Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020

Về BTH-LƯỢC SỬ TỈNH BẾN TRE 07

 *- Cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn




Hơn 300 năm trước, vùng đất phía Nam của Đại Việt thuộc Phù Nam và Thủy Chân Lạp. Năm Canh Thân 1620, tình cảm hai quốc gia Việt-Miên khắng khít lúc chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1563-1635) gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Miên Chey Chettha II (?- 1628)

Trong sách Đế quốc Khơme viết "Nhà vua mới lên ngôi Chey Chettha II liền xây một cung điện ở Oudong, nơi đây ông long trọng cử hành lễ cưới một công chúa con vua An Nam . Bà nầy rất đẹp, chẳng bao lâu ảnh hưởng mạnh đến nhà vua . Nhờ bà, một sứ đoàn An Nam đã xin được phép Chey Chettha II lập thương điếm trong miền Nam Cao Miên, ở chính nơi ngày nay là Sài Gòn" (1). Công Nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, con gái thứ 2 của chúa Nguyễn Phúc Nguyên . Bà trở thành Hoàng Hậu nước Chân Lạp "Somdach Prei Peccac Vodey Prea Vorcac Ksatay"

Năm Quí Hợi 1623, sứ đoàn chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở tại Prei Nokor (Sài Gòn) để thu thuế - Chúa cũng điều đình với vua Miên cho lập một dinh điền tại Mô Xoài (gần Bà Rịa) để lưu dân Việt vào khai phá trồng trọt . Khi Chey Chettha II mất năm 1628, vùng đất Prei Nokor bao gồm Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa đã có nhiều dân Việt đến sinh sống

Biến cố tháng 4 1672 của nước Cao Miên, Nặc Ông Nôn xin chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687) sai cai cơ đạo Nguyễn Dương Lâm và tham mưu Nguyễn Đình Phái đem 2 cánh quân đánh Nặc Ông Đài ở Nam Vang và phá được đồn Sài Gòn .

Nặc Ông Đài thua chạy rồi chết ở trong rừng, con trưởng của em Nặc Ông Đài là Nặc (Ông) Thu được lập lên làm chánh quốc vương, cai trị nước Cao Miên, Nặc (Ông) Non làm phó vương trú ở Sài Gòn (2) và phải nạp cống hàng năm.

(Địa danh Sài Gòn được Lê Quí Đôn ghi trong Phủ Biên Tạp Lục năm 1776 là địa phương đã có từ năm 1672 . Hai chữ ..... đọc theo Hán Việt là Sài Côn, đọc theo Nôm là Sài Gòn . Ngày 11-4-1861 Thống đốc Louis Adolphe Bonard (1805 - 1867) ký nghị định xác định địa giới thành phố Sài Gòn)

Năm Kỷ Mùi :hun: 1679 có quan nhà Minh là Tổng trấn đất Long Môn (Quảng Tây) Dương Ngạn địch, phó tướng Hoàng Tiến cùng tổng binh 3 châu Cao Lôi Liêm, Trần Thượng Xuyên, phó tướng Trần An Bình, không chịu thần phục nhà Thanh đem hơn 50 chiếc thuyền và 3 000 quân xin làm dân Việt .

Chúa Hiền muốn khai hoang đất Chân Lạp bèn cho một nhóm do Trần Thượng Xuyên vào ở Bàn Lân xứ Lộc Dã (tức Đồng Nai thuộc Biên Hòa). Nhóm thứ hai do Dương Ngạn Địch xuống đất Cù Úc (Me-Sa) Mỹ Tho của Thủy Chân Lạp, lập ra 9 trường, lập ấp khai khẩn làm ăn và nạp thuế

Năm Canh Thân 1681, Mạc Cửu (1655- 1736) quê ở Phủ Lôi tỉnh Quảng Đông (Trung Hoa) vốn là một thương buôn trên đường biển qua Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai, cũng không chịu thần phục nhà Mãn Thanh chạy sang cư ngụ ở đất Chân Lạp. Thấy phủ Sài Mạt có nhiều thương buôn qua lại, nên ông mở sòng bạc, lấy tiền chiêu mộ lưu dân lập thành 7 thôn: Phú Quốc, Cần Bột, Rạch Giá, Luống Cày, Hương Úc, Cà Mau, Màng Khảm (tương truyền đất Màng Khảm có người Tiên thường hiện trên sông nên đặt tên là Hà Tiên) .

Nhờ có viên quan Chân Lạp nổi loạn, chúa (Hiển Tông) Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) chiếm giữ ba vùng đất Sài Gòn, Biên Hòa và Bà Rịa.

" Có viên quan Chân Lạp tên Êm nổi loạn, nhờ chúa Nguyễn giúp quân lính và đã hứa là sẽ nhường các tỉnh Prey Kôr (Sài Gòn), Kâmpeâp Srêkatrey (Biên Hòa), Bà Rịa để đền đáp .
Năm 1699, Êm đem quân Việt theo sông Mekong tiến lên đến Kompong Chnang, nhưng bị đẩy lui, trở về ba tỉnh nầy, Êm bị giết. Nhưng nhân đó, chúa Hiển Tông đã công khai chiếm đất ấy, đặt quan cai trị" (3)

Năm Mậu Dần 1698, chúa sai Nguyễn Hữu Kính làm Thống Suất vào thiết lập nền hành chánh tại Chân Lạp . Ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, đặt Biên Hòa làm Trấn biên dinh, Gia Định làm Phiên trấn dinh và Sài Gòn đổi làm huyện Tân Bình . Mỗi dinh đều đặt chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục . Lại chiêu dân từ Quảng Bình vào để lập thôn ấp và khai khẩn đất hoang .

Năm Mậu Tý 1708, Mạc Cửu đem dâng 7 xã thôn cho Minh Vương và được chúa phong chức Tổng binh giữ đất Hà Tiên

Năm KỷMùi 1731, có Sá Tốt người Ai Lao di cư ở Chân Lạp xúi dục người Chân Lạp nổi lên giết người Việt vùng Cầu Nam rồi xuống đánh cướp Gia Định. Chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Trú (có sách viết Chú, Thú ? (1697 - 1738) sai Thống Suất Trương Phước Vĩnh đem quân dẹp loạn . Cha con vua Miên là Nặc Yêm, Nặc Tha sợ tội xin tình nguyện dẹp giặc và nhiều lần Nặc Tha dùng kế mới giết được giặc Lào .

Sau cuộc đánh dẹp Sá Tốt thành công, năm Canh Thân 1732, chúa Ninh Vương buộc Nặc Tha nhượng 2 vùng đất Me-Sa (Cù Úc ?) (Mỹ Tho) và Long Hor (Vĩnh Long). Vùng đất Long Hor chúa đặt châu Định Viễn dinh Long Hồ thuộc Gia Định . Vùng đất Me-Sa chúa vẫn giữ nguyên trạng .

Năm Giáp Tý 1744, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765) sửa sang phép tắc, định lại triều phục và chia nước ra làm 12 dinh

Đất Chiêm Thành chia ra 9 dinh và đất Chân Lạp chia ra 3 dinh thuộc Gia Định phủ
1- Trấn Biên dinh (Biên Hòa)
2- Phiên Trấn dinh (Gia Định)
3- Long Hồ dinh (Vĩnh Long)

Năm Quí Dậu 1753, Võ Vương sai Nguyễn Cư Trinh làm Thống Suất đem quân sang đánh Nặc Nguyên .

Năm Ất Hợi 1755, Nặc Nguyên bị đánh bại bỏ chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ (1706 - 1780) dâng thư lên Võ Vương xin chuộc tội .

Năm Bính Tý 1756, Nặc Nguyên xin dâng 2 vùng đất Tầm Bôn (Tân An) và Lôi Lạp (Gò Công) và được chúa cho cải thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ thuộc phủ Gia Định

Không có nhận xét nào:


Visitor Map

web stats
Bản Đồ Hành Chánh Ba Tri
Photobucket Photobucket
Không Ảnh Thị Trấn Ba Tri
Photobucket
Photobucket