Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

LPH03- TỪ BI, KHO BÁU TRONG TÂM CHÚNG TA


*PHẦN THỨ HAI: TỪ BI, SỰ MẦU NHIỆM SIÊU VIỆT*

Kho báu TỪ BI ở ngay trong tâm chúng ta, có một năng lực mầu nhiệm, siêu khoa học; nhưng muốn tìm được kho báu này, chúng ta phải buông bỏ hết “kho báu” thế gian, đó là sắc, thanh, hương,vị, xúc, pháp. Bỏ một đã khó, làm sao bỏ cả sáu ? Cho nên dù chư Phật và Bồ Tát xót thương chỉ dạy, con người vẫn cứ thờ ơ, chỉ thích bám lấy “kho báu” trần gian với bất cứ giá nào! May mắn cho chúng ta, các vị chân tu thời hiện đại đã buông bỏ hết vạn duyên thế tục, với một trái tim TỪ BI đã đến được kho tàng quý giá này, mang về cho đời những viên ngọc quý, rất nhiệm mầu… Sự nhiệm mầu thể hiện qua sự trải nghiệm tâm linh, và trong quá trình hoằng pháp với những mẫu chuyện thật, người thật, đây cũng là nhưng bài pháp viết bằng chuyện kể có khả năng làm thức tỉnh những ai còn chưa tin sâu vào sự nhiệm mầu của kho báu TỪ BI.

A- TỪ BI : PHẢN KHOA HỌC, SIÊU KHOA HỌC, VÀ KHOA HỌC

Căn cứ vào những trải nghiệm tâm linh của những vị chân tu để so sánh với khoa học, ta thấy TỪ BI vừa phản khoa học, vừa siêu khoa học, nhưng cũng là khoa học. Đặc điểm này dễ nhận biết nhất trong lãnh vực y học :

-VỀ ĂN UỐNG :

Về ăn uống, y học Tây phương chú trọng vào hàm lượng dinh dưỡng calori như tinh bột, chất đạm, chất béo, sinh tố… Đông y thì quan tâm về bổ âm, bổ dương, nếu thiếu chất dinh dưỡng thì cơ thể sẽ suy nhược, thiếu trầm trọng sẽ tử vong. Các vị chân tu thì có quan điểm ngược lại: HT. Quảng Khâm, chỉ có 10 cân gạo, ẩn tu trên núi 13 năm, Ngài ăn trái cây, củ rừng, HT. Tuyên Hóa cũng ăn uống như vậy trong ba năm thủ hiếu ở mộ mẹ, đôi khi phải nhịn đói, HT. Hư Vân ẩn tu trên núi hai lẩn(mỗi lẩn 3 năm). Ngài kể “Từ 28, 29, 30 tuổi, suốt ba năm này, tôi ở trong hang núi, chỉ ăn trái thông, rau cỏ…khát thì uống nước suối…tôi bấy giờ một bát cũng không có, vẫn sống vô ngại tự tại, thư thái an nhiên, thể lực ngày một cường tráng, tai mắt sáng tỏ, cất bước nhẹ nhàng, lẹ như bay …” (1)

-VỀ VỆ SINH, AN TOÀN THỰC PHẨM

HT. Quảng Khâm, sau mỗi buổi ăn, Ngài lượm những thức ăn rơi rớt dưới đất mà ăn .HT. Tuyên Hóa (lúc chưa xuất gia, nhưng Ngài đã phát Bồ Đề tâm) đã từng lượm vỏ khoai của cảc bạn vứt xuống đất mà ăn, kể cả khi bạn nhả ra vì ăn nhầm vỏ củ. Ngài kể, khi thủ hiếu ở mộ mẹ, có một vị Tỳ Kheo cho Ngài một thùng bánh bao(chừng21 cái): “Lúc bấy giờ trời nóng oi bức mà tôi thì không để ý gì hết, nên không đem bánh ra ngoài hong gió, hay phơi cho khô, rốt cuộc bên trong, bên ngoài đều nổi mốc, cao dày khoảng một tấc rưỡi(tấc mộc). Bánh bao bị hư mốc meo đến thế, nếu đem bỏ đi thì sao? Đây là vật người ta cúng dường, hơn nũa là do thầy Tỳ Kheo đem tới, trong khi đó, tôi chỉ là một chú Sa Di. Còn nếu không bỏ đi, rất khó ăn vì nó vừa cay nồng vừa hôi thúi…Có người đến thấy tôi ăn bánh bao meo mốc này, liền bảo tôi đừng ăn, nói ăn sẽ bị bịnh chết. Tôi nói: “sanh bịnh à ?Cái gì sanh bịnh?”…Nhưng tôi ăn hết bánh mốc đó cũng không bị bịnh, cũng không có việc gì xảy ra! Lúc đó tôi buông xả cả thân tâm, cho nên mới có thể ăn được “cái không thể ăn”. Tôi tin rằng lúc đó dù có cái gì khó ăn cách mấy đi nữa tôi đều có thể ăn được”(2)

-KHẢ NĂNG NHỊN ĂN, UỐNG

HT. Tuyên Hóa có khả năng nhịn ăn hai, ba tháng mà vẫn có thể xách được vật nặng chừng 14 kg. (Ngài từng nói, nhịn ăn là nhường phần mình cho người khác , vì vật chất sẽ không mất đi đâu cả). Các vị chân tu nhập định một vài tuần là chuyện bình thường, thậm chí cả hàng tháng . Nhập định thì không ăn, uống, khi vào sâu thì hơi thở cũng không còn như HT. Quảng khâm: “Hòa Thượng thường hay nhập định. Có lần Ngài nhập định vài tháng, không ăn, không uống, không động đậy thân thể; thậm chí hơi thở như đứt tuyệt. Có người gần đấy lầm tưởng rằng Ngài đã viên tịch, nên đã tức tốc cấp báo với HT. Chuyển Trần để lo việc hỏa táng. May thay lúc ấy, có vị cao tăng là Đại Sư Hoằng Nhất đang ở chùa gần đấy, nghe tin trên bèn cùng HT. Chuyển Trần lên núi xem hư thực. Tới nơi, Đại Sư Hoằng Nhất biết Ngài đang nhập định, liền gõ ba tiếng khánh đánh thức Ngài dậy từ trạng thái thiền định. Tin Ngài nhập lan đi khắp nơi, khiến ai ai cũng tán thán” (3) Ta biết rằng không uống nước bốn, năm ngày là chết, không thở vài phút là chết, vậy mà Ngài không thở, không uống hàng tháng trời mà vẫn sống. Thật là mầu nhiệm không thể nghĩ bàn, khoa học không thể nào giải thích được.

- NGỦ ( Nhất tâm bất loạn không cần ngủ)

Khoa học coi trọng giấc ngủ rất đúng vì cơ thể hoạt động mỏi mệt nên cần phải có thời gian ngủ nghỉ. Tại sao cơ thể mỏi mệt ? Vì mất đi năng lượng; năng lượng mất đi do hoạt động cơ bắp thì ít, mà mất do vọng tưởng, tham, sân, si …nhiều hơn vì nó làm cho hệ thống thần kinh ở não bộ hoạt động liên tục như lo sợ, buồn vui, hờn giận, tiếc thương…khiến ta tiều tụy, mỏi mệt hơn là lao động chân tay. Các vị chân tu,với tâm TỪ BI luôn luôn thanh tịnh(không vọng tưởng, không tham, sân, si, không vị kỷ…) nên thần kinh ở não hầu như không hoạt động, không mỏi mệt, do đó ngủ rất ít hoặc không ngủ. HT. Hư Vân không ngủ, nhưng Ngài thọ 120 tuổi, tâm trí siêu việt. HT. Thích Trí Tịnh không ngủ nhưng Ngài vẫn khỏe, khi siêu âm thì nội tạng vẫn tốt. HT.Quảng Khâm nói rằng khi ta đạt đến nhất tâm bất loạn thì ăn ngủ không thành vấn đề. Các vị tu khổ hạnh (thân càng khổ thì tâm càng an lạc) thì ngủ ngồi; thực ra cách ngồi kiết già để vào định, chứ không phải là ngủ như chúng ta.Thật vậy, nếu ngồi mà ngủ thì thân sẽ ngả nghiêng, lưng, cổ không thẳng, khí huyết lưu thông gặp trở ngại sẽ bị bịnh ngay, làm sao các Ngài có thể ngủ ngồi cả trăm năm như HT. Hư Vân, năm, sáu mươi năm như HT. Tuyên Hóa, Quạng Khâm. (HT. Quảng Khâm tuy ở chùa nhưng Ngài không vào chùa ngủ, mà ngồi kiết già thiền định ở ngoài sân) . Có một Phật tử hiếu kỳ hỏi HT. Tuyên Hóa:

- Ban đêm ngủ ngồi có ích chi?
Đáp:- Tối ngủ ngồi là không nằm xuống ngủ, chúng ta không những tiết kiệm được giấc ngủ mà tinh thần càng sáng suốt hơn và hàng phục được tâm dâm dục nữa (tức vào định)(4)

-GIỮ ẤM THÂN NHIỆT

Khả năng chịu đựng của con người có giới hạn nhất định, không thể chịu đựng được nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh. Có người cho rằng Đức Phật Thích Ca tu trên núi Tuyết là huyền thoại, vì làm sao con người lại chịu được cái lạnh của tuyết trong sáu năm. Nhưng, các đệ tử của Ngài hơn 2500 năm sau đã chứng minh điều đó như HT. Hư Vân, Quảng Khâm chỉ có áo vải mà ẩn tu trên núi trong một thời gian khá dài. Mùa đông ở Trung Quốc nhiệt độ âm rất lạnh. HT.Tuyên Hóa kể: “ Ở Đông Bắc vào mùa đông, thường thường là 33, 34 độ dưới 0 độ, khi xuống 38 độ dưới 0 là nhất định rét cóng chết người được. Khi thời tiết như vậy, tôi lại phát nguyện không mặc áo len, chăn bông, chỉ mặc áo vải…Tôi đi chân không trên tuyết, chân rét nhưng không bị tổn thương. Tôi tiết kiệm các y phục để dành hồi hướng cho người không có đồ mặc…Nếu người nào phát nguyện gì tức Phật, Bồ Tát sẽ mãn nguyện cho người ấy”(5). Khoa học không thể nào lý giải được, cũng không thể phản bác được, vì các vị chân tu đã chứng minh được điều mình nói(nói được thì làm được)

Sự so sánh nhỏ ở trên (mới chỉ là một lãnh vực) đã làm nổi bật sự tương phản, nhờ đó mà thấy được tính siêu khoa học. Tại sao gọi siêu khoa học? Vì các vị chân tu không dựa vào kiến thức của khoa học mà vẫn sống tốt hơn; chẳng những tốt hơn mà còn làm được những việc phi thường, tưởng như trong cổ tích ,HT.Hư Vân kể : “Mùa xuân, từ Đình Quan Âm, chúng tôi bắt đầu chở ngọc Phật đi, thuê tám người khiêng, giao hẹn rõ ràng…nhưng những người khiêng thuê nghi trong tượng có giấu tiền, vàng chi đó…họ muốn tăng thù lao lên gấp đôi. Tôi biết không thể cãi lý với họ, chợt thấy ven đường có tảng đá to, nặng gấp ba lần tượng Phật, tôi liền bảo họ:
-Tảng đá này so với tượng Phật, bên nào nặng hơn?

Họ Đáp:- Đá nặng gấp mấy lần!...Tôi bèn đưa hai tay nhấc bổng hòn đá lên khỏi mặt đất. Bọn họ le lưỡi, cảm phục …xá tôi …Họ chẳng còn đòi hỏi gì nữa…(6)

Một người “suy dinh dưỡng” trầm trọng và không ngủ, lại mạnh hơn lực sĩ và thọ đến 120 tuổi, tỉnh táo đến phút cuối cùng. Chắc có người cho là nhờ một sự bí ẩn nào đó. Phật pháp rất quang minh, không có gì là bí mật cả, bất cứ ai làm đúng phương pháp thì đều có kết quả, nghĩa là rất khoa học .Phật pháp có nhiều pháp môn (pháp môn nào cũng TỪ BI); mỗi pháp môn có một cách hành trì riêng, tùy thuộc vào căn cơ, hoàn cảnh của mỗi người, như Tịnh Độ Tông thì phát Bồ Đề tâm, tín, nguyện, hạnh(niệm Phật), ai tinh tấn, người đó sẽ được vãng sinh, không phân biệt xuất gia hay tại gia (ngày nay, vãng sinh đã trở thành chuyện thường ngày). Với cách tu khổ hạnh (hạnh Đầu Đà), tuy khó nhưng nếu chịu “khổ thông” sẽ được thần thông. HT.Quảng Khâm khi xuất gia, được HT. Chuyển Trần dạy: “ Ăn thức ăn mà người không muốn ăn, mặc cái mà người không muốn mặc, làm cái mà người không muốn làm, về sau con sẽ rõ”. Và về sau, Ngài đã trở thành một vị Thánh, một bậc ĐẠI TỪ BI.

Quả Thuấn, như đã đề cập ở trên, khi xin xuất gia, HT. Tuyên Hóa đã đưa những điều kiện rất cụ thể: “xuất gia là việc cực khổ, cần nhẫn điều mà người ta không nhẫn được, nhường những điều mà người ta không nhường được, ăn cái mà người ta không thể ăn, mặc cái mà người ta không thể mặc, quên mình vì người, bỏ việc tư vì việc công, mới chính là bổn phận của người xuất gia. Nếu chú có thể làm được như vậy thì mới có thể xuất gia được”(7) (có lẽ chú là giang hồ nên HT.mới nói rõ ràng các điều kiện khắc nghiệt như vậy). Chú đã y giáo phụng hành và đã thành công: khai mở được TRÍ HUỆ và có được cái tâm TỪ BI của Bồ Tát.

Làm đúng cách thì đạt kết quả và nhiều người tự làm được thì đó chính là khoa học vậy. (Lời của HT.Tuyên hóa trên, đã tóm tắt phương pháp hành trì hạnh TỪ BI một cách hiệu quả nhất)

B- TỪ BI: PHƯƠNG THUỐC TRỊ BỊNH MẦU NHIỆM

Bịnh có ba loại: thân bịnh, tâm bịnh, nghiệp bịnh. Khó trị nhất là tâm bịnh và nghiệp bịnh. Tại sao con người lại bịnh? Đông y cho là do tà khí từ bên ngài xâm nhập vào cơ thể. Tà khí là gì? Đó là thời tiết, vi trùng, hóa chất độc hại, phóng xạ… Ngoài ra, còn có một loại độc tố nguy hiểm khác mà y học không thể nào nhận biết được. HT. Tuyên Hóa giảng: “ Những vọng tưởng về tà tri, tà kiến của chúng ta, như các tâm sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối ,sân hận,ghen ghét…đều chứa đựng độc tố bên trong, nên khi chúng phát ra sẽ làm cho không gian bị ô nhiễm. Bởi không gian chứa nhiều độc tố, thành thử hấp thụ vào cơ thể, cơ thể sẽ trúng độc…”(8) Bên ngoài tà khí xâm nhập vào; bên trong chính khí suy nên bịnh. Chính khí suy do rối loạn về tâm lý, tình cảm như hờn giận, lo lắng,buồn đau, tiếc thương …( tức lục dục thất tình dậy sóng trong tâm) kéo dài liên tục, bị đè nén,âm thầm chịu đựng. Nguyên nhân bên trong mới là chính yếu. Chính khí suy nên ngũ tạng bị ảnh hưởng,hệ thống miễn nhiễm suy, kháng thể yếu không có khả năng chống lại tà khí…

Chính khí là gì? Đó là chất vô hình, khả năng con người không thể biết được nhưng cảm nhận được, vì cảm nhận nên cách lý giải thường khác nhau. Chỉ có bậc TRÍ HUỆ mới giải thích được. HT. Tuyên Hóa giảng: “ Pháp nghĩa là gì? Quý vị trả lời: “Tôi biết rồi, đó là Pháp của Phật,của Pháp,của Tăng”.Thực ra quý vị chưa hiểu gì nhiều, nếu quý vị thực sự hiểu được ,quý vị đã không đánh mất Pháp của chính mình. Rốt cuộc, Pháp là gì? Pháp là khí chất sinh động của chúng ta. Trên nó thông cả thiên đường,dưới nó thấu cả địa ngục. Đến mức như chư Phật ,Bồ Tát cũng đồng một thể với chúng ta, vì khí chất sinh động ấy của chúng ta quán thôn tất cả. Khí này như hơi thở. Bao trùm và điều động được khí ấy gọi là Pháp. Do vậy,chúng ta dứt khoát cần phải nuôi dưỡng khí chất này. Chúng ta không nên đề thất tán mà phải tu tập nuôi dưỡng khí này. Nên nói:

Tài bồi tâm thượng địa
Hàm dưỡng tánh trung thiên

Nghĩa là: Vun trồng mảnh đất tâm,nuôi dưỡng chân tánh sáng như bầu trời…Nếu quý vị nuôi dưỡng khí chất của mình thì đừng có rời Pháp của mình…”

Qua lời giảng của Hòa thượng, ta thấy Pháp bao trùm và điều động khí(Pháp do tâm tạo ), tức tâm điều khiển khí, điều này cũng phù hợp với các môm phái khác như khí công (dùng ý để dẫn khí vào kinh mạch), và tâm cũng ảnh hưởng đến khí vì nó điều khiển khí. Tâm tán loạn thì khí cũng tán loạn nên phải bồi dưỡng mảnh đất tâm . Khi giảng phần này Hòa thượng liên hệ thực tế, Ngài hướng về Đạo tràng mà nói: “Khi tôi đến nhà bếp và trai đường,nghe quý vị nói chuyện như cái chợ, sau đó tôi thấy phòng ngủ cũng như cái chợ. Người mà không biết hạn chế lời nói của mình thì khó có khả năng tu tập. Nếu quý vị không hàm dưỡng tánh khí của mình thì quý vị sẽ không có Pháp”(9) . Điều này có nghĩa là nếu ta bàn chuyện thị phi như ngoài chợ thì Pháp khí sẽ bị đánh mất…Như vậy, Pháp khí phải được nuôi dưỡng bởi chân tâm, tức tâm Phật hay tâm TỪ BI. Do đó , muốn lục dục, thất tình không dậy sóng để bảo vệ chính khí, tránh tà khí xâm nhập, ta phải có tâm TỪ BI . Đây cũng là lý do tại sao các vị chân tu chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt, cũng như không quan tâm đến vệ sinh, an toàn thực phẩm mà vẫn khỏa mạnh.

Tâm TỪ BI giữ được chính khí nên diệt được tà khí giúp con người được khỏe mạnh. Nhưng trong thời Mạt Pháp này, nhất là sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật tạo ra quá nhiều tiện nghi vật chất làm cho dục vọng dâng cao, tâm tán loạn (cơ giới sinh cơ tâm), con người vẫn sống “khỏe”, và thực tế là y học vẫn trị được bịnh,vậy có mâu thuẫn với Phật Pháp ?

Không phải tâm tán loạn là sinh ra bịnh ngay tức khắc, mà phải trải qua một thời gian dài mới thành tâm bịnh,và còn tùy thuộc vào phước đức ở tiền kiếp nên mới có câu
: “ phước chủ may thầy”, mới có người ác vẫn sống thọ . Không ai có thể phủ nhận sự thành công nhất định của y học, nhưng y học chỉ trị bịnh mà không trị tâm, tức trị ngọn chứ không trị gốc nên bịnh nhân chỉ khá trong một thời gian hoặc khá bịnh này lại sinh ra bịnh khác (vì cái gốc tâm bịnh vẫn còn), giống như ta chặt nhánh cây này thì cây sinh ra nhánh khác. Vì sao? Vì gốc rễ vẫn còn. Nếu như sự tiến bộ của y học chữa trị bịnh của con người như Thần Thánh thì bệnh nhân phải càng ngày càng giảm.Trái lại, khoa học và y học càng tiến bộ thì bệnh viện ngày càng nhiều, diệt được bịnh này thì bịnh khác sinh ra... ( cái vòng lẩn quẩn)

Tâm bịnh là do con người tạo ra nên có thể điều trị được, nhưng nghiệp bịnh thì rất khó, thuốc men không có tác dụng. Nghiệp bịnh là quả báo mà mình phải trả, phải gánh chịu, do trong tiền kiếp mình đã hại chúng sinh, nhất là sát sanh. Và bây giờ họ tìm ta để đòi nợ. Họ nhập vào bộ phận nào đó của cơ thể thì bộ phận đó sẽ bị đau, có khi nhập rồi xuất, xuất rồi nhập, liên tục (người ta thường gọi là bịnh giả vờ), nếu vào não bộ thì cho là điên, khùng, (dân gian thì cho là ma nhập). Nợ của người ở thế gian còn có thể trốn tránh được, còn nợ với oan gia trái chủ (vô hình) thì không thể. Phật Pháp giúp ta cách hóa giải nghiệp chướng này, đó là sám hối, làm việc thiện, phóng sinh, giới sát, niệm Phật, trì chú Vãng Sanh, (ăn chay càng tốt) rồi hồi hướng cho oan gia trái chủ (quý vị nên tìm đọc VĂN PHÁT NGUYỆN SÁM HỐI của HT. Tịnh Không để hiểu rõ và hành trì). Nếu thành tâm sẽ có kết quả tốt (tin thì thật, thành thì linh). Thực ra, ma quỷ cũng là chúng sinh, đều có Phật tánh, nghĩa là điều có tâm TỪ BI, nhưng vì sân hận , oán thù nên chủng tử ác hiện hành trong tâm thức, còn chủng tử thiện thì chìm sâu, nên họ ác với ta. Nếu ta chân thành sám hối và hồi hướng công đức cho họ, làm cho tâm họ được nhẹ nhàng( nhẹ là dương; dương là thiện),Chủng tử thiện có cơ hội huân trưởng và tăng trưởng, họ sẽ có thiện cảm với ta, không còn oán thù (thù trở thành bạn).

Chúng ta sinh ra ở cõi Ta Bà này là do nghiệp, trong đó có nghiệp sát hại chúng sanh nên ai cũng có oan gia trái chủ. Nhưng tại sao chúng lại đến tìm người này mà không tìm người kia? Vì chỉ khi nào phước diệt, họa mới sinh, chúng phải chờ đợi khi có cơ hội, tức là lúc phước ta suy, diệt. Người có phước đức sâu dày (từ kiếp trước hoặc tạo ra ở kiếp này) thì không có một thế lực nào có thể hại được. Do đó, chúng ta cần phải tu hành như không sát sinh, ăn chay, làm việc thiện, niệm Phật để có công đức và phước đức (tu là phước lớn nhất). Vả lại, tu hành chính là “bồi dưỡng mảnh đất tâm, hàm dưỡng tánh trung thiên”, bảo vệ chính khí, diệt tà khí. (ma quỷ cũng là tà khí)

Có một bà lão họ Trương bị bịnh tê liệt tay chân đã ba năm tìm đến HT. Tuyên Hóa xin được trị bịnh. Hòa Thượng nói: “Tôi không hiểu y học! Nếu bà muốn khỏi bịnh, chỉ có thể dựa vào lòng thành, đồng thời ăn chay và niệm Phật, tất sẽ có cảm ứng” Bà nghe lời Hòa Thượng khai thị, qua 100 ngày sau , bà được lành bịnh. Sau đó cả nhà bà đều quy y, dốc lòng làm việc thiện.(10)

Ông Đái Quốc Hiền bị bịnh phổi bất trị. Quá tuyệt vọng, ông cầu Hòa Thượng cứu mạng. Ngài dạy ông chí thành niệm Quan Thế Âm Bồ Tát, phát nguyện không sát sinh,ăn chay. Ông hoan hỷ tín thọ… Từ đó, ông quy y Tam Bảo, trì chú Đại Bi và không ngừng xưng niệm Quan Thế Âm Bồ Tát nên ông được lành bịnh như ý nguyện.(10b)

Phương thuốc trị bịnh ở trên là không sát sinh, ăn chay, làm việc thiện, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, hồi hướng công đức… gọi tắt là tâm TỪ BI. Các vị chân tu đã “ thử nghiệm” và đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Thuốc đã có sẵn trong tâm, không tốn tiền mua, không tốn công đi tìm, nhưng người sử dụng phải có lòng tin, lòng thành thì mới linh ứng

C-TỪ BI: HÓA GIẢI ĐƯỢC TAI HỌA:

Tai họa của con người gây ra là do nghiệp ác, nghiệp ác dễ làm hơn là thiện nên “phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Nghiêp có cộng nghiệp và biệt nghiệp.

Nghiệp cá nhân, chủ nợ đóng rất nhiều vai: có thể là người nhà, lối xóm, bạn bè, người yêu, quen có , lạ có, có khi là thú vật, ma quỷ... Ta luôn ở trong thế “tứ bề thọ địch”, không biết đâu mà tránh ( “họa phúc vô môn”). Chủ nợ đến để đòi mạng, đòi nợ, gây thương tích, gây khó khăn, nói xấu… nhẹ nhất là ác cảm . Khi nhân gặp duyên thì quả báo xảy ra, có khi không cần một lý do chính đáng nào cả (như một sự va quẹt nhẹ, một cái nhìn, một câu nói đùa cũng xảy ra án mạng). Người ta thường nói sự cố xảy ra như vậy thật là phi lý, nhưng Phật Pháp tìm ra cái lý trong sự phi lý đó, đó là luật nhân quả. Chẳng những giải thích được mà còn có cách hóa giải rất mầu nhiệm.

HT.Huyền Diệu kể một câu chuyện vui (tôi không ghi chép nên chỉ nhớ đại khái): có một bà đến tìm thầy để nhờ ếm bùa hại bọn thanh niên lối xóm, vì chúng thường gây phiền phức cho bà. Thầy nói vui: “Bà muốn tôi giết chúng phải không?”. Bà đáp: “Phải!” (bà không rành về Phật Pháp) . Thầy ân cần giải thích về luật nhân quả và chỉ cách hóa giải hận thù: lạy sám hối. Thầy bảo bà đọc tên từng người rồi lạy sám hối họ trong ba tháng (vì bà có lỗi với họ ở tiền kiếp). Năm sau, thầy về nước, bà tìm thầy cảm ơn và nói: “Thầy nói lạy ba tháng, nhưng mới có tháng rưỡi mà thành công, giờ chúng thương tôi lắm”11). Tâm chúng sinh giống như cái máy thu sóng và phát sóng (tất cả các cảnh giới đều có trong tâm ), nên lời sám hối sẽ đến đúng đối tượng, sự sân hận không còn nữa. Trước đây mỗi lần đụng chuyện với chúng, bà rất giận, vô tình tạo duyên sân hận làm cho chủng tử sân hận trong tâm của chúng tăng trưởng, và huân trưởng nhanh chóng nên oán thù ngày thêm chồng chất (bà muốn giết chúng). Nếu như không hóa giải bằng cách lạy sám hối, thì thảm họa sẽ đến cho cả hai.

Lạy sám hối khi biết được đối tượng rất mầu nhiệm, nhưng chỉ là nhất thời, chứ không phải là phương pháp phòng ngừa. Phòng ngừa mới thực sự cần thiết, vì chúng ta đâu chỉ có một oan gia, trái chủ mà vô số (từ trong nhà ra ngoài phố). Chẳng những oan gia, trái chủ hữu hình mà còn vô hình (ma, quỷ), chúng chờ đợi cơ hội thích hợp, tác động váo tâm thức ta , khiến ta mê mờ, không còn tỉnh táo rồi gây ra tai nạn, hoặc nhập vào một người nào đó để hại ta (như nhập vào người say rượu, say thuốc, nên mới gọi là ma men, ma túy )

Phương pháp phòng ngừa là tu hành (giới sát, ăn chay, làm việc thiện, niệm Phật…) và ngày nào cũng hồi hướng công đức cho oan gia, trái chủ từ vô lượng kiếp đến nay. Nhờ vậy mà oán thù được giải, cuộc sống được an vui . Như đã nói, tu hành cũng chính là vun bồi phước đức, phước đức lớn thì họa không thể hại được.

Họa đo cộng nghiệp (nhiều người cùng tạo nghiệp ác nên cùng nhận quả báo). HT. Hư Vân thuật lại một trận động đất kinh hoàng ở Đại Lý như sau : “Năm này, tôi đang giảng kinh ở Long Hoa Sơn, thì 4 huyện ở phủ Đại Lý phát sinh địa chấn kinh hồn, tại Đại lý là nặng nhất: nhà cửa, thành quách đều nhất loạt sụp đổ không còn gì. Chỉ có chùa viện, bảo tháp là không đổ…Trong cơn địa chấn đất rung chuyển trầm trọng, còn phát sinh ra lửa cháy ngùn ngụt tràn lan. Người ta tranh nhau chạy tránh nạn, thì dưới chân đất bỗng nứt ra, làm họ bị lọt xuống mắc kẹt trong đó, họ cố hết sức trèo lên, nhưng vừa ló được cái đầu thì đất liền khép lại, cắt đầu đứt lìa thân thể họ, nằm mắc kẹt trên đất. Cảnh tượng hãi hùng nhìn giống như người đang sống mà bị hãm trong địa ngục lửa thiêu, thảm đến mắt chẳng dám nhìn.

Mấy ngàn hộ dân trong thành tử nạn gần hết, sống sót rất ít.Trong đó có hai tiệm vàng: tiệm Vạn Xương của họ Triệu và tiệm Trạm Nhiên của họ Dương. Khi lửa cháy đến nhà hai gia đình này thì tự tắt.Chỗ họ ở cũng không bị địa chấn. Nhân khẩu mỗi nhà có mấy mươi người, tất cả đều bình an vô sự . Nguyên do là hai họ này, đời đời ăn chay trường và hay làm phước bố thí nên mới chiêu cảm được quả lành hi hữu như vậy. Ai biết được cũng đều xúc động.”(12). Trường chay và làm việc thiện mới chỉ là một phần của tâm TỪ BI mà vẫn có được sự nhiệm mầu không thể nghĩ bàn.

D- TỪ BI HÓA GIẢI ĐƯỢC SỐ MẠNG

Số mạng chính là luật nhân quả (trong dân gian và thi ca thường gọi là số trời). Đại sư Ấn Quang khuyên những ai tin vào số mạng nên đọc “Liễu phàm tứ huấn”. Đây là tác phẩm rất hay, nói về việc cải số, con người hoàn toàn làm được. Xin tóm lược vài nét chính: Liễu Phàm, họ Viên tên Huỳnh, tự Khôn Nghị, người Giang Nam, đời Minh, sinh năm 1535 mất 1609. Ông gặp Khổng tiên sinh, một nhà tướng số rất nổi tiếng đoán tương lai vận mệnh như : thi ở huyện đậu hạng 14, thi ở phủ hạng71,thi ở Đề Đốc hạng 9, đậu tú tài, làm quan 3 năm rưỡi rồi xin về hưu, mất giờ sửu ngày 14 tháng 8, thọ 53 tuổi, không có con.

Trải qua các kỳ thi ấy, đúng từng chi tiết.Từ đó, ông thối chí (vì biết trước số phận của mình chắc chắn sẽ như vậy). Một hôm, ông gặp Thiền sư Vân Cốc, Ngài giảng dạy cho ông về cách cải số rất hay như: “Mạng do ta tạo (tức luật nhân quả), phước do ta tìm (tức tu hành, làm nhiều việc thiện). Số mạng chỉ chi phối cho những người suốt đời xuôi chiều theo tánh mình, không biết thay đổi mà thôi; còn đối với những người có sự chuyển biến mạnh mẽ thì số mạng không thể chi phối…”Ông hoàn toàn tin phục những lời dạy của Thiền sư. Ông sám hối, phát nguyện làm việc thiện… tinh tấn từng ngày ( mỗi ngày đều ghi sổ), được sự trợ giúp đắc lực của vợ. Sau một thời gian dài, kết quả tốt đẹp mở ra, khác hẳn với lời tiên đoán của Khổng tiên sinh. Ông có một người con trai, đậu tiến sĩ, làm quan lâu dài, thọ 74 tuổi.!(13)

HT. Tịnh Không nói rằng theo tướng số thì Ngài chỉ thọ 45 tuổi(vì cằm ngắn), nhưng Ngài xuất gia thì tuổi thọ tăng lên gần gấp đôi. Năm 45 tuổi chỉ xảy ra một trận đau nặng mà thôi. Ngài còn nói thêm là thầy Lý Bỉnh Nam cũng vậy.

Ông Phan Tế Thời là người rất giàu có ở huyện Song Thành, hai vợ chồng đã quá 40 tuổi vẫn không có con, nên rất lấy làm hối tiếc. Họ rất ngưỡng mộ H T. Tuyên Hóa và thỉnh Ngài chỉ dạy cho việc cầu con, Hòa thượng bảo: “Ông nên làm nhiều việc thiện, sao ông không đem phân nửa tài sản của ông bố thí cho tất cả chúng sinh để tích lũy công đức. Nếu làm được như vậy, tin rằng ông sẽ được mãn nguyện”. Nghe theo lời chỉ bảo, ông bèn phát tâm bố thí, sửa chùa, tạc tượng, cúng dường Tam Bảo, trợ giúp hội từ thiện. Qua năm sau, vợ ông sinh được một bé trai, đặt tên là Thí Đức. Bé này thông minh lanh lợi. Sau khi có con, ông càng tin sâu vào Phật pháp, hằng ngày tụng kinh, niệm Phật, làm việc thiện…(14)

Người xưa nói : “Đức năng thắng số”, “ ở hiền gặp lành”quả thật không sai. Trước đây, chúng tôi có hỏi GS. Giản Chi về thuyết số mạng, thầy nói rằng câu “tam phần nhân, thất phần thiên”( người 3, trời 7)nên sửa là “tứ phần nhân” mới đúng. Lời dạy của thầy rất hay, đề cao sự nổ lực, phấn đấu của con người. Nay, tìm hiểu về Phật pháp, ta lại thấy khả năng của con người chẳng những là “tam, tứ, ngũ…phần”, mà có thể thay đổi tận gốc rễ về “số trời”. Tại sao? Vì khi ta phát tâm TỪ BI,làm việc phước đức, tức là mình đã tạo DUYÊN cho chủng tử TỪ BI(vốn có) trong tạng thức tăng trưởng, huân trưởng, hiện hành trong tâm. Tâm được điều hành bởi chủng tử hiện hành đó. Pháp do tâm tạo, tức cảnh giới bên ngoài đều do tâm cả. Tâm động bên trong (tham, sân, si) thì bên ngoài sẽ động (trong ngoài hợp nhất), cuộc sống sẽ gặp nhiều đau khổ, chướng ngại; nếu tâm thanh tịnh(TỪ BI) thì sẽ có cảnh giới bên ngoài bình yên, may mắn , chiêu cảm được những ước mơ chân chính (tùy thuộc vào công phu tu tập).
Đây là câu chuyện “Ăn mày học cách tạo mạng”: Có một gã ăn mày tên là Kỷ Đại Phúc thường lui tới chòi rơm lễ bái HT. Tuyên Hóa. Gã thỉnh vấn Hòa thượng:“ Tại sao đời này con lại bần cùng như vậy”. Ngài giải thích đạo lý nhân quả ba đời, và dạy: “…Do nhân gì mà đời này chịu cảnh hèn? Là bởi đời trước keo kiệt, không muốn cứu tế người nghèo.” Kỷ Đại Phúc nói: “Con thường tự nghĩ, con đã không làm chuyện gì thiếu lương tâm, mà giờ đây chịu cảnh cùng khốn…,vậy chắc là do đời trước con đã keo kiệt, bủn xỉn, không biết bố thí. Ngài có biện pháp nào cứu vãn cho đời sau này của con không?”. Hòa thượng đáp: “ Quân tử học cách tạo mạng, chỉ cần ông bắt đầu từ đây, nổ lực làm việc thiện, quảng tích âm đức, tức ông có thể tự tạo cho mình một vận mạng mới, vậy có phúc nào mà cầu không được?”...Kỷ Đại Phúc nghe xong rất đỗi vui mừng, phát nguyện…,thỉnh cầu quy y Tam Bảo.

Từ đó về sau, lúc đi ăn xin, miệng ông niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” không gián đoạn. Khi xin được tiền, gạo ông đem tế bần, giúp người . Qua nhiều năm tháng tinh tấn, vào mùa đông năm Dân Quốc thứ 29(1940), ông biết trước ngày giờ vãng sinh, an tường qua đời trong tiếng niệm Phật.(15) Như vậy, ông đã thay đổi tận gốc rễ số mạng (cho dù kiếp sau có được làm vua hay thành tiên cũng không thể sánh với cõi Cực Lạc được)

E- TỪ BI: HÀNG PHỤC ĐƯỢC THÚ DỮ

Trước hết, xin được phép ghi lại lời của Bảo Đăng, tác giả “ VÔ NHẤT ĐẠI SƯ, HÒA THƯỢNG THÍCH THIỀN TÂM”: “Người đọc cần phải hội đủ lòng tin và dùng tâm trân trọng, chớ nên nói rằng thời buổi khoa học này thì làm gì có các sự việc như vậy, hoặc là chừng nào tôi thấy thì tôi mới tin v.v…Bởi vì đây không phải là cảnh giới của mình, không phải là công đức tu hành của mình (tức là mình tu chưa đạt đến mức như vậy)…Có nhiều người (tại gia lẫn xuất gia) mỗi khi nghe nói ở phương nào đó có một Thượng tọa hay Hòa thượng tu cao, đạt vài ba sự phi thường(mà họ không bao giờ có được) thì họ hoặc bĩu môi,hoặc là cười nhạo…(họ chẳng tin có người đắc đạo mặc dù họ là người có đạo, và đang tu theo đạo)”

HT Thích Thiền Tâm ẩn tu ở Phú An, Đại Ninh, Lâm Đồng, một vùng có rất nhiều rắn độc. Một hôm, sau khi làm vườn xong, Ngài trở vào thì thấy một con rắn quấn đuôi trên cửa, há miệng, le lưỡi, thở khò khè. Ban đầu,Ngài cũng có ý sợ, chần chờ không dám bước qua, nhưng lại nghĩ chẳng lẽ đứng ở ngoài sân hoài, dùng cây đuổi thì gây oán thù. Ngài niệm Phật và nghĩ đến phép quán TỪ BI mà bước vào. Con rắn đánh đu bên này, bên kia chạm vào mặt, vào cổ mà không hề cắn. Có hôm, khi Ngài vừa ngủ dậy, đặt chân xuống thì trúng mình con rắn, nhưng nó vẫn không phản ứng… Sau đó, Ngài biết là rắn vào nghe kinh… Ngài đã quy y cho chúng. Đây là loại rắn thần, có khả năng biến hình và nghe được tiếng người . Và, rắn đã hộ pháp cho Ngài…Hòa Thượng viên tịch năm 1992. Ngày khai mộ (21- 12-1992) có đôi kim xà đến viếng mộ, chúng nằm yên trước mộ một lát, rồi cất đầu lên ba lần, nhìn trưởng tử Thanh Nguyệt, sau đó bò vào đám tranh, mất dạng…(Câu chuyện còn dài và có nhiều chi tiết khá thú vị , có ghi hình đôi kim xà).(16)

Và, đây là câu chuyện “Mãnh hổ quy y” với HT Quảng Khâm: “Một hôm như thường lệ, Sư ngồi thiền trong động, bỗng nghe mùi tanh nồng nặc theo gió bay vào, Sư lấy làm lạ. Trong bối cảnh mơ hồ, dường như có vật gì to lớn lần bước vào trong động. Sư mở mắt nhìn kỹ, không ngờ đó là con mãnh hổ…Sư thốt lên: “A Di Đà Phật”, mãnh hổ …kinh hãi, vụt tháo chạy. Sau phút kinh hồn, nó lấy lại tinh thần… từng bước, từng bước tiến vào hang động…Sư nói: “ A Di Đà Phật! Lão hổ đừng sân hận! Oan oan tương báo không bao giờ dứt, ngươi ở đây thì ta sẽ ra ngoài, còn ngươi nhường nơi này cho ta tu hành thì sau khi ta thành đạo, sẽ độ cho ngươi…”. Mãnh hổ nghe lời Sư nói, không biết có hiểu hay không, nhưng nó đứng lại… Thật bất ngờ, mãnh hổ gật đầu như tỏ dấu thần phục…Sau đó nó dắt vợ con đến trước Sư mà đùa giỡn, trình diễn các kiểu múa vờn cho Sư xem, nhiều lần gật đầu như cầu xin việc gì. Sư liền quy y cho chúng”.(17)

HT. Hư Vân kể : “Ngày 17 tháng 11 âm lịch, tôi làm lễ kết giới ở chánh điện. Vào đêm thuyết giới Bồ Tát, có con cọp đến quy y, đại chúng đều kinh hoảng. Tôi thuyết giới cho nó xong, nó hiền lành ra đi”. Câu chuyện này được đệ tử Ngài kể tiếp: “ Mùa đông,năm 1934,Sư khai đạo tràng, các vị quan lớn quý tộc đều dẫn quân lính theo. Đêm ấy, người cháu của Giang Khổng Vân đang đứng trên Tàng Kinh Các bỗng thấy ngoài cổng có hai luồng điện xanh lè, bèn đến gần xem, mới hay là con cọp, ông kêu ầm lên, binh lính giương súng định bắn, Sư vội đến nơi , cọp liền nằm mọp dưới thềm.

Sư thuyết Tam Quy cho nó nghe, dặn hãy vào ẩn trong núi sâu, đừng làm hại người. Cọp khấn đầu ba lần,rồi bước đi, song vẫn ngoái lại với vẻ rất lưu luyến. Từ đó, mỗi năm nó về thăm Sư một hai lần…”-lược ghi-(18)

Răng nanh và móng vuốt của hổ, sói không đáng ngại, chỉ ngại nhất là cái tâm tham (tham ăn) và sân si (hiếu chiến, dã man). Các vị chân tu đã hàng phục được cái tâm tham, sân, si thì chúng rất hiền lành như con hổ trong câu chuyện trên.

Nhờ đâu mà các bậc chân tu hàng phục được? HT. Tuyên Hóa đã giúp chúng ta lời giải đáp qua “Vượt bảy thử thách”(bảy của ải ), khi Ngài thủ hiếu ở mộ phần của mẹ. Chúng tôi chọn ải số 2, đó là ải muỗi. Lời kể có chút khôi hài nhưng lại chứa một bài pháp thâm thúy: “ Ở Đông Bắc vào tháng ba không có muỗi, nhưng không biết sao vào tối hôm thứ hai thủ hiếu, có rất nhiều muỗi bay tới kêu vo ve rất lớn…Tôi vốn có thể đập chúng chết hết, nhưng tôi đang để tang mẹ, làm vậy sẽ có lỗi với mẹ tôi sao ?Được rồi ! Tôi bèn phát tâm bố thí, tôi nói: “ Xin chúng bay cứ việc tha hồ hút máu, tao đãi khách đó!Tôi vừa cởi áo ra, chúng liền bay tới đậu tấp nập trên thân tôi, nhưng chưa chích tôi mũi nào thì tức khắc bay đi. Các vị thấy có kỳ quái không? Từ đó trở đi, tôi ở mộ phần thủ hiếu, không khi nào muỗi đốt. Nhưng khách tới thăm tôi đều bị muỗi chích đốt tứ tung. Họ nói: “ ái da, đâu mà nhiều muỗi thế, sao có nhiều vị bác sĩ bác quá vậy!”…

Tôi nói ra đây, phải chăng giống như chuyện thần thoại? Các vị nghe rồi có thấy buồn cười không? Thật ra, điều này chẳng vui chút nào! Vì ngay lúc đó, nếu tôi không có tâm bố thí…thì chúng dễ gì bỏ qua cho tôi. Lúc đó tôi nghĩ: “Được, ta bố thí máu này cho chúng bay! Chúng bay hãy hút hết máu ta đi, dù có chết nơi đây ta cũng không báo thù chúng bay đâu. Ta không những không báo thù mà nếu thành Phật, ta vẫn sẽ hóa độ cho loài muỗi mòng và làm bạn với chúng bay. Một khi nghĩ vậy rồi tức bọn muỗi làm bạn với tôi, nên dù có đậu trên thân tôi, chúng cũng không nhẫn tâm hút máu của tôi. Các vị xem có phải là do có lực cảm ứng hay không? Nói tóm lại,một khi tôi thật sự phát tâm bố thí là chúng nó liền tha cho tôi… Do chuyện này, nên về sau tôi có cái bút hiệu là”Tỳ Kheo Muỗi”, vì tôi ký tên “Độ Luân” và “ Tuyên Hóa”này có một số người thấy rất đau đầu..” (19)

Hòa thượng đã phát Bồ Đề Tâm, chẳng những đem thân mình ra bố thí, mà còn nguyện độ cho chúng… Đó chính là tâm TỪ BI của BồTát (Con người vì sinh mệnh của mình mà giết hại dã man súc vật để nuôi thân; Bồ Tát vì mạng sống của chúng sinh mà hy sinh thân mạng của mình). Nhờ vậy mà có lực cảm ứng. . Cảm ứng là gì? Có CẢM nên mới có ỨNG (ỨNG là đáp lại, thuận theo ). Nếu mình TỪ BI với chúng, chúng cũng đem lòng TỪ BI đáp lại mình (“ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”), vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, tức tâm TỪ BI.TỪ BI có sự mầu nhiệm, siêu việt hơn cả thần thông, vì thần thông chỉ làm hạn chế, hoặc vô hiệu hóa khả năng đối phương chứ không thể biến thù thành bạn được. Nhưng có được cái tâm TỪ BI của các vị chân tu như HT. Thiền Tâm, Hư Vân, Quảng Khâm,Tuyên Hóa để cảm hóa chúng sinh là rất khó vì các Ngài là Bồ Tát, còn ta thì chỉ là Phật tử , còn nhiều tham, sân, si (nên luôn bị muỗi chích). Tuy nhiên, nếu tinh tấn hành trì hạnh TỪ BI, một ngày nào đó, mình cũng có chút lực cảm ứng, nếu không thì Ngài đâu có giảng rõ cho ta như vậy.

Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket