Những "ngôi trường xưa Em học"







Đoản3-Qua Ðồi Cát Nóng


Vào mùa nắng, các làng ven biển quê tôi có thể nói gọn không ai muốn bước chân ra đường. Sức nóng làm đôi mắt lúc nào cũng chực khép vào giấc ngủ nặng nề nhơm nhớp mồ hôi đang xô tới; Tôi thằng bé đi học về dưới từng hạt nắng bốc lửa ấy!


Anh Mười và anh Út mặc áo dài trắng khăn đóng đen dạy học công quả cho chùa, chúng tôi học trong ngôi trường lợp lá mới cất theo chiều dọc con đường đi, mấy cây cột còn mùi cây rừng chưa khô hẳn, chưa tróc hết vỏ.

Trường mới của tôi bên trong rào của thánh thất Cao Ðài Thiên Tiên, các cơ sở phụ thuộc của chùa kể cả phòng thuốc nam làm thành các dãy tách biệt sau ngôi chánh điện nguy nga mái ngói, có hai tháp cao phía trước hình dáng quen thuộc như những chùa Cao Ðài trông thấy đó đây, chúng tôi thường gọi hai tháp ấy là lầu chuông lầu trống. Các loại cây, rễ, lá có thể làm thuốc thường được bọn học trò chúng tôi mang tới hiến, góp phần công quả và có lúc chúng tôi bỏ lớp vụt ra phụ khiêng, kéo các đệm, nia thuốc đang phơi khi cơn mưa đột nhiên ập nhanh đến.

Trường gần ranh giới làng tôi với làng kế cận: Thuộc làng bên. Tôi lại có thêm bạn mới, nhiều đứa sau nầy cùng tôi ra trường Tổng, nhưng trong những ngày nầy chúng không về cùng đường với tôi, vì tôi từ làng khác tới học nhờ. Sau mấy bài thử sức, tôi theo các bạn mới không vất vả gì.

Thế nhưng đến khi thầy cho về là lúc trí óc tôi phải hoạt động căng thẳng, nghĩ cách qua đồi, qua nổng cát nóng hừng hực, con đường duy nhất phải vượt qua, không cách nào khác. Trong lúc nổng cát dường như thu gom hết sức nóng từ mặt trời lên đến giờ, đem chúng trải dọc lối về của tôi.

Tôi nhẩm tính từ đám cỏ khô nầy đến đám gần nhất xem có thể chạy nổi một mạch không, nhẩm tính những đám cỏ nào còn sót lại chưa gãy rụm mấy ngày trước, lúc tôi nhào lên đứng bằng một bàn chân, bàn chân kia ghé tạm lên trên chờ đổi thế cho nhau, đến khi cả hai nguội để có thể chạy nhanh qua “đoạn đường chiến binh” kế tiếp.

Ðường đi dọc lưng đồi, hai bên lối đi cây xương rồng gai nhọn tua tủa còn sống nổi, nhưng xem ra chúng cũng bệ rạc, xen kẽ vài đám gò mả, nơi đó không có loại cây có khía nhiều gai ấy, đám mả còn chút ít cỏ khô cho chỗ đứng tạm.

Xa dưới triền đồi, mấy chòm tre gai mốc thít như ngủ gục, như trôi trên làn sức nóng chập chờn. Mặt trời cao vút bên trên mà sao sức nóng phả khí thế đáng sợ!

Phải chạy năm hơi mới tới cây keo già không còn cành nào phía đường đi, tàng lá đều nghiêng về một bên phủ kín cái giếng lạn chứa tạp nham đủ loại bị gió cuốn tới.

Ðứng trên rễ cây đảo mắt xem chừng trên ấy nghe nói thỉnh thoảng có bà mẹ xỏa tóc nằm võng ru con.

Con tắc kè trong bọng cây không biết bao lớn, cất tiếng đến giật mình, tùng dấu hù dọa thằng bé, thúc nó bỏ chạy tiếp, vượt qua đám duối tháng trước còn rậm rạp, giờ xơ xác, bên trong nhiều lúc có ma chọi đất ra, người gan dạ dám lận theo mấy miếng gạch vụn chọi lại thì nghe tiếng ma bỏ chạy.

Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra được miếng mo cau hay “thịnh soạn” hơn là một hộp giấy dày làm cứu tinh đem theo, khi không còn bụi cỏ khô nào.

Cơn mưa đầu mùa ập xuống, cũng chỉ làm đồi nổng cát phủ được lớp da ướt bốc khói râm rức, bên dưới lớp da ấy khi vít thử chân, lớp cát khô quánh vẫn đang nằm thách thức.


Ngôi trường thứ hai tôi đấy! Không có con chữ, phép tính nào mà tôi không đổi bằng gót chân mỗi ngày một chai dày thêm.

NhàQuê June 01, 2005


Con Lộ Đất

Em kể lại tôi nghe
Con đường xưa bây giờ tráng nhựa
Vẫn vắt ngang qua mấy ấp quê mình
Những cây cao cây còn cây đà đốn
Nhìn lạ làm sao!

Trong ký ức một mình tưởng lại
Con đường làng cát nóng vuột da
Tôi thằng bé chân trần đi học
Băng qua nổng cao khổ ơi là
Chạy từ đoạn một

Đầu trên kia có miễu Bà Bèo
Phía nọ giáp làng bên Giồng Nần, Đục Mộ
Người ở xa biết làm sao nhớ
Riêng tôi quen như từng ngón tay mình
Chia phe phục kích

Đi học sớm chun vô bụi núp
Đợi tụi nó ngang nhảy ra hù
Mới vô trường đà trèo lên một bậc
Sách chẳng nói nhất quỉ nhì ma đó ư
Đường thêm ma nữa

Con ma giờ đây nhớ thương đường cũ
Đêm chiêm bao đi lại bao lần
Vẫn y nguyền từng chùm cây dại
Nhàn hạ trổ hoa đâu chờ Xuân

Tôi thằng bé chân trần
Ước bỗng làm hạt cát!!

NhàQuê 2005