Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Văn018- Thêm Lần Ra Biển

Những "con đường xưa Em đi"


Du Khúc THÊM LẦN RA BIỂN

Du Khúc 8: Thêm Lần Ra Biển

Hôm mới tới nhà Dung Đạt, trong bữa cơm "Toàn món Ba Tri mình" , hai em đã dọn từ từ trong đó gần sau hơn hết có khổ qua hầm của nhà trồng và canh khoai lăng cũng của nhà trồng và ăn với món tép rang, tép chắc phải mua ở tiệm VN .

Món tép rang bình dân, phổ thông trong dân dã nhất ... chúng tôi kể cho nhau miên man về chỉ riêng món nầy mỗi nơi trong cùng một tỉnh cũng chế biến khác nhau, góp ý nhiều về món nầy là Huy-Thanh vì chánh hẩu dân vườn Lương Quới, Giồng Trôm ... Nhưng "ấn tượng" nhất là tôm phải rang với nước cốt dừa ... Thời đi học cùng mướn nhà và tự nấu ăn chung, mấy anh em miệt "Ba Châu" : Châu Hòa, Châu Thới và Châu Bình vào mùa tôm đất cá kèo, mỗi lần về nhà khi trở lên đều có đem theo "tôm đất rang nước cốt dừa" ngon "bá cháy", thiếu cơm!

Có lần tôi theo về quê các bạn, mới thấy chỉ một mương dừa bằng con xẻo nhỏ quê tôi mà mỗi lần giỡ nò cả gánh tôm đất cá kèo, vậy mà chừng 15 -20 phút lại giỡ một lần, phải dùng đòn mỗi người một đầu cất lên ... để thấy rằng tôm cá thời đó rất dồi dào ... Nay hình như không còn nữa, ai cũng cho là do dùng nhiều thuốc trừ sâu rầy mà ra! Bây giờ thì người ta nuôi và nhờ thực phẩm chế biến thúc cho các loại thủy sản mau lớn ... không biết có phải vì thế mà hương vị, phẩm chất không bằng ngày xưa chăng ?

Tôi lại kể là năm rồi tôi về VN, có ngụ ở nhiều khách sạn, mỗi sáng khách sạn cho ăn sáng, tôi thích nhất món cháo trắng hột vịt muối hoặc cá nhỏ rang mặn, dưa mắm ... và tôi tiếc là tại sao khách sạn Hàm Luông của Bến Tre lại không có món cháo đậu nước cốt dừa ăn với tép rang thường hoặc rang với nước cốt dừa càng tốt .... cho nó có vẻ đặc sản quê hương xứ dừa ... Dung nói rằng em cũng có ở khách sạn đó (Ks Hàm Luông).

Không ngờ là cô học trò cả 45 năm mới gặp lại nầy, lại để ý đến chi tiết tôi vừa kể trên ... Buổi sáng 15-6-2013, Dung đã đãi tôi món "Bến Tre" nầy mà tôi ao ước để nhớ về một thuở còn nơi quê nhà ... Em nói hồi hôm sau khi ở Tampa về, em thức nấu! Trời Đất !!

Mấy hôm sau khi chuyến đi chơi kết thúc trở về nhà, tôi mới nói thiệt với Tư Lịnh là hôm ở nhà Dung, ăn món cháu đậu đỏ với tép rang ngon quá mà không dám ăn 2, 3 chén .... "sợ Nó cười !" ... và tôi bèn lén làm một màn tái bản (lén vì không cho Tư Lịnh hay ý định của mình) .... Không bằng, thua xa ... báo hại Tư Lịnh không rớ, tôi phải thanh toán sản phẩm do mình chế tạo mấy ngày muốn lòi con mắt ếch ! Cái món đơn sơ như thế mà đã vào chốn văn chương ... Xin gởi vào đây bài thơ của anh Huỳnh Ngọc Diêu, cựu giáo sư Trung Học Kiến Hòa, cựu Dân Biểu Quốc Hội Lập Pháp VNCH, tôi có thay anh đăng trên nhiều Diễn Đàn (Web)

Cháo đậu tép rang

Đơn giản làm sao dĩa tép rang
Từng con tép đất được rang vàng
Bên tô cháo đậu mùi thơm ngát
Chuyện đời chuyện cũ cứ âm vang

Lâu lắm ngày xưa kỷ niệm về
Những ngày hồng thắm ở trời quê
Con sông nước chảy qua cầu ấy
Vẫn giữ ngàn năm mọi ước thề

Người hỏi người ơi có nhớ không?
Để lòng ai đó ngóng cùng trông
Ra đi vui gót theo đường mới
Lối cũ người xưa vẫn một lòng

Khói ấm nhà ai tỏa bếp nhà
Ca dao ai hát nhớ công cha
Vườn xưa tay mẹ bao chăm sóc
Thoáng đã bây giờ mãi cách xa

Bữa ăn đạm bạc vậy mà vui
Đón lại người đi chốn mịt mù
Giờ đây trở lại trong tao ngộ
Nhẹ lòng vui thể tựa ngày xuân

Tép rang mừng rỡ đón ai về
Tâm tình quên lãng chốn sơn khê
Ngừng chân tạm nghĩ vui ngày Tết
Rồi lại phong trần cách biệt quê

Huỳnh Ngọc Diêu
(Những ngày Tết Đinh Hợi)

Sau bữa ăn sáng và cà phê xong, chúng tôi liên lạc với gia đình đứa con gái, dặn chi tiết nơi sẽ đón chúng tôi, và Dung cũng sẳn sàng xe cộ đưa chúng tôi ra nơi hẹn gặp .



Phải nói rằng chương trình trong hai ngày qua, mọi sắp xếp từ trước đến sau đều do Dung Đạt phối hợp với các đồng hương, bạn bè ở Tampa, hai em thật chu đáo ... Ngay sau bữa điểm tâm, Đạt đã soạn sẳn trao tặng tôi một đĩa hình mà em chọn lọc trong số hình chụp 2 ngày qua và một quyển sách về những nhận định sâu sắc về hiểm họa "Trung Quốc" hiện nay .



(www.bentrehome.net vừa nhận được:

 Quyển "CHẾT BỞI TRUNG QUỐC" 


bản Việt Ngữ do Ts Trần Diệu
Chân dịch

Hai em Lê Minh Đạt và Ngô Kim Dung, Florida tặng)


 

Do đó những cử chỉ thân mật lúc giã từ cũng chưa nói hết được sự mến mộ của Tư Lịnh và tôi

Dung đưa Tư Lịnh và tôi ra điểm hẹn, mất độ 5 phút lái; Đó là tiệm Donkin Donut đang nườm nượp khách ghé vào cà phê bánh ngọt buổi sáng ... Dung chờ gặp đủ mặt mọi người chuyện trò giây lát mới nói câu từ giã trở về, phong thái của em làm ai cũng thấy mến, gần gũi ...Và chúng tôi lên đường sau đó vài phút.

Nhập vào I-4 East, chúng tôi đi tiếp theo của đoạn mấy hôm trước đã đi rồi, như vậy khi đến gặp I-95 ở khu vực Daytona là chúng tôi đã đi suốt con đường I-4 nối từ Tampa, một nơi trong vùng vịnh Mexico đến gần bờ Atlantic Ocean .

Theo I-95 North, chúng tôi hướng về thành phố Jacksonville của Florida, nơi đó chúng tôi sẽ lên du thuyền đi Bahamas ... Con đường cái quan I-95 có lẽ là con đường dài nhất bờ Đông nước Mỹ, chạy từ Miami, FL phía Nam qua tất cả tiểu bang bờ Đại Tây Dương đến hết tiểu bang Maines, tiểu bang cực Đông Bắc nổi tiếng tôm hùm. I-95 đến tận biên giới nước láng diềng: Canada ... Dĩ nhiên đi ngang thành phố tôi sinh sống từ khi vào Mỹ đến giờ... Từ nơi tôi lái đến đây phải mất khoảng 40 giờ liên tục.

Trên đoạn đường mất gần 2 tiếng để đến bến tàu, chúng tôi bắt đầu thanh toán những trái cây, những bánh trái, tôi bị ép "xơi" bánh ít ... đã lâu tôi không mấy chiếu cố tới món nầy, bây giờ mới "tái ngộ" .... Khá quá! ...khi viết đến đây tôi mới hỏi Tư Lịnh của ai cho ...Bảo là của chị Dương Thanh Hồng gởi, nhưng có lẽ Bạch Tuyết mới là người làm ra!? Đám trái cây của Dung cho chưa thanh toán hết, cho mãi tới lúc đợi Check-In

Trong thời gian tôi tách ra, hai gia đình của con gái tôi và gia đình anh của rể đi biển Coco



Vào địa phận Jacksonville, lúc trên cầu ngang sông St Johns chúng tôi đều nhìn thấy con tàu đang neo đậu trên bến riêng của nó, theo bảng chỉ dẫn đường và theo máy chỉ đường GPS chúng tôi đến nơi, xuống tất cả hành lý, trong lúc ngồi đợi đem 2 xe đã mướn đến điểm trả, người ngồi đợi tiếp tục thanh toán "triệt để" bánh trái còn lại!

Khi đã có mặt đầy đủ, hành lý ký gởi có máng các tag in trước ở nhà được giao cho nhân viên vận chuyển và những hành lý nầy tới trước chúng tôi và phục vụ đã đặt trước cửa phòng, đó là loại phòng tiện nghi như khách sạn nhưng nhỏ hơn đôi chút .

Hành lý nhẹ còn lại mỗi cá nhân tự lo liệu, chúng tôi xếp hàng nối đuôi người trước, quanh co theo rào chặn tiến từ từ về phía nhân viên an ninh liên bang để gọi là check-in lên tàu ... thủ tục nầy cũng giống như ở các phi trường.
Có chuyện khôi hài là nước uống muốn mang lên tàu phải còn dạng chưa khui ... Tư Lịnh tôi coi kiểm thế nào mà có một chai đã khui nhưng vẫn còn đầy ... với con mắt nhà nghề, nhân viên kiểm soát an ninh nhận ra dễ dàng: Có hai cách giải quyết, một là uống hết tại chỗ, hai là trở ra bỏ vào thùng rác bên ngoài .... Trở ra thì không có lối nhất là trở lại ... Thôi thì ba người Tư Lịnh, Con Gái và Tôi thay phiên nhau thanh toán chai nước một cách bất đắc dĩ

Sau khi đã khớp đầy đủ về mọi info cung cấp từ lúc đặt vé, mỗi người được cấp một thẻ nhựa, chiếc thẻ đó vừa là chìa khóa phòng, vừa là thẻ giao dịch, thanh toán chi phí trên tàu, suốt thời gian trên tàu không có xài tiền mặt ... Điểm cuối trước khi đi ra cầu thang lên tàu, mọi người đều phải qua máy chụp hình nhận dạng, không in trên thẻ nhựa vừa nói ....

Khi đã lên tàu rồi, mọi người đều đến điểm ăn trưa dạng buffet với hàng trăm món ăn mặc tình chọn lựa trong lúc chờ đợi nhân viên trên tàu vừa mới đổi Ê Kíp xếp dọn lại các phòng ... Bữa ăn trưa đầu tiên hình như ngon miệng.

Khi đã nhận phòng xếp đặt hành lý đâu vào đó, tắm xong thì loa gọi tập trung ở "Rạp Hát" để sinh hoạt về các trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, chìm tàu chẳng hạn ... dẫn tới tận nơi tập trung ngoài bao lơn, chỉ cách sử dung phao, thuyền cấp cứu .... y như thiệt !

Sau đó mặc tình vui thú ... Đúng 5 giờ chiều tàu rời bến, nhìn qua cửa sổ thấy các điểm cố định trên bờ lùi dần

Riêng tôi: Thêm Một Lần Ra Biển

NhàQuê July 17, 2013








Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket