Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

LPH012- THẦY TÔI

Phuong Huong LE
43 mins · 


THẦY TÔI


Đầu năn 1990, tôi về Saigon, sống ở vùng đất dữ. Thời thế tạo ăn mày nên tôi không ngại làm một con “người mới”. Nhờ còn chút sức khỏe và lòng tự trọng nên tôi được sắp trên “địa vị” ăn mày một vài bực. Ngày ba buổi đi khắp phố phường, thuộc từng con hẻm. Tuy dầm mưa dãi nắng nhưng nhờ biết yêu trăng đẹp ngày rằm nên vẫn còn những phút giây lãng mạn để quên bớt chuyện đời. Nắng thì tìm bóng cây nhờ che chở, mưa thì đến mái hiên nhà ai đó mà tránh, rồi hát nghêu ngao dăm ba câu trong bản nhạc đầy nuối tiếc, "HẬN ĐỒ BÀN” (“Người xưa đâu ?Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu…”)

***

Một hôm, đi trên đường Hoàng Diệu, ký ức xưa hiện về, tôi lại nhớ ra nhà thầy tôi: Gs GIẢN CHI*. Chân muốn bước vào mà đầu lại muốn quay ra, vì tôi có chút kinh nghiệm sống trong cảnh: "Bần cư náo thị vô nhân vấn” nên hiểu rõ tình đời. Nhưng rồi, tôi lại có một ý nghĩ khác: thầy mình vốn là ông ĐỒ, thuộc lớp “ những người muôn năm cũ”, chắc khác xa với lớp người thời đại nên mạnh dạn bước vào.

Thầy không nhận ra tôi, nhưng khi tôi tự xưng mình là học trò thì thầy vui vẻ mời tôi ngồi sát bên cạnh. Mở đầu câu chuyện thầy kể : "Hôm trước, có chuyện ra ngoài phố, gặp một anh học trò cũ đạp xích lô, thầy trò mừng vui quá!”. Qua câu chuyện nầy, thầy muốn nói rằng ta không quan tâm đến địa vị, sang hèn đâu, con đừng ngại! Thật đúng là thầy! Tôi có cảm giác như một người con xa xứ, làm ăn thất bại, tìm về mái nhà xưa, được người cha hiền mở rộng vòng tay đón nhận. Thầy đã làm ấm lòng tôi, nhưng tôi không biết cách nào làm ấm lòng thầy. Thưa thầy! Xin thầy tha lỗi! Hồi còn học, chúng con chỉ thích những ông thầy “thời sự” nên cảm thấy xa lạ với thầy vì thầy nghiêm khắc, lại dạy chúng con về triết Đông, nhất là Nho giáo. Học với thầy mấy năm mà chỉ nhớ có một chữ : Hôm ấy thầy gọi tôi trả bài, thầy hỏi về chữ “DŨNG” của Thánh nhân, tôi lại đem cái “dũng” của người chiến sĩ trả lời, thầy dạy rằng cái “DŨNG” của Thánh nhân là ĐIỀM ĐẠM.

Khi thầy hỏi thăm về cuộc sống, tôi thật tình kể lại nỗi khổ của mình rồi nói: “Nhưng mà con vẫn an vui, tự tại vì nhờ lời dạy của thầy ngày xưa: cái “DŨNG" của Thánh nhân là ĐIỀM ĐẠM“. Thầy vui mừng thốt lên : "Phải vậy mới được!” Thật ra, tôi nào có an vui, vì đang mang tâm trạng hổ nhớ rừng (của Thế Lữ), tôi nói để làm ấm lòng thầy mà thôi. Chưa tội lỗi đã tràn đầy hối hận, tôi vội chuyển qua một câu chuyện khác khi nhìn lên bàn thấy có cuốn sách ”ĐẠI CƯƠNG TRIẾT HỌC SỬ TRUNG QUỐC”, tác phẩm mà thầy viết chung với người bạn tâm giao Nguyễn Hiến Lê (đoạt giải thưởng của tổng thống 1968 nhưng hai vị không nhận, vì người quân tử không bao giờ nhận phần thưởng của kẻ tiểu nhân). Tôi hỏi thầy về vị học giả nổi tiếng nầy. Thầy có kể về bạn mình nhưng giờ thì tôi quên mất, chỉ còn nhớ và nhớ rất rõ một chi tiết: Khi chia tiền bản quyền, thầy đề nghị theo tỷ lệ tứ-lục, xin được nhận 4 phần với lý do là con thầy đã lớn và thành đạt. Phải thuyết phục bạn để nhận phần ít hơn. Ôi tình bạn của lớp “người muôn năm cũ” sao mà đẹp quá, thời nay hiếm thấy, chỉ hơn thua nhau đôi chút là giận hờn, xa cách, kiện tụng…

Nhà tôi ở gần nhà thầy. Thầy sống trong cô đơn (con cháu ở nước ngoài), tôi thì cô độc nên thỉnh thoảng hay đến thăm thầy . Mỗi lần thăm thầy, tôi đều mang về một câu chuyện rất hay. Có lần tôi hỏi thầy về bí quyết sống lâu. Thầy nói: “HỶ XẢ ! AI TỐT THÌ MÌNH NHỚ ĐỂ TRẢ ƠN, AI XẤU THÌ HÃY QUÊN ĐI!”. Thầy kể: “ Có người mách bảo cho tôi biết, một anh học trò cũ ở Bình Định tự ý lấy sách tôi in lại để bán. Tôi viết thư ân cần thăm hỏi và mời anh khi nào có dịp vào Saigon, nhớ ghé chơi. Anh ấy đọc thư xong, tức tốc vào thăm tôi, thầy trò vui vẻ… ”. Tâm từ bi, hỷ xả của thầy đã cảm hóa được một con người nông nổi. Thuật xử thế của người xưa hay quá!

Ngày xưa, chúng tôi gọi thầy là ông Khổng Tử, nhưng giờ đây, vào nhà thầy thì thấy hình ông Phật. Phải chăng thầy tôi sống với triết lý “nội thánh ngoại vương” (Trong tâm là Thánh, bên ngoài xã hội là vua; suy rộng ra, trong là Phật, ngoài là Nho). Theo thầy, tinh hoa của Nho giáo được tóm tắt trong hai câu: “Kỷ dục lập nhi lập nhân; kỷ dục đạt nhi đạt nhân” ( mình muốn tạo lập cho mình thì cũng phải tạo lập cho người; mình muốn thành đạt thì cũng phải giúp người thành đạt). Đây chính là tâm Bồ Tát ( Bồ Tát: tự giác và giác tha). Thầy chỉ cho chúng ta điểm tương đồng giũa Nho và Phật.(Gần 20 năm sau, tôi đọc sách của một vị Bồ Tát hóa thân, HT. Tuyên Hóa, Ngài khẳng định: Nho, Lão đều là Phật cả. Nho là tiểu học, Lão là trung học, Phật là đại học).

***********

Saigon xưa có rất nhiều cây xanh, một số cây xanh đã trở thành ĐOÀN CỔ THỤ GIÀ, tỏa cho đời bóng mát. Sau 1975, bão tố phong ba nổi lên làm cho ĐOÀN CỔ THỤ GIÀ trơ cành, trụi lá, lần lượt gãy đổ theo thời gian… Mỗi lần đi ngang qua những con đường nắng cháy, tôi chạnh lòng nhớ đến cảnh cũ, người xưa, nhớ thầy tôi, nhớ những vị giáo sư học giả, nhớ cả ông ĐỒ của nhà thơ Vũ Đình Liên:

NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ/ HỒN Ở ĐÂU BÂY GIỜ ?

Sài gòn, những ngày cuối thu, Bính Thân

*GS. GIẢN CHI (1904-2005) mất ngày 22 -10, thọ 102 tuổi.

Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket