Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

LPH02- TỪ BI, KHO BÁU TRONG TÂM CHÚNG TA

B - TỪ BI VÀ TRÍ HUỆ-KHÁI QUÁT VỀ TRÍ HUỆ (9)

Chữ TRÍ gồm có chữ TRI (là biết) và bộ NHẬT (là mặt trời), nghĩa là nhờ ánh sáng mặt trời mà biết, cái biết bên ngoài, thuộc thế giới tự nhiên, tức biết về hiện tượng

Chữ HUỆ gồm chữ TUỆ (là cái chổi ) và bộ TÂM (thuộc về tình cảm, tâm linh), nghĩa là nếu dùng chổi quét bụi trong tâm thì tâm sẽ sáng; tâm sáng tức là thấy ở bên trong, thấy được bản chất của sự việc. Bụi trong tâm chính là tham, sân, si…Tham, sân, si …không những do ta tạo ra ở kiếp này mà cả kiếp trước còn tồn tại. Châu-lợi- bàn-đà- già( trong Kinh A Di Đà) là người đần độn, được sự trợ giúp của 500 vị A-la-hán, nhưng sau 100 ngày vẫn không thuộc được bài kệ, chẳng nhớ được chữ nào…Đức Phật giải thích rõ về lý đần độn của ông là ích kỷ (một tên gọi khác của tham, sân, si). Trong một đời trước, ông là một pháp sư tinh thông Tam Tạng, có 500 đệ tử, ngày nào họ cũng muốn học với ông nhưng ông không muốn dạy…,họ quỳ trước ông ba ngày, ba đêm mà ông vẫn không nói cho họ một lời…nên ông phải chịu quả báo… Nghe xong ông cảm thấy xấu hổ, tự trách mình…Đức Phật liền cầm cái chổi giơ lên và hỏi:

- Ông biết cái gì đây không ?
- Thưa ,cái chổi.
- Ông có nhớ được không ?
- Thưa, nhớ được.

Rồi Đức Phật dạy ông:

-Hãy lặp lại suốt ngày: “chổi, chổi, chổi”.

Ông học thuộc sau vài tuần, Đức Phật đổi các chữ ấy thành“quét sạch, quét sạch, quét sạch”. Nhờ cái chổi vô hình mà Đức Phật đã cho ông, với sự thành tâm sám hối, cố gắng, nổ lực mà ông quét sạch được tâm ông .Và, ông đã khai ngộ (10)

Chúng ta tại sao không khai ngộ? là vì chúng ta chỉ lo TẮM cái thân mà không bao giờ chịu RỬA cái tâm, nên tâm đầy bụi . TRÍ HUỆ ví như tấm kiếng; nếu như kiếng đầy bụi thì sẽ bị mờ, làm sao nhìn thấy được. TRÍ dù có sáng suốt, thông minh , dù là nhà khoa học, bác học mà không có HUỆ thì vẫn là vô minh. Ngược lai, nếu không biết chữ mà có HUỆ thì vẫn biết được bản chất của sự vật, biết những gì mà khoa học không thể biết, làm những gì mà khoa học không làm được như Lục tổ Huệ Năng, Hòa thượng Quảng Khâm…

1 - TỪ BI SINH RA TRÍ HUỆ

- Xin Hòa thượng chỉ dạy cho chúng con khai ngộ được tri kiến Phật (ĐẠI TRÍ HUỆ), một Phật tử hỏi HT.Tuyên Hóa. Ngài đáp:

- Kiến ngộ Phật tức hiểu rõ làm sao để thành Phật và có TRÍ HUỆ Phật, chớ không có chi là huyền bí cả. Học theo Phật, thực hành Tứ Vô Lượng Tâm: từ, bi, hỷ, xả… (11)

- Con hy vọng được nghe Hòa thượng giảng thêm về đề mục “phát khởi TRÍ HUỆ nội tâm”,một Phật tử khác hỏi, Hòa thượng trả lời :

-TRÍ HUỆ là phải tự mình khai thác. Không nên làm các chuyện ác, hãy làm các việc lành, trước hết là nên phát khởi từ đây(12)

Tại sao muốn khai mở TRÍ HUỆ thì phải thực hành TỪ BI, làm các việc thiện? Vì TỪ BI là đối trị, khắc chế được tham, sân, si, quét được bụi ở tâm nên tâm sáng, tức có TRÍ HUỆ. Và với tâm TỪ BI, hay làm những việc thiện thì tham, sân, si không bám vào tâm được

Như vậy, muốn có TRÍ HUỆ thì phải có tâm TỪ BI, nhưng TỪ BI có SANH ra TRÍ HUỆ ? Thực ra,TỪ BI và TRÍ HUỆ cùng lưu xuất, cùng đồng hành ngay tức khắc (đây là TỪ BI và TRÍ HUỆ Phật, chứ không phải của thế gian vì từ bi và trí huệ của con người là do tâm sai biệt nên không đồng hành. Vì vậy ,câu nói “ từ bi phải có trí huệ” là nhắc nhở những người mới tu hành rằng làm việc thiện cần phải có sự soi sáng của lý trí để làm đúng mục đích và tránh bị lợi dụng )

2- TỪ BI VÀ TRÍ HUỆ ĐỒNG LƯU XUẤT

Vô Trước tu trên núi 12 năm, quán tưởng Đức DI LẶC mà không thấy, thất vọng bèn rời khỏi hang động . Vừa ra khỏi động, Ngài thấy một con chó ghẻ đầy mình, dòi bọ nhung nhúc, đang hấp hối. Quá xúc động ,Ngài cúi xuống nhặt những con dòi ra để cứu con chó. Bỗng nhiên con chó biến mất ,Đức DI LẶC hiện ra. Ngài VÔ TRƯỚC thưa :

“Tại sao suốt 12 năm qua, con không thấy Ngài…” Đức DI LẶC đáp : “Ta vẫn ở bên con, nhưng vì TRÍ HUỆ con chưa khai mở…”. Con chó đáng thương kia tác động vào tâm thức Ngài Vô Trước làm hiển lộ tâm TỪ BI,và khi tâmTỪ BI lưu xuất thì TRÍ HUỆ liền khai mở nên có được thần thông, Ngài đã thấy Đức Di Lặc. Như vậy TỪ BI và TRÍ HUỆ đồng lưu xuất.

3- TỪ BI LÀ TRÍ HUỆ

Nói TỪ BI sinh ra TRÍ HUỆ, hay đồng lưu xuất tức là nói theo ngôn ngữ nhị nguyên, nghĩa là có hai thành phần, thực ra chỉ là một (một trong tất cả, tất cả là một), nênTỪ BI là TRÍ HUỆ; TRÍ HUỆ là TỪ BI. Bất nhị là lý nhất quán của Phật giáo, giống như Âm, Dương trong KINH DỊCH: “nhất Âm , nhất Dương chi vị Đạo”. Âm, Dương không thể rời nhau: động thì gọi là Dương, tịnh thì gọi là Âm. TỪ BI và TRÍ HUỆ cũng vậy. TỰ TÁNH thì tròn đầy, tĩnh lặng, sáng suốt, bao trùm…đó là ĐẠI TRÍ HUỆ (thể tịnh); khi duyên khởi (thể động) để cứu độ chúng sinh thì gọi là TỪ BI (tên gọi chỉ là giả danh vì cả hai chỉ là một, đó là PHẬT TÁNH Hay TỰ TÁNH ). TRÍ HUỆ duyên khởi là HÀO QUANG; HÀO QUANG hóa ra vô số Phật và Bồ Tát để độ chúng sinh, tức TỪ BI :
Vô số hóa Phật trong HÀO QUANG

Chúng hóa Bồ Tát cũng vô biên
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sinh
Chín phẩm sen vàng lên bến giác

Giáo sư Nguyễn Duy Cần giải thích: “TRÍ HUỆ do TỪ BI mà có, cũng như TỪ BI do TRÍ HUỆ mà sinh, không tách rời nhau được. Hay nói một cách khác: TỪ BI mà không do TRÍ HUỆ phát sinh, không phải là TỪ BI; cũng như TRÍ HUỆ mà không phải là TRÍ HUỆ của lòng TỪ BI phát sinh, chưa phải là TRÍ HUỆ …” (13)

C- TỪ BI và GIỚI :

“ GIỚI là cội gốc của Bồ Đề Vô Thượng” ( Hòa thượng Hư Vân) (14). Như vậy, GIỚI cũng lưu xuất trong TỰ TÁNH. Làm sao nhận biết được? Hòa thượng Tuyên Hóa nói:“ những điều do học hỏi mà biết được thì không phải là của chúng ta. Tâm Bồ Đề phải tự chúng ta phát. “…Một ngày nọ, nhân thấy người hàng xóm đi bắt chim dồng dộc còn đang sống ,đem về nhổ lông rồi nướng ăn. Nhìn sự đau đớn của con vật trước khi chết ,trong lòng Hòa thượng Trí Tịnh xót thương vô cùng. Từ đó, phát tâm ăn chay trường”(Hương senVạn Đức trang 9). Hòa thượng lúc bấy giờ mới có 10 tuổi, chưa có ý thức, thế nhưng Ngài quyết định ăn chay (tức giới sát ), chứng tỏ việc ăn chay phát xuất từ TỰ TÁNH. Nguyên nhân nào khiến Ngài ăn chay? Do lòngTỪ BI. Vậy GIỚI và TỪ BI là một. GIỚI và TỪ BI đồng lưu xuất (không cần giáo hóa, học hỏi), đây là dấu hiệu của người có thiện căn, những vị chân tu, chắc chắn họ sẽ thành tựu trên bước đường tu tập. Thật vậy, một Phật tử có đứa con cũng ăn chay giống như Hòa thượng Thích Trí Tịnh ngày xưa, hỏi Hòa thượng Tuyên Hoá :

Hỏi - : Đệ tử có đứa con 5 tuổi, năm ngoái nhìn thấy người bán gà giết gà thì nó òa khóc và phát nguyện rằng vĩnh viễn sẽ không ăn thịt chúng sanh, cho tới nay nó vẫn giữ lời, không hề thay đổi .Xin Hòa thượng chỉ dạy, đệ tử phải làm sao để giúp đứa con này tăng trưởng huệ căn, A Di Đà Phật!…

Đáp - : Cháu bé không ăn thịt chúng sinh thì nó không phải làm chúng sinh đó !

Câu trả của Hòa thượng rất sâu sắc : không phải làm chúng sinh tức là thành Phật. TỪ BI và GIỚI lưu xuất từ trong TỰ TÁNH rất sớm, tâm Bồ Đề đã tự phát, huệ căn sẽ tăng trưởng tự nhiên…( vì vậy mà Ngài không trả lời trực tiếp, chỉ gợi cho đệ tử mà thôi ). Chỉ có những bậc thiện căn sâu dày thì TỪ BI, GIỚI mới lưu xuất dễ dàng, còn chúng ta thì phải nổ lực hành trì, tác động bên ngoài để khai mở bên trong. TỪ BI sẵn có trong tâm ví như suối nước, bị lớp sỏi đá tham, sân, si…ngăn cản. Nếu ta làm một vài việc thiện thì nước trong suối TỪ BI đó sẽ ngấm qua lỗ mội, nếu tiếp tục làm việc thiện thì lỗ mội sẽ thành khe hở, lâu ngày khe hở thành khe nước lớn để suối TỪ BI lưu xuất dễ dàng. Hành trì GIỚI cũng vậy, mà niệm Phật cũng vậy (niệm Phật bên ngoài để làm hiển lộ Phật trong tâm)

Về mặt Sự thì GIỚI sinh ra ĐỊNH, ĐỊNH sinh ra HUỆ; về mặt LÝ thì GIỚI là ĐỊNH ,là HUỆ, Là TỪ BI…(một trong tất cả). Chúng ta phải nhờ SỰ để đạt LÝ nên GIỚI vô cùng quan trọng.Đức Phật dạy rằng sau khi Ngài nhập diệt, chúng ta phải lấy GIỚI làm THẦY.

D- TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐỀU CÓ TÂM TỪ BI

Loài người thường tự hào về sự thông minh của mình, nhưng lại dùng cái trí thông minh đó để sát hại động vật, thay vì che chở cho chúng .Với cái trí thông minh khoa học đó, cho rằng động vật chỉ có bản năng, chứ không có trí óc và tình cảm. Đây là nhận định sai lầm, biết một mà không biết mười. Đức Phật đã dạy : “tất cả chúng sinh đều có Phật tính”, nghĩa là có lòng TỪ BI. Như vậy, súc sinh cũng có tâm TỪ BI. Tuy nhiên, súc sinh có tham dục nhiều hơn, nghiệp chướng nặng hơn người nên TRÍ HUỆ và TỪ BI rất khó khai mở . Nhưng, trong cộng nghiệp có biệt nghiệp. Có người nói rằng cứ vài ngàn con vật thì có con có tánh linh, có tình cảm như người (con số này chỉ là tương đối giúp ta có ý niệm mà thôi). Tại sao? vì kiếp trước, lúc sinh ra ở cõi người, chúng có tu tập, làm những việc phước đức, có hiếu thảo…

Chuyện kể rằng có người thợ săn bắn hạ một con vượn con, vượn mẹ quá thương con, nhảy xuống ôm con vào lòng, thế là nó bị bắt. Khi làm thịt, người ta thấy ruột vượn mẹ đứt ra từng khúc. Từ đó, hai chữ ĐOẠN TRƯỜNG (đứt ruột) được dùng để nói lên sự đau xót tột cùng…

Bạn có biết chữ LỆ (nước mắt), theo chữ Hán, gồm có: bộ THỦY là nước, chỉ nước mắt; chữ THI là xác chết; chữ KHUYỂN là con chó . Con chó thấy xác chủ bèn chảy nước mắt …Nngười tạo ra chữ Hán có lẽ là bậc Thánh, vì thấy rõ cái nghiệp ở tiền kiếp của chó làm thân người, quá thương yêu, quyến luyến , muốn che chở bảo vệ người thân . Khi chết đi, đầu thai vào thân chó, nhưng chủng tử tiền kiếp vẫn còn trong tâm thức. Sóng trong tâm phát ra, cộng hưởng với sóng trong tâm của người thân mà tìm đến nhau ,nhưng cả hai đều không biết, “đồng khí tương cầu”, vượt ra ngoài sự hiểu biết của lý trí) .

Người xưa giải thích rất hay nhưng lại không có bằng chứng; người đời nay có bằng chứng nhưng không giải thích được. Xin ghi lại hai câu chuyện thật sau đây: “Nhà khoa học WALMSLEY thuộc Đại học OXFORD, Anh quốc, cùng nhóm nghiên cứu đã ghi lại hình ảnh xúc động của một chú khỉ bờm đen đau buồn ôm xác con trong hai ngày tại bảo tồn thiên nhiên Tangkoko, thuộc vườn thú quốc gia Sulawesi, Indonesia. Các nhà khoa học cho biết bé khỉ trong bức ảnh chỉ vài tuần tuổi, thuộc loài khỉ bờm đen. Hình ảnh mẹ khỉ ghì chặt xác con vào ngực, sau đó thực hiện những hành động âu yếm như chải chuốt, hôn và nhìn nó bằng ánh mắt buồn bã. Thậm chí, có một hai lần mẹ khỉ lấy tay đẩy một con khỉ đực khi nó đang cố gắng tiếp cận chạm vào bé khỉ. Các nhà khoa học đã bỏ đi sau một giờ quan sát. Hai ngày sau, họ quay trở lại và sửng sốt trước cảnh tượng mẹ khỉ vẫn ôm chặt con. Và cuối cùng, khoảng một vài tiếng nữa, nó bỏ xác bé khỉ và ra đi trong tâm trạng đau khổ, tuyệt vọng.” (Trùng Dương-TUỔI TRẺ ONLINE ngày 13/5/2014 )

Câu chuyện con khỉ bờm làm ta liên tưởng đến con vượn mẹ ở trên, còn chú hươu cao cổ sau đây lại giống con chó rơi lệ khi nhìn thấy xác người chủ : “Theo hãng tin Mỹ ABC News ngày 21/3/2014, ông Mario bị ung thư giai đoạn cuối, có tâm nguyện được trung tâm y tế Ambulance Wish đưa đến sở thú Blijdorp để nói lên lời vĩnh biệt với các đồng nghiệp và muốn nhìn thấy lần cuối cùng những động vật được ông chăm sóc trong 25 năm qua, trong đó có những chú hươu cao cổ đáng yêu. Trong cơn hấp hối trên giường bệnh, một chú hươu cao cổ tiến tới gần, thò đầu qua khung chắn bảovệ và đặt nụ hôn tình cảm tri ân lên phần trán và mũi ông Mario. Đó là một thời điểm rất đặc biệt, ông Mario đã mĩm cười khi được chú hươu cao cổ hôn. Dường như con vật cảm nhận sức khỏe đang tồi tệ. Ông Kees Veldboer giám đốc Ambulance Wish nói với Dutch News của Hà Lan (Huỳnh Phương ,TUỔI TRẺ ONLINE ) .

Con người, dù may mắn sinh vào cõi Người, nhưng mỗi người lại có một nghiệp khác nhau, có người thiện, người ác, người hưởng phước đức, người bạc phước, “một trăm người đục, một chục người thanh”, thế giới súc sinh cũng vậy, đa số vô minh, mê muội nhưng cũng có những con có tình cảm, có tánh linh, có thần thông, biết biến hình . Các vị Pháp sư thường hay kể về một vị Hòa thượng giảng sai luật nhân quả mà phải bị 500 kiếp làm chồn, nhờ có thần thông, biến thành hình người, tìm gặp Ngài Bách Trượng để thỉnh giáo, nhờ vậy mà thoát được kiếp làm chồn.

Trong tác phẩm “THƠM NGÁT HƯƠNG LAN”, HT. Hư Vân đã kể lại nhiều con vật có tánh linh được Ngài quy y, biết ăn chay, niệm Phật, khi chết thị hiện tướng vãng sinh. Xin trích lại một vài trường hợp:

CHUYỆN CON SÁO Ở ĐIỀN TẠNG: “ Năm ấy, ở đại hội Phật giáo Điền Tạng, có một chuyện lạ nhỏ. Dân làng đem một con sáo biết nói đến phóng sinh. Mới đầu nó còn ăn thịt. Tôi quy y xong, dạy nó niệm Phật thì nó không chịu ăn mặn nữa. Sáo rất ngoan, dễ bảo ,biết tự động bay ra, bay vào. Ngày nào nó cũng niệm danh hiệu Phật và Thánh hiệu Bồ Tát QuanThế Âm không gián đoạn. Một hôm, nó bị chim ưng bắt đi, giữa không trung,vẫn còn nghe tiếng nó niệm Phật lảnh lót. Tuy nó mang thân thú nhưng lúc sắp xả báo thân, kề cận cái chết mà vẫn không bỏ niệm Phật, lẽ nào làm người, lại không bằng sáo nhỏ kia ư?” (trang 130)

CHUYỆN CON NGỖNG Ở CỔ SƠN: “Tháng sáu, khánh thành vườn phóng sinh, cư sĩ Trịnh Cầm Tiêu đưa đến một bầy ngỗng, trong đó có một con ngỗng trống rất là đặc biệt nặng 9kg6, hễ nghe tiếng mõ thì nó dang cánh, rướn cổ kêu to, lúc vào Điện Phật thì nó đứng yên chiêm ngưỡng. Được một tháng, nó đứng trước Phật mà mất, vẫn không ngã. Trịnh cư sĩ lấy làm lạ bèn xin thiêu nó như chư tăng. Để 7 ngày mới thiêu, vẫn không có mùi hôi. Nhân đó, mới làm ngôi mộ cho nó” (trang 178)

CHUYỆN CON CHỒN TRẮNG: Năm Dân Quốc 25, Bính Tý…Lâm quốc Canh( đoàn trưởng sư đoàn 16 ) đến thăm, tay xách cái lồng, trong có con chồn toàn thân trắng tuyết, điểm lấm chấm đen…Ông kể lại lý lịch ly kỳ của con chồn. HT. Hư Vân liền thu nhận,và quy y. Ngài thuyết Tam quy, Ngũ giới cho nó xong thì thả nó ra khu rừng rậm sau chùa. Từ khi thọ giới, nó không còn ăn mặn nữa. Những người thợ xây chùa trêu chọc nó, họ nhét thịt vào chuối đưa cho nó ăn. Con chồn khi biết mình ăn nhầm, liền nhổ ra, tỏ vẻ giận dữ, bất bình. Sau đó, nó bỏ đi suốt mấy ngày…Một hôm, chẳng biết nó đi đâu mà bị xe cán trọng thương, không đứng dậy nổi… Hòa thượng biết không thể cứu được, bèn khai thị : “Cái túi da này, không đáng để lưu luyến nữa, con đừng bám víu vào, hãy buông xả và sám hối tất cả nghiệp duyên .Khởi một niệm sai thì phải đọa, phải nhận lấy ác báo, chịu nhiều thống khổ. Giờ đây quả báo của nghiệp xưa đã mãn, ta mong con nhất tâm niệm Phật, để sớm được giải thoát. Nó hiểu ý, gật gật đầu, kêu lên mấy tiếng ,rồi tắt hơi. Thi thể nó để hai ngày mà vẫn không biến đổi …Nó được tổ chức tang lễ như môt vị tăng (tóm lược, trang 194-97)

Trong tác phẩm “CUỘC ĐỜI VÀ ĐẠO NGHIỆP CỦA HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA”, ta thấy có những nhân vật đặc biệt xin quy y với Ngài như lang sói, quỷ thần, giang hồ…Những đối tượng này, chỉ cần nghe tên là ta cảm thấy ớn lạnh, nhưng chúng lại có tâm hướng thiện. Theo lời kể của Ngài, người đệ tử thứ hai của Ngài là một kẻ hư xấu nhất, không một việc xấu nào mà chú không làm, pháp danh là Qủa Thuấn, sau khi xuất gia đã hoàn toàn thay đổi. Ngài nói: “Chú theo tôi xuất gia cũng nhiều năm nhưng chỉ mặc có một bộ đồ, không có áo ấm, không có giày đệm ấm, cái gì chú cũng không có. Chú còn giữ giới không giữ tiền, ngày ăn một bữa ngọ, thường ngồi, không nằm, tu hạnh Đầu Đà. Trong số các đệ tử của tôi, chú đứng nhất về tu hạnh Đầu Đà ,Quả Thuấn tinh tấn tu đạo, chuyên tâm, nhất ý thiền định, .. Trong định chú biết được tất cả các nhân quả ở quá khứ, hiện tại ,tương lai…” Có ai ngờ, từ một người xấu ác, chú đã trở thành vị đệ tử mà Hòa thượng ưa thích nhất. Hòa thượng kể : “Quả Thuấn có ba cái không sợ: không sợ đói chết, không sợ nghèo chết, không sợ lửa thiêu chết. Chú ta không giống như những vị thầy chính trị, vì sân hận mà tự thiêu cho chính phủ xem! Chú ta vì cảm nhận được nỗi khổ của thế gian này, nên muốn thay chúng sinh chịu khổ báo mà đốt thân cúng Phật, hồi hướng cho chúng sinh. Ngày hôm sau, dân trong thôn thấy chòi tranh bị lửa lớn cháy rụi, vội đến xem xét thì phát hiện thân thể Qủa Thuấn cháy thành tro, trong lúc vẫn còn ngồi ngay ngắn, duy có trái tim không bị cháy. Đây đủ chứng minh chú có định lực, đã thành đạo nghiệp, cử chỉ, hành động, lời nói của chú đã hoàn toàn không giống như xưa . Về sau, Vạn Phật Thánh Thành(ở Mỹ) có thành lập bài vị cho chú, rất tiếc là tôi không có hình của chú”(15)
Quả Thuấn, đã chứng minh câu nói của người xưa “ kẻ đại ác hồi đầu thành người đại thiện”. Quả thật, thiện ác, mê ngộ như hai mặt của một bàn tay, chỉ cần lật qua thì ta có ngay tức khắc mặt khác…Con sáo, con chồn chưa vào chùa thì vẫn còn kiếp súc sinh (ăn mặn, tức sát sanh…), khi gặp Ngài HưVân thì tự động ăn chay, tâm súc sinh đã thành tâm của người tu hành, dù vẫn còn mang xác súc sinh…Do vậy, chúng ta nên dùng tâm TỪ BI mà đối đãi nhau, đừng lấy tâm phân biệt mà chấp vào thiện ác, người tốt, kẻ xấu rất dễ gặp chướng ngại trên con đường tu tập.

PHỤ CHÚ: Đức Phật nói : “Tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh”, nghĩa là đều có tâm TỪ BI nên tiêu đề (phần D) không cần phải giải thích, chứng minh. Tuy nhiên, do lòng xót thương kiếp súc sinh phải sống chung với cõi người, nên hàng ngày, có vô số, vô lượng con vật bị giết chết bởi bàn tay của con người.Một trong số những lý do giết hại đó là không biết con vật cũng có tình cảm, có tâm hướng thiện, có tánh linh, cũng biết đi tìm chân sư và chúng tìm còn chính xác hơn ta, nên chúng tôi sưu tầm những câu chuyện thật, có nhân chứng, vật chứng, có thời gian, không gian rõ ràng, giúp súc sinh minh oan, nói giúp chúng một đôi lời …Nếu bạn giết hại súc sinh (trực tiếp hay gián tiếp), tức là mình đã gieo trồng NHÂN súc sinh trong tạng thức rồi, con vật đó chính là bạn ở kiếp sau. Luật NHÂN QUẢ không bao giờ sai .Và, nếu giết lầm, ăn lầm một con vật có tánh linh thì tai họa sẽ đến ngay tức khắc.

Đây là câu chuyện “ Săn bắn chim linh thiêng bị tai nạn và chết thảm”, do chị Hòa Bình kể tại VIỆT NAM PHẬT QUỐC TỰ, ngày 11/11/2010,HT.Huyền Diệu ghi lại. Chúng tôi xin lược ghi: “Chùa Bái Đính là một quần thể chùa cũ và mới rất đẹp ở Ninh Bình do công ty Xuân Trường tái thiết rất đẹp, nhờ vậy mà cảnh hùng vĩ núi non nầy được phát hiện và bảo vệ, nên chim chóc nhiều loại về đây trú ngụ, đặc biệt là loại chịm quý hiếm mà nhiều người gọi là Linh Điểu… Việc xuất hiện nhiều loại chim đặc biệt này đã thu hút rất nhiều người yêu quý thiên nhiên…bên cạnh đó cũng đồng thời xuất hiện những con người thích săn bắn…Họ cho rằng khi bắn được loại chim này thì được bạn bè khen, cho đó là sự thành công của cuộc đời… Có người trong gia quyến của họ, vì lòng từ bi đề nghị đừng sát hại loại chim này thì bị mắng nhiếc, chửi bới…Có một vị bác sĩ nổi tiếng của địa phương cũng hợp tác …vào rừng săn bắn. Không lâu sau đó bỗng có một tin kinh hoàng xảy ra .Vị bác sĩ không biềt do nguyên cớ gì từ trên lầu cao nhảy xuống đất chết một cách thảm thiết . Còn một người khác thì tự nhiên lấy súng bắn vào đầu tự tử. Hai người khác thì bị xe cán chết trên đường đi nhậu thịt rừng.”(16)

E- TỪ BI LÀ TINH HOA CỦA ĐẠO PHẬT

Nói đến đạo Phật, người ta nghĩ ngay đến TỪ BI, vì chỉ có đạo Phật mới có TỪ BI, các tôn giáo bạn đều dạy cho ta làm điều thiện, nhưng chỉ thiện với con người mà không thiện với loài vật, cái thiện của tâm phân biệt, nên có một giới hạn nhất định. TỪ BI của đạo Phật là TỪ BI của TRÍ HUỆ (có lục thông, ngũ nhãn, nên thấy tất cả chúng sinh điều có mối liên hệ với nhau như từng là cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cháu…) nên tình cảm vừa có chiều rộng (thương tất cả các đối tượng), vừa có chiều sâu (cứu giúp, xả thân vì chúng sinh). TỪ BI của đạo Phật thể hiện một sự bình đẳng, không có nhân, có ngã, không còn tâm phân biệt đối tượng, HT.Tuyên Hóa đã nói:“Ai muốn giết con kiến hãy giết tôi đi”. Nếu tinh hoa của đạo Phật là bình đẳng quan về mặt triết lý, thì TỪ BI đã thể hiện được triết lý này; nếu tinh hoa của đạo Phật là nét đẹp về tâm hồn, thì TỪ BI chính là tinh hoa của đạo Phật ; nếu như tinh hoa của đạo Phật là sự nhiệm mầu, thì TỪ BI cũng chính là tinh hoa của đạo Phật, vì TỪ BI là siêu khoa học, đã làm được những điều mà khoa học dù có hiện đại đến đâu cũng không thể nào làm được…(Chúng tôi đề cập ở phần sau)

CHÚ THÍCH:

(1)Một vị Hòa thượng ở miền Trung (khuyết danh) :

Kinh sách lưu truyền tám vạn tư
Học hành chẳng thiếu, cũng chẳng dư
Đến nay tính lại, dường quên hết
Chỉ thoáng trong đầu một chữ NHƯ

(2) 347- 48 KINH THỦ LĂNG NGHIÊM, Hòa thượng Tuyên Hóa giảng thuật, tập 1, Thích Nhuận Châu dịch, NXB. Phương Đông

(3) Trang 73, 13 VỊ TỔ TỊNH ĐỘ TÔNG, Hòa thượng Thích Thiền Tâm, NXB .Phương Đông

(4)Trang 279, KINH THỦ LĂNG NGHIÊM, Hỏa thượng Tuyên Hóa giảng thuật,…tập 5

(5)Trang 347, CẨM NANG TU ĐẠO, LƯỢC THUẬT HÀNH TRANG HÒA THƯỢNG QUẢNG KHÂN, NXB.Tôn giáo: Hòa thượng Quảng Khâm và Hòa thượng Tuyên Hóa gặp nhau tại Đài Loan, vào năm 1974. Xin trích đoạn đối thoại của hai vị:

Hòa thượng Quảng Khâm :
-Ngài chính là Bồ Tát
Hòa thượng Tuyên Hóa :
-Ngài chính là Đại A La Hán ,chúng ta sớm đã biết nhau, mấy chục năm không gặp,bây giờ lại được trùng phùng,tuy nói vậy,nhưng chúng ta đã gặp nhau mấy lần rồi.
Hòa thượng Quảng Khâm :
-Ngài vừa đến, tôi đã biết trước, Ngài là ai. Tâm Bồ Tát định gặp là gặp.

(6)Trang 29 – 34, THƠM NGÁT HƯƠNG LAN (Hòa thượng Hư Vân), do Kiều Châu, Như Thủy, Hạnh Đoan dịch.

(7)Trang 121,THỬ LUẬN VỀ NHỮNG CỐNG HIẾN CỦA HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA ĐỐI VỚI NỀN PHẬT HỌC,Trần Do Bân, Sách Ấn tống.

(8) Trang 326 -36, THƠN NGÁT HƯƠNG LAN.

(9) Chữ HUỆ chính là chữ TUỆ (có bộ tâm), Phật giáo hay dùng chữ HUỆ, thế tục thì dùng TUỆ . Chữ TUỆ không có bộ tâm có nghĩa là cái chổi.

(10) Trang 145 -49, KINH THỦ LĂNG NGHIÊM Hòa thượng Tuyên Hóa giảng thuật, tập 5.

(11) Trang 28, GẬY KIM CANG HÉT (Hòa thượng Tuyên Hóa vấn đáp ký lục) tập 1.

(12) Trang 87, tập 2

(13) PHẬT HỌC TINH HOA, Nuyễn Duy Cần, NXB. Khai Trí

(14) Tang 287 THƠM NGÁT HƯƠNG LAN.

(15) Trang 225-229 và 325-326, CUỘC ĐỜI VÀ ĐẠO NGHIỆP CỦA HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA

(16)Trang 73, KHI MẶT TRỜI LÊN,Hòa thượng Huyền Diệu

Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket