Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

LPH08- PHẬT PHÁP TRONG CHỮ HÁN (Tiếp theo)

PHẬT PHÁP TRONG CHỮ HÁN 

(tiếp theo)


CHỮ NGÃ (我) gồm bộ QUA (戈) là cái mác, một loại binh khí thời xưa và chữ THỦ (手) là tay. NGÃ là tiếng xưng hô, ngôi thứ nhất, có nghĩa là TA, tôi. TẠI sao tiếng xưng hô không dùng chữ KHẨU là miệng, hay chữ NGÔN là lời mà dùng TAY (thủ) và MÁC (qua). Có lẽ Thánh nhân thấy chúng sinh, nhất là cõi NGƯỜI chấp NGÃ quá nặng nên dùng hai hình tượng này để diễn đạt cái tâm của con người. Con người vì vô minh nên cho rằng THÂN SẮC (do đất ,nước, gió, lửa tạo ra) là có thật; cái TÂM vọng tưởng là có thật, nên ra sức bảo vệ, không cho ai đụng chạm đến mình. Khi tiếp xúc, đối đãi nhau thì đưa mác ra để ngăn chận, nếu cần thì sẵn sàng gây thương tích cho nhau. Xã hội càng văn minh thì chấp NGÃ càng nặng và “hàng” càng hiện đại: mã tấu, súng, chất nổ…Vì chấp NGÃ nên chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến người, coi mình là trên hết. Ông Nguyễn Hiến Lê nói rất đúng: “ mỗi người đều có một ông quan, đó là ông quan trọng”. Chấp NGÃ là một chướng ngại rất lớn trên bước đường tu tập. Còn cái tôi cá nhân là còn mãi trong luân hồi lục đạo. Muốn tu hành (kể cả tu thân, xử thế) thì phải biết buông đao. Cổ nhân nói rằng buông đao sẽ thành Phật (thực tế đã chứng minh điều này). Tu là phải diệt tiểu NGÃ, còn chấp NGÃ mà muốn chứng đắc chẳng khác nào nấu cát thành cơm. Tiểu NGÃ trở về đại NGÃ, tức một trong tất cả, tất cả là một, là giác ngộ, thấy được 10 phương pháp giới.

Chữ NHẪN trong Phật pháp giúp ta diệt tiểu NGÃ rất hiệu quả. Trước khi diệt NGÃ, chúng ta cần phải tìm hiểu về TỨ NIỆM XỨ mới thấy diệt NGÃ là đúng và mới vui vẻ thực hành (Nếu có người tối ngày ra sức xây dựng, trang trí cái nhà thuê trong một thời gian ngắn thì bị cho là điên vì chỉ có điên mới làm như vậy; nếu đời là cõi tạm, như nhà thuê thì trên thế gian, người điên nhiều như cát sông Hằng).

Có người nói vui rằng kẻ giang hồ có mã tấu, quan chức có súng, còn người dân “lương thiện”, đâu có “hàng” mà buông! Nên nhớ là “hàng” có hai loại: hữu hình như dao, súng…; vô hình như tự ái, giận hờn, ich kỷ, tham, sân, ngã mạn…đều là chướng ngại do chấp NGÃ mà có.

Trong chữ Hán còn có một từ chỉ ngôi thứ nhất nữa, đó là chữ NGÔ

Chữ NGÔ (吾) gồm có bộ KHẨU (口) và chữ NGŨ (五) là 5. Sự khác nhau giữa NGÃ và NGÔ như sau: Hướng về mình mà xưng là NGÃ (nên quá coi trọng mình); còn hương về người mà xưng là NGÔ, hướng về người nên có sự thông cảm, quý mến nhau nên dùng KHẨU, chứ không dùng tay cầm mác, chữ NGŨ là 5 đức tính tốt đối đãi nhau, đó là NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN .

Chúng tôi xin giải thích thêm một ý khác nữa: Tay cầm mác ở đây ví như người chiến sĩ canh nơi biên giới, canh chừng quân thù, nghĩa là nếu có một vọng tưởng tham, sân, si nào nổi lên thì phải đốn ngay tức khắc, đây là cách diệt NGÃ rất hay,đòi hỏi một quyết tâm cao như chiến sĩ ngoài biên thùy.

CHỮ ÁI (愛) là thương yêu gồm có bộ TÂM (心), chữ TRẢO (爫) là móng vuốt của thú vật, chữ MỊCH (冖) là bao trùm, che chở, chữ TRUY (bộ ở dưới cùng của chữ ái) là đến sau, phía sau. Con thú đưa móng vuốt ra chiến đấu, hù dọa để che chở cho con của chúng, con chúng núp ở phía sau mẹ.

ÁI là một tình cảm đẹp của con NGƯỜI, tại sao lại dùng hình tượng con vật để diễn tả. Đây chính là điều thú vị giúp ta tìm hiểu, chỉ có Thánh nhân mới nghĩ ra như vậy. Tại sao? Vì các Ngài có lục thông, ngũ nhãn, hiểu rõ TÂM chúng sinh. Con người thường tự hào mình văn minh, có lý trí nhưng đâu có biết rằng, chúng ta đã trải qua vô lượng kiếp trong luân hồi lục đạo, vô lượng kiếp làm kiếp súc sinh. Khi trở thành người, ta mang theo vô lượng chủng tử, tập khí của súc sinh, cho nên tình cảm, sở thích… con người giống muông thú là điều đương nhiên (Chuyện kể rằng có một vị chân tu đắc quả A La Hán nhưng Ngài hay ngồi trên cây vì tiền kiếp của Ngài là con khỉ, dù chứng đắc nhưng tập khí thích ở trên cây trong tiền kiếp vẫn còn).

Tuy nhiên, súc vật kém phước đức nên mê muội nhiều hơn, tình cảm rất hẹp hòi ,chỉ trong phạm vi con cái, bầy đàn. Ở một mức độ thấp, thì lòng thương con của súc vật giống như con người. Bởi vậy, có người hỏi một triết gia Đông phương rằng NHÂN là gì, ông đáp: “ hùm sói chính là NHÂN” (vì chúng cũng biết thương con như người). Lời đáp rất thâm thúy: nếu chúng ta không tu tập, rộng mở tâm hồn, sống hẹp hòi, chỉ biết có con cái, gia đình,phe phái thì chẳng khác gì hùm sói.

Nếu không tu tập, sống buông xuôi, thì chủng tử súc sinh sẽ hiện hành mạnh mẽ, điều khiển tâm chúng ta, khiến ta hành động y như súc vật. Người bình dân, thất học nhưng nhận xét của họ lại đúng với chân lý: khi thấy một kẻ xấu xa, gian ác, họ nói: “đồ súc sinh”, tức đúng phần gốc; trong khi các vị trí thức thì cho là do gia đình, xã hội, giáo dục tác động, tức đúng phần ngọn (tu tập sửa được phần gốc, giáo dục sửa được phần ngọn). Súc vật cũng thương yêu con chúng, giống như con người.Nhưng con người có cộng nghiệp tốt hơn, thân xác hoàn hảo hơn (nhờ phước đức), văn mimh hơn, có lý trí tốt hơn, có nền giáo dục… nên tình yêu (ÁI) được nâng cấp theo thời gian. Từ tình cảm gia đình đến xóm làng, rồi vượt qua lũy tre làng đến tình yêu đất nước. Chữ ÁI tiếp tục được nâng cấp bằng cách thêm chữ NHÂN, chữ BÁC (nhân ái, bác ái). Tột cùng của ÁI là tình nhân loại (vượt qua biên giới quốc gia ). Thế gian rất ngưỡng mộ những con người giàu lòng nhân ái, nhưng Phật pháp thì không dùng từ ÁI mà dùng chữ TỪ BI. Trong kinh điển ta thấy chữ SI ghép với ÁI (SI ÁÍ). SI là mê mờ, là bụi đầy trong tâm nên không nhìn thấy xa (không có lục thông), không nhìn thấy được các cõi khác, tiền kiếp của mình, của súc sinh (là bà con thân thuộc) nên chỉ tốt với người mà giết hại thú vật. Vì vậy mà người có lòng nhân ái, vẫn sát sinh vô tư…Chẳng những sát sinh thú vật mà cả người nữa. Vì mạng sống của mình, của người thân, của phe nhóm … mà giết hại nhau. Từ Bi thì hoàn toàn ngược lại, vì mạng sống của chúng sinh (kể cả súc sinh) sẵn sàng hy sinh bản thân mình. Trong sử Phật có những câu chuyện kể về việc nầy rất cảm động, tưởng như huyền thoại, nhưng chúng tôi chỉ xin nhắc lại chuyện (đời nay) về HT. Thích Thiền Tâm, lúc Ngài ẩn tu ở Đại Ninh, Lâm Đồng (vãng sinh 1992): Khi Ngài vào chùa thì có một con rắn du trên cửa, đe dọa, Ngài có dư khả năng để giết nó, cứu mình. Nhưng không, Ngài quán Từ Bi và niệm Phật bước vào, chấp nhận rủi ro, chứ không hại nó. Từ Bi là như vậy, khác xa với Bác Aí. Tuy nhiên, chúng ta không nên tranh luận (Từ Bi và Nhân Ái, Bác Ái), vì bên nào cũng có lý cả. Thí dụ: Có một cậu bé theo cha sống nơi xa xôi, mấy mươi năm, một hôm cha cậu nhận ra có những người bà con ruột thịt tìm đến, cha cậu tiếp đãi ân cần, cho tiển bạc, thế là người con trách cha, tại sao lại tốt với người dưng. Lý của cậu rất đúng, lý của cha cậu thì không sai. Nhưng nếu như cha đưa cậu về quê hương, thì lúc đó cậu mới nhận ra rằng mình đã sai rồi, các vị “khách” đó là người một nhà.

CHỮ ĐẶC (特) là đặc biệt,gồm bộ NGƯU (牜) là con trâu, chữ TỰ (寺) là chùa. Nghĩa đầu tiên là con TRÂU ĐỰC (Từ điển Hán Việt ,Thiều Chửu), ngày nay không còn dùng nữa, nghĩa tiếp theo là hiếm có, độc đáo, riêng biệt, thường gọi là ĐẶC BIỆT. Tai sao con trâu ở chùa là đặc biệt ? Vì chùa nuôi súc vật là chuyện bình thường. Do đó,con trâu nầy phải có một ấn tượng, một hành động khác thường, thì nó mới tạo ra được một từ ngữ trong TỪ ĐIỂN (như chữ “CHÍCH” Trong “ ĐẠO CHÍCH” (ăn trộm) vốn là tên riêng của một tên ăn trộm, nhưng y là siêu trộm nên mới chết danh). Như chúng tôi đã từng nói, súc sinh nghiệp nặng, kém phước đức, ngu muội, nhưng vẫn có một số cá biệt, có con có thần thông, nghe được tiếng người, tìm đến chùa, tìm được chân sư.Do kiếp trước có tu tập, khai mở được một phần trí huệ, tức thần thông, nhưng vì phạm giới nên phải đọa làm kiếp súc sinh như câu chuyện sau đây: Kiều-phạm- ba- đề là một trong 1250 vị A La Hán theo hầu Đức Phật.Tên của Ngài có nghĩa là “bò nhai lại” (theo tiếng Phạn). Tại sao Ngài lại có tên như vậy ? Vì tiền kiếp, tuy có tu tập, nhưng thấy một vị Tỳ-kheo già rụng răng, ăn rất chậm bèn nói: “Ông nhai thức ăn thật không khác nào con bò nhai cỏ”. Vì tội hủy báng Tăng nên ông phải chịu quả báo 500 kiếp làm bò… Nhưng nhờ có căn tu trong tiền kiếp mà Ngài được gặp Phật...và đắc quả A La Hán, tuy đắc quả ,nhunng do tậpp khí 500 kiếp làm bò, Ngài ăn rất chậm, nhai đi nhai lại như bò, nên mới chết danh là “ bò nhai lại” ( phỏng theo HT Tuyên Hóa, trong Kinh A Di Đà, do Ngài thuyết giảng, trang 125). Câu chuyện trên, ta cứ ngỡ là hoang đường, nhưng rất may cho chúng ta, trong tác phẩm “Thơm ngát hương lan” của hòa thượng Hư Vân, một vị chân tu chứng đắc thời cận đại, thầy của HT. Tuyên Hóa (Ngài viên tịch 1959), có thuật lại cuộc đời mình từ lúc mới sinh cho đến những năm cuối đời. Trong đó, Ngài có kể nhiều con vật tìm đến hoặc do Phật tử mang đến chùa, nghe được tiếng người, và quy y Tam Bảo, có con khi chết thị hiện tướng vãng sinh. Như vậy, con trâu trong chữ “ĐẶC” trên kia chắc là nó tự ý đến chùa xin quy y. Xin trích nguyên văn một câu chuyện tương tự do HT. Hư Vân kể để giúp quý vị liên tưởng: “ Lúc chở kinh đến chùa Vạn Thọ, Đằng Xung, tôi đang ngồi trong tiệm trò chuyện với Đề đốcTrương Tùng Lâm, thì bỗng có một con bò vàng chạy đến quỳ xuống trước mặt tôi, mắt nó tuôn lệ đầm đìa. Lúc nầy ông chủ bò là Dương Thắng Xương cùng đám người rượt đuổi bò cũng vừa chạy đến. Tôi nói với con bò: “ Con muốn sống thì phải quy y Tam Bảo”. Bò liền gật đầu .Tôi bèn thuyết Tam Quy rồi bảo nó đứng dậy, nó dễ dạy như người. Tôi lấy tiền bồi thường cho Dương Thắng Xương, nhưng y không dám nhận. Dương xưa nay chuyên sống bằng nghề mổ bò, giờ quá xúc động về chuyện này, nên dũng mãnh phát thệ từ nay xin bỏ nghề đồ tể và xin quy y với tôi, Dương còn phát nguyện là sẽ ăn chay trọn đời. Đề đốc họ Trương chứng kiến cảnh này cảm động lắm, liền mời Dương Thắng Xương vào làm việc ngay trong tiệm của mình.”( trang 107)

Tạo ra chữ này, Thánh nhân vừa ghi lại một câu chuyện thật, vừa dạy cho ta rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính, là những vị Phật trong tương lai.

CHỮ THỊ (恃) là nhờ cậy (trong chữ Hán có 13 chữ THỊ) gồm Bộ TÂM (忄) và chữ TỰ (寺) là chùa. Nói đến nhờ cậy, thì người đời nghĩ ngay đến những con người có thế lực như vua chúa, quan lại… chứ ai lại nghĩ phải đến chùa, vì xưa nay, chùa có giúp ai thăng quan, tiến chức đâu. Đây chính là chữ do Thánh nhân tạo ra để dạy ta.
Nếu nhờ cậy quyền lực thì quá dễ: “đánh kẻ chạy đi, chứ không đánh người chạy chọt”. Nhưng nương nhờ quyền lực ta được gì? Có quyền lực nào giúp ta tránh được sinh, lão, bệnh, tử, giúp ta siêu thoát khi chết. Sống ở đời, tạo được sự nghiệp, công danh gì không quan trọng (vì đời là giấc mộng), chết đi về đâu mới là vấn đề, chấm dứt luân hồi sinh tử mới là cứu cánh, nếu không thì uổng phí cả kiếp người (vô lượng kiếp mới được làm người), hơn nữa, có quyền lực thì dễ tạo nghiệp, dễ rơi vào tam đồ ác đạo (địa ngục ,ngạ quỷ, súc sanh ), vua chúa còn không cứu được mình (có vị chui ống cống, có vị trốn dưới hầm, trốn ở rừng, chết thảm…) vậy ta nhờ họ để làm gì ? Chỗ nương nhờ đáng tin cậy nhất là CHÙA, tức nương nhờ Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo). Chữ TÂM gắn với TỰ có hai ý: phải đem TÂM vào chùa, chứ không phải đem THÂN vào lạy Phật như một khổ nhục kế để gạt Phật (thân trong chùa, TÂM ngoài cổng, thì đến chùa có ích chi, “TU” có lợi gì?) ; Trong tâm ta có đủ 10 phương Pháp giới, có Phật, có Bồ Tát…Nếu ta phát Bồ đề tâm dũng mãnh, khai mở suối TỪ BI… thì trái tim chính là ngôi chùa. Chỗ nương nhờ đó chính là ta, bên ta lúc nào cũng có Phật, có Bồ Tát, Long Thần hộ pháp…

CHỮ ĐÃI (待) là chờ đợi(như “thủ châu đãi thố”, ngồi giữ gốc cây, chờ thỏ tới )…gồm bộ SÁCH (彳) là chân trái, đi phía trái và chữ TỰ (寺) là chùa. Tại sao lại bước chân trái, và đợi ở chùa. Bước chân trái, đi về phái trái tức là TU. Tại sao? Vì phải làm ngược lại thế gian. Phàm phu chúng ta thì làm theo chiều thuận; thuận dễ làm như đi xuống dốc, trôi theo dòng sông; chiều nghịch (tức phía trái) thì ngược lại, rất khó, đòi hỏi sự phấn đấu cao như leo lên dốc, bơi theo dòng nước ngược. Thuận thì làm theo bản năng như thích tham dục, nghịch thì quá khó là phải từ bỏ sự ham muốn; thuận thì tô đậm tiểu ngã, nghịch thì phải diệt trừ…Cổ đức dạy : Tu là ăn những gì mà người ta không muốn ăn (kham khổ), mặc những gì mà người ta không muốn mặc (áo cũ, áo vá), làm những gì mà người ta không muốm làm, nhẫn những gì mà người ta không thể nhẫn…như HT Tuyên Hóa (đã chứng đắc) vẫn đi làm công việc mà người ta không ai muốn: làm vệ sinh nhà xí; đang tụng kinh mà bị bạn đồng tu nhục mạ, đánh, đuổi mà Ngài vẫn ung dung tự tại. Ngài từng nói rằng tu là phải làm ngược lại người đời, phải biết “ngu si”: không tranh, không tham, không mong cầu, không tư lợi, không ích kỷ, không nói dối. TỰ chỉ sự tu hành, ngôi Tam Bảo. Đi theo chiều ngược đến chùa hay vào chùa tu , làm ngược lại với thế gian thì TRÍ HUỆ sẽ khai mở. Vậy ĐÃI là chờ đợi TRÍ HUỆ khai mở, tức chứng ngộ, chứ không phải là đợi chờ danh lợi, thời vận tốt để làm ăn…khác với nghĩa của chữ ĐÃI hiện hành, trong cuộc sống (đã biến dạng, tạo ra nghĩa rất thông dụng là TIẾP ĐÃI..)

Với ý nghĩa của bộ SÁCH, bạn có thể giải được chữ VÃNG (往) (vãng sinh), chữ ĐỨC (德) (đạo dức).

CHỮ MINH (明) gồm bộ NHẬT (日) là mặt trời, chữ NGUYỆT (月) là trăng, một sự kết hợp hai nguồn sáng. NHẬT là dương, bên ngoài; NGUYỆT là âm bên trong. Sáng bên ngoài giúp ta biết về hiện tượng vật chất, sáng bên trong (tâm) giúp ta hiểu về bản chất sự việc (nếu tâm không có bụi). Vì vậy mà người ta nói MINH TÂM thì kiến TÁNH (chân lý), kiến tánh thành Phật hay MINH tất TRIẾT (hiểu biết về bản chất sự việc). Sáng bên ngoài (dương) do học hỏi, sáng bên trong do tu tập. Ngày nay, do ảnh hưởng của khoa học kỹ thuật, người ta thường quan tâm đến ánh sáng bên ngoài (NHẬT) nhiều hơn là sáng bên trong (ÂM). Do đó, coi trọng việc HỌC (việc dạy) hơn là TU, nên chữ MINH mất cân đối về âm dương. DO dó, xã hội mất cân đối giữa vật chất và tinh thần.

TRIẾT (哲) gồm bộ KHẨU (口) là miệng và các chữ THỦ (扌) là tay, chữ CÂN (斤) là cái búa . Như vậy, TRIẾT có nghĩa là dùng tay cầm búa đập vỡ tất cả các hiện tượng, rồi dùng miệng tra hỏi, bên trong là cái gì? Đây là nghĩa đen, nghĩa về hình tượng của chữ. Nghĩa sâu rộng hơn là ngoài việc tìm hiểu về vật chất, hiện tượng,còn phải xét đến TÂM, PHÁP, rồi phải tra hỏi về bản chất của nó. Hỏi ở đây là tự hỏi chứ không nhờ người khác (vì chân lý không nói được, không diễn đạt được). Phật Pháp giúp ta về phương pháp nầy rất hay như thiền quán, đặc biệt là thiền công án: một câu hỏi mà ta không thể nào trả lời được (như âm thanh của một bàn tay). Tại sao câu hỏi mà không thể trả lời được lại tìm ra chân lý. Nếu TÂM ta suốt ngày, suốt tháng, suốt năm… duyên vào câu hỏi vô nghĩa nầy thì nó sẽ không còn nghĩ đến cái khác, tức vọng tưởng không khởi lên, như gương không có bụi, nên gương sáng. Gương sáng thì cảnh chiếu vào, TÂM sáng thì thấy được bản chất sự việc. Ta cũng có thể nêu ra một ví dụ khác: TÂM bị cột chặt vào câu hỏi vô nghĩa giống như ly nước đứng yên, bụi lóng xuống nên nước trong, thấy được đáy vậy. Tai sao con người ta không thấy được chân lý, kể cả người thông minh là vì cái TÂM cứ phóng ra ngoài, duyên vào trần cảnh như cái tâm của các nhà khoa học tối ngày cứ nghĩ đến các hiện tượng, định lý, công thức, các mối tương quan, đúng sai, việc trường, việc nhà… cái tâm phóng ra ngoài mà không hề hay biết! HT. Tuyên Hóa đã nói rằng nếu con gà, con chó phóng ra đường thì ta chạy theo bắt lại ngay vì sợ mất, còn tâm phóng ra đường không ai giữ lại (có lẽ là không có ai để ý điều này). Tâm ra ngoài thì bị ô nhiễm, khi “về” thì đầy bụi, làm sao thấy rõ được.

Thập niên 1960, ở Sài gòn ,tuổi trẻ chịu ảnh hưởng triết hiện sinh (hiện tượng lạ) vì họ chủ trương dùng búa tạ đập phá, đập cả thần tượng, văn hóa, đạo đức, triết học của họ… nhưng sau một thời gian ồn ào chẳng ai còn quan tâm tới vì chẳng đem lại lợi ích gì, chẳng khám phá được gì, vì họ không biết cách HỎI. Ông Phạm Công Thiện cho đó là triết lý ba xu, ông cũng dùng búa tạ đập lại họ . Nhưng có điều lạ là một con người ngã mạn, “ dọc ngang nào biết trên đầu có ai” (thần tượng của một số giới trẻ Sai Gòn) lại ngoan ngoãn, cúi đầu, chấp tay đứng trước Phật và Lão: “ tôi chỉ có một người thầy duy nhất là Đức Phật Thích Ca và một người bạn là Lão Tử” (thầy không còn thì không còn học ai nữa). Phải chăng là ông đã ngộ được TRIẾT ĐÔNG: Phật và Lão…vì giúp ta khai mở trí huệ, thấy được BẢN LAI DIỆN MỤC.

(còn tiếp)

MT đánh máy, HHT chèn chữ HÁN.

Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket