Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

LPH01- TỪ BI, KHO BÁU TRONG TÂM CHÚNG TA

Thay lời giới thiệu:
Lê Phương Hướng
Gởi về các em cựu học sinh Trường Trung Học Ba Tri, tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre), thế hệ U.60, đồng nghiệp và phụ huynh đã cưu mang tôi trong thời gian mà “ai chưa qua chưa phải là người”
• Tôi mới tập đánh máy nên dễ bị lỗi kỹ thuật,trí bị lão hóa nên chỉ còn nhớ nghĩa mà quên chữ, xin các bạn từ bi hỷ xả ,xin cảm ơn!



TỪ BI, KHO BÁU TRONG TÂM CHÚNG TA


*PHẦN THỨ NHẤT: KHÁI QUÁT*


Đạo Phật, nếu tóm lại một chữ, đó là chữ NHƯ (1); nếu hai chữ, đó là TỪ BI (“Phật chỉ có lòng TỪ BI chứ không có tâm gì khác ” – Hòa thượng Thích Trí Tịnh ghi lại lời của Phật - “Hương sen Vạn Đức”- trang 60 )

TỪ BI là tâm Phật, tức CHÂN TÁNH, nhất nguyên, nên không thể dùng ngôn ngữ nhị nguyên để lý giải, “Đạo khả đạo phi thường Đạo”. Tuy nhiên, qua kinh sách cũng như cuộc đời và đạo nghiệp của các vị chân tu, ta cũng có thể lĩnh hội được phần nào ý nghĩa và sự nhiệm mầu của TỪ BI trong đạo Phật.

1) TỪ BI CỦA THẾ GIAN: Do căn tính khác nhau mà TỪ BI của thế gian khác với TỪ BI của Phật. TỪ BI của con người là lòng thương xót, cứu giúp người đau khổ, hoạn nạn, nhưng ít nhiều còn vướng vào đối tượng (như phải là nghèo, hiền, đáng thương, chứ không cứu giúp kẻ gian ác…); vướng vào tham vi tế như mong cầu phước đức…Và khả năng con người có giới hạn, chỉ giúp đỡ trong một thời gian nhất định mà thôi .

2)TỪ BI CỦA PHẬT: là lòng xót thương vô hạn, cứu độ tất cả chúng sinh, không phân biệt, không còn thấy người cho, kẻ nhận. Và đặc biệt là giải thoát chúng sinh ra khỏi luân hồi lục đạo, về các cõi giới tốt đẹp để sớm thành Phật đạo.

TỪ BI của thế gian ví như những dòng sông nhỏ, có lúc đầy, lúc vơi, có khi khô kiệt, TỪ BI của Phật giống như biển cả mênh mông. Biển có bao giờ vơi !

A. TỪ BI LÀ SỰ NGHIỆP CỦA PHẬT VÀ BỒ TÁT

TỪ BI chính là BỒ ĐỀ TÂM. Hòa thượng Tuyên Hóa giảng: “BỒ ĐỀ TÂM có ba nghĩa: một là CHÂN TÁNH BỒ ĐỀ, tức PHẬT TÁNH; hai là THẬT TRÍ BỒ ĐỀ, tức TRÍ HUỆ BỒ ĐỀ; ba là PHƯƠNG TIỆN BỒ ĐỀ, tức phương tiện của những người sau khi chứng đắc, họ quan sát căn cơ, nghiệp lực của chúng sinh mà tìm phương cách thích hợp để giáo hóa (ba dạng BỒ ĐỀ chỉ là một)”(2).PHƯƠNG TIỆN BỒ ĐỀ là TỪ BI.

Ngay sau khi chứng đắc, Đức Phật Thích Ca liền khởi sự nghiệp TỪ BI để cứu độ chúng sinh. Bốn mươi chín năm ròng rã thuyết pháp, giúp chúng sinh vượt qua sông mê, bể khổ, trở về cố hương để tìm lại BẢN LAI DIỆN MỤC. Đức Phật A DI ĐÀ với bốn mưoi tám nguyện độ giúp chúng sinh về thế giới của Ngài, chấm dứt luân hồi sinh tử và tiếp tục tu hành cho đến khi thành Phật . Địa Tạng Vương Bồ Tát đã phát nguyện :

Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật
Chúng sinh độ tận, phương chứng BỒ ĐỀ

Hòa thượng Tuyên Hóa phát mười tám đại nguyện . Từ nguyện thứ nhất đến thứ chín, Ngài nguyện rằng nếu có vị từ hàng Bồ Tát cho đến địa ngục chưa thành Phật thì Ngài không thủ Chính Giác.

Địa ngục có bao giờ trống không, chúng sinh làm sao thành Phật hết, vì vậy sự nghiệp của Phật và Bồ Tát là đời đời, kiếp kiếp. Xét về mặt Lý thì Phật và Bồ Tát ở trong tâm ta, về mặt Sự thì các Ngài phân thân, ứng, hóa thân để độ khắp chúng sinh:

…Bạch hào uyển chuyển năm TU DI
Mắt biếc lắng trong bốn biển lớn
Vô số hóa Phật trong hào quang
Chúng hóa Bồ Tát cũng vô biên

Quan Thế Âm Bồ Tát tùy duyên, tùy thời mà ứng, hóa ra nhiều hình tướng (hữu hình và vô hình) như làm thân Phật, Thanh Văn, trời, người, A Tu La…

HT.Tuyên Hóa có lời nguyện thứ 13: “Nguyện phân chia tánh linh của con thành vô số nhập rộng khắp tâm chúng sinh nào không tin Phật pháp, làm cho họ đổi ác thành thiện, hối lỗi, ăn năn, làm một người mới biết quy y Tam Bảo, rốt ráo thành Phật ”.Và, Hòa thượng đã thành tựu ngay trong cuộc đời này. Trong tác phẩm “CUỘC ĐỜI VÀ ĐẠO NGHIỆP CỦA HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA”,Hòa Thượng đã hóa thân ra nhiều nhân vật để độ người . Xin tóm lược một câu chuyện kể ở trang 234 . Buổi sáng ,Hòa thượng bảo đệ tử rằng hôm nay, có một chú bé đến xin xuất gia, khi nào chú đến nhớ cho Ngài hay… 1giờ trưa, chú đến… Hòa thượng hỏi : “Tại sao chú muốn xuất gia ?” Chú đáp: “Nhà con ở cách xa nơi đây hơn1000 dặm, có một lúc con nằm mơ ba lần liên tiếp, đều mơ thấy có ông Hòa thượng mập, ổng nói nếu con muốn hết bịnh thì phải đến chùa Tam Duyên tìm thầy AnTừ, bái thầy làm sư phụ, xuất gia tu hành, tức sẽ hết bịnh ”. Hòa thượng nói với chú rằng ở đây không có thầy AnTừ (tên của HT.Tuyên Hóa ), chú quả quyết nói: “ Không thể có chuyện đó được, vừa bước vào chùa là con đã thấy có ông Hòa thượng mập …Chính ổng đã báo mộng cho con ba lần, bảo tới đây xuất gia mà”.

Ta Bà là cõi phàm thánh đồng cư, nên Phật và Bồ Tát luôn hiện hữu. Các Ngài hóa thân rất đa dạng: có khi đóng vai Đại sư như Ngài Vĩnh Minh là Đức Phật A Di Đà (3), Đại sư Ấn Quang là Đại Thế Chí Bồ Tát (4) ,HT.Tuyên Hóa là Bồ Tát (5)…;có khi nhập vai những nhân vật thế tục như học giả, cư sĩ, triết gia, nghệ sĩ, bác sĩ, nhà doanh nhiệp... Chúng ta không phải là Phật nên không thể nào biết được Bồ Tát tái sinh, nhưng do lòng tôn kính, ngưỡng mộ một số vị nào đó mà gọi họ là Bồ Tát như bác sĩ Quách Huệ Trân, một vị bác sĩ xả thân vì nghề nghiệp và Đạo Pháp, khó mà tìm ra một vị lương y thứ hai trên cõi đời này: cô không quan tâm đến hạnh phúc cho riêng mình, dù tuổi đời còn trẻ (như chuyện chồng con ), không quan tâm đến sức khỏe bản thân (bịnh nan y mà không biết ), vì lúc nào cũng nghĩ tới bệnh nhân và nhiều lần rơi lệ trước nỗi khổ đau của kiếp người !. Cô đã đem Phật Pháp đến cho họ rất đúng lúc (tức là khi mà người ta đã hiểu được lời Phật dạy“ sinh, bịnh, lão, tử là khổ”. Khi xuất gia, Ngài đã đem những câu chuyện thật, người thật kết thành một bài Pháp làm rung động lòng người, bài Pháp đó đã ngân lên thành“ LẮNG NGHE TIẾNG HÁT SÔNG HẰNG” như gởi cho đời một thông điệp về y đức, về phương pháp trị bịnh, phải kết hợp giữa y học và Phật Pháp. Y học trị được phần ngọn, Phật Pháp cứu được phần gốc, chuyển hóa được tâm thức, tâm thanh tịnh thì thân không bịnh. Ăn chay, làm việc thiện, niêm Phật, “Niệm Phật chuyển hóa được tế bào ung thư”…Bồ Tát là ai? Là người xả thân vì ĐạoPháp. Đơn giản vậy thôi, nhưng chỉ có Bồ Tát mới làm được .

Và,có khi Bồ Tát lại hóa thân thành những nhân vật mà ta không thể ngờ tới như Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi nhập vai người hành khất, tên là Văn Cát cứu giúp cho HT. Hư Vân (khi Ngài BÁI HƯƠNG, tam bộ nhất bái với hành trình hơn 3000 km) như nấu ăn, giặt giũ, mang hành lý (Ngài Hư Vân không hế hay biết, người hành khất kia là Bồ Tát) (6).

Với sự ứng hóa đa dạng của Bồ Tát, chúng ta có thể nghĩ rằng trong đời mình cũng có đôi lần gặp Bồ Tát mà mình đâu có biết. Biết đâu bà lão ăn xin tật nguyền kia cũng là Bồ Tát, bà đến để khai mở dòng suối từ bi cho ta, nhưng ta đã lạnh lùng !

Bồ Tát hiện hữu là để giáo hóa, nhưng cũng sẵn sàng gánh nghiệp thay cho chúng sinh. Và, đây là phát nguyện thứ 14 của HT. Tuyên Hóa:“ Nguyện đem tất cả khổ nạn của chúng sinh trong Pháp Giới, đều để một mình con thay thế nhận chịu ”. Có một vị Tỳ Kheo ni bị bịnh nặng, ói mửa không ngớt. Cô rất tin tưởng vào Hòa Thượng , nên lễ lạy trước bức hình của Ngài để cầu nguyện, cô liền hết bịnh. Sáng hôm sau, cô đến chính điện, nơi Hòa thượng đang truyền tam quy, ngũ giới .Sau khi tan lễ, Ngài quay về phía cô nói : “Sáng nay thật là khó chịu cho tôi, vì tối hôm qua, tôi đột nhiên bị bịnh nặng, ói mửa suốt đêm”. Vị Tỳ Kheo đó biết rất rõ Hòa thượng đã gánh lấy sự đau khổ cho mình (7).

HT.Hư Vân (thầy của HT. Tuyên Hóa )có thần thông quảng đại, đã làm những việc mà con người không bao làm được, thế nhưng Ngài lại trải qua 48 biến cố và 10 đại nạn. Xin lược trích một đại nạn cuối cùng vào năm 1951. Ngày 3 tháng 3, ÂL, hơn 10 người lực lưỡng dùng gậy, côn sắt đánh Sư, gây thương tích trầm trọng, Sư bị lỗ đầu ,chảy máu, gãy xương sườn nhưng vẫn nhắm mắt, làm thinh như đang nhập định. Hai ngày sau, nghe tin Sư chưa chết, chúng bèn xông vào thất, đánh một lần nữa, tàn bạo hơn lần trước…Tai, mắt, mũi, miệng đều xuất huyết… Chúng bỏ đi vì nghĩ rằng Sư đã chết. Vài ngày sau, hay tin Ngài vẫn còn sống, chúng bắt đầu dao động. Một tên có vẻ là thủ lãnh hỏi các vị tăng. Đệ tử của Ngài đáp: “Hòa thượng vì chúng sinh mà chịu khổ, do không muốn các ông bị nạn nên Ngài cam bị đánh đập mà không chết . Sau này, các ông sẽ hiểu”(8). Không biết bọn chúng có hiểu không ,chứ Phật tử chúng ta ai cũng hiểu rằng chúng sinh khổ nạn là do nghiệp, Bồ Tát khổ nạn là vì gánh nghiệp thay cho chúng sinh.

Vì sự nghiệp TỪ BI mà Bồ Tát giáo hóa, gánh nghiệp cho chúng sinh. Tâm TỪ BI của Bồ Tát ví như ánh trăng vàng. Bất cứ nơi đâu, bất người nào, dù thiện hay ác, đều cảm nhận được màu vàng huyền diệu của TỪ BI …

Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket