và lâm bồn bởi Bác Sĩ và Nữ Hộ Sinh là những người có trình độ và được huấn luyện chuyên môn trong lãnh vực nầy với tất cả tiện nghi y khoa không ngừng cải tiến.

Ngày xưa đó, Bà Mụ không xem đó là nghề mà tự Bà coi như được Ơn Trên sắp đặt sẳn cho bà nhận lảnh thiên chức ấy, bà không quản ngại đêm khuya, đường xa đã đến tận “Chòi Bảo Sanh” khi gia đình sản phụ đến nhờ Bà.

Khi ‘Bà Bầu" trệ và đau ngầm ngầm, người nhà sắp xếp cho người đi rước Mụ, thường thì hai hoặc ba người khỏe mạnh đến nhà Bà, mô tả tình hình và đốt nhang xin Tổ. Bà huỡn đãi ăn trầu xỉa thuốc ngồi nghe báo cáo. Nếu bà thấy "chưa có gì", Bà biểu: "dìa đi, ba bữa nữa qua".
Nhưng cũng có khi vừa thấy mặt Bà hô: "tới rồi hả!" và nhanh chóng gom góp vật dụng cần thiết, không quên giỏ xách trầu cau, leo lên võng nằm hoặc ngồi, có khi còn hối mấy người khiêng "lẹ lên, lẹ lên" ba người thay phiên gần như chạy lúp súp. Khi không "khẩn trương" lắm Bà kể chuyện nầy chuyện nọ xưa nay cho người khiêng quên đường xa.

Không những một xóm, một xã mà nhiều xã gần nhau đều thọ công ơn của Bà. Dưới bàn tay nâng ấy, các hài nhi cất tiếng khóc chào đời, chào biển khổ: "…Trót sanh ra miệng đà khóc chóe - Trần thế vui sao chẳng cười khì…"

Trước khi được võng đưa về, Bà dặn dò đủ thứ, đủ điều kiêng cữ từ ăn uống đi đứng, khăn choàng, nón đội, tai nhét chân guốc…Tuyệt đối bà không nhận tiền bạc gì của ai!….

Sau khi rụng rún, phần rún khô được bà mẹ gói kỹ nhét mái nhà, mé vách, cất trong hộc tủ…sau nầy đốt hòa chung cho anh em uống mỗi đứa một chút cho chúng thương yêu, hòa thuận lẫn nhau.

NhàQuê cũng trong trường hợp các bé ấy, lại còn thê thảm hơn, theo Má nói lại là NhàQuê lúc ra đời chưa nằm trong lòng mẹ được chín tháng mười ngày, sanh non ngày tháng, èo uột, thấy cả mấy khoanh ruột dưới làn da bụng, khóc mấy tiếng đầu thua mèo đói kêu ngao. Không ai kể là NhàQuê qua được ít con trăng. Xin cám ơn Thượng Ðế!

Vì trường hợp đặc biệt như vậy nên mỗi lần Bà Mụ có dịp ngang qua nhà, thấy Má đang lui cui, lần nào từ ngoài đường Bà cũng hỏi vọng vào "Tư à! Nó chơi hả?": Tư là thứ của Ba, Má theo thứ nầy khi về nhà chồng. Về quê bên vợ, Ba được gọi là dượng theo thứ của Má. Nó ám chỉ NhàQuê. Chơi ý nói mạnh giỏi, bình thường.

Bà quan tâm đến trường hợp sống sót kể là hy hữu của NhàQuê. Má bắt NhàQuê gọi Bà Mụ là bà ngoại, tới mấy năm sau má dắt NhàQuê đi "Giỗ Mụ Bà", vừa tới cửa NhàQuê khoanh tay thưa bà ngoại, Bà hỏi Má: Nó đó hả ? Ý nói thằng nhỏ tưởng đâu “xí lắt léo” rồi mà giờ còn sống nổi đi đám giỗ mụ. Má biểu NhàQuê lạy trang thờ bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Tổ Mụ, trang thờ bà tiên khói hương nghi ngút. NhàQuê lạy búa xua theo Má.

Có một điều NhàQuê biết chắc rằng bà ngoại nầy không phải bà ngoại thiệt của NhàQuê, vì năm nào Má hoặc Ba cũng gánh anh em NhàQuê đi đám giỗ bà ngoại ở tận nơi xa. Mỗi anh, em một đầu thúng, đứa nào cũng được phết chút lọ bếp lên trán xin phép Ông Táo đi xa vắng nhà, đầu thúng NhàQuê phải thêm cục gạch hoặc khoai, bí, trái, củ gì đó, do em của NhàQuê sanh đủ ngày tháng nặng hơn, cồ lự hơn. Ðường về quê ngoại phải qua con đê, cũng có cầu bằng thân cây bắt ngang dòng nước chảy, qua đó ngồi trong thúng nhìn thấy rõ mấy con cá nhỏ bơi lội "vô tư" bên dưới.

Như bao trẻ khác trong hoàn cảnh đó làm sao mà NhàQuê có giấy khai sanh được, học đến lớp tư thầy đòi phải có khai sanh mới chuyển qua lớp ba trường Tổng ở xã lân cận, cả lớp bốn năm chục đứa như nhau, cuối năm nhiều đứa phải bỏ học.
Khoảng chục đứa may mắn được gia đình quan tâm, dắt lên tỉnh cùng lúc để làm thế vì khai sanh; đó là lần đầu tiên NhàQuê được ngồi trong lòng Ba "Ði Xe Hơi", mà mấy đứa cùng chuyến chắc cũng vậy thôi.

Ðợi tới lượt kêu tên vào đứng trước ông Tòa, người lớn đưa tay lên thề thốt sao đó, mấy người thơ ký, lục sự ghi ghi chép chép….Mấy gia đình thay phiên làm chứng cho nhau; Có lần ông Tòa hỏi thử xem đám dân quê nầy đối đáp ra sao “ Sao ông biết thằng nhỏ nầy sanh ngày tháng năm đó?- Ðáp: Bẩm quan Tà, tui có đi đám đầy tháng của nó!”. Ông tòa biết là phịa nhưng cũng thông cảm cho nhóm dân quê nghèo nàn làm chứng vần công cho nhau, thay vì phải mướn người đang thậm thụt chờ sẳn bên ngoài. Chuyện có thật là vào thời đó tại tòa án có hai nghề lạ đời: Làm đơn mướn và làm chứng mướn. Dưới quê của NhàQuê đâu có như vậy, việc gì giúp được người ta giúp thiệt tình!

Cái ông Tòa năm đó ngồi trong mát mà đen thui hà! Sau nầy lên tỉnh học, ông Tòa khác có hai cô con gái Quỳnh Dao và Minh Trân học chung trường với NhàQuê, cô nào cũng yểu điệu dễ thương mà không đứa nào dám hó hé, ngán ông Tòa lắm, Cụ đọc: Nay tuyên án…là bà cố hú!

Thế vì khai sanh dành cho những người sanh trước ngày "Nhật Ðảo Chánh và Việt Minh Cướp Chánh Quyền" vì trong biến động nầy có nơi tất cả giây tờ sổ bộ đã bị thiêu hủy, nay làm lại giấy khai sanh khác thay thế. Do không phải phần lỗi về mình, nên lần làm lại nầy không phải đóng phạt, miễn phí; nhưng chánh quyền địa phương phải xác nhận không còn sổ hộ tịch lưu trử.

Lên án thế vì khai sanh dành cho những ai sanh sau ngày Nhật Ðảo Chánh mà không làm khai sanh, lỗi do chểnh mảng, do đó phải đóng tiền phạt án phí.

Tên trong giấy khai sanh cũng trở thành một câu chuyện vì có đứa “Xấu Háy” khó nuôi bị đặt cho cái tên rất tục, phải sửa lại na ná như: Các, Lớn, Cử, Ðủ…NhàQuê may mắn nhờ Ba có học chữ Nho và Quốc Ngữ đủ đọc truyện Tàu và truyện xưa tích cũ nên ngoài không phải mướn làm đơn, tên anh em NhàQuê toàn tên tốt. NhàQuê được mang tên vị anh hùng mà Ba ngưỡng phục, đến nay xét cho cùng NhàQuê không xứng đáng làm cọng râu của Ngài.

Không như các bạn thành thị và ngày nay, khi sanh ra đã được ghi tên vào sổ bộ, còn dưới quê phải mấy ngày sau gia đình hội ý rồi mới đặt tên cho đừng trùng với tên người lớn trong thân tộc. Vậy mà chưa xong, cả hai ba năm sau có vợ chồng nọ ở cuối ấp, đến nói một cách nghiêm chỉnh, xin Ba Má đặt NhàQuê tên khác vì tên vị anh hùng trùng với tên ông cố ngoại vợ của ông, mà ông cố đó đã qua đời từ lâu, quê đâu tận Bình Ðại, Lục Tiên hay Hồ Cỏ, Cồn Rừng, Thạnh Phong, Thạnh Phú gì đó xa lắm! Ba Má cũng giữ hòa khí thôn lân, bèn đặt thêm cho NhàQuê tên gọi ở nhà; Chỉ ở nhà và trong xóm mà thôi. Do đó có bạn nào tình cờ tới xóm NhàQuê hỏi tên theo giấy tờ đi học thì không ai biết cả.

Chuyện về tên của NhàQuê là chuyện có thật 100% đó các bạn! Má cũng biết đọc biết viết qua xóa mù chữ Cóc a sa, cóc á sá, cóc ớ sớ, cóc e se vài bậc (Cóc Ếch gì cũng vậy mà thầy giáo!), nên Má cũng không chịu đặt tên xấu cho con.

Về ngày sanh cũng nhiều chuyện lạ bốn phương: Anh em sanh cùng ngày tháng khác nhau đúng một năm; Chuyện nầy chấp nhận được. trẻ nào cũng sanh ngày 30, 01, 15 hoặc sanh ngày 5 tháng 6 hay ngày 10 tháng 11…. tất cả phải cho dễ nhớ khi đứng trước tòa: Khớp lắm! Cũng có chuyện sanh ngày 30 tháng 2…tháng 2 làm gì có ngày 30, vì vô ý tòa cũng cho qua nhưng rắc rối về sau. Có tờ báo NhàQuê đặt mua, trong đó có bài khảo cứu của một cây viết lừng lẫy đã nghiên cứu được rằng ông hoàng Rainer xứ Monaco sanh ngày 31 tháng 4. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 chưa ai quên cả hai miền Nam Bắc. Tháng 4 bên Congo cũng chẳng có ngày 31. Xin chào thua và nghỉ mua luôn!

Má chỉ nhớ mang máng ngày rằm tháng tám âm lịch là ngày sanh NhàQuê, nên lấy ngày đó làm dương lịch trên khai sanh, chắc vì vậy mà mấy lần đem lá số tử vi nhờ thầy xem thấy không đúng về những việc quá khứ, suy ra làm sao đúng tương lai được. Tờ “Quy Kỳ” bỏ trong túi đến khi rách dần, mất cái góc có cung thiên di nên không thể nhờ giải đoán cầu may xem tốt xấu khi chuẩn bị ra đi khi trời vừa tối:


" Thùng thùng trống ngực ngũ liên…
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa".


NhàQuê 2005

Văn010- Bến Xe Ngựa





Những "ngôi trường xưa Em học"


Đoản Rời: B Ế N X E N G Ự A


Từ khi có xe lam ba bánh rồi sau đó xe Daihatsu, loại xe có động cơ chạy bằng xăng dầu làm phương tiện chuyên chở khách đường ngắn, đã chấm dứt nhiệm vụ lịch sử của xe ngựa hay ít ra xe ngựa không còn được dành riêng cho bến bãi để đưa rước khách như trước đó.

Như quê của NhàQuê cũng chỉ còn hai chiếc xe ngựa là cùng, mà xe cũng đã cải tiến dùng để chở nên không có mui và hai bánh bằng bánh xe Jeep có bạc đạn, đồng thời có nhíp nâng thùng xe lên vừa tầm ngựa, giúp cho công việc kéo xe của ngựa nhẹ nhàng hơn.







Khoảng năm 1961, NhàQuê được đứa bạn rủ đi SàiGòn thăm bà Ngoại của nó ở đường Bùi Hữu Nghĩa gần chợ Bà Chiểu Gia Ðịnh. Ðó lần thứ nhất NhàQuê đến Thủ Ðô và lần đầu tiên và duy nhất đi xe thổ mộ từ trước lăng Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt đến ngả tư Phú Nhuận, nhưng một đứa phải đứng đeo phía sau và một đứa ngồi vì chuyến xe chỉ còn có một chỗ.

Khi NhàQuê bắt đầu lên tỉnh học, nơi đây còn nhiều xe ngựa và có bến hẳn hòi. Bến xe ngựa là con đường ngắn nằm giữa chùa Viên Minh và đình An Hội, chùa và đình cùng quay cửa chánh ra cùng một con đường tấp nập bậc nhất tỉnh lỵ.

Ðình và nhà lồng chợ đối diện nhau qua con đường Nguyễn Ðình Chiểu tấp nập vừa nói. Từ hướng nhà lồng nhìn qua đình, chùa nằm về phía phải, về sau chùa Viên Minh có xây trường Trung Học Bồ Ðề quay cửa ra bến xe ngựa cũng là lúc xe ngựa lui vào quá khứ.
Riêng đình An Hội vì hùng cứ ở đô thị đầu não của tỉnh nên thần đình thế lực rất mạnh, được giao cho nắm hết lý lịch của mọi con dân trong tỉnh; Vì vậy toán căn cước bọc nhựa trú đóng ngay trong đình dưới sự bảo hộ của thần và ngày nay nghe nói còn lo luôn vụ xuất nhập cảnh nữa không biết có thật vậy không.
Ðình nào cũng có sắc phong của Vua cho vị thần được thờ.





Vào thời đó, nói bến xe ngựa thì ai cũng biết nó ở đâu, nơi chốn quýnh quá thì vén ống quần bà ba, mặt ngoảnh nhìn hai bên cho chắc ăn, trút xong nhẹ nhàng có khi huýt sáo như xong phận sự, mấy cây bã đậu rũ dần ai cũng đổ thừa tại ngựa, chỉ có ngựa biết mình hàm oan là mang tiếng đái bậy….
Ngẫm buồn nhớ thuở xa xưa:



Ðố mặt ai dài bằng mặt ngựa.…
Tuy rằng thú cũng hai giống thú
Thú như ta ai dám phen lê
Ta đã từng đi quán về quê
Ðã ghe trận đánh Nam dẹp Bắc
Mỏi gối nương phò xã tắc
Mòn lưng cúi đội vương công
Ngày ngày chầu chực Sân Rồng
Bữa bữa tựa kề Loan Giá
Hán Cao Tổ năm năm thượng mã
Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu Gia
Ông Quan Công sáu ải thoát qua
Nhờ cậy có Thanh Long, Xích Thố…

(trong Lục Súc Tranh Công)


Bác xà ích là người đánh xe ngựa, trong các chuyện kể thường gặp cô gái mặc áo dài trắng đón xe quá giang, nói chuyện một quảng tự nhiên cô khách dễ mến biến mất hoặc trả tiền mà sáng hôm sau xem lại toàn giấy tiền hàng mã. Ði chơi đêm qua các địa danh có mấy chuyện như vậy: Lạnh nổi da gà!

Thầy cảnh sát Paul bụng phệ nổi tiếng trấn thủ Bến Xe Ngựa nầy: Trong lúc mấy bác xà ích lo vô trong nhà lồng chợ phụ đem hàng hóa của bạn hàng mình ra xe, thầy tháo cương cho ngựa nhảy đực; Ngựa lỏng cốt thì làm sao kéo xe??? Mấy bác xà ích ớn thầy vụ nầy lắm!! Ðúng là thầy Paul, không hiền lành như tướng tá ục ịch đâu!!





Bến xe ngựa nầy đã cho NhàQuê một món quà quý giá tặng các bạn thời thơ ấu của mình, những người đã bao ngày chia xẻ buồn vui, chia nhau từng củ khoai cho đến vịt đấp bùn đem nướng, cùng lang thang chăn trâu cắt cỏ ở quê nhà của NhàQuê: Món quà đó là lông đuôi ngựa!
Chắc các bạn cho rằng món đó mà quý nỗi gì! Quý lắm đấy, không phải để làm hàm râu giả cho kép hát mang, khi thủ vai quan tướng trong các tuồng hát bộ vào mùa cúng kỳ yên của các đình miễu miền quê. Mà quý là dùng lông ngựa nầy vào việc bắt cá…

Quê của NhàQuê tận dưới Ba Tri lận! Dưới đó ít ngựa lắm! Lâu lâu mới thấy một con!

Nghe Ba kể khi xưa mỗi lần bà Cố (bà ngoại của Ba) sai đi công chuyện cho Bà, Ba đều cỡi ngựa đi cho mau, thuở đó còn hoang vu, các con đường ngày nay là hương lộ xe chạy thoải mái, ngày ấy còn là đường mòn quanh co những gai và trâm bầu. Nghe nói đi đâu mà được cỡi ngựa bắt ham! Ba là cháu ngoại nên hèn chi từ đó ….nghèo!

Lần đầu tiên NhàQuê thấy ngựa thiệt khi được lũ bạn rủ qua tận nhà ông Hù Ðê ở xã lân cận coi cho biết. Ông nầy lúc rảnh rỗi kiêm luôn thợ hớt tóc nên có tên kèm HÙ; Thầy hù là thợ hớt tóc, vậy là ông chuyên đè đầu thiên hạ vừa là thợ, vừa là thầy. Chứ không như ngày nay nhiều người làm thầy trước mới được làm thợ sau mà lại là thợ vịn chớ chưa được thợ chánh.

Mà mấy đứa bạn lớn rủ đi coi ngựa là có ý đồ sắp đặt sẳn, đứa nào muốn mấy con nhỏ bạn chú ý thì vô hớt tóc, chỉnh trang lại cái phần có cùng thành phần hóa học với sừng…an vị trên cái ghế đóng bằng cây tạp, quay được; Thế đã là khoa học kỹ thuật lắm rồi!
Ổng choàng cho một miếng vải trắng, thực ra nó màu cháo lòng! Không được giãy giụa à nha, dù có bị rệp lạ hơi bò ra cắn xả giao.
Kể từ đây muốn gãi hay chỉnh đổi thế ngồi phải “báo động” cho ổng trước vì món nào, món nấy của ổng cũng bén ngót. Trong lúc đó bọn còn lại ra chuồng ngựa của ông để coi ngựa.

Ðứa nào có đi học tới lớp ba mới biết được chuồng ngựa còn có tên đẹp hơn là TÀO, nhờ thầy cho tập viết và giải nghĩa thành ngữ: Một Con Ngựa Ðau, Cả Tào Không Ăn Cỏ. Giải nghĩa gì mà khó quá trời! Bịnh không chịu nói mà nói là đau, rồi tào không biết có phải cùng loại với ghe xuồng không đây hè!

Ra chuồng ngựa là thực hiện ý đồ đen tối, hớt tóc chỉ là cái cớ chứ gần nhà cũng có tới mấy thầy hù. Ý đồ đó là lén nhổ lông đuôi ngựa, có dám nhổ trực tiếp đâu! Nó đá giò lái có mà giập dái, dùng bửu bối nhánh tre tước đầu, quấn lông đuôi giựt. Con ngựa đau hí vang. Ổng bỏ tông đơ, kéo, dao cạo, kiếng lão, thằng đang thọ hình và gạt phăng thằng giả bộ chàng ràng chậm bước tiến…Rượt và chạy….

NhàQuê chưa hớt tóc ở nhà ông lần nào, ở nhà Má có dao cạo và viên đá bùn, Má liếc sơ là làm Hù ngay, cạo cho NhàQuê trắng bóc chừa chút xíu đàng trước cho ấm mỏ ác.

Lâu lâu có lạc loài chú ngựa “đường trường xa vó câu” tới, chú nầy lục lạc đồng đen hẳn hòi, còn được che mắt không được liếc ngang liếc dọc, chỉ thẳng một đàng mà đi, không được phát huy sáng kiến sáng tạo gì hết!






Vì ở xa tới nên không rành "phong tục", dịp đó tụi NhàQuê mới tha hồ. Xong, khi xe gần chạy mới cho xóm khác hay, ăn ké không được tiếc hùi hụi: Phải chi tụi bây cho hay sớm, bữa nào đám giỗ, tao lén cho cái bánh ích! Thôi lỡ rồi, bữa nào gánh hát Sơn Ðông lại tụi tao kêu liền đi coi voi ăn mía.

Không ai để ý đến “giá trị” và công dụng của lông đuôi ngựa nên NhàQuê đi ngang qua là chíp bụng liền, quay lại quả thật vô số, mặc sức chọn lựa thứ hảo hạng đen mướt dài phải trên hai tấc trở lên mới được chiếu cố, loại màu hoe đã bị loại rồi đừng nói chi đến lông ngựa bạch, muốn lượm bao nhiêu cũng có.

Kỳ về quê gần nhất NhàQuê đem về phân phát, mấy đứa bạn nhận quà cảm động, cục mịch hỏi: Chừng nào mầy dìa nữa? Chớ tụi nó đâu biết NhàQuê nhớ nhà khóc quá trời, nhất là đêm mưa nghe ếch, nhái, ễnh ương kêu, nhớ nhà muốn bỏ học về luôn.

Tụi bạn còn được vểnh tai đi tỉnh thành hàm thụ một cách say sưa, thỉnh thoảng có đứa dừng lại chất vấn rồi cuối cùng cũng phải công nhận: Trên đó cái gì cũng có, đã quá hén! Ðâu biết rằng NhàQuê có pha mắm muối, gáy nổ và chế thêm trong đó.

Chuyện có thể tin được là nếu không có chiến tranh, không bị bắt quân dịch thì nhiều bạn thuở nhỏ của NhàQuê tới nay chưa qua tới tỉnh lân cận, các cụ thế hệ trước NhàQuê nhiều người đã như thế.

Lông ngựa dùng để vòng các loại cá có đầu lớn hơn cái mình như cá kèo, cá bóng sao, cá thòi lòi….phổ thông nhất là vòng cá kèo.

Sau mùa gặt gần nát rạ, đám cá kèo cựu niên nổi đầu trông thấy phát ghét, Má cứ việc nấu cơm trước, NhàQuê xách cần đi vòng cá một chút là đem về kho ăn mệt nghỉ. Cần vòng cá là một cây trúc dài phơi héo và được đốt lửa để uốn chỉnh cho cây trúc thành thiệt thẳng băng, cắt bỏ một phần ngắn của ngọn to xù, chỗ đó được cắm vào một que tre chuốt nhỏ và thanh để cá nhìn thấy không hoảng sợ, nối vào bên dưới que tre là cọng nhợ màu càng trong càng tốt, cuối cùng mới tới sợi lông ngựa được làm thòng lọng.

Các chú cá vừa kể, nếu chưa bị giật hụt trở nên nhát, thì khi bị NhàQuê từ xa tròng thòng lọng vào cổ, chúng có khuynh hướng ngóc cổ thêm cho NhàQuê dễ "làm ăn" , tình hình rất thuận lợi. Chỉ cần gật nhẹ một cái đưa lên khô cho vào giỏ. Chú cá bị dính vùng vẫy thoát thân quyết liệt, nên đừng giật mạnh tay.

Cá thòi lòi có hai con mắt lộ ra, nên những người mang kiếng mát bị dân quê kêu là thòi lòi lên bờ. Cá nầy nhát hơn nhưng không phải là không vòng được, nếu nó chun xuống hang sâu rồi thì dùng tay hoặc chân phá bể nồi gọ là nơi nó trồi lên để thở, xong đặt vào miệng hang một cái xà di, thường làm bằng trúc kín một đầu, đầu còn lại mở lớn có một cái hom là độc đạo vô rồi ra không được. Cá ngộp trồi lên thở hoặc thấy yên tịnh ra khỏi hang phải chui qua hom, vào xà di và kẹt ở đó: Chào bạn thòi lòi, chờ bạn đây!

Cá thòi lòi kho sả ớt thì khỏi chê, lá gan và cặp trứng ngon độc nhất vô nhị. Thấy chưa việc bắt cá đơn giản như đang giỡn, làm chơi mà ăn thiệt! Tuy nhiên có khi trời gió, nước bị xao động cá đều vô hang không vòng được: Tổ trát, lèo, về không!

Có một lần NhàQuê lấy làm lạ, là một quân nhân thuộc cấp sao đêm nào cũng dùng đèn cầy hơ khắp mình kỹ lưỡng rất lâu trước khi đi ngủ, hỏi ra mới biết anh vốn là nài ngựa đua, tiếp tục giữ cho thân thể luôn gầy, ít ra không lên cân, một trong những yếu tố để thắng cuộc. Lúc đó trường đua Phú Thọ đã đóng cửa dùng làm nơi trú đóng của Liên Ðoàn 5 Biệt Ðộng Quân; Thế mà anh tiếp tục chuẩn bị trong hy vọng chờ ngày, anh cũng cho biết kỹ thuật nuôi ngựa đua rất phức tạp.

Nhiều môn thể thao có ngựa đã được thi tài trong các kỳ thế vận hội. Cỡi ngựa, đua ngựa hiện là môn thể thao được yêu chuông rộng rãi ở các nước không riêng gì Âu Mỹ: Từ trong trại Sungei Besi, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia, NhàQuê thấy xe đủ màu đủ loại, đậu kín mít bãi xe trong những ngày có cuộc đua của trường ngựa lân cận, vang vội tiếng hò reo. Ðất nước thanh bình có khác!

Các danh tướng xưa tên tuổi sáng chói cũng được góp phần nhờ những chiến mã trở thành điển tích: Xích Thố, Long Câu, Ô Chùy ...Ngày nay các nhà bình luận thể thao trên các đài truyền hình không hết lời về các tuấn mã chuẩn bị ra sân đua. Dù không trực tiếp theo dõi, breaking news liền sau đó cũng cho ta sốt dẻo tin tức kết quả cuộc đua được chuẩn bị chu đáo trong sự mong đợi của giới mộ điệu lẫn dân “ghiền” cá độ.

Ngựa cũng được dùng trong các nghi lễ truyền thống của nhiều quốc gia, nhất là ở Anh quốc có cả nơi diễn tập hàng ngày cho đội ngự lâm quân, kỵ sĩ. Thao trường diễn tập có khán đài cho khách dự khán chỉ cách một khu vườn rộng là tới điện Buckingham, gần dinh Thủ Tướng hơn.
Ði từ Cambridge vào London, NhàQuê thấy nhiều đồng cỏ ngựa đang ăn mà lúc chưa nhìn kỹ, ngỡ là đàn bò: Nhiều đến như vậy!

Trong vùng Lancaster, Pennsylvania Hoa Kỳ có khu vực người Hòa Lan di cư, họ sinh sống chung, biệt lập với các sắc dân khác, không dùng các tiện nghi văn minh nên ngựa giúp ích cho họ rất nhiều. Ban đêm lỡ gặp họ đi ngựa chậm rãi trước mặt, bạn cần lái gấp. Bạn nghĩ sao nè??? NhàQuê chờ đến nơi gần nhất có chỗ là quẹo liền!



Nếu bài nầy kết thúc ở đây các bạn có phiền gì không? NhàQuê đã đưa các bạn từ quê ra tỉnh và viễn du bằng ngựa rồi đó. Chúc khi nào phát tài ngon lành, bạn sắm "xế hộp"để đi đó đây cũng đừng quên chọn nó bao nhiêu mã lực (HP,Horse Power)

NhàQuê chỉ trừ chưa chiêu đãi bạn món thịt ngựa mỡ ngà vàng chạy dọc từng thớ thịt; Ngon lắm! Ðã lắm!

NhàQuê 2005


Văn009- Ban Khánh Tiết



Những "ngôi trường xưa Em học"



Đoản 9: Ban Khánh Tiết


Đình làng tôi cũng như tất cả các đình khác trong vùng, đều có cử ra Ban Khánh Tiết, quý cụ trong ban ấy đều là những người được kính trọng, uy tín đầy mình.

Ban Khánh Tiết họp nhau bàn định phân công, lo liệu công việc trong năm, cúng kiến, mời và trả lễ các đình làng bên khi được mời lại, trong đó lần quan trọng nhất là cúng kỳ yên của mỗi đình thường có rước hát bội về diễn ba đêm, vở tuồng nào kết thúc cũng rất có hậu.

Đình nào không làm đủ bài bản như vậy coi như " mất mặt" với các làng khác. Vì tôi đi học rồi mưu sinh nên thực sự không sống ở làng nhiều, chỉ hiểu lờ mờ như vậy. Có vài lần dự đám cúng nhưng là khách mời của vài đình trong vùng.

Không hiểu gì cả mà có lần tôi làm trưởng ban khánh tiết mới tréo cẳng ngỗng. Khen ai khéo đặt ra cái ban nầy trong mỗi lớp của trường trung học. Tên thật sự của nó là Trưởng Ban Trật Tự Khánh Tiết và Vệ Sinh, nghe dài dòng văn tự quá cỡ thợ mộc!!

Số là mới lót tót từ dưới quê lên tỉnh học, đường xá ngang dọc còn chưa rành, còn sợ đi lạc vậy mà "có chức" liền, sướng không???

Trong lớp tôi có tới bốn đứa cùng quận nên sau khi các "chức vụ có ăn" đã bị phe thành thị chiếm hết rồi: Nào là Trưởng Lớp, Phó Lớp, Trưởng Ban Học Tập và Báo Chí, Trưởng Ban Thể Thao và Du Ngoạn, Thủ Quỹ...nên ba ông kia đẩy tôi ra kiếm chút cháo, vớt đỡ con vịt đẹt!!

Chắc là do ông "Ba Tri Thi Tập: Đào Phát Đạt, gọi Ba Tri Thi Tập vì ở Ba Tri, mở miệng ra là nói thơ, Tập là tên ông Thân Sinh... Đúng là Nhất Quỉ Nhì Ma Thứ Ba Học Trò " nhanh miệng giới thiệu người đồng hương là tôi vào "Chức Trưởng Ban Trật Tự Khánh Tiết và Vệ Sinh".

Tôi đắc cử dễ dàng nhờ tôi nhỏ con!! Cám ơn các bạn cùng lớp chỉ mới ngày đầu tiên chưa quen nhau mà tín nhiệm tối đa "trong cuộc bầu cử phổ thông, trực tiếp và kín"!
Các bạn tôi quả có đầu óc khôi hài!!

Năm sau tôi ngán quá, lớp lại cử bạn khác, ông "Hộ Pháp" làm trưởng ban nhiệm kỳ mới; Lại cũng óc khôi hài, phải to con mới giữ nổi trật tự!!

Tôi được xếp hàng trong giới lãnh đạo, trình diện "nội các" nhận tràng pháo tay có cả reo huýt sáo của mấy ông "trật búa" tôi biết về sau nầy .

"Nhậm chức" rồi tôi mới hiểu đây là chức vụ quan trọng vào hàng bậc nhất về nhiệm vụ: Tôi phân công quét lớp một cách "Quốc Pháp Bất Vị Thân" đồng đều và ai tới phiên cũng phải vì lợi ích tập thể mà thi hành.

Nghe nói ở các lớp nam nữ hổn hợp bọn con trai sướng lắm, khỏi làm vụ nầy, vì các cô nàng muốn chứng tỏ "ba đảm đang" nên làm tất, dịp cho người khác coi giò coi cẳng hiền thục, có thể sợ đám con trai khám phá ra "đồ chua" bánh kẹo giấu trong học bàn cũng nên. Lớp toàn nam chúng tôi thì rắc rắc!!

Chổi cùn phải báo cho Thủ Quỷ xuất tiền mua cây khác, việc giữ chổi mới là chuyện rắc rối, thượng phiên bàn giao hạ phiên, lỡ khi họ quên tôi phải đem về nhà ở trọ, chứ để góc lớp đã có mất rồi: Sách xưa có nói ăn cắp chổi thì nghèo mạt rệp vậy mà vẫn mất có tức hôn?!?!
Ở nhà cũng không hiểu tôi vô trường làm tới chức gì mà lảnh được nhiều "chổi chà" như vậy!

Rồi lại còn vụ lau bảng, phải nhúng ướt miếng bọt biển mỗi lần đổi giờ của Giáo Sư, mà hồ nước trong nhà vệ sinh ít khi đầy lại còn nhìn vô muốn phát ói... Bảng phải được lau sạch cuối giờ mà đứa nào cũng mới mười một, mười hai tuổi nên phải nhảy mới với tới mấy chữ thầy viết trên cao, làm như đang ôn các động tác tập thể dục!

Nói trưởng ban cho nghe gồ ghề vậy chớ trong năm chung quy chỉ có vụ quét lớp, lau bảng là thường xuyên các ngày học.

Trật tự thì đâu ai ớn cái thằng nhỏ con nhất, còn khánh tiết tôi chẳng biết làm gì trừ lần tổ chức tiệc chia tay nghỉ Hè mọi người hùn tiền đi mua kẹo bánh và nước ngọt, cái khó là đứa nghèo quá thì có bao nhiêu hùn bấy nhiêu, vậy mà tôi làm được dịp để cho ban văn nghệ hát xướng: Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau...

Trong lớp cũng có vài người không biết học ở đâu cứ mỗi lần rảnh rỗi như tiệc chia tay Hè ngày hôm đó, lại ưa cầm tay người khác hành nghề.

Trước khi nó phán, nó bắt tự mình kiểm soát lại chỉ tay coi có đúng là : bàn tay trái nào cũng có chỉ tay hình chữ AI, bàn tay phải rõ ràng chữ ỈA.

Xong thủ tục rồi bắt đứng dậy xem tướng mạo: Tụi nó phán tôi rằng cuộc đời mầy không khi nào làm được cấp trưởng. Sách Tam Thế Diễn Cầm cũng nói tôi như vậy.


Tất cả đều trật: Tôi có làm Trưởng Ban Trật Tự Khánh Tiết và Vệ Sinh; Nghề của chàng!!!

NhàQuê 2005


Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

LTC008- Nhịp Trống Khai Trường

Nhịp trống khai trường

Vang nhịp trống yêu thương mùa Thu đến
Khắp sân trường nhuộm trắng áo trinh nguyên
Quyện hai tà nhịp chân như bối rối
Ngày khai trường lung linh tuổi thần tiên


Em ở bỡ ngỡ bước vào sân trường lạ
Nắng Ba Tri ấm áp tợ lời thơ
Ôi thân tình đậm đà thân thương quá
Chuyện ngại ngùng bỗng chốc nhẹ như tơ

Cành phượng già hôm nay như trẻ lại
Cây si cười tủm tỉm vẫy chào em
Con đường nhỏ sỏi reo mừng guốc mới
Gió trong lành ngân nga khúc thân quen

Khắp Ba Tri cô giáo làng in gót
Biển xôn xao hoà tấu khúc tình tơ
Đồng rì rào lơ lửng cánh diều mơ
Thơ mộng lắm cả trời thương bể nhớ

Bỗng dồn dập trống tan trường đánh thức
Cổng tường vôi nuối tiếc đứng lặng câm
Tay vụng về phấn ngã nghiêng rưng rức
Giấc mộng đời mới đó mấy mươi năm

Hoa Chanh (Lưu Thị Chiêu)

LTP002- Dang Nắng

DANG NẮNG

Buông bỏ vấn vương,thương tội rành
Cây buồn vắng tiếng hót chim xanh
Ấm trường cường điệu lên cao vút
Cả bốn phương nhìn in bóng anh

Tìm lại mùa xuân trên tuổi thơ
Thời gian đánh mất tự bao giờ
Có phải đêm về anh ghé mộng
Em gìn dáng nắng lúc canh khuya

Dĩ vãng mười năm tựa giấc mơ
Vườn thanh xuôi khiến bởi tình cờ
Lần lữa yêu qua trang sách vỡ
Hương vị ngọt ngào ru tiếng tơ

Nếu biết rằng mai Tây xa Đông
Ra đi xao xuyến cánh phượng hồng
Khép kín cửa lòng trưa hôm ấy
Sau đó tháng ngày đem nhớ mong

Một sáng thu nào hiu hắt mưa
Em suy tư như buổi ban đầu
Gói cả vạn sầu vào tóc rối
Chờ mây trắng ngang nối nhịp cầu

Ngồi đây trầm tưởng ướt mi cay
Trông tin từng phút đợi từng giây
Chiều nay gió cuốn trôi dòng nước
Rắc me vàng nghiêng áo bay

Đêm tháng 9/2011

Thanh Phong - Từ Phú

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Văn008- Trung Học Tư Thục NGUYỄN DU




Những "ngôi trường xưa Em học"




Đoản 8: Trung Học Tư Thục Nguyễn Du



(Di ảnh Thầy Nguyễn Văn Phước, Hiệu Trưởng Trung Học Tư Thục Nguyễn Du, Ba Tri Kiến Hòa)



Nếu vị giám khảo không rộng lượng, chấm bài toán kỳ thi tuyển vào đệ thất trường công mà tôi làm bài sai từ đầu tới cuối, chắc tôi đã rơi đài .


Tôi cũng nhận biết ngay được vì kết quả toàn số lẻ thập phân, lúc đó tôi không còn đủ thì giờ để chép đầu bài rồi làm lại từ đầu trên tờ giấy khác.

Cách giải hoàn toàn đúng theo trình tự. Ðến nay, tôi vẫn thắc mắc là do tôi chép đầu bài thi sai vài con số nào đó hay lỗi do hai vị giám thị viết lên bảng sai.

Cũng may tôi trúng tuyển hạng thấp, nếu không tôi đã là học sinh trường trung học tư thục Nguyễn Du có lẽ.

Một cách rộng rãi, tôi cho 80m x 20m = 1600 m2 là các cạnh và diện tích toàn thể khuôn viên nhà trường gồm hai phòng học trong một thời gian dài và sân bóng chuyền có cái giếng hộc ở cuối, mỗi lần banh ra ngoài hoặc ra lộ hoặc va vào tường hoặc nóc nhà lân cận làm láng giềng thường xuyên méc với văn phòng dù họ cũng là phụ huynh học sinh.
Sự thực chưa chắc trường Nguyễn Du đạt được diện tích "lớn" như vậy!

Tôi đến lớp học của trường lần đầu tiên với sự hướng dẫn và giới thiệu của vị giám thị, khi ấy trường đã được mười tuổi trong suốt chiều dài chung hai mươi năm lịch sử của nó. Trước đó tôi chỉ ngang qua, dù rất nhiều bạn tôi theo học ở đây. Tôi chỉ nhận dạy ở đó nhiều nhất là 8 giờ mỗi tuần, thường thì 4 giờ cho đến ngày miền Nam đổi chủ và trường xóa sổ.

Một cạnh 20 mét vừa nói tiếp xúc với tỉnh lộ 26, đoạn đó tỉnh lộ theo hướng Nam Bắc trước khi nó quẹo đúng 90 độ đổi hướng Tây Ðông để ra biển cách nơi đây khoảng bảy cây số; Do đó kiến trúc chánh của trường là hai phòng học không hướng ra đường mà lại nhìn về hướng Nam, hướng ngôi Giáo Ðường. Tôi không tìm hiểu có phải phần đất trường tọa lạc được mướn của Nhà Thờ hay không.

Tôi quên chưa nói cho các bạn biết trường Nguyễn Du nằm gần rìa phía Bắc của quận lỵ Ba Tri, Quận quê tôi. Thầy hiệu trưởng gắn bó hai mươi năm thủy chung với nó, có người gọi thầy là chủ trường.

Chưa bao giờ tôi thấy thầy ăn mặc cẩu thả, bỏ áo ngoài quần hay mang dép, chưa bao giờ! Thầy mang giày da, áo veston, nón nỉ thoạt nhìn tưởng thầy sắp sửa đi đâu đó. Không, thầy sắp sửa bữa nhậu mỗi chiều ngay trên hàng hiên ngôi nhà lá của thầy gần căn chót của dãy trường hai lớp học, nhà thầy xa đường lộ hơn, cũng quay cửa về hướng Nam, tiếp theo nữa còn vài nhà khác hàng xóm thầy, họ không có đường nào tiện lợi hơn là qua cửa nhà thầy rồi qua sân các lớp học vốn hẹp lại còn lổm ngổm xe đạp trong những ngày có lớp để ra lộ cái, ra tỉnh lộ 26.

Thầy du học ở Pháp về, mấy năm đầu thầy dạy Pháp Văn sau chắc già yếu thầy không đứng lớp nữa.

Chiều nào khi hết giờ dạy ở phòng gần nhà thầy, cách mấy cũng không thoát được khi thầy gọi qua, cùng ngồi trên hàng hiên đó đối ẩm.

Khổ nỗi thầy không cần mồi, kiểu nầy tôi chịu không thấu nên thường phải có món nhấm riêng cho, có thể là sớt ra từ phần dành cơm chiều cho thầy, chí ít cũng là đậu phộng rang. Thầy không uống "sét" bao giờ, phải pha “sô đa” tuy chỉ là cognac nội hóa, thỉnh thoảng mới có Beehive hay Rivalet.

Thầy không ép nhưng theo thầy cho phải lễ, đã là chuyện vất vả dù tôi thuộc hạng cứng đang lên!

Dĩ nhiên rượu vào lời ra, thầy kể chuyện những ngày thầy còn là "dân cậu" con điền chủ, xó xỉnh hầm rượu nào ở Paris cũng có ít nhiều lần thầy đến đó. Thầy "kiên trì giáo dục" hoài đến nỗi tôi thuộc lòng, cộng thêm sách vở nên lần đến Paris tôi đã dễ dàng kiểm chứng vài điều thầy kể khi xưa.

Một món tôi không học được ở thầy là môn đá gà, thầy mê lắm. Nhiều lúc vị giám thị vào lớp nhắc nhở học sinh đóng học phí đúng hạn, phải dừng nói vì đám gà nòi trong chuồng sát vách gáy vang làm cả lớp cười rộ. Mùa lạnh lớp học um khói do đám gà nòi được sưởi ấm thêm cho dù đã nghệ ngãi đúng mức. Ðám học trò vẫn thường đổ thừa khói quá chúng làm bài không được chứ không phải do chúng không thuộc bài.

Chiếc xe lôi đậu chờ thầy và thằng "đệ tử" mang bịch đệm có gà chiến trong ấy đi theo, thì ai cũng biết hôm nay có nhiều trận gà hấp dẫn đâu đó.

Nhớ rằng thầy vẫn khoác veston như hằng ngày khi bước ra khỏi cửa, thầy là người duy nhất trong trường gà mặc như vậy, trong lúc giới mộ điệu có nhiều cụ ông bới tóc củ tỏi...

Các quán nhậu dã chiến di chuyển theo trường gà như vệ tinh không thể thiếu được, đo đó cũng tạo được hưng phấn như xem đá gà mà nhiều người cho đá gà là một nghệ thuật.

Sau 1980 tôi có vài lần thưởng thức món da gà nòi xào lăn và thịt gà nòi "hon đu đủ", thời gian nầy đá gà bị cấm, gà đá được tròng cựa sắt nên trận đấu diễn ra rất nhanh và bên thắng còn được "bắt xác" gà thua vì vậy có món nhậu hấp dẫn nầy: Da gà đã được nghệ ngãi dòn ngon thì phải biết!.

Trong chín năm đầu tiên, Trường Nguyễn Du là trường trung học duy nhất toàn quận Ba Tri, học sinh của trường đủ loại "quốc tịch" của mười sáu xã trong quận và tương đối đông đúc, phải mướn thêm phòng học bên Nhà Thờ. Ðến năm thứ mười lăm cất thêm một phòng học thứ ba quay cửa ra sân bóng chuyền thay thế cho phòng mướn Nhà Thờ đã hết hạn.

Mỗi cấp có được hai lớp, nét đặc biệt là học sinh dù cùng lớp nhưng tuổi đời chênh lệch nhau nhiều, thời chiến tranh nên điều nầy dễ hiểu.
Ở quận miền quê như vậy, thầy cô đã có gia đình hay còn độc thân đi ăn cưới học sinh của mình là chuyện thường, thường như phụ huynh nhờ con mình "thỉnh" thầy tới ăn giỗ hay đám cúng kiến gì đó.

Ngoài vị giáo sư trụ cột sắp xếp môn dạy và thời biểu, con gái ông hiệu trưởng các buổi không học cùng phụ giúp vị giám thị lo việc sổ sách và được mấy thầy "cưng" lắm vì Bé chi xuất trả lương, có khi "kẹt" mấy thầy mượn trước nữa, thế mà vẫn bỏ bao thơ lịch sự đúng mức.

Trường dù nghèo, ở vị trí khiêm nhường nhưng đã hoàn thành vai trò của nó sau hai mươi năm giảng dạy.

Không có thống kê chính xác về tổng số học sinh đã học ở trường đệ nhất cấp nầy; Tuy nhiên tôi khẳng định là nhiều học sinh đã là Bác Sĩ, hoàn tất Cao Học, Sĩ Quan Võ Bị, Sĩ Quan Hải Quân, Sĩ Quan Không Quân, Sĩ Quan Thủ Ðức... đủ các binh chủng và chuyên môn kỹ thuật... có nhiều người mang cấp bậc Ðại Tá không kể chiến tuyến, cũng có nhiều cấp chỉ huy, viên chức thuộc ngành Cảnh sát Quốc Gia, đông nhất phải kể nghề giáo giảng dạy đủ các cấp lớp,... lại cũng có người đạt học vị Tiến Sĩ (Ph.D) tại Hoa Kỳ...Các cựu học sinh Nguyễn Du là doanh nhân thành đạt nhan nhản. Rộng lớn hơn phải kể từ cấp Xã Ấp cho đến Quận Huyện Tỉnh Thành đều có bóng dáng lãnh đạo mà ngày xưa đã có thời theo học Nguyễn Du.


Tất cả đều góp phần với đất nước trong phương vị của họ.

NhàQuê 2005

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

MT001- Chút Xuân

Chút Xuân

Ơi Xuân, em lại đến kia rồi
Áo biếc môi hồng dạo gót chơi
Xinh đẹp, trời nâng niu sắc thắm
Trẻ trung, người đón đợi duyên ngời
Vô tư chẳng cỗi già năm tháng
Trong sáng nào vương lẽ đất trời
Dầu tuổi vàng thu, Xuân vẫn ghé
Tơ lòng gượng dệt chút màu tươi !

Minh Thu

Họa:

Chẳng đợi mà Xuân đã đến rồi
Muôn hồng ngàn tía dạo xa chơi
Bâng khuâng tiếng gió đùa màu biếc
Rộn rã hồn mai điểm sắc ngời
Xuân chất chồng Xuân đầy nẻo sống
Cảnh liền tiếp cảnh rối chân trời
Quí em ta quí mình ta biết
Như mảnh trăng gầy giữ nét tươi

PHAN HỮU



Họa:

Thắm thoát nàng Xuân đến nữa rồi
Hương nồng sắc thắm lại rong chơi
Dáng Xuân tha thướt, người thanh thoát
Nét liễu thơ ngây, mắt rạng ngời
Mưa nắng dãi dầu, âu số kiếp
Tháng năm chồng chất, thật duyên trời
Vui Xuân cứ tiếc Xuân trong mộng
Tuổi dẫu lá thu, vẫn cứ tươi

T. THU



An Phận

(Mùa Đời Qua)


Luyến tiếc mà chi sắp hết rồi
Coi như kết thúc cuộc rong chơi
Xuân hồng ấp ủ nhiều kỳ vọng
Hạ biếc hoài mong chút ánh ngời
Tóc trổ chừng tin vào mạng số
Da mồi nghiệm ứng lẽ cơ trời
Thu, Đông úa xám… phần ta đã
Thấy đủ hề gì luận tốt tươi

NhàQuê

Thơ010- Chỗ Dành Cho Người


Tam triều ánh nhựt thanh liêm khiết
Lục tỉnh thinh danh chí độc tôn


Giải oan muộn

Cảm phục vô vàn tiết cụ Phan
Bao năm gánh chịu nỗi hàm oan
Tượng đồng Thị Xã cam xiêu đổ
Phần mộ Ba Tri chẳng viếng an
Sáu tỉnh, vì dân đành chịu mất
Ba triều, bởi nước xác thân tan
Hơn trăm bốn mấy năm, nay được:
Ái quốc trung quân tiếng cụ Phan

Khoailangsùng



0-0-0-0-0-0-0-0-0


Sá gì một khối xi măng
Dựng lên hạ xuống cầm bằng giỡn chơi
Sử xanh đã tạc tên Người
Một hai Hệ Thức đổi dời được đâu



Chỗ Dành Cho NGƯỜI

Vinh nhục thăng trầm: mới cụ PHAN!
Nơi xa Người có đợi minh oan ?
Trải qua khổ nạn nào đã chuyển
Gặp lúc suy vi mọi vẫn an
Thương cảm kiên trung ngôi mộ nẻ
Chạnh nhìn thiển cận tượng đài tan
Sá chi mấy chuyện ghi rồi đục
Lịch sử luôn dành chỗ cụ PHAN

NhàQuê 16-09-2009

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Họp Mặt Ba Tri 20.09.2011









Họp Mặt Ba Tri 20.09.2011

Bốn mươi bảy năm qua
Thầy trò ta đã già
Bên nhau đầu tóc bạc
Lòng vẫn ngát hương xưa

Gặp nhau mà ngỡ như mơ
Trường Đình ngày đó bây giờ trong tim
Bao kỷ niệm, bao nỗi niềm
Thầy trò một thuở, cơ duyên một đời

Trần Văn Thu 20.09.2011


Họp Mặt 20.09.2011/BaTri









x-x-Dương Phước Tường-Lưu Liêu Đức Minh-Nguyễn Thanh Hòa-Thượng Huy Nam




Khôi (quay lưng, tóc bạc một phần)

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Họp Mặt 20.09.2011


Lâm Thị Anh-Lê Thị Nghĩa-Nhan Kim Cúc-Trần Văn Kề (?)



Lê Văn Tại-Quang Thị Tươi-Văn Thị Lợi-Lê Thị Ngân -Tăng Thuận-Nguyễn Thị Xinh-Trần Thị Long Hữu-Mai-Lý Mỹ Ngó



Trịnh Thị Bạch Tuyết (áo trắng)-Lâm Thị Em




Lâm Thị Em-Vũ Huệ Thanh-Quang Kiêm Liên





Xinh-Long Hữu-Mai (BxHuỳnh Văn Thế,Giồng Tre) -Mỹ Ngó-Bạch Tuyết



Nguyễn Hữu Danh-Trần Văn Thu-Phan Hữu Dương-Nguyễn Minh Lý-xxx-xxx-xxx

CựuGs&CựuHs TrungHọcBaTriHọpMặt(III)20.09.2011

Trong hình có:



1)Trần Văn Thu-Phan Hữu Dương-Nguyễn Thị Hai-Nguyễn Thị Ngọc Mai-Trịnh Thị Bạch Tuyết-Cao Thị Dung- Lâm Thị Em.



2)Huỳnh Văn Hiền-Trần Văn Thập-Phạm Vinh Hoa-x-Lê Văn Tại-Võ Văn Bốn-x-Trương Thuận-x-Trần Thị Sương-Phùng Thị Kim Anh-Lâm Ngọc Huy-Nguyễn Thị Xinh-Lâm Thị Anh-Vũ Huệ Thanh-Trần Thị Long Hữu-x-Lê Thị Nghĩa-Văn Thị Lợi-Trần Thị Thanh Thủy.



3)Cuối phía phải nam là Thượng Huy Nam






-Ngồi: Trần Văn Thu-Phan Hữu Dương-Nguyễn Thị Hai



-Đứng:Nguyễn Minh Lý-Đặng Văn Khánh-x-Huỳnh Văn Hiền-Trần Văn Thập-Dương Phước Tường-Trần Văn Tịnh (?)-Phạm Vinh Hoa-Lê Văn Tại-Triết- Võ Văn Bốn-Nguyễn Thanh Hòa …Thượng Huy Nam











Đứng: Nhan Kim Anh



Ngồi: Bạch Tuyết(áo trắng)-Lâm Thị Em-Vũ Huệ Thanh-Trần Thị Sương-Quang Kiêm Liên


Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Thơ009- Gặp Cỏ Cây Quen




Gặp Cỏ Cây Quen

Đứng góc công viên... buổi sáng Hè
Nơi miền Đông Bắc vẻ đang khoe
Tần ngần dừng lại hình ghi vội
Gặp nét quê hương khó thể dè

Bỗng nhiên trong dạ lại đâm lo
Chịu nổi làm sao lạnh cóng giò
Áo nỉ khăn quàng còn muốn uể
Mặc dày mấy lớp cũng co ro

Xa xứ gặp nhau biết mấy mừng
Giống cây nhiệt đới… biết đâu chừng
Từ miền sông rạch... tình cờ lạc
Xa xứ gặp nhau biết mấy mừng

NhàQuê Aug 20, 2011


Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

LTC007- Giọt Nắng Ba Tri

Giọt nắng Ba Tri

Trường xưa trải nắng Ba Tri
In trong ký ức người đi thương hoài
Đã hơn ba mấy năm dài
Mà sao giọt nắng hình hài không phai


Ba Tri chợ huyện mưa bay
Nửa quen nửa lạ gió xoay trăm chiều
Thương cây cầu sắt phong rêu
Đường xưa đưa lối vào yêu thuở nào

Tìm về thăm lại Bãi Ngao
Lao xao sóng vỗ lòng nao nao buồn
Học trò lưu lạc muôn phương
Còn đây kỷ niệm trào tuôn giữa trời

Đàn chim tản mác trùng khơi
Ba Tri giọt nắng khôn nguôi thì thầm
Bạn xưa trò cũ tình thâm
Tim bùng ánh lửa bao năm cháy ngầm
Người xưa nay vắng xa xăm
Paris nhớ lắm trăng rằm Ba Tri

Hoa Chanh

( Cảm tác khi xem phim video cuả anh NhàQuê gởi trong Quán Đủ Món Thơ
trong www.bentrehome.net .
Cám ơn Xã Trưởng đã cho em sống lại những ngày xưa thân ái .....!)



Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

LTC006- Đêm Dài Sắp Sáng

Đêm dài sắp sáng

Đất phù sa bồi vườn xanh bát ngát
Muối Ba Tri mà mượt sóng tình quê
Quê Cái Mơn cành trĩu trái xum xuê
Dừa tráng bánh Mỹ Lồng ôi ngọt lịm

Bao sợi nhớ sợi thương luôn hiện diện
Kiến Hoà nay loang lổ vết tường rêu
Thành im lìm chiến mã lạc tình yêu
Sai lỡ nhịp , thanh âm xưa vẫn sáng

Yên cương chiếu nguyên trinh màu hùng tráng
Cánh mai rừng vai máng áo hiên ngang
" Dậy mà đi " vó ngưa nhịp vang vang
Ngời chói rạng đuốc thiêng ngày xum họp

Trăng đầy ngõ rừng cờ bay bóng rợp
Thuyền lướt nhanh sống dậy cánh buồm mơ
Thành quách cũ giăng tơ chờ dũng sĩ
Sương mai vờn thỏ thẻ tiếng loa thơ

Hoa Chanh

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

LTC005- Ba Tri Niềm Nhớ Không Tên

Ba Tri niềm nhớ không tên

Paris vào mùa nắng ấm . Mỗi độ Hè về từ trẻ em đến người trọng tuổi ai ai cũng đều tỏ ra rất dễ chịu và thoải mái .Có lẽ sau những năm tháng u sầu cùng mưa Thu và cái mùa Đông gía buốt đã khiến cho người người thật hân hoan khi có ông mặt trời hiện diện thật lâu trong những ngày Hè . Ta có dịp thân thiện hơn với người hàng xóm vì câu chuyện mở đầu trong ngày thường là : hôm qua Anh ( chị , em) có xem trận đá banh giữa ......và ...... tiếp sau đó là những lời bàn về nhũng cầu thủ , về những cú đá tuyệt vời....

Thường vào Hè là mùa tranh giải thể thao nhộn nhịp . Khoảng bốn năm một lần người ta lại tổ chức những trận túc cầu quốc tế . Những cầu thủ đi tranh giải cho bất cứ một quốc gia nào cũng đều được săn sóc kỹ lưỡng về chế độ dinh dưỡng cũng như về mặt tinh thần . Đội nào cũng muốn giành phần thắng nên các huấn luyện viện " o gà " kỹ lắm !. Ngay cả sân để tập dợt cũng như sân diễn ra trận đấu đều đúng tiêu chuẩn quốc tế với những kích thước đúng đắn được bao phủ bởi lớp thảm cỏ mượt mà ...

Mình vòng vo dài vòng văn tự bởi vì khi nhìn các cầu thủ sau màn dự đấu, sự thắng thua đã làm cho kẻ khóc người cười . Lòng tôi nao nao hồi tưởng nhớ về một khoảng đời xa xưa ...
.
Năm ấy mình còn rất trẻ .Ra trường làm cô giáo với bầu nhiệt huyết tràn đầy . Bước đầu đời tránh sao sự lo âu hồi hộp , nhưng thật là duyên may hạnh ngộ với Ba Tri , một quận lỵ xa xôi mà người ta đồn rằng ấy là nơi nước mặn đồng chua , khi chân ướt chân ráo bước đến mấy ai tránh khỏi sự ngại ngùng bỡ ngỡ .Nhưng những khắc khoải ấy được nhanh chóng xóa tan để thay vào đó niềm hân hoan khó tả khi mình được ban giám hiệu và đàn Anh Chị đồng nghiệp tiếp đón thật ân cần .

Năm tháng dần trôi ...có biết bao câu chuyện quẩn quanh trong nghề nghiệp đôi khi cười ra nước mắt mà lắm lúc cũng nhiều sự việc rất đỗi đắng cay. Mình lấy niềm vui làm hành trang tiến bước và những nỗi buồn mỗi lần gặp phải mình cố phấn đấu hơn để vượt chông gai lướt qua .Sự can đảm ấy có được một phần là do tấm lòng của những em học trò sống trong làng mạc đơn sơ bình dị mà trái tim thật là nhơn hậu đã cho mình những tấm tình người ấm áp vô biên .

Mùa Xuân năm ấy ....Trường trung học Ba Tri được mời tranh giải đá banh cùng trường trung học Mỹ Lồng . Thầy H là trưởng ban thể thao sẽ phụ trách dẫn đội banh thi đấu . Trong đội tuyển của trường có rất nhiều em là học trò của mình , chúng rủ nhau đến nhà và mời mình đi xem buổi tập dợt trước khi ra quân .

Sân tập là một cánh đồng trơ gốc rạ . Vì gần Tết sau vụ mùa có nơi người dân lên liếp trồng dưa hấu . Còn người dư dả hơn thì đất ruộng bỏ trống chờ mùa mưa mới cày cấy cho vụ mùa sau . Thương thiệt là thương học trò ở quê thời ấy , hầu hết chúng đều "xuống sân " với những bước chân trần . Thử mà tưởng tượng xem , gốc rạ khô đâm vào chân , không quen sẽ bị rướm máu như bị kim châm .Đau thấu trời xanh !. Ấy vậy mà khi nghe tiếng cổ vũ reo hò của các bạn chung quanh , đội tuyển Ba Tri xông xáo lừa banh có thua gì những đội banh chuyên nghiệp !

Hôm ấy . Đúng vào ngày ra quân......Thầy trưởng ban thể thao bận việc gia đình không thể nào hướng dẫn đội banh của trường lên Mỹ Lồng thi đấu . Các em học sinh của đội banh cùng những cổ động viên nhao nháo lên, có đứa muốn mếu vì sợ rằng sẽ bị bỏ cuộc . Ban giám hiệu và các em đại diện khẩn cấp hội ý. Bỗng một đám đông học trò ào ạt kéo đến bên mình và đồng thanh hô to: Hoan hô cô C. Ban giám hiệu đã đồng ý mời cô đại diện cho trường Ba Tri mình dẫn tụi em đi thi đấu . Úy mèn đét ơi !!! Tôi hết cả hồn và có lẽ là gương mặt mình lúc nầy trông buồn cười lắm, nếu so với tàu lá thì có lẽ da mình bấy giờ chắc chắn là tái xanh hơn .

Nhưng khi nghe lời khẩn khoản của đám học trò dễ thương, mình không đành lòng từ chối . Mà nhận thì cũng hơi "teo ". Nói có trời đất minh chứng, thiệt tình hồi nhỏ đến giờ mình có xem qua vài lần thiên hạ tập đá banh trong sân vận động ở Bến Tre, xem cho qua thời giờ trong khi chờ tập thể dục do cô Ất làm chủ nhiệm . Mình chỉ thấy họ giành banh đá qua đá lại chứ còn luật lệ mình có biết tí gì đâu ! Thôi thì may rủi phú cho trời . Hy vọng mọi tốt lành sẽ đến cho đội nhà .

Thấy trò chúng tôi chuẩn bị lên đường . Thời mới đổi đời nên củi quế gạo châu , không nên thắc mắc đòi hỏi nên , đành tự túc mà đi . Nghĩ lại mà thương vô cùng đám học trò chơn chất của mình . Dưới cái nắng gay gắt ban trưa mà thầy trò hè hụi chở nhau trên những chiếc xe đạp cũ kỷ . Thương nhứt là những cổ động viên hầu hết là những đứa con gái dễ thương, dù những đôi má đỏ ửng vì nắng táp , mồ hôi nhễ nhại mà vẫn cố đạp cho xe lăn bánh đều đặn để theo kịp đám con trai . Các em gái thật là chu đáo, chúng cụ bị chở theo những thứ giải khát dù toàn là cây nhà lá vườn: nào mận, nào chanh, nào mía, nào củ sắn vừa mới nhổ lên nhai nghe giòn rụm.....Ôi Khoan khoái làm sao trong lúc cổ khô mệt mỏi như vầy những quả trái quê hương nghe thật đậm đà hương vị thân thương .

Đoàn xe đap cọc cạch lăn bánh , vất vả lắm chúng mình mới đến được điểm hẹn .Đó là sân trường trung học Mỹ Lồng . Để cho các em trong đội banh được nghĩ ngơi hồi sức khoảng hai mươi phút . Giờ đây , chúng tôi đã sẳn sàng xuất trận ra quân . Phía đội banh Mỹ Lồng có các thầy theo ủng hộ . Trọng tài là hai thầy đến từ Giồng Trôm . Thật tình mà nói , người ta thường ví những người có máu ham thích thể thao hầu hết họ đều có tinh thấn thượng võ cao , nhưng trong sân đấu hôm nay ôi sao mà tréo ngoe ngược ngạo!.

Mình thì chẳng biết ất giáp gì về luật chơi banh, hơn nữa mình lại là phái nữ nên cả "trọng tài và huấn luyện viên" của hội Mỹ Lồng toa rập nhau để " ăn hiếp " đội Ba Tri . Nhiều lần bị bắt lỗi ức oan . Cả đội banh lẫn đám học trò cổ động viên của mình tức tối khiếu nại :

- Tụi nó phạm luật : "Me" nhiều lần mà trọng tài không phạt sao cô không phản đối . Đòi phạt "Me" đi cô! tụi nó chơi xấu và ăn gian quá !

Tôi ngẩn tò te và láp giáp một mình ; tại sao đá banh chơi xấu mà phải phạt bằng me? Mà phạt mấy ký một lần?

Bỗng bầu không khí sôi động bị phá tan bởi vang vang một chuỗi cười ròn rã của một bác ngồi bên cạnh tôi, bác ấy rất thích coi đá banh nên chịu khó đội nắng ra đây

- Đám học trò của Ba Tri có lý vì Đội Mỹ Lồng ăn gian dùng tay để giành banh đó cô giáo ơi !

Mình vỡ lẽ mới hiểu ra : " me " là nói trại của từ " main " . Bó tay !

Nhưng trời thương người ngay thế yếu ( chỉ yếu kém hiểu biết về luật lệ chơi banh thôi à nha ) , nhưng bù lại sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết dâng cao đã giúp cho các cầu thủ Ba Tri thắng cuộc với chỉ số 2-0 . Đội tuyển Mỹ Lồng đành ôm banh về nhà ... nghiên cứu . Hen sẽ rửa hận lần sau..

Thầy trò chúng tôi khăn gói trực chỉ Ba Tri quận . Tuy rằng hơi mệt vì cố sức trong trận đấu nhưng trong đoàn luôn vang động tiếng nói cười rôm rả . Dù con đường dài long chong đầy ổ gà sỏi đá ;nhưng hình như chúng tôi đã quên đi những muộn phiền trong trận tranh hùng . Trong giây phút nầy thầy trò thật thoải mái hân hoan để cùng nhau hít thở bầu không khí thơm lành dịu mát của hương quê . Mặt trời chiều len lén núp sau những đám mây thong thả chờ trăng . Những cánh đồng hai bên đường hôm nay trông thân thương lạ !. Tự dưng mình nghe một niềm vui khó tả len nhẹ vào hồn ...

Chiều nay ngồi ngắm hoàng hôn bên bờ sông Seine . Gió tung tăng thổi sóng lao xao bì bõm vỗ vào bờ .Hình ảnh ấy khiến mình cảm thấy nao lòng biển nhớ Ba Tri . Lớp bụi thời gian dù đã hơn ba mươi năm vô tình bao phủ theo những hối hả của cuộc sống đời thường . Nhưng trong tôi mỗi khi tìm về quá khứ vẫn nhớ vẫn thương những kỷ niệm buồn vui của một thời êm đềm được làm cô giáo nơi quận Ba Tri .

Xin vẫy tay chào: Giồng Bông , Giồng Nhàn., Tân Thủy ..Tạm biệt nhé Ba Tri yêu mến . Dù phượng trường xưa có già thêm vì nhuốm nhiều phong sương . Nhưng tim phượng luôn hồng khi mà vị mật hương xưa vẫn luôn ngọt ngào thoang thoáng bâng khuâng....


Ôi ! Ba Tri phượng hồng ươm sắc thắm
Ta mênh mang niềm nhớ rủ nhau về
Người xa xăm vẫn còn tương tư phố
Nghe rưng rưng lời hẹn sẽ về thăm

Hoa Chanh (Lưu Thị Chiêu)

Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket