Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

LPH09- TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐỀU LÀ THẦY TA

(Bài viết của thầy LÊ PHƯƠNG HƯỚNG nhân ngày 20 Tháng 11)


TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐỀU LÀ THẦY TA


(PHUONG HUONG LE·THURSDAY, NOVEMBER 19, 2015)


Thầy phải là người có học vấn, có kiến thức chuyên môn hơn ta, điều nầy rất đúng, nhưng nếu như vậy thì chúng ta vô tình phủ nhận vô số những người thầy ngoài cửa lớp, trong đó có những người bình thường và cả những nhân vật tầm thường, thua ta nhiều phương diện.Xin được nêu ra một vài thí dụ: Có một phóng viên hỏi HT Tuyên Hóa rằng thầy của Ngài là ai, Hòa Thượng trả lời: “Về phương diện nào đó thì ông cũng là thầy tôi( về phương diện nào đó thì phàm phu cũng là “thầy” của Thánh nhân). Đối với bệnh nhân thì bác sĩ là người thầy mà họ đang kỳ vọng, nhưng BS Quách Huệ Trân lại nói: “ Không phải tôi đi làm bác sĩ mà là tôi đi học, học ở người bịnh”. Cô cho rằng bệnh nhân đau khổ kia là Bồ Tát thị hiện giúp cô hiểu một cách sâu sắc nhất lời dạy của đức Phật: Cuộc đời nầy là đau khổ; sinh, bịnh , lão ,tử là khổ…Và rồi… Cô đã xuất gia...Cách đây hơn 50 năm, thầy tôi có kể một câu chuyện khá hay, tôi còn nhớ đại khái :Một nhà bác học đang ngồi sưởi ấm,có một cậu bé vào xin lửa(cục than hồng), ông bảo : “sao cháu đi tay không, làm sao mang lửa về?” .Bé xòe bàn tay ra thì thấy có một mắn tro. Nhà bác học ngộ ra : cháu bé nhỏ kia thông minh hơn mình.Nếu không kén thầy, ta có vô số người thầy ngoài song cửa, dạy miễn phí ta những bài học thiết thực. Người tài ,người hiền là thầy đã đành,người ngu,người ác cũng là “thầy”vì họ giúp ta biết cái ngu, tránh cái ác, trân trọng điều thiện…(“tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên”).

Không phải chỉ có con người mới thầy ta, mà trong thế giới động vật cũng có rất nhiều “thầy”, như con thiêu thân chẳng hạn.Nó mê ánh sáng nên lao vào bóng đèn để rồi thân bị thiêu. “Thầy” này thị phạm để dạy cho ta đừng lao đầu vào danh lợi, lao vào thì không chết cũng bị thương. Hồi còn trẻ, Nguyễn Công Trứ nuôi chí làm trai, ông ươm mộng công danh để giúp đời, thi sĩ có câu nói rất nổi tiếng :“Không công danh thà nát với cỏ cây”.Nhưng sau khi bước vào chốn lợi danh thì ông lại hối tiếc:

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
Cúc,tùng, phong, nguyệt, mới vui sao
Chốn lợi danh trót bước chân vào
Sực nghĩ lại giật mình bao xiết kể

Nếu nhà trường mời “thầy” thiêu thân vào dạy thì trên thế giới nầy , số người chết và bị thương vì đam mê danh lợi, quyền lực sẽ giảm đi rất nhiều và đời sẽ bớt đi một phần đau khổ.

“Thầy” chó dạy ta lòng trung thành tuyệt đối. Trung thành là điều khác biệt giữa người và chó. Đây không phải là nhận xét của tôi, tôi chỉ là người khai triển ,minh họa ý của cổ nhân. Xin phép được giải thích lại chữ LỆ(nước mắt)mà tôi đã đề cập trước đây: LỆ gồm bộ THỦY là nước( ám chỉ nước mắt), chữ THI là thây, xác chết(ám chỉ xác ông chủ), chữ KHUYỂN là con chó. Con chó thấy xác chủ bèn chảy nước mắt. Tai sao cổ nhân lại dùng con chó để biểu tượng cho sự trung thành ? Là vì chó trung thành hơn người.Thực vậy,từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, thói đời vẫn là tiếng thở dài giữa người và người .Nếu bạn sa cơ, thất thời ,thất thế,thì bạn bè,đôi khi cả người thân cũng quay gót. Thói đời in dấu trong thơ ca nhiều như cát sông Hằng, xin trích ra một vài dẫn chứng: “ Mồ cha chiếc áo rách nầy/ mất chúng,mất bạn vì mầy áo ơi!”(ca dao), “ Còn bạc,còn tiền còn đệ tử”(thơ), “Trông thói đời, cười ra nước mắt, xưa trắng tay, gọi nhau bằng hữu, giờ giàu sang ,quên kẻ tâm giao”(nhạc)…Còn chó thì sao? Cho dù ta có sa cơ, nghèo khổ, khi bước chân về nhà, chó vẫn vui mừng, quyến luyến.Bởi vậy, có kẻ nói: “chơi với chó rồi thì không còn muốn chơi với người nữa”.Hầu như trong tâm trí ta, ai cũng có nhũng câu chuyện kể về lòng trung thành của chó.

Ngoài lòng trung thành ra, “thầy” còn hơn ta về khứu giác. Con người chỉ giỏi đánh hơi được tiền bạc,chứ không đánh hơi được kẻ thù như chó. Khi đã nhận ra kẻ thù đã giết hại đồng loại thì chó có một thái độ chống đối quyết liệt, không khoan nhượng(con người thì chưa chắc) Những bạn nào “may mắn” sống ở nơi có đồ tể chó sẽ dễ dàng nhận biết điều nầy. Trước đây, ở thị trấn Ba Tri, có người làm chó để bán, biệt danh là BK Hải, mỗi lần ông đi ngang qua nhà tôi thì tất cả chó ở hai bên đường đồng loạt sủa vang. Tôi thấy đủ thành phần:chó lớn, chó nhỏ, chó con, chó mẹ, chó đực, chó cái đồng tâm hiệp lực chống kẻ thù. Bình thường thì chó có tính xấu, ganh ghét, nếu có “bạn” đến trước cổng nhà thì liền rượt đuổi, nhưng khi đối diện với kẻ thù thì chúng bỏ thù nhà mà đoàn kết lại. Nếu con người mà “học” được bài học thứ hai nầy thì thế giới sẽ bớt chiến tranh.Vì sao? Vì khi muốn xâm lược, kẻ thù thường tìm cách mua chuộc, móc nối với kẻ bán nước cầu vinh làm tay sai, nếu không tìm được thì họ ít khi dám mạo hiểm. Vả lại ,nếu tất cả đoàn kết một lòng thì kẻ thù cũng chùn bước. 

“ Cô” chim, tôi gọi chim là cô cho hợp với thiên tính vì chim thì hiền hòa, yếu đuối, đem lại niềm vui cho đời. “Cô “ “dạy” ta lòng thủy chung trong tình yêu, đạo vợ chồng. Một khi đã kết đôi rồi thì suốt đời bên nhau như hình với bóng. Chính vì vậy mà cổ nhân dùng hình ảnh đôi chim làm biểu tượng cho lòng chung thủy( mà không dùng hình ảnh của con người, vì người không được như chim)Để khuyến tấn và chúc phúc cho tình yêu thủy chung, người xưa dùng đôi UYÊN ƯƠNG( UYÊN là chim trống,ƯƠNG là chim mái, một loại chim nước, con trống rất đẹp), dùng hình ảnh của đôi chim LOAN, PHƯỢNG làm biểu tượng cho tình vợ chồng, thường vẽ lên tranh, thêu trên gối như “ LOAN PHỤNG(phượng) HÒA MINH,SẮT CẦM HẢO HỢP”( loan là con phượng mái,hòa minh là cùng hót, sắt và cầm là đàn)

Cảm nhận được hương vị ngọt trong tình yêu của loài chim mà thi sĩ Tản Đà ước nguyện: “ kiếp sau xin chớ làm người/ làm đôi chim nhạn tung trời mà bay”. Còn nhạc sĩ Trúc Phương lại cảm nhận hương vị đắng trong tình yêu của thế nhân nên phải ngậm ngùi: “Người yêu ta rồi cũng xa ta nên trắng đêm thui thủi một mình”

Tôi may mắn sinh ra ở miền quê,tuổi thơ còn ở vùng đất lành,nên còn nghe “con chim nó hót vang đầu hè”… Cứ mỗi độ xuân sang thì chim trên ngàn về làm tổ. Tôi có duyên với chim dồng dộc nên thường xem nó xây tổ. Chim trống tước từng cọng lá dừa, lá cau, lá sả đem về xây tổ,đan hết một cọng thì dừng lại cất tiếng hót , nó hót cho bạn đời của nó nghe. Suốt quãng thời gian xây tổ ấm, chim mái không làm gì cả, nó núp trong khóm lá nhìn chồng đan tổ và múa hót.Tổ xây xong thì chim mái vào ở.Có lẽ chim không thông minh như người, chỉ có bản năng(?) nên hợp với thiên tính( tức quy luật ÂM DƯƠNG: DƯƠNG là hoạt động bên ngoài, năng nổ, xây dựng, ban phát; ÂM thì thụ hưởng, bảo vệ, gìn giữ mái ấm bên trong). “Thuận thiên giả tồn” nên chim hạnh phúc suốt đời. Còn con người thì quá thông minh nên làm đảo lộn nguyên lý ÂM DƯƠNG: “nghịch thiên giả vong”( vong là mất,mất từ từ, tồn tại không lâu…tùy theo nghịch ít hay nhiều)nên tình đôi lứa khó hạnh phúc,bền lâu(”Tôi đã lầm khi đưa em sang đây”, văn minh Tây phương làm đảo lộn ÂM,DƯƠNG nhiều nhất)

Nền giáo dục hiện đại quá chú trọng đến lý trí( học sinh thì bị “ngộ độc” toán, lý ,hóa , do học quá nhiều để thi vào đại học )mà thờ ơ về triết lý, giá trị tinh thần, tình cảm…nên tâm và trí mất quân bình. Để hoàn thiện mình, ta cần phải khiêm tốn học hỏi ở những người thầy ngoài cửa lớp .Thầy cô ở bên chúng ta nhiều lắm, có cả những nhân vật rất tầm thường mà ta không bao giờ biết đến!...Có ai dám nhận thiêu thân, dã tràng, chó, chim…là thầy? 

Xin tri ân quý thầy cô!

SÀI GÒN ngày 20 tháng11

Lê Phương Hướng

Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket