Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Văn008- Trung Học Tư Thục NGUYỄN DU




Những "ngôi trường xưa Em học"




Đoản 8: Trung Học Tư Thục Nguyễn Du



(Di ảnh Thầy Nguyễn Văn Phước, Hiệu Trưởng Trung Học Tư Thục Nguyễn Du, Ba Tri Kiến Hòa)



Nếu vị giám khảo không rộng lượng, chấm bài toán kỳ thi tuyển vào đệ thất trường công mà tôi làm bài sai từ đầu tới cuối, chắc tôi đã rơi đài .


Tôi cũng nhận biết ngay được vì kết quả toàn số lẻ thập phân, lúc đó tôi không còn đủ thì giờ để chép đầu bài rồi làm lại từ đầu trên tờ giấy khác.

Cách giải hoàn toàn đúng theo trình tự. Ðến nay, tôi vẫn thắc mắc là do tôi chép đầu bài thi sai vài con số nào đó hay lỗi do hai vị giám thị viết lên bảng sai.

Cũng may tôi trúng tuyển hạng thấp, nếu không tôi đã là học sinh trường trung học tư thục Nguyễn Du có lẽ.

Một cách rộng rãi, tôi cho 80m x 20m = 1600 m2 là các cạnh và diện tích toàn thể khuôn viên nhà trường gồm hai phòng học trong một thời gian dài và sân bóng chuyền có cái giếng hộc ở cuối, mỗi lần banh ra ngoài hoặc ra lộ hoặc va vào tường hoặc nóc nhà lân cận làm láng giềng thường xuyên méc với văn phòng dù họ cũng là phụ huynh học sinh.
Sự thực chưa chắc trường Nguyễn Du đạt được diện tích "lớn" như vậy!

Tôi đến lớp học của trường lần đầu tiên với sự hướng dẫn và giới thiệu của vị giám thị, khi ấy trường đã được mười tuổi trong suốt chiều dài chung hai mươi năm lịch sử của nó. Trước đó tôi chỉ ngang qua, dù rất nhiều bạn tôi theo học ở đây. Tôi chỉ nhận dạy ở đó nhiều nhất là 8 giờ mỗi tuần, thường thì 4 giờ cho đến ngày miền Nam đổi chủ và trường xóa sổ.

Một cạnh 20 mét vừa nói tiếp xúc với tỉnh lộ 26, đoạn đó tỉnh lộ theo hướng Nam Bắc trước khi nó quẹo đúng 90 độ đổi hướng Tây Ðông để ra biển cách nơi đây khoảng bảy cây số; Do đó kiến trúc chánh của trường là hai phòng học không hướng ra đường mà lại nhìn về hướng Nam, hướng ngôi Giáo Ðường. Tôi không tìm hiểu có phải phần đất trường tọa lạc được mướn của Nhà Thờ hay không.

Tôi quên chưa nói cho các bạn biết trường Nguyễn Du nằm gần rìa phía Bắc của quận lỵ Ba Tri, Quận quê tôi. Thầy hiệu trưởng gắn bó hai mươi năm thủy chung với nó, có người gọi thầy là chủ trường.

Chưa bao giờ tôi thấy thầy ăn mặc cẩu thả, bỏ áo ngoài quần hay mang dép, chưa bao giờ! Thầy mang giày da, áo veston, nón nỉ thoạt nhìn tưởng thầy sắp sửa đi đâu đó. Không, thầy sắp sửa bữa nhậu mỗi chiều ngay trên hàng hiên ngôi nhà lá của thầy gần căn chót của dãy trường hai lớp học, nhà thầy xa đường lộ hơn, cũng quay cửa về hướng Nam, tiếp theo nữa còn vài nhà khác hàng xóm thầy, họ không có đường nào tiện lợi hơn là qua cửa nhà thầy rồi qua sân các lớp học vốn hẹp lại còn lổm ngổm xe đạp trong những ngày có lớp để ra lộ cái, ra tỉnh lộ 26.

Thầy du học ở Pháp về, mấy năm đầu thầy dạy Pháp Văn sau chắc già yếu thầy không đứng lớp nữa.

Chiều nào khi hết giờ dạy ở phòng gần nhà thầy, cách mấy cũng không thoát được khi thầy gọi qua, cùng ngồi trên hàng hiên đó đối ẩm.

Khổ nỗi thầy không cần mồi, kiểu nầy tôi chịu không thấu nên thường phải có món nhấm riêng cho, có thể là sớt ra từ phần dành cơm chiều cho thầy, chí ít cũng là đậu phộng rang. Thầy không uống "sét" bao giờ, phải pha “sô đa” tuy chỉ là cognac nội hóa, thỉnh thoảng mới có Beehive hay Rivalet.

Thầy không ép nhưng theo thầy cho phải lễ, đã là chuyện vất vả dù tôi thuộc hạng cứng đang lên!

Dĩ nhiên rượu vào lời ra, thầy kể chuyện những ngày thầy còn là "dân cậu" con điền chủ, xó xỉnh hầm rượu nào ở Paris cũng có ít nhiều lần thầy đến đó. Thầy "kiên trì giáo dục" hoài đến nỗi tôi thuộc lòng, cộng thêm sách vở nên lần đến Paris tôi đã dễ dàng kiểm chứng vài điều thầy kể khi xưa.

Một món tôi không học được ở thầy là môn đá gà, thầy mê lắm. Nhiều lúc vị giám thị vào lớp nhắc nhở học sinh đóng học phí đúng hạn, phải dừng nói vì đám gà nòi trong chuồng sát vách gáy vang làm cả lớp cười rộ. Mùa lạnh lớp học um khói do đám gà nòi được sưởi ấm thêm cho dù đã nghệ ngãi đúng mức. Ðám học trò vẫn thường đổ thừa khói quá chúng làm bài không được chứ không phải do chúng không thuộc bài.

Chiếc xe lôi đậu chờ thầy và thằng "đệ tử" mang bịch đệm có gà chiến trong ấy đi theo, thì ai cũng biết hôm nay có nhiều trận gà hấp dẫn đâu đó.

Nhớ rằng thầy vẫn khoác veston như hằng ngày khi bước ra khỏi cửa, thầy là người duy nhất trong trường gà mặc như vậy, trong lúc giới mộ điệu có nhiều cụ ông bới tóc củ tỏi...

Các quán nhậu dã chiến di chuyển theo trường gà như vệ tinh không thể thiếu được, đo đó cũng tạo được hưng phấn như xem đá gà mà nhiều người cho đá gà là một nghệ thuật.

Sau 1980 tôi có vài lần thưởng thức món da gà nòi xào lăn và thịt gà nòi "hon đu đủ", thời gian nầy đá gà bị cấm, gà đá được tròng cựa sắt nên trận đấu diễn ra rất nhanh và bên thắng còn được "bắt xác" gà thua vì vậy có món nhậu hấp dẫn nầy: Da gà đã được nghệ ngãi dòn ngon thì phải biết!.

Trong chín năm đầu tiên, Trường Nguyễn Du là trường trung học duy nhất toàn quận Ba Tri, học sinh của trường đủ loại "quốc tịch" của mười sáu xã trong quận và tương đối đông đúc, phải mướn thêm phòng học bên Nhà Thờ. Ðến năm thứ mười lăm cất thêm một phòng học thứ ba quay cửa ra sân bóng chuyền thay thế cho phòng mướn Nhà Thờ đã hết hạn.

Mỗi cấp có được hai lớp, nét đặc biệt là học sinh dù cùng lớp nhưng tuổi đời chênh lệch nhau nhiều, thời chiến tranh nên điều nầy dễ hiểu.
Ở quận miền quê như vậy, thầy cô đã có gia đình hay còn độc thân đi ăn cưới học sinh của mình là chuyện thường, thường như phụ huynh nhờ con mình "thỉnh" thầy tới ăn giỗ hay đám cúng kiến gì đó.

Ngoài vị giáo sư trụ cột sắp xếp môn dạy và thời biểu, con gái ông hiệu trưởng các buổi không học cùng phụ giúp vị giám thị lo việc sổ sách và được mấy thầy "cưng" lắm vì Bé chi xuất trả lương, có khi "kẹt" mấy thầy mượn trước nữa, thế mà vẫn bỏ bao thơ lịch sự đúng mức.

Trường dù nghèo, ở vị trí khiêm nhường nhưng đã hoàn thành vai trò của nó sau hai mươi năm giảng dạy.

Không có thống kê chính xác về tổng số học sinh đã học ở trường đệ nhất cấp nầy; Tuy nhiên tôi khẳng định là nhiều học sinh đã là Bác Sĩ, hoàn tất Cao Học, Sĩ Quan Võ Bị, Sĩ Quan Hải Quân, Sĩ Quan Không Quân, Sĩ Quan Thủ Ðức... đủ các binh chủng và chuyên môn kỹ thuật... có nhiều người mang cấp bậc Ðại Tá không kể chiến tuyến, cũng có nhiều cấp chỉ huy, viên chức thuộc ngành Cảnh sát Quốc Gia, đông nhất phải kể nghề giáo giảng dạy đủ các cấp lớp,... lại cũng có người đạt học vị Tiến Sĩ (Ph.D) tại Hoa Kỳ...Các cựu học sinh Nguyễn Du là doanh nhân thành đạt nhan nhản. Rộng lớn hơn phải kể từ cấp Xã Ấp cho đến Quận Huyện Tỉnh Thành đều có bóng dáng lãnh đạo mà ngày xưa đã có thời theo học Nguyễn Du.


Tất cả đều góp phần với đất nước trong phương vị của họ.

NhàQuê 2005

Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket